Sunday, September 30, 2018

HAI PHỤ NỨ ĐÃ THAY ĐỔI QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG Ở MỸ HÔM NAY (Ngọc Thu - Báo Tiếng Dân)




Ngọc Thu
30/09/2018

Thẩm phán Brett Kavanaugh là người được TT Trump đề cử làm thẩm phán Tối cao Pháp viện. Ông Kavanaugh đang đối mặt với các cáo buộc tấn công tình dục từ ba người phụ nữ. Một trong ba người đó là TS Christine Ford, hiện là GS tâm lý học, dạy đại học ở trường Palo Alto University và là nhà nghiên cứu tâm lý tại trường y của ĐH Stanford.

Hôm qua, cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh đã ra điều trần trực tiếp tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Như mọi người biết, trong buổi điều trần, khi được hỏi trực tiếp, mấy lần ông Brett Kavanaugh đều từ chối cuộc điều tra của FBI.

Khoan nói tới kết quả của buổi điều trần hôm qua ra sao, chỉ nói tới thái độ của ông Kavanaugh, đã làm cho mọi người lo ngại. Ông ta phản ứng như một đứa trẻ 5 tuổi, mất bình tĩnh, vừa nói, vừa khóc lóc, thái độ giận dữ, hung hăng, không đúng chuẩn mực của một ứng viên thẩm phán tòa tối cao.

Về kết quả điều trần, ông Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, cũng như một số người, trong đó có ông Trump nói rằng, cả lời nói của hai nhân vật chính là TS Ford lẫn thẩm phán Kavanaugh đều đáng tin cậy.

Một số thượng nghị sĩ lẫn bà Ford đề nghị FBI nên mở cuộc điều tra. Nhiều người lo ngại, nếu không có cuộc điều tra tới nơi, tới chốn, để ông Kavanaugh trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện, đó sẽ là vết nhơ đối với cơ quan tư pháp này, cũng như những hệ lụy mà nước Mỹ sẽ phải gánh chịu hàng chục năm tới, vì Kavanaugh sẽ trở thành thẩm phán suốt đời.

Giới luật pháp Mỹ cũng đã quay lưng lại với ông Kavanaugh, khi Hiệu trưởng trường Luật của Đại học Yale, là nơi ông Kavanaugh từng theo học, cũng kêu gọi FBI điều tra vụ bê bối của ông ta.

Nhân vật quyết định mọi sự thay đổi hôm nay chính là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake. Sau khi tuyên bố ủng hộ ông Kavanaugh làm thẩm phán tòa tối cao không được bao lâu, khi đang đi tới Ủy ban Tư pháp, ông Flake chạm trán với hai người phụ nữ ở tại thang máy gần đó. Hai người phụ nữ này là nạn nhân của những vụ tấn công tình dục, đã lớn tiếng chất vấn ông Flake, rằng tại sao ông có thể bỏ phiếu cho một người như ông Kavanaugh.

Xem clip:

Một trong hai người phụ nữ là bà Ana Maria Archila, giận dữ, nói trong nước mắt: “Những gì ông đang làm là cho phép một người thực sự vi phạm tình dục đối với một người phụ nữ, ngồi ở ghế Tối cao Pháp viện. Điều này không thể chấp nhận được. Ông có con cái trong gia đình. Hãy nghĩ về chúng. Tôi cũng có hai đứa con…”.

Ông Flake gật đầu và nhìn xuống sàn thang máy. Người phụ nữ thứ hai là cô Maria Gallagher nói rằng: “Tôi chính là người bị tấn công tình dục và không ai tin tôi. Tôi đã không nói với mọi người và ông đang nói với tất cả những người phụ nữ ở Mỹ rằng, họ chẳng quan trọng gì cả, họ nên im lặng bởi vì nếu họ nói với ông chuyện gì đã xảy ra với họ thì ông cũng mặc kệ họ…

Hãy nhìn vào tôi đi. Hãy nhìn tôi và nói với tôi rằng, những gì xảy ra đối với tôi là không quan trọng, rằng ông sẽ để cho những con người như thế đặt chân vào tòa án tối cao của đất nước này…”.

