Friday, August 3, 2018

CÓ HAI NỀN ĐIỆN LỰC DÂN CHỦ & ĐỘC TÀI (Nguyễn Đức Thắng)



Nguyễn Đức Thắng
04/08/2018

Trong khi cả trái đất sẽ tiến rất nhanh đến một nền năng lượng sạch, làm sạch môi trường, tăng cường sức khỏe cho nhân dân, thì Việt Nam một mình một chiếu duy trì và phát triển nhiệt điện than, gây nên trăm thứ hậu quả khôn lường mà một trong số đó là bệnh ung thư chiếm tỷ lệ hàng đầu trên thế giới. Đúng vậy, nhưng biết làm sao được bây giờ. Có một “ông anh” đứng kè kè một bên vừa phỉnh vừa dọa để thải các nhà máy điện than quá đát của họ sang nước mình, ví dụ rõ nhất là trường hợp Vĩnh Tân khiến dân chúng tại đấy không sống nổi từ khi nhà máy được các quan tham rước về nhả khói mù mịt tới nay (xin xem: Đau đầu với lượng tro xỉ khổng lồ tại Vĩnh Tân), tất nhiên không chỉ có một Vĩnh Tân mà hàng loạt những nhà máy nhiệt điện khác đã, đang và sẽ lần lượt mọc lên như 5 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, 15 dự án nhiệt điện dọc theo lưu vực Tiền Giang và Hậu Giang, rồi nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3… đều là sản phẩm “hảo hảo” của ông anh cực kỳ “tốt bụng”!!!

Còn gì nữa? Còn một vấn nạn cơ bản hơn nhiều là bộ máy độc tài từ đảng đến nhà nước vẫn cứ lù lù ngự trị trên đất nước. Bố nào con ấy, đã thể chế độc tài hỏi điện lực dân chủ làm sao?
Bauxite Việt Nam

------------------------------

Quyết định 428/2016/qđ-ttg, ngày 18/3/2016 sẽ đưa  điện lực Việt Nam trở về thời kỳ “đồ đá” so với thế giới.

Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF) là  tổ chức nghiên cứu, tư vấn (chiến lược, chính sách và đầu tư) toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông vận tải nâng cao, công nghiệp số, vật liệu mới và hàng hóa. Bloomberg NEF có trụ sở chính tại London với 19.000 cán bộ, nhân viên làm việc tại 176 địa điểm trên toàn cầu, mỗi ngày tạo ra khoảng 5.000 báo cáo.

Bài viết dưới đây dựa trên tài liệu Bloomberg New Energy Outlook 2018:
Bức tranh toàn cảnh điện lực của thế giới trong tương lai gần (đến năm 2050):

Nhờ sự phát triển vượt bậc của KH&CN, qui mô sản xuất công nghiệp lớn nên giá cả của tất cả các máy móc, thiết bị, linh kiện, pin/ắc-qui có chất lượng, độ tin cậy và hiệu quả cao, liên quan đến điện gió và điện mặt trời đã và đang “RỚT GIÁ MẠNH MẼ”, nên đến năm 2050:
Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, tổng điện NLTT chiếm 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc: tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Tổng công suất điện mặt trời của Trung Quốc đạt 1,1 triệu MW bằng 21% tổng công suất điện mặt trời toàn cầu; điện gió đạt 1,0 triệu MW bằng 33% tổng điện gió toàn cầu. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%. Hàn Quốc, điện khí ga và NLTT sẽ chiếm 71%, còn lại là điện hạt nhân và điện than.

Đến năm 2050, tổng đầu tư toàn cầu vào pin/ắc qui lưu trữ điện sẽ là 548 tỷ USD. Trong đó  223 tỷ USD đến từ Châu Á và Thái Bình Dương; 168 tỷ USD đến từ Châu Âu.

Năm 2017 toàn cầu đã tạo ra 131 triệu kWh điện pin/ắc qui, trong đó Trung Quốc chiếm 59%, dự đoán trong năm 2021 toàn cầu sẽ sản xuất 400 triệu kWh, trong đó 221 triệu kWh là của Trung Quốc, đưa tỷ lệ điện pin/ắc qui do Trung Quốc sản xuất lên 73%  toàn cầu.

