Monday, September 24, 2018

CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH : MỸ - TRUNG SẼ ĐẤU ĐẾN MỨC NÀO? (Ngọc Lễ - VOA)




21/09/2018

Trung Quốc đang có những dấu hiệu hòa hoãn hơn trong khi Hoa Kỳ cũng khó lòng leo thang tối đa lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh những đợt đánh thuế sắp tới sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân Mỹ, một chuyên gia kinh tế ở Hoa Kỳ nói với VOA.

Washington và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại leo thang và hiện vẫn chưa thấy lối ra sau các đợt áp thuế qua lại liên tiếp vào hàng hóa của nhau. Đợt áp thuế mới nhất nhắm vào 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 60 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ vốn đều có hiệu lực kể từ ngày 24/9.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc với tổng giá trị trên 500 tỷ đô la với lý do ông cho là ‘Trung Quốc giao thương bất công với Mỹ’.

Các đợt đánh thuế của ông Trump có mục tiêu là buộc Trung Quốc phải thay đổi các chính sách thương mại của mình, trong đó có mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Mỹ, chấm dứt việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt việc trợ giá cho các công ty xuất cảng vào Mỹ và hủy bỏ điều luật buộc các công ty Mỹ hợp tác với Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.

Bắc Kinh nao núng?
Hiện giờ, mặc dù Bắc Kinh chính thức tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng cuộc chiến mậu dịch với Mỹ, nhưng ‘đã có dấu hiệu’ cho thấy Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về Quản lý thuộc Đại học DeVry, cho biết ông quan sát thấy Bắc Kinh đã ‘có các biện pháp dịu dàng và ve vuốt với Hoa Kỳ’ trong tuần qua.

“Những chiếc tàu buôn Hoa Kỳ đang neo đậu ngoài biển không cho nhập cảng hiện hải quan Trung Quốc đã cho vào,” ông dẫn chứng. “Họ (Bắc Kinh) cũng đang triệu tập một phái đoàn trung cấp để gặp phái đoàn Hoa Kỳ sắp đến.”

Theo ông Lộc phân tích thì mặc dù mạnh miệng như thế nhưng Bắc Kinh không thể đi đến cùng trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ vì họ ‘đang cạn dần lá bài để trả đũa’ và họ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Hoa Kỳ.

“Dù họ có trả đũa 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ nữa thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ dùng đến viên đạn cuối cùng là toàn bộ 150 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ,” ông nói. Trong khi đó, với trên 500 tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ thì Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để đánh thuế hàng Trung Quốc.

Ông Lộc cũng cho biết là phạm vi ảnh hưởng của thuế Trung Quốc hẹp hơn rất nhiều so với phạm vi ảnh hưởng của thuế Mỹ vì ‘thuế Trung Quốc chỉ nhắm vào một vài sản phẩm của Mỹ như là ngũ cốc, sản phẩm nông nghiệp, thép, nhôm, xe cộ trong khi thuế Mỹ có bình diện rất rộng từ hàng tiêu dùng cho đến hàng điện tử của Trung Quốc’.

Có bài nhưng khó xài?
Tuy nhiên, theo ông Lộc, ngoài hàng nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh hiện giờ đang có trong tay những lá bài quan trọng để đối phó Mỹ, nhưng khả năng họ sử dụng những con bài này là không cao vì bản thân họ cũng bị thiệt hại nặng nề.

Về số trái phiếu của Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ (1.300 tỷ đô la), Bắc Kinh có thể gây khó dễ cho Mỹ nếu bán toàn bộ số trái phiếu đó. Khi đó, Mỹ sẽ phải tìm người mua lại số nợ này và lãi suất do vậy sẽ tăng lên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ.

Nhưng Giáo sư Lộc cho rằng với tình hình kinh tế Mỹ hiện đang khả quan thì dù số nợ của Mỹ có bị tăng lãi suất, ‘vẫn trong mức chịu đựng được của Mỹ’.

“Khi anh bán ra (trái phiếu Mỹ) thì chẳng những dân Mỹ mua mà thế giới cũng mua,” ông nói.

Về phần Trung Quốc, việc họ bán trái phiếu Mỹ sẽ đẩy giá trị đồng nhân dân tệ lên cao, và khi đồng tiền của Trung Quốc tăng giá thì hàng hóa của họ sẽ trở nên đắt đỏ khiến họ mất ưu thế cạnh tranh trên hầu hết các thị trường trên thế giới, cũng theo Tiến sỹ Lộc.