Vài tiếng sau, Thượng Nghị sĩ Jeff Flake đã làm mọi người ngạc nhiên khi ông thay đổi thái độ hoàn toàn. Ông Flake nói rằng, ông sẽ không bỏ phiếu ủng hộ ông Kavanaugh nếu không có cuộc điều tra của FBI. Ngoài ra, vài thượng nghị sĩ khác ở đảng Cộng Hòa cũng ủng hộ đề nghị của ông Flake, như bà Susan Collins và bà Lisa Murkowski. Cuối cùng, ông Trump cũng phải lên tiếng ủng hộ FBI điều tra, nhưng thời gian không quá một tuần.

Mặc dù Thượng Nghị sĩ Jeff Flake là người quyết định, nhưng có thể nói tiếng nói của hai người phụ nữ kia là bà Archila và cô Gallagher mới là tiếng nói quan trọng, quyết định sự thay đổi hôm nay.

Hai người phụ nữ đã thay đổi quyết định quan trọng ở Mỹ hôm nay. Hãy lên tiếng, nếu bạn muốn nhìn thấy sự thay đổi!

---------------------

XEM THÊM



Đoạn video clip sau đã khiến cho khá nhiều người dễ xúc động như mình phải cay mắt. Hai người phụ nữ không hề sợ hãi chặn thang máy của Thượng Nghị sĩ Jeff Flake (Republican – Arizona), vừa nức nở, vừa chất vấn tại sao ông lại có ý định bầu cho ứng cử viên thẩm phán Kavanaugh sau các cáo buộc Kavanaugh tấn công tình dục của 3 người phụ nữ.

Người phụ nữ nói bằng giọng rất to, kèm chút giận dữ và nức nở: “Hôm thứ hai, tôi đã đứng trước văn phòng ông và kể cho ông nghe về chuyện tôi từng bị tấn công tình dục. Tôi kể cho ông nghe vì tôi tin những gì Dr. Ford cáo buộc Kavanaugh là đúng. Điều ông đang làm là cho phép một người đã xâm phạm tình dục một phụ nữ được ngồi vào vị trí cao nhất của toà án tối cao. Ông đang làm gì vậy? Thật là khủng khiếp. Ông có con. Hãy nghĩ về chúng…”

VIDEO:

Một cô gái trẻ tuổi khác vừa khóc vừa nói thật lớn với Jeff Flake: “Tôi đã từng bị xâm phạm tình dục. Ông (Jeff Flake) đang nói với tất cả phụ nữ rằng họ không là gì cả – Họ nên im lặng bởi vì nếu như họ có nói cho ông nghe chuyện gì đã từng xảy ra với họ, ông cũng sẽ lờ thôi. Ông đang tìm cách giúp mang quyền lực đến cho Kavanaugh… Hãy nhìn tôi khi tôi đang nói chuyện với ông. Ông đang nói với tôi rằng chuyện tôi bị xâm hại không thành vấn đề, rằng chuyện gì xảy ra với tôi cũng chẳng thành vấn đề, và ông sẽ để cho những người xâm hại tình dục có được quyền lực…”

Jeff Flake không trả lời được một câu nào ngoài hai chữ “thank you”. Người phụ nữ nói thêm: “Nói thank you không phải là câu trả lời. Vấn đề này là TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA, thưa ông.”

Ánh mắt, cử chỉ của Jeff Flake thể hiện được sự lúng túng, chút lo sợ. Không biết có phải bị đánh động bởi nước mắt và sự thành thật của hai người phụ nữ trẻ này hay không, mà sau đó Jeff Flake đã thay đổi cục diện căng thẳng, khó quên trong lịch sử Hoa Kỳ. Jeff Flake đã yêu cầu Judiciary committee phải mở một cuộc điều tra FBI đối với Kavanaugh. Đây cũng là yêu cầu mà đảng Dân chủ đã liên tiếp đặt ra nhưng bị từ chối. Vì nắm thế thiểu số trong Thượng viện (và cả Hạ viện), nên đảng Dân chủ không có quyền yêu cầu Nhà Trắng nhờ FBI điều tra Kavanaugh…

1. Tự do ngôn luận: nền tảng quan trọng nhất của dân chủ

Sự khác biệt cơ bản của một đất nước tự do và độc tài là công dân có khả năng bày tỏ chính kiến và phản đối các chính sách sai trái của chính phủ mà không bị buộc tội. Tự do ngôn luận là nền tảng quan trọng, quyết định hầu hết các quyền tự do khác. Sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia không phải là chức trách độc quyền của chính phủ, nhưng còn phụ thuộc to lớn vào sự đóng góp ý kiến đúng đắn cũng như phê bình thiện chí về mọi hoạt động của chính phủ.

