Monday, August 6, 2018

KHI NGƯỜI GIÀU KHÔNG MUỐN KHÓC (Nguyễn Vạn Phú)




Monday, August 6, 2018

Giáo sư Douglas Rushkoff là lý thuyết gia truyền thông nổi tiếng. Một hôm ông được mời đến nói chuyện tại một khu nghỉ dưỡng cực kỳ sang trọng với một khoản thù lao bằng cỡ nửa năm lương giáo sư. Ông cứ nghĩ sẽ hé lộ một số trực giác của ông về “tương lai công nghệ” cho khoảng một trăm giới chủ ngân hàng đầu tư nên nhận lời.

Trước đây những lần nói chuyện như thế đều kết thúc bằng phần hỏi đáp, trong đó khán giả thích nghe về các từ công nghệ đang thời thượng như blockchain, in 3D, công nghệ sinh học… nhưng không phải để hiểu chúng một cách cặn kẽ - họ chỉ muốn biết có nên đầu tư vào các xu hướng đang nổi lên đó không!

Lần này ông rất ngạc nhiên khi, thay vì đeo micro bước lên sân khấu, ông được dẫn vào một chiếc bàn tròn đơn sơ có sẵn năm tay đàn ông, toàn là kẻ giàu sụ – là tầng lớn trên trong thế giới của các quỹ đầu cơ. Sau màn chào hỏi ban đầu, ông biết ngay họ không một chút quan tâm đến đề tài ông chuẩn bị sẵn về tương lai công nghệ - họ đến, trong đầu có sẵn những câu hỏi của riêng họ.

Thoạt tiên là các câu vô hại: Máy tính lượng tử có thật không? Tiền ảo nào sẽ thắng? Nhưng dần dần các câu hỏi để lộ ra mối lo canh cánh ngày đêm của họ: Vùng nào sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, New Zealand hay Alaska? Có phải Google đang thật sự xây dựng một máy tính để tải nhận thức của nhà khoa học nổi tiếng Ray Kurzweil lên không? Dịch chuyển như thế thì ý thức của ông ta còn tồn tại hay không? Cuối cùng CEO của một tập đoàn chuyên môi giới chứng khoán hỏi câu then chốt, ông ta đã xây gần xong hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất, “Làm sao để tôi vẫn kiểm soát được lực lượng bảo vệ sau khi xảy ra biến cố?”

Người ta thường bảo người giàu cũng khóc là hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Nếu xảy ra biến cố, tức một từ chung cho cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trong tương lai, có thể là thảm họa môi trường, bất ổn xã hội, nổ bom hạt nhân, virus hủy diệt hay robot nổi loạn tiêu diệt mọi thứ thì tiền bạc và quyền lực cũng không giúp được gì nhiều. Nhưng người giàu không muốn khóc, họ đang tìm cách để đối phó.

Họ hình dung xây được hệ thống ngầm vững chải, có hàng rào bảo vệ ngăn chận đám đông điên cuồng bên ngoài nhưng làm sao dùng tiền để mua bảo vệ vì tiền lúc đó là mớ giấy loại. Đâu có gì ngăn cản bảo vệ tự bầu lãnh đạo rồi chiếm lấy hệ thống? Bắt bảo vệ mang đai kỹ luật chìa khóa do họ cất giữ? Hay chế tạo robot làm bảo vệ?

Đến đây thì Douglas Rushkoff bừng tỉnh. Đối với 5 tay đàn ông này, điều họ đang bàn chính là tương lai công nghệ như kiểu Elon Musk đòi lên sao Hỏa sinh sống, Peter Thiel đòi trường sinh bất tử hay Sam Altman và Ray Kurzweil tải nhận thức lên siêu máy tính để trường tồn. Với họ tương lai công nghệ xoay quanh một từ: thoát thân.

Vì sao ra nông nổi này? Còn đâu thế giới tươi đẹp đầu thập niên 1990 khi tương lai kỹ thuật số mở ra những chân trời mới để cải thiện cuộc sống của nhân loại. Lúc đó những người đi tiên phong nhìn thấy một tương lai bao dung hơn, công bằng hơn, ai cũng như ai trước công nghệ. Đáng tiếc những nhóm lợi ích trong kinh doanh lại thấy cơ hội làm tiền, các thương vụ phát hành cổ phiếu để bán cái tương lai đó cho công chúng. Cả thế giới lên cơn sốt khởi nghiệp làm giàu, ai cũng thế nên không còn ai băn khoăn áy náy về mâu thuẫn đạo đức và tiền bạc. Ai đi ngược lại trào lưu công nghệ đều bị gán nhãn bảo thủ.