Trước câu hỏi về việc Bắc Kinh có thể gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc hay không, Giáo sư Lộc nói rằng Bắc Kinh ‘đã và đang làm’ nhưng ‘họ không thấy hiệu quả nên đã bắt đầu xoa dịu lại’.

“Nếu Trung Quốc siết chặt (hoạt động của doanh nghiệp Mỹ) thì Mỹ cũng sẽ siết chặt lại,” ông giải thích và cho biết điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc vốn dĩ dựa vào các sản phẩm kỹ thuật cao của Mỹ và các đồng minh.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Mỹ đã cải thiện với gói cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa hồi năm rồi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, cộng với việc áp thuế quan làm gia tăng chi phí nên một số công ty Mỹ đã rút về nước. Tuy nhiên những ngành nghề nào cần nhiều lao động thì vẫn phải bám trụ ở Trung Quốc và sẽ bị ảnh hưởng khi môi trường kinh doanh trở nên khắt khe hơn, theo phân tích của Giáo sư Lộc.

Thâm thủng hầu bao dân Mỹ?
Trả lời câu hỏi của VOA rằng có phải thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc cuối cùng thì người tiêu dùng Mỹ phải chịu do có những mặt hàng mà Trung Quốc chi phối thị trường Mỹ khiến họ khó lòng hoặc không thể tìm hàng hóa thay thế, nên cuối cùng cũng phải mua hàng Trung Quốc bị áp thuế, ông Lộc thừa nhận rằng người dân Mỹ sẽ bị thâm thủng hầu bao nhưng ‘việc này chỉ diễn ra trong ngắn hạn’.

“Ảnh hưởng sẽ nhiều. Điều không tránh khỏi là dịch vụ và hàng hóa sẽ tăng giá,” ông nói.
Ông Lộc dự đoán rằng nếu thuế quan áp lên hàng Trung Quốc tăng 5 đến 10% thì người dân Mỹ sẽ cắt giảm đi khoảng 5 đến 10% chi tiêu.
“Tuy nhiên trong 6 tháng nay, tiền lương của người Mỹ đã tăng lên khoảng 2,5% cộng với công ăn việc làm có thì vật giá có cao hơn mặc dù có ảnh hưởng đến túi tiền của người dân Mỹ nhưng sự phản kháng sẽ không nhiều,” ông nói.
“Nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Còn nếu kéo dài (cuộc chiến thương mại) năm này sang tháng nọ thì sẽ có thay đổi trong phản ứng của người dân Mỹ.”

Tiến sỹ Lộc cho biết gần đây Hoa Kỳ đã đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập cảng rất nhiều những mặt hàng tương tự từ Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia để giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp từ Trung Quốc.

“Người tiêu dùng Mỹ luân chuyển rất nhanh. Nếu giá hàng hóa Trung Quốc lên cao quá do thuế quan thì họ sẽ chuyển sang các mặt hàng thay thế. Miễn làm sao là Hoa Kỳ mở rộng đường cho hàng hóa các nước khác vào thay thế hàng Trung Quốc,” ông nói.

Khi được hỏi liệu người dân Mỹ cắt giảm chi tiêu thì có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ hay không vì GDP của Mỹ phụ thuộc đến 70% vào tiêu dùng nội địa, ông Lộc nói rằng sẽ có ảnh hưởng nhưng không nhiều vì người Mỹ cũng sẽ cắt giảm 5-10% chi tiêu trong ngắn hạn và sẽ chi tiêu trở lại khi có sản phẩm thay thế.

Trump có đánh đến cùng?
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump hiện đang được hỗ trợ bởi điều kiện thuận lợi của kinh tế Mỹ với tăng trưởng kinh tế quý cao nhất trong bốn năm, tỷ lệ thất nghiệp dưới 3,3%, tiền lãi công trái vẫn tròm trèm mức 3,5%, lạm phát ở ngưỡng 2%, Giáo sư-Tiến Sỹ Khương Hữu Lộc cho biết.

Tuy nhiên, ông dự đoán cuộc chiến thương mại ‘cao lắm sẽ dừng ở mức 200 tỷ đô la chứ không bao giờ đi đến mức toàn bộ 500 tỷ đô la như ông Trump đe dọa’ vì không chỉ ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới, chưa kể còn tác động đến các vấn đề địa chính trị.