Ở những quốc gia dân chủ, việc công dân bày tỏ chính kiến về các vấn đề của nhà nước luôn được khuyến khích và hoan nghênh. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu: “Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn”.

Một thể chế dân chủ BẮT BUỘC PHẢI CÓ tiếng nói và hoạt động của ĐỐI LẬP cũng như của quốc dân. Một người nói ủng hộ dân chủ cho Việt Nam, thì cần phải HIỂU và TÔN TRỌNG các chuẩn mực và nền tảng của dân chủ. Một người kêu gọi dân chủ cho VN, nhưng lại nói “Không thích Trump thì đừng ở Mỹ nữa” thì có khác gì các DLV, cảm tình viên của chế độ độc tài cộng sản chửi rủa những tiếng nói bất đồng: “Chê bai VN thì đừng ở VN nữa”.

Tấn công quyền tự do chỉ trích lãnh đạo của người khác, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết trầm trọng về DÂN CHỦ. Dân chủ giản dị là chính quyền phải bảo đảm những quyền tự do TỐI THIỂU cho người dân: tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội. Và nếu như số “chống độc tài CS” có tư tưởng PHẢN DÂN CHỦ như thế này chiếm phần lớn thì sẽ có lợi hay hại cho con đường dân chủ?

Đánh đồng Trump với Hoa Kỳ không những là sai trái mà còn là một sự sỉ nhục với đại đa số người dân Mỹ (Trump thua Hilary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông). Sai trái ra sao, đọc thêm ở đây:

2. Trách nhiệm của quan chức với quốc dân

Sở dĩ mà hai người phụ nữ chặn và chất vấn Jeff Flake là bởi tin ông có thể thay đổi cục diện cũng như biết rằng các đại biểu QH phải có trách nhiệm với dân. Các vị trí của chính phủ và nhánh Tư pháp là do tổng thống (Trump) đề cử và sau đó phải được Senate thông qua. Nếu như Thượng viện KHÔNG đồng ý một ứng viên vào một chức vụ nào đó (vì nhiều lý do như ứng cử viên không đủ khả năng, bị tố cáo về tình dục, tội phạm…), thì tổng thống phải đề cử một ứng cử viên khác. Kiểm soát quyền lực lẫn nhau, nguyên tắc tản quyền là bản chất của thể chế dân chủ. Điều này KHÔNG THỂ xảy ra tại Việt Nam – bởi quy trình độc tài là “đảng cử – dân bầu” cũng như quốc hội gật theo chỉ thị của Bộ Chính trị.

3. Sự tham gia của giới trẻ củng cố xây dựng nền dân chủ

Một nền dân chủ KHỎE MẠNH không thể thiếu vắng sự tham gia và dấn thân của giới trẻ và các đoàn thể đối lập từ dân sự đến chính trị. Phần nào phải thừa nhận rằng vì Trump liên tục tấn công các định chế dân chủ, mà giới trẻ Mỹ ngày càng hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Người phụ nữ (đứng đối diện Jeff) khóc và chất vấn Jeff Flake là một thành viên của một tổ chức XHDS ủng hộ và đẩy mạnh dân chủ. Mình tin chắc rằng tổ chức này đã quyết tâm đứng đợi Jeff Flake tại thang máy để bày tỏ quan điểm. Rõ ràng, sự vững mạnh của nền dân chủ Mỹ có sự đóng góp vô cùng TO LỚN của các tổ chức XHDS với những thành viên rất năng động và tôn trọng các giá trị dân chủ.

Cách đây gần 100 năm cụ Phan Châu Trinh đã dạy rằng: “muốn có tự do độc lập thì phải có đoàn thể.” Việt Nam vẫn chịu ách độc tài toàn trị cũng vì thiếu đoàn thể, sự im lặng đáng sợ của trí thức và đặc biệt vì một vài tính xấu như độc tài, nhiều cái tôi quá lớn … đã ngăn cản các cá nhân kết hợp chặt chẽ với nhau.

mvp







No comments:

Post a Comment