Friday, August 3, 2018

NỀN DÂN CHỦ CAMBODIA HẤP HỐI & 'BONG BÓNG' XÃ HỘI DÂN SỰ (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 03/08/2018

Nhiều người cho rằng, Cambodia đã đi trước Việt Nam một bậc về mặt dân chủ, rằng xã hội dân sự đã nở hoa, rằng quốc gia này sẽ là người tiên phong của vùng Đông Dương về tự do, dân chủ và sự phát triển kinh tế – kinh trị.

Vài năm sau, chúng ta bắt đầu khóc than về một nền dân chủ kiệt sức và hấp hối. Điều gì đã xảy ra?

Nền văn hóa chính trị u ám và bạo lực

Năm 1970, khi Hoàng tử Norodom Sihanouk đang có chuyến công du đến Bắc Kinh và Moscow (ông vốn có xu hướng nghiêng theo phe xã hội chủ nghĩa), một cuộc đảo chính của lực lượng cộng hòa nhằm lật đổ ông diễn ra. Kampuchea Republic hình thành, nhưng đáng tiếc thay đây cũng là thời điểm quốc gia yên bình này lụi tàn.

Nắm bắt thời cơ, phe xã hội chủ nghĩa ra tay. Liên minh giữa giới bảo hoàng ủng hộ Sihanouk và Khmer Rouge (Khmer Đỏ, một lực lượng phiến quân cộng sản được cả Trung Quốc lẫn Việt Nam tài trợ). Và cuộc nội chiến giữa phe cộng hòa và liên minh hoàng gia-cộng sản giết dần giết mòn nền tảng chính trị tự do tại Cambodia từ những năm 1970 đến 1975, với cướp đi nửa triệu nhân mạng.

Năm 1975 đến 1978, chiến thắng và giành được chính quyền, Khmer Rouge thanh trừng quan chức tay chân của Sihanouk và bắt đầu chiến dịch xây dựng chủ nghĩa cộng sản tàn khốc thường được biết đến tại Việt Nam dưới tên gọi Nạn diệt chủng Pol Pot (Pol Pot – thủ lĩnh chính trị, quân sự của Khmer Đỏ). Ước tính có đến 1,5 đến 2 triệu người Cambodia bị sát hại (chưa kể người Việt).

Cuối năm 1978 đầu 1979, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành xâm lược Cambodia và hạ bệ chính quyền Khmer Đỏ, dựng lên một chính quyền cộng sản thứ hai, do Hun Sen đứng đầu. Điều này kích động các nhóm vũ trang độc lập và tàn quân Khmer tiếp tục gây hấn.

Cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm cho đến khi Liên Hiệp Quốc can thiệp, thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào năm 1991. Năm 1993, cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên dành cho người dân Cambodia cuối cùng cũng được dàn xếp, tổ chức bằng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Có thể nói rằng người Cambodia chỉ hưởng cái không khí hòa bình được hơn 20 năm trở lại đây, sau những tranh chấp chính trị và tổn thương quốc gia được xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để nói về tàn dư chính trị tồi tệ của quốc gia này.

Quyền lực của Thủ tướng Hun Sen vẫn phủ bóng lên toàn bộ xã hội Cambodia. Ảnh: Reuters.

Bóng ma Hun Sen

FUNCINPEC (cụm viết tắt tiếng Pháp của Mặt trận Quốc gia Thống nhất vì một Cambodia Tự chủ, Trung lập, Hòa bình và Hợp tác hữu nghị) là chính đảng dẫn dắt bởi Hoàng tử Norodom Ranariddh, con trai của Sihanouk và cũng là một nhánh phiến quân góp mặt trong cuộc xung đột vũ trang mười năm. Đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1993. Dẫu vậy, niềm tin về một thời đại mới của Cambodia kéo dài không lâu.

Thành quả của cuộc bầu cử nhanh chóng bị đặt dấu hỏi khi Hun Sen đe dọa nổi dậy vũ lực nếu không được chia sẻ quyền lực. Mô hình nhà nước hai thủ tướng đối lập và tranh giành quyền lực lẫn nhau kỳ quoặc nhất thế giới từ đó ra đời. Một thỏa hiệp chính trị ngược ngạo, nhưng được cho là cần thiết để bảo vệ thành quả của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Song kể cả thỏa hiệp này cũng không đủ để níu kéo chút ít tương lai dân chủ còn sót lại. Bốn năm sau, năm 1997, một cuộc đảo chính nữa diễn ra, và vẫn là do Hun Sen đạo diễn.