Theo tài liệu Global Shift (Chuyển dịch toàn cầu) của Greenpeace.org tháng 10/2017:

1) Các quốc gia hầu như không có điện than: Albania, Belarus, El Salvador, Ghana, Latvia.

2) Các quốc gia đã chấm dứt hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn điện than: Belgium (2016), Scotland (2016), Austria (2025), Canada (2030), Finland (2030), France (2023), Netherlands (2030), New Zealand (2022), Portugal (2030), Sweden (2030), United Kingdom (2025).

3) Các bang của Mỹ đã chấm dứt hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn nhiệt điện than: California (2014), Ontario (2014), Massachusetts (2017), New York state (2020), Oregon (2020), Connecticut (2021), Hawaii (2022), Washington state (2025), New Mexico (2030).

4) Các thành phố đã hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn nhiệt điện than: Bắc Kinh (2017), Delhi city (2018), Berlin (2030).

Những lý do chủ yếu để điện NLTT TRỞ THÀNH TRỤ CỘT, XƯƠNG SỐNG ĐIỆN LỰC THẾ GIỚI:

  • Người dân khát khao, mong muốn có điện xanh, điện sạch; được sự ủng hộ của các cấp chính quyền.
  • Khoa học và công nghệ về các thiết bị, linh kiện điện gió và điện mặt trời, lưu trữ điện năng phát triển như vũ bão, gần giống như máy tính và điện thoại.
  • Qui mô kinh tế sản xuất các linh kiện, thiết bị, vật tư phục vụ cho điện gió và điện mặt trời ngày càng gia tăng, làm cho giá thành sản phẩm ngày một giảm.
  • Giá của các tuabin gió, các tấm panel PV mặt trời, thiết bị lưu trữ  điện năng (pin/ắc qui), các máy biến tần, đồng hồ đo điện thông minh… luôn bị “rớt giá thảm hại”. Ví dụ, giá 1 modul PV tinh thể silicon điện mặt trời của năm 1976 là 79 USD/W, vào năm 2017 còn 0,37 USD/W. Giá tuabin điện gió từ năm 2010 đến năm 2017 đã giảm 32%. Giá pin/ắc qui Lithium-ion năm 2010 là 1.000 USD/kWh, năm 2017 rớt xuống còn 209 USD/kWh (giảm 79%), đến 2030 sẽ chỉ là 70 USD/kWh.
  • Đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch về điện gió và điện mặt trời đã buộc các nhà phát triển, các nhà cung cấp thiết bị, cung cấp tài chính phải giảm các chi phí khác của dự án điện gió và điện mặt trời.
  • Sức gió và ánh sáng mặt trời (nguyên, nhiên liệu đầu vào) không mất tiền mua, không bao giờ cạn kiệt.
  • Các thể chế tài chính và ngân hàng thấy có lợi nhuận chắc chắn khi đầu tư cho điện NLTT.

Tất cả những yếu tố trên thuần túy là những yếu tố của cơ chế thị trường, của quan hệ cung cầu, góp phần làm cho điện xanh, điện sạch bùng nổ và phát triển. Vai trò quản lý Nhà nước về điện cao nhất, hiệu quả nhất chính là thúc đẩy sự phát triển của cơ chế thị trường, chống độc quyền ngăn cản cạnh tranh, thúc đẩy công khai và minh bạch.

Chi phí bình quân qui dẫn, LCOE (Levelized Cost Of Electricity, được hiểu là giá hòa vốn cho cả đời nhà máy) ở qui mô bình quân toàn cầu, nửa đầu năm 2018, của điện gió trên bờ là 5,5 cent US/kWh, giảm 18%  so với 6 tháng đầu năm ngoái. Điện mặt trời 7,0 cent US/kWh, cũng giảm 18% tương tự điện gió. Điện gió ngoài khơi là 11,8 cent US/kWh, giảm 5%.