Douglas Rushkoff bừng tỉnh nhưng thật ra thế giới đã biết từ lâu con đường khai thác công nghệ một cách sai lạc mà chúng ta đang theo đuổi. Thị trường tập trung không chút khoan dung, đầy dẫy tính bóc lột tổ chức theo kiểu hệ thống siêu thị Walmart khi được bổ sung sức mạnh kỹ thuật số thì biến thành một thứ còn ghê gớm hơn, mất tính người hơn: Amazon. Công ăn việc làm, không còn chút sáng tạo, lại được chẻ nhỏ ra để tự động hóa, cho máy dần thay người. Cả xã hội lao vào các nghề mang tiếng là lao động tự do nhưng thực chất bị sức ép công nghệ bóc lột ngày càng nhiều hơn như lái xe cho Uber, giao hàng cho các trang thương mại điện tử. Văn hóa mua sắm ở các tiệm chạp phô địa phương bị xóa sổ không thương tiếc.

Thế nhưng con người không chịu bỏ thời gian suy nghĩ về cách điều chỉnh để công nghệ chung sống với mình, họ lại biến thành các triết gia, lẩn thẩn tự hỏi: Sau này có nên cho trẻ em cấy não để biết thêm ngoại ngữ? Nhân viên giao dịch chứng khoán cho uống thuốc thông minh thì có sòng phẳng không? Xe tự lái nên ưu tiên cho mạng sống người ngồi trong xe hay khách bộ hành? Các thuộc địa trên sao Hỏa có nên được cai trị theo thể chế dân chủ không? Thay đổi DNA có làm hư bản sắc của tôi không? Robot có quyền như người không? Thật là các câu hỏi sang trọng.

Tệ hại hơn, tiến bộ công nghệ được tô đậm nhờ vắt kiệt môi trường và người nghèo. Hàng triệu triệu máy tính và điện thoại thông minh được sản xuất nhờ sức lao động giá rẻ; nhờ kim loại, đất hiếm khai thác lên thì phá hủy môi trường sống của nhiều cộng đồng. Khi thải loại chúng, nước nghèo trở thành bãi thải chứa rác độc hại nơi trẻ em quần quật phân loại, lựa rác để bán lại các thứ tận thu cho nhà sản xuất, lại thuê người biến chúng thành các món đồ công nghệ thời thượng đắt tiền.

Suy nghĩ theo hướng nhắm mắt làm ngơ các vấn đề xã hội bức bối để cao đạo luận bàn các vấn đề triết lý, riết rồi chúng ta sẽ nhìn không gian chúng ta đang sống theo kiểu: con người là thủ phạm mọi vấn nạn còn công nghệ sẽ là lời giải (nhân vật người máy Smith trong phim Matrix từng bảo con người là dịch bệnh, là ung thư của trái đất này và ta là thuốc chữa). Từ đó mới có những suy nghĩ tải nhận thức lên siêu máy tính, đẻ ra một loại người lai máy để nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, lột bỏ lớp vỏ đầy tội lỗi và phiền muộn chỉ để lại ý thức không bao giờ hư hỏng lên một lớp vỏ mới do công nghệ tạo ra.
                
                                                 *   *    *

Trở lại buổi nói chuyện với 5 tay chủ ngân hàng đầu tư giàu có, đang lo cho tương lai có biến không kiểm soát được, Douglas Rushkoff khuyên họ, cách điều khiển lực lượng bảo vệ hiệu quả nhất là đối xử thật tốt với họ, ngay từ bây giờ. Phải xem bảo vệ như người thân trong gia đình. Và họ càng mở rộng cách ứng xử như thế từ bảo vệ ra các nhân viên khác, đến đối tác, chuỗi cung ứng và toàn xã hội thì lúc đó đâu còn lo xã hội có biến.

Rushkoff viết: “Họ mỉm cười khi thấy tôi lạc quan nhưng họ không bị lời tôi thuyết phục. Họ chẳng quan tâm đến cách phòng tránh tai họa vì họ tin chúng ta đã đi quá xa. Bất kể tiền bạc và quyền lực họ đang có, không ai tin họ có thể tác động lên tương lai nữa. Họ chỉ đơn thuần chấp nhận kịch bản xấu nhất và rồi đem hết tiền bạc và công nghệ mà họ có thể huy động để bảo vệ chính họ - đặc biệt khi họ không thể kiếm một chỗ trên con tàu phóng lên sao Hỏa”.

Dù sao với người bình thường như chúng ta, ít ra không có đủ nguồn lực để lo giành chiếc vé lên sao Hỏa hay đủ tiền thuê mướn bảo vệ ngay từ đầu, còn khá nhiều chọn lựa cho tương lai. Rushkoff nói chúng ta có thể phó mặc để trở thành một đơn vị tiêu dùng như những kẻ đứng sau công nghệ mong muốn hay chúng ta có thể tin rằng có một lối sống hài hòa với công nghệ đợi chúng ta tìm ra. Bản chất con người không phải là mạnh được yếu thua, có tiền thì khỏi khóc, có tiền là có lối thoát. Bản chất của con người là sống chết cùng nhau. Nên tương lai của loài người có ra sao thì tất cả đều phải cùng chia sẻ cái tương lai ấy.








No comments:

Post a Comment