Chiến sự nổ trên đường phố Phnom Penh, hàng chục chính khách, nhà báo đối lập bị lực lượng vũ trang thân Hun Sen sát hại, 16 người biểu tình thương vong trong một vụ tấn công lựu đạn nhằm vào cuộc tuần hành phản đối đảo chính… Nhưng cho đến tận hôm nay, chưa một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những hành vi này. Hun Sen vẫn đang tiếp tục phủ chân rết của mình lên khắp hệ thống tư pháp, các cơ quan hành pháp và lực lượng an ninh quốc gia.

Giám đốc một chương trình sức khỏe tâm lý cộng đồng tại đây, ông Willem van de Put nhìn nhận, một bộ phận người dân đã không còn quá nhiều hy vọng vào chính quyền hiện nay: “Tất cả chỉ là vô ích […] Những kẻ cầm quyền vẫn có thể đem Cambodia trả ngược lại quá khứ bất kỳ khi nào họ muốn, còn chúng tôi thì bất lực hoàn toàn.”

Trụ sở của Trung tâm Nhân Quyền Cambodia, một trong những tổ chức xã hội dân sự uy tín ở nước này. Ảnh: The Phnom Penh Post.

Tương lai quốc gia không thể được xây dựng từ bên ngoài?

Hiển nhiên, Cambodia đã có những thay đổi tích cực trong hai thập niên trở lại đây. Peter Eng, một nhà nghiên cứu chính trị và một phóng viên quen thuộc tại Cambodia, bình luận nhiều về những thành tựu thay đổi này.

Theo ông nhận xét, trong chuyến thăm của mình vào giữa thập niên 1980, Cambodia lúc này là một đất nước tuyệt vọng. Báo chí không thể thăm các hộ gia đình, nhưng đằng nào thì người dân Cambodia thì cũng quá sợ hãi và không dám nói chuyện với người nước ngoài. Đường phố Phnom Penh như chết vào ban đêm. Không mạng viễn thông, không sóng phát thanh, thế giới rộng lớn bên ngoài như biến mất.

Đến gần đầu những năm 2000, Peter Eng trở lại và cho rằng Cambodia đã khác. Dù chậm chạp, một thế giới mới đang hiện ra. Những chiến xe Honda xuất hiện ngập tràn đường phố. Báo chí có thể chỉ trích bất kỳ ai. Đôi khi hàng ngàn người xuống đường thể hiện quan điểm và đòi hỏi quyền lợi của mình.

Tuy vậy, theo quan điểm của người viết, tương tự như Việt Nam, cải cách chính trị ở Campuchia vẫn chỉ là cải cách chính trị từ trên xuống. Trong khi đó, sự hình thành và lớn mạnh của hệ thống xã hội dân sự Cambodia vẫn mang đậm tính quốc tế. Vậy nên những cải cách này không thể xóa bỏ được bản chất mục ruỗng sâu xa bên trong hệ thống thượng tầng chính trị.

Những tổ chức phi chính phủ (NGOs) đầu tiên của Cambodia được thành lập trong quá trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiện Quốc tại đây. Chương trình gìn giữ hòa bình kéo dài vài năm, hơn 300 NGOs được thành lập, với phạm vi hoạt động liên quan đến hàng loạt các vấn đề xã hội như trẻ mồ côi, nạn nhân bom mìn, người cao tuổi, người sắc tộc thiểu số… NGOs trở thành một hiện tượng chính trị, với tầm ảnh hưởng rộng khắp. Họ hoạt động ở mọi tỉnh thành, mang các giá trị cấp tiến mới đến với những ngôi làng xa xôi, giám sát hoạt động của chính phủ, cảnh sát, từ đó tìm kiếm công lý cho người yếu thế.

Tuy vậy, không khó để nhận ra rằng quá trình phát triển của “dân chủ” tại Cambodia khá giống với hiện tượng “bong bóng” kinh tế.