Ấn Độ: Nửa đầu năm 2018, LCOE đối với điện gió trên bờ là 3,9 cent US/kWh, giảm 46% so với năm ngoái. Điện mặt trời là 4,1 cents US/kWh, giảm 45%. So với điện than hiện đang là 6,8 cents US/kWh, điện khí ga chu trình kết hợp là 9,3 cents US/kWh.

Ngày 20/7/2017 cơ quan Điện và Nước của thành phố Dubai thông báo là dự án Điện mặt trời Al Maktoum giai đoạn 3 sẽ hoàn tất vào năm 2020, LCOE  sẽ là 2,99 cents Mỹ/kWh (khoảng 690 đồng VNĐ), siêu sạch và siêu rẻ của Dubai. Tỷ trọng điện mặt trời 25% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.

Tất cả đều rẻ hơn nhiệt điện than siêu bẩn của Việt Nam, với ưu đãi thuế BVMT gần bằng 0, thuế phát thải CO2 không có.

Vì điện gió và điện mặt trời và pin/ắc qui, máy biến tần, đồng hồ đo điện thông minh trở nên vô cùng rẻ, nên hệ thống điện ở tất cả các nước trên Thế giới sẽ là rất phân tán, phi tập trung cao độ, điện sản xuất ở khắp nơi, điện không phải di chuyển nhiều từ Đông sang Tây, hay từ Bắc xuống Nam hàng ngàn km, giảm tổn thất lãng phí trên đường dây.

Sẽ có rất nhiều các trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời rải rác khắp nơi đấu nối vào với lưới điện chung, ở mọi quốc gia. Nóc của nhiều triệu tòa nhà, văn phòng, cơ quan, viện, trường, khách sạn, công ty, nhà máy đều là những nguồn cung điện mặt trời. Nhiều triệu hộ gia đình ở nhiều nước trên Thế giới sẽ thi nhau tự sản xuất điện NLTT, tích trữ vào pin/ắc qui để dùng, đủ cho cả tuần không nắng, không gió, hay thừa thì bán vào lưới điện. 100% vùng sâu, vùng xa, hải đảo sẽ có điện.

Quan điểm phải/bắt buộc đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ trở lên lỗi thời. Nhiều trăm triệu hộ gia đình trên Thế giới sẽ tự sản xuất điện NLTT, hình thành lên những lưới điện thông minh qui mô mini, siêu mini (mini/micro smart grids) cho một xóm, tổ, thôn, bản, làng... Nhiều triệu người sẽ đứng ra liên doanh, liên kết kinh doanh vận hành những lưới điện mini này. Giám sát, theo dõi tiêu dùng điện, thanh toán tiền điện, tất cả sẽ qua điện thoại di động thông minh (Pay As You Go – PAYG, vừa đi vừa thanh toán).  Chủ doanh nghiệp sản xuất hay chủ hộ gia đình chỉ cần lệnh cho phần mềm/chương trình điều khiển là muốn tiết kiệm tiền điện, cần giảm phát thải khí CO2, sau đó phần mềm (software) sẽ tự động làm tất  cả mọi việc còn lại. Căn cứ những dữ liệu lịch sử về tiêu dùng điện và thời gian có nắng, có gió của các ngày trước, tháng trước, phần mềm sẽ dự báo tình hình nắng, gió cho ngày mai để điều khiển lưới điện thông minh mini/micro đảm bảo cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp/hộ gia đình sử dụng, sao cho hiệu quả nhất về kinh tế và giảm phát thải CO2.

Thậm chí gia đình nghèo ở đô thị có điện lưới, không lắp đặt các tấm panel PV điện mặt trời, họ vẫn có thể mua các pin/ắc qui để tích trữ điện lưới vào lúc giá rẻ (thời điểm các nguồn cung nhiều, dư thừa điện) và đem ra sử dụng vào giờ cao điểm (lúc giá điện lưới cao), cũng tiết kiệm được tiền đáng kể. Giá bán điện ở các nước được qui định cho từng giờ trong ngày, công khai, minh bạch để người tiêu dùng biết lựa chọn tối ưu kinh tế cho mình, điều khiển điện trong gia đình thông qua điện thoại thông minh.

