Tuesday, August 28, 2018

MỸ CỦNG CỐ TRỤC NGA - TRUNG (Thùy Dương – RFI | ĐIỂM BÁO)




Thùy Dương – RFI |  ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 28-08-2018

Trên mục Ý kiến, báo Le Figaro giới thiệu bài « Washington củng cố trục Nga - Trung » của tác giả Renaud Girard. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Henry Kissinger đã sáng tạo ra khái niệm « tam giác chiến lược ». Hoa Kỳ cần xích lại gần hơn với cả Liên Xô và Trung Quốc, thay vì để hai nước này xích lại gần nhau.

Tháng 02/1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tháng 05/1972, ông sang Liên Xô để ký hiệp ước đầu tiên về hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, theo tác giả Renaud Girard, nước Mỹ thời tổng thống Donald Trump đang đi theo con đường ngược lại.

Không có tuần nào người ta không tự hỏi bằng cách nào mà Washington liên tục khiến quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc xấu đi như vậy. Ngày 27/08/2018, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Nga có hiệu lực. Các biện pháp này nhằm trừng phạt vụ Nga đầu độc cựu điệp viên Skrypal ở Salisbury, Anh Quốc hồi tháng 03/2018. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ là bất hợp pháp và chỉ trích Washington đang chọn con đường đối đầu với Matxcơva.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến thương mại nhắm vào Trung Quốc. Ngày 23/08, Washington áp thuế nhập khẩu 25% lên thêm 50 tỉ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Biện pháp này cũng bị Bắc Kinh tố cáo là bất hợp pháp và Trung Quốc dùng biện pháp tương tự để trả đũa Mỹ. Chưa ai biết khi nào vòng xoáy trừng phạt - trả đũa này chấm dứt. Washington mới đây cũng tố cáo Bắc Kinh không áp dụng triệt để lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Tác giả Renaud Girard cho rằng đúng là Mỹ không sai khi tố cáo Nga bằng mọi giá muốn tạo vùng ảnh hưởng trên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô trước đây. Mỹ cũng không lầm khi chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng các thỏa thuận của tổ chức thương Mại Thế giới. Nhưng Mỹ lại thiếu khéo léo khi phản ứng nên có thể gây hiệu ứng ngược. Với chính sách ngoại giao trừng phạt, Washington đang củng cố trục Nga - Trung vốn không hề có lợi cho Mỹ.

Nga và Trung Quốc dường như đang thiết lập lại quan hệ đồng minh như hồi những năm 1950-1959. Matxcơva và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận để Washington thực hiện tham vọng bá chủ toàn cầu.

Cách nay 30 năm, các nhà chiến lược Mỹ cho rằng cần thể hiện là Washington cởi mở với Bắc Kinh. Nhưng lo ngại trước tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh và cũng để đối phó với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, Mỹ lại thực hiện chiến lược ngăn chặn. Nhưng chắc chắn Washington sẽ không có được sự trợ giúp của Matxcơva.

Trong cuộc chiến kinh tế chống Trung Quốc, theo tác giả Renaud Girard, tổng thống Trump hai lần thiếu khôn khéo : ông đã từ bỏ Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương và không biết cách liên minh với châu Âu. Cuộc đối đầu Trung - Mỹ sẽ là vụ cạnh tranh chiến lược của thế kỷ XXI. Nhưng dường như chính quyền Mỹ thời Donald Trump vẫn chưa hiểu họ sẽ không được lợi gì nếu đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc.

*
Tập Cận Bình và « kỷ luật sắt » với 90 triệu đảng viên
Trên trang Quốc tế, trong bài viết có tiêu đề « Tập Cận Bình áp đặt kỷ luật sắt trong đảng », báo Le Figaro cho biết theo một điều lệ mới, các đảng viên phải tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình, thời gian qua vốn đã tăng cường kỷ luật trong nội bộ đảng nay lại càng siết chặt các biện pháp kỷ luật, nhằm kiểm soát hoàn toàn tư tưởng của gần 90 triệu đảng viên.