Về mặt chính trị, người dân Cambodia không thật sự có ảnh hưởng đối với chính phủ và mô hình chính trị nhà nước. Sau cuộc đảo chính 1997, Cambodia thay đổi vì sức ép quá lớn của nước ngoài. Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây cắt bỏ hoàn toàn viện trợ; cùng lúc đó, các chương trình hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới bị tạm dừng. ASEAN hoãn tư cách thành viên của Cambodia. Ghế của Cambodia bị Liên Hiệp Quốc tước. Đây mới là những lý do chính yếu khiến Hun Sen bị bó buộc trong công cuộc thanh trừng toàn diện của mình suốt 20 năm qua.

Về mặt tài chính, cảm giác tội lỗi và thương hại dành cho người dân Cambodia sau thời kỳ Diệt chủng Pol Pot khiến nước ngoài hào phóng một cách thái quá. Viện trợ nước ngoài bình quân đầu người (foreign aid per capita) của Cambodia là cao nhất thế giới. Tất cả những tờ báo, NGOs lớn đều hoạt động nhờ vào khoản chi từ nước ngoài và hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ, thay vì đổi mới mô hình khi có điều kiện tài chính tốt và môi trường chính trị thuận lợi.

Về mặt nhân lực và sự ủng hộ cơ sở, các tổ chức xã hội dân sự Cambodia đều trông cậy vào sự bảo vệ các cơ quan ngoại giao cũng như Trung tâm Liên Hiệp Quốc về Quyền con người tại Phnom Penh. Hệ thống nhân lực của các tổ chức xã hội dân sự được duy trì và lãnh đạo phần lớn bởi người nước ngoài. Nhìn từ góc độ này, sự phát triển của dân chủ, sự gắn kết và tầm ảnh hưởng của NGOs tại cấp cơ sở của Cambodia trở nên rời rạc, thiếu sức sống, không như người ta lầm tưởng.

***
Bắt đầu những năm 2010, Trung Quốc trỗi dậy như một thế lực có tầm ảnh hưởng quốc tế, và Cambodia trở thành một trong những “chư hầu” nhận viện trợ đều đặn từ Bắc Kinh. Giới lãnh đạo Cambodia dần được tháo bỏ xiềng xích phương Tây, và trở mặt.

Đầu năm 2010, Cambodia nhất quyết thực hiện các chính sách đất đai đầy tranh cãi của mình mặc cho Ngân hàng Thế giới phản đối và ngừng viện trợ.

Năm 2015, Luật về Hội và các Tổ chức phi Chính phủ được thông qua nhằm kiểm soát xã hội dân sự. Chính quyền nay có thể đặt lệnh cấm đối với bất kỳ NGO nào mà không cần giải trình hay đảm bảo cơ chế khiếu nại, tố cáo.

Năm 2016, nhà bình luận chính trị đối lập nổi tiếng Kem Ley bị ám sát.

Năm 2017, tờ nhật báo tiếng Anh Cambodia Daily lừng danh bị đóng cửa.

Năm 2018, cuộc bầu cử đa đảng nhưng không đối thủ diễn ra, đảng của Hun Sen giành chiến thắng.

Có lẽ chúng ta không nhìn thấy một Cambodia khác. Chỉ là những “bong bóng” xã hội dân sự bắt đầu vỡ, và sự u ám, bạo lực mươi năm trước đã trở về mà thôi.

---------------------------------------

LIÊN QUAN

Posted on 02/08/2018

Thủ tướng Hun Sen thẳng thừng phủ nhận những lời cáo buộc cuộc tổng tuyển cử ở Cambodia vào ngày 29/7/2018 là “phi dân chủ” trong vài phút trao đổi với nhà báo Úc, Sophie McNeil, một ngày sau khi nó kết thúc.

Lý do Hun Sen đưa ra là đã có tổng cộng 20 đảng phái chính trị tham gia tranh cử lần này, và đó chính là dân chủ.

Lập luận này nghe qua thì cũng có vẻ… khá hợp lý. Khi đã có nhiều hơn một đảng phái chính trị, thì về mặt lý thuyết, người dân sẽ có quyền tuyển chọn ra ứng viên đến từ bất kỳ đảng nào mà họ cảm thấy đáp ứng được nhu cầu của cử tri. Và nếu như người dân được lựa chọn bằng lá phiếu, thì đó chẳng phải là dân chủ hay sao?








No comments:

Post a Comment