Hệ thống lưới điện quốc gia thông minh (national smart grid) sẽ là tập hợp của rất nhiều các lưới điện nhỏ thông minh (small smart grids). Tính linh hoạt của hệ thống điện này (flexibility) sẽ là cao nhất, hệ thống điện sẽ vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất.

Vai trò điều tiết điện (dispatchability) truyền thống của nhiệt điện than sẽ biến mất. Thay vào đó là điện khí ga cùng với triệu triệu các pin/ắc qui và người tiêu dùng sẽ đảm đương. Vào giờ cao điểm, khan hiếm điện giá cao,  người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng điện lưu trữ trong pin/ắc qui. Khi điện cung trên lưới dư thừa, điện gió và điện mặt trời hoạt động mạnh, giá điện sẽ rẻ, người tiêu dùng sẽ nạp điện vào pin/ắc qui để tích trữ. Vì điện NLTT sẽ được sản xuất và phân bố ở khắp nơi, luôn cận kề xung quanh người tiêu dùng điện, nên ở đâu cần thì điện từ nơi “thừa” gần nhất sẽ “chạy” đến, không cần phải đi từ Bắc xuống Nam, không cần phải chạy từ Đông sang Tây, giảm đáng kể tổn thất điện trên đường dây.

Vì điện xanh, điện sạch và các pin/ắc qui quá rẻ nên sẽ bùng nổ các xe máy, ô tô con, xe buýt chạy điện. Các viện, trường nghiên cứu, các hãng sản xuất xe nổi tiếng trên Thế giới đang chạy đua cho ra đời những loại pin/ắc qui tích được nhiều điện năng nhất trên 1kg trọng lượng, thời gian nạp nhanh nhất và tuổi thọ bền lâu nhất với giá rẻ nhất để tích trữ tối đa điện mặt trời và điện gió. Hãng thông tấn Reuters đã trích dẫn báo Nhật Chunichi Shimbun, vào năm 2022 Toyota sẽ xuất xưởng hàng loạt xe điện chạy đường dài từ 800km - 1000km cho một lần nạp điện chỉ có vài phút. Pin/ắc qui là Lithium - ion nhưng ở thể rắn (solid state), an toàn hơn thể lỏng (liquid state) truyền thống. Loại pin/ắc qui thể rắn này Toyota sẽ bán ra vào năm 2020. Tương tự là hãng General Motors nhưng chậm hơn 2 năm. Ô tô và xe điện không phát thải bất cứ loại khí nào, không tiếng ồn. Ở qui mô toàn cầu, năm 2017, ô tô xe điện (bao gồm xe tải nhẹ và xe buýt) bán ra khoảng 1,1 triệu chiếc, chiếm 1,8% của tổng các phương tiện vận tải. Vào năm 2030 sẽ tăng lên gấp 27 lần, đạt 30 triệu xe, ô tô điện. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 55% vào năm 2040. Phát sinh nhu cầu điện năng mới là 2.000 tỷ kWh vào năm 2040, sẽ là 3.414 tỷ kWh vào năm 2050, tương đương với 9% tổng tiêu thụ điện năng toàn cầu. Khi đó, tại nước Đức, xe ô tô điện sẽ tiêu thụ 24% tổng điện năng quốc gia. Các chủ xe sẽ chọn nạp điện vào giờ giá điện rẻ.

Việt Nam, theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 và căn cứ đà phát triển bùng nổ nhiệt điện than hiện nay, vào năm 2030 và lâu hơn nữa sẽ là 60%, vì tuổi thọ trung bình của một nhà máy nhiệt điện than là 35 năm; tổng điện gió và điện mặt trời chỉ khoảng 5,5%. Ngành điện Việt Nam là nước duy nhất trên Thế giới thích nghịch lý, trái ngược so với Thế giới, đam mê mô hình điện những thập kỷ 60 của Thế giới, chọn nhiệt điện than là động lực phát triển kinh tế, “đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” trong tương lai.

N.Đ.T.
Tác giả gửi BVN









No comments:

Post a Comment