Thursday, September 6, 2018

“ÁC MỘNG” ĐÃ ĐƯỢC ĐÓNG DẤU (FB Vũ Kim Hạnh)





Sáng nay có một tin vui cho châu Á qua một giải đấu thế giới về quần vợt: Nishikori, người Nhật Bản, đã chiếm được vị trí trong top 4 những cây vợt mạnh nhất thế giới qua giải Grand Slam Mỹ mở rộng. Nhưng cũng có một tin không vui cho một nước châu Á khác, Việt Nam.
Đó là tin Cơ quan chuyên trách về y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc (WHO) cho biết họ vừa gửi thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo động tình hình tiêu thụ bia đã ở mức nguy hiểm. Năm 2017 đọc thấy con số tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia/năm của năm 2016 đã thấy “ác mộng”. Nay thì ác mộng đã được công nhận bởi WHO và cùng với sự công nhận một cao thủ bậc nhất, họ gửi kèm một cảnh báo: đã quá mức nguy hiểm!

WHO cho biết, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam “đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016”, và “hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị” cũng là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, cũng như “gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích”. Trong tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam thì 97% là bia”.

Và “lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít đồ uống có cồn trong năm 2016”.

Ở Việt Nam, hơn 44% đàn ông uống rượu bia ở mức nguy hiểm, ở mức tăng gấp đôi so với con số hơn 25% năm 2010. Trong khi đó, tiêu thụ của các QG khác thấp hơn nhiều: Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít)”.

WHO cũng khuyến nghị chính phủ VN đưa ra: các quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn. Ngoài ra nên xem xét: tăng giá bia, siết chặt quảng cáo rượu, bia…

Nhìn ở góc độ xã hội, có thể thấy thói quen “ly bia là đầu câu chuyện” đã thành chuyện rất phổ biến ở VN: đám cưới uống, đám ma cũng uống, mỗi chiều tan sở phải ra quán bia, bạn bè gặp nhau thư giãn cũng uống, ký kết hợp đồng cũng uống.

Nhưng nhìn góc độ kinh tế, cũng cần nhớ là: “Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2035” do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo thì mục tiêu đến năm 2025 là đưa ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế, có thương hiệu hàng hóa mạnh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng dần xuất khẩu”.

Năm 2017, theo Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công thương, năm 2017, ngành bia đã nôp ngân sách 50.000 tỷ đồng. Bia đúng là một ngành kinh doanh béo bở.

Hiện nay VN có 129 cơ sở SX bia, và trong 63 tỉnh thành cả nước, chỉ có 20 tỉnh thành là… chưa có nhà máy bia. Rõ ràng bia là ngành CN hiện đại, là cái máy in tiền cho ngân sách? Chủ tịch Heineken châu Á-Thái Bình Dương cho biết thị trường VN sinh lợi loại nhất thế giới, chỉ sau Mexico.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, “tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.

Có ai từng ngồi tính toán lại, thu nhập từ bia đóng góp cho kinh tế các tỉnh và cho cả ngân sách quốc gia cao đến thế thì bù được bao nhiêu cho những thiệt hai khủng khiếp do bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực, tan nát gia đình, tù tội và xuống cấp đạo đức, tình trạng hủy hoại cả những không gian lành mạnh của xã hội?


----------------------------

Viễn Đông  -  VOA Tiếng Việt
05/09/2018

Cơ quan chuyên trách về y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc mới gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức “báo động”, trong khi đó, tin cho hay, người Việt tiêu thụ trên 4 tỷ lít bia năm 2017.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam “đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016”, và “hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị”.

Tổ chức này cũng cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức có hại “là yếu tố chính, góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, cũng như “gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích”.


Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của WHO tại Hà Nội, cho VOA tiếng Việt biết rằng “mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực” và “97% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam là bia”.

Ông Nam cho hay, “lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít đồ uống có cồn trong năm 2016”.

Nam giới Việt Nam đang tiêu thụ rượu, bia ở mức "nguy hiểm".

Ông nói thêm rằng, theo một cuộc điều tra về nguy cơ đối với các bệnh không lây nhiễm năm 2015 ở Việt Nam, hơn 44% nam giới tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hiểm, tức gần tăng gấp đôi so với con số hơn 25% năm 2010.

“Các quốc gia khác trong khu vực có mức tiêu thụ trung bình thấp hơn nhiều như Mông Cổ (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít)”, chuyên gia người Việt nói.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát, từng được báo chí trong nước trích lời nói rằng số lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam năm 2017 là trên 4 tỷ lít.

Ông Shin Young-soo, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, mới đây đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Martin Vandendyck, chuyên gia về vấn đề lạm dụng chất gây nghiện của WHO, cho VOA tiếng Việt biết rằng lá thư của ông Young-soo kêu gọi Việt Nam “nhanh chóng đánh giá và thông qua dự luật về phòng chống tác hại của bia rượu”.

Tin cho hay, dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam mang ra thảo luận trong kỳ họp vào tháng tới.

“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tham vấn và thảo luận về dự luật của chính phủ và các ủy ban liên quan của Quốc hội. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy chính phủ Việt Nam đã xem xét các đề xuất trong lá thư [của ông Young-soo]”, ông Vandendyck nói.
Tổ chức Y tế Thế giới đã kiến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp hiệu quả” như có chính sách giá đối với đồ uống có cồn vì “các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng".

Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị Hà Nội đưa ra các “quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn” cũng như "có các chính sách về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm rượu, bia".

Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng Tư năm nay đã đề xuất 3 phương án giờ cấm bán rượu, bia, có thể từ 22 giờ đêm hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, trừ một số khu vực nhất định.

Theo báo chí Việt Nam, dự luật đã gây ra các tranh luận “nảy lửa” cũng như “vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia”.

WHO cho biết “sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn chặn và phòng ngừa sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại ở Việt Nam”.

Trong một cuộc họp mới đây với WHO, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng”.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, “tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.

Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 220 tỷ đôla, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước dẫn lời hy vọng sẽ nâng con số đó lên 300 tỷ đôla vào năm 2020.

*













No comments:

Post a Comment