“Sẽ có giải pháp nào đó,” ông nói và cho biết Mỹ cũng cần sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và không muốn chiến tranh quan thuế sẽ đẩy liên minh giữa Nga và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, ông Trump không chỉ có chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn có tranh chấp thương mại với một loạt các nước đồng minh như Liên minh châu Âu, Canada, Mexico và Nhật Bản. Do đó, Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng các nước có tranh chấp với Mỹ sẽ hợp sức lại đối phó với Mỹ.

“Cho nên khi cần đánh thuế Trung Quốc thì Mỹ cũng phải tính thế nào để hòa hoãn với khối Âu châu,” ông nói và cho biết lúc đầu khi Mỹ tuyên bố đánh thuế cả EU, Canada, Mexico và Nhật Bản thì ‘phản ứng mạnh lắm’.

Lúc đó, Trung Quốc đã gửi phái đoàn sang EU để đàm phán mở rộng thị trường của hai bên nhưng nỗ lực của Bắc Kinh ‘không đi đến đâu’, theo lời ông Lộc, vì ‘dân châu Âu rất bảo thủ, họ xài đồ Âu châu chứ không chịu xài đồ Trung Quốc nhiều. Hơn nữa, họ hiểu rất rõ mối nguy khi những công nghệ quốc phòng lọt vào tay Trung Quốc và còn vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ và yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc nữa’.

Ngay sau cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và EU, lập tức Mỹ đã bắt tay với EU và tạm thời hòa hoãn khi gia hạn việc áp thuế lên hàng hóa nhập từ EU. Hiện tại Mỹ cũng đang cố gắng thu hẹp bất đồng trong khối NAFTA với Mexico và chỉ còn mắc mứu từ phía Canada, ông Lộc cho biết.

Trung Quốc sẽ nhượng bộ?
Liệu Trung Quốc sẽ lùi bước và chấp nhận những yêu sách của Mỹ? Tiến sỹ Lộc nói ‘khó mà đoán trước’.
“Dân tộc tính của Hoa Kỳ thay đổi rất nhanh. Họ có thể chịu đựng một thời gian ngắn rồi sẽ thay đổi,” ông phân tích. “Còn dân Trung Quốc có thể chịu đường dài.”

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Trump leo thang đến tối đa (500 tỷ) thì ông Lộc đoán rằng ‘Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ trong thời gian ngắn’ vì Trung Quốc đang ở thế bất lợi: dân số sẽ tăng sau khi hạn chế tỷ lệ sinh bị bãi bỏ, trong khi GDP bị ảnh hưởng vì không thể xuất khẩu ồ ạt vào Mỹ như trước – đó là chưa tính đến nợ công của Trung Quốc hiện theo con số chính thức là gấp đôi GDP.
“Cho nên hiện tại Trung Quốc không dại gì để kịch bản đó diễn ra. Cho nên họ vẫn đang vừa đánh vừa đàm,” ông nói thêm.

Những vấn đề mà Trung Quốc có thể nhượng bộ, theo Giáo sư Lộc, là sẽ bãi bỏ việc yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và ‘sẽ bớt trợ cấp không chính đáng những mặt hàng xuất cảng vào Mỹ để đẩy giá xuống thấp một cách nhân tạo để nhập cảng ồ ạt điển hình như giá thép’.

Tuy nhiên ông Lộc cũng nghi ngờ việc Bắc Kinh sẽ thật lòng nhượng bộ trên vấn đề trợ cấp này. “Về mặt chính thức thì họ có thể nói sẽ bãi bỏ, nhưng trong cách làm việc bên trong và đằng sau như thế nào thì không biết chắc.” Còn việc ăn cắp sở hữu trí tuệ, ông Lộc cho rằng vẫn sẽ tiếp diễn chứ không thể dừng ngay được.

Giải pháp hiện thời của Bắc Kinh, theo ông Lộc, là cố gắng hòa hoãn với Mỹ để tránh thêm thiệt hại, tìm các thị trường khác thay thế (như EU và các nước đang phát triển) và kích thích tiêu dùng nội địa.

Giáo sư Lộc cũng lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc có tầng lớp trung lưu đông đảo và những năm qua họ đã bỏ tiền xây nhà cửa, mua đồ xa xỉ phẩm và gia tăng tiêu dùng, nhưng ‘việc chuyển sang tiêu dùng nội địa còn rất chậm vì tầng lớp trung lưu Trung Quốc có lớn mạnh hay không còn tùy thuộc vào xuất cảng sang Hoa Kỳ’.








No comments:

Post a Comment