Điều lệ được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố ngày 26/08/2018, ghi rõ hàng loạt quy định đang được áp dụng và các quy định mới. Các đảng viên bị cấm phê phán các quyết định của đảng, gây ảnh hưởng tới tình đoàn kết trong đảng hoặc làm lan truyền các tin đồn. Le Figaro gọi điều lệ mới của đảng là một gánh nặng tinh thần đối với các đảng viên Trung Quốc. Từ nay, các đảng viên sẽ bị trừng phạt nếu « xuyên tạc » lịch sử đất nước. Theo điều lệ trước đây, họ chỉ bị cấm « bóp méo » lịch sử đảng và quân đội.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt gọng kìm liên quan tới tôn giáo, thì đảng yêu cầu các đảng viên tuân theo thuyết vô thần, chủ trương tăng cường giáo dục tư tưởng cho những đảng viên có niềm tin tôn giáo. Theo điều lệ mới, nếu đảng viên vẫn không thay đổi sau khi được đảng giúp đỡ và giáo dục, họ sẽ bị khai trừ. Các đảng viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể sẽ bị truy tố, nhưng đa phần sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, có nghĩa là sẽ mất việc làm. Đây là hình phạt nghiệm khắc nhất trong đảng.

Trong bối cảnh thời gian qua có nhiều người bất đồng với chủ trương toàn trị của Tập Cận Bình hay sự ngạo nghễ của Trung Quốc trên trường quốc tế, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ cũng gây ra những căng thẳng trong nội bộ đảng, mục tiêu của Tập Cận Bình là ngăn cản mọi tranh cãi trong đảng.

« Hoàng đế đỏ » cũng không giảm nhẹ chiến dịch bài trừ tham nhũng mà ông phát động cách nay 6 năm. Theo điều lệ mới, các đảng viên phải « chống mọi hành vi lạm dùng quyền lực hoặc trục lợi cá nhân ». Theo Le Figaro, bị ám ảnh về sự đổ vỡ của Liên Xô, không muốn chế độ Trung Quốc chịu chung số phận, từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình hướng tới những biện pháp « kỷ luật nghiêm khắc ». Mục đích là vừa tập hợp những quan chức trung thành, vừa có lý do khôi phục tính chính danh vốn đang bị nạn tham nhũng làm hỏng. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng cho phép ông Tập loại trừ những người đối đầu, gièm pha ông.

Tập Cận Bình khiến đảng Cộng Sản hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Đồng thời, vị lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông cũng không ngừng củng cố quyền lực cá nhân, và hồi tháng 03/2018 đã đạt được quyền tại vị trọn đời.

Một bằng chứng cho thấy Tập Cận Bình hiện diện khắp nơi là điều lệ mới về kỷ luật kêu gọi học theo tư tưởng Tập Cận Bình, tư tưởng này từ nay sẽ được ghi vào Hiến Pháp Trung Quốc.

*
Sông Nil, cội nguồn xung đột
Bài viết « Sông Nil, cội nguồn xung đột » trên trang Ý kiến và Tranh luận của báo kinh tế Les Echos nhận định các dự án tưới tiêu quy mô lớn được triển khai nhiều ở thượng nguồn sông Nil đặt ra một thách thức cho Ai Cập. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy Ai Cập đã mất tầm ảnh hưởng trên sông Nil.

Trong suy nghĩ của nhiều người, nói tới sông Nil là nói tới Ai Cập. Đúng là đất nước Kim tự tháp chiếm phần lớn hạ lưu sông Nil, 95% lượng nước Ai Cập sử dụng tới từ con sông này, nhưng hiện nay sự chi phối của Ai Cập đã suy giảm nghiêm trọng.

Do sức ép dân số và như cầu năng lượng khiến các nước láng giềng của Ai Cập tại lưu vực sông Nil đã đẩy mạnh các dự án xây đập thủy điện, dẫn tới nguy cơ giảm lưu lượng nước sông Nil ở hạ nguồn và khiến quan hệ các nước thêm căng thẳng.

*
Số ca bệnh sởi tăng tới mức kỷ lục ở châu Âu
Trong lĩnh vực Sức khỏe, báo le Monde cho biết « Số ca bệnh sởi đã tăng đến mức kỷ lục » ở châu Âu. Năm 2015, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) phát động chiến dịch tiêm phòng 2015-2020 với mục tiêu đến năm 2020 sẽ loại được bệnh sởi và đậu mùa. Tuy nhiên, theo số liệu của WHO công bố ngày 20/08/2018, ở châu Âu, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, số người mắc bệnh sởi đã tăng gấp đôi so với cả năm 2017, khiến ít nhất 37 người chết.

Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở khu vực Đông Âu (Nga, Georgia, Ukraina, Serbia) và Tây Âu (Hy Lạp, Ý và Pháp). Với hệ thống y tế yếu kém, Ukraina là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 23.070 ca bệnh, tương đương ½ số người mắc sởi trên toàn châu Âu trong sáu tháng đầu năm.

*
Mặt trái của cà phê Starbuck
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Monde quan tâm đến « Mặt trái của Starbuck », chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu. Cà phê Starbuck xuất hiện khắp nơi trên thế giới, từ Seattle - Hoa Kỳ, châu Âu … cho tới Trung Quốc, nơi mà cứ 15 giờ lại có thêm một cửa hàng Starbuck. Năm 2017, Starbuck đạt lợi nhuận 19 tỉ euro. Cũng giống Apple, Starbuck nhắm tới đối tượng khách hàng trung lưu. Chiến lược tiếp thị (marketing) tài ba của Starbuck khiến hàng triệu khách hàng có cảm thấy sành điệu hơn với cốc cà phê Starbuck trên tay.

Thế nhưng, một cuộc điều tra mới đây này. Starbuck tạo ra khái niệm « địa điểm thứ ba » - sau nhà ở và nơi làm việc. Khách hàng cho thấy dù bề ngoài, khách hàng được coi là vua, nhưng trên thực tế họ chỉ là nạn nhân của chiến lược tiếp thị khôn ngoan của tập đoàn đa quốc gia đến quán Starbuck không phải để uống cà phê mà chủ yếu để thư giãn, giải lao, dành thời gian cho bản thân.

Tuy nhiên, điều kiện làm việc của nhân viên thì rất tồi tệ. Mặc dù được Starbuck gọi là « đối tác », nhưng nhân viên chủ yếu làm công việc lau chùi dọn dẹp. Họ làm việc như một cái máy được lập trình. Họ không có giờ làm việc cố định, mệt mỏi về thể chất và luôn bị áp lực về tinh thần.

Ngoài ra các sản phẩm của Starbuck rất nhiều đường, nhiều chất béo. Lượng đường trong vài loại thức uống có khi nhiều gấp 4 lần so với lượng đường/ngày/người theo khuyến cáo của WHO. Mỗi năm có 4,5 tỉ cốc của Starbuck đã qua sử dụng mà không được tái chế. Starbuck cũng bị tố cáo về chính sách gian lận thuế.

*
Trang nhất các báo Pháp
Đề tài được nhiều tờ báo đưa lên trang nhất hôm nay là cải cách của chính phủ Pháp. Báo công giáo La Croix chạy tít : « Các chủ doanh nghiệp muốn tiếp tục công cuộc cải cách ». Tân chủ tịch MEDEF - Hiệp hội giới chủ Pháp - kêu gọi chính phủ đi sâu vào các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Còn báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh : « Thuế khóa, chi phí an sinh xã hội : những điều đang chờ đón các doanh nghiệp ».

Liên quan đến châu Âu, báo Libération chạy tựa trang nhất « Ý, Đức, Hungary, Thụy Điển … : Nọc độc bài ngoại ». Nhiều quốc gia châu Âu có chính phủ dân túy phản đối tiếp đón di dân quốc tế dẫn đến nhiều phát biểu, thậm chí là hành động bài ngoại.

Còn báo Le Monde cho biết từ hôm nay tổng thống Pháp bắt đầu chuyến công du Copenhague và Helsinki. Là người ủng hộ việc xây dựng một châu Âu mới, nhưng nguyên thủ Pháp khó có thể thuyết phục được các đối tác châu Âu về dự án này. Tổng thống Macron muốn tạo một nhóm ủng hộ châu Âu để đối phó với tổng thống Hungary Viktor Orban, người đang tập hợp phe « hoài nghi châu Âu ». Thủ tướng Đan Mạch, người có chính sách chống di dân và người tị nạn, đánh giá giờ chưa tới lúc tiến hành cuộc cải tổ mạnh mẽ Liên Hiệp Châu Âu.









No comments:

Post a Comment