Monday, August 27, 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 27/8/2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
27/08/2018

Ngoài thực địa

Theo Sputniknews được TTXVN dẫn lại, ngày 21 tháng 8 Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) cho biết, MSDF sẽ tổ chức tập trận hải quân chung với lực lượng hải quân của các quốc gia châu Á khác trên Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Theo đài NHK của Nhật đưa tin cùng ngày hôm đó, MSDF đã tuyên bố các tàu của lực lượng này, ngày 26 tháng 8 bắt đầu chuyến thăm tới 5 nước; trong đó có Philippines, Indonesia và Ấn Độ nhằm tổ chức các cuộc tập trận chung với những nước này và Hải quân Mỹ. Chuyến thăm sẽ tiếp diễn tới cuối tháng 10.

Theo Tham mưu trưởng MSDF Yutaka Murakawa, các cuộc tập trận như vậy phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy “ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế” thông qua việc tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Phi.

Bình luận về COC

Trong một bài bình luận trên trang Asia Maritime Transparency Initiative, TS Lê Thu Hường cho rằng quá trình đàm phán COC đặt ra nhiều thách thức hơn là hy vọng giải quyết tranh chấp. COC đã trở thành một “chén thánh”, rất được mong cầu nhưng không thể đạt được.

Tác giả chỉ ra một điều đáng quan ngại mà theo tác giả nên được quan tâm là chén thánh này có thể biến thành công cụ để Trung Quốc hợp pháp hóa các hành động của mình ở Biển Đông bằng cách vừa tham gia vào quá trình này vừa phá hoại tinh thần của nó. Với mục đích đó của Trung Quốc, những thách thức đối với quy trình COC theo tác giả có thể là:

·         Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc đàm phán COC để trì hoãn, khai thác và chuyển hướng trọng tâm khiến ASEAN không thể đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông;

·         Trung Quốc sẽ tìm cách đưa vào COC những ngôn ngữ  không có ích và không chính xác mà sau này có thể sử dụng để biện minh cho các hành động của mình;

·         Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tuyên bố COC là một thành công ngoại giao và sẽ sử dụng nó như một sự che chở để tránh những lời chỉ trích trong khi vẫn theo đuổi chiến lược đơn phương kiểm soát Biển Đông.

Theo tác giả phân tích, đã hơn 25 năm kể từ khi ASEAN lần đầu tiên chính thức cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông vào năm 1992. Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết cho khu vực để giải quyết bất kỳ vấn đề tranh chấp nào, và phải mất thêm 10 năm để khối ASEAN có thể xây dựng được một DOC không ràng buộc với Trung Quốc vào năm 2002.

Trong 16 năm sau đó, các bên đã đeo đuổi một COC mà sẽ giúp giải quyết các tranh chấp gây ra căng thẳng, khiến tài nguyên cạn kiệt. Nhưng thời gian đang đứng về phía Trung Quốc. Thời gian đã cho phép Trung Quốc xây dựng thành công năng lực của mình, đặc biệt là thông qua xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây. Trong khi đó, các cuộc đàm phán COC kéo dài và không hiệu quả đã đánh lạc hướng sự chú ý của khu vực khỏi sự nghiêm trọng của các hoạt động gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các cuộc đàm phán kéo dài, không hiệu quả đã ảnh hưởng bất lợi đến đa phương khu vực. Vấn đề Biển Đông đã phơi bày những điểm yếu thuộc về thể chế của ASEAN, đặc biệt là cách thức đưa ra quyết định dựa trên đồng thuận dẫn đến bế tắc. Chỉ cần một thành viên không đồng ý với nội dung của một tuyên bố chung có thể khiến cả nhóm không thể đưa ra tiếng nói. Ví dụ được nhắc đến nhiều nhất là việc Campuchia đã cản trở tuyên bố chung ASEAN năm 2012 khi nước này giữ ghế chủ tịch. Nhiều người đã liên kết sự thiếu đoàn kết khu vực của Phnom Penh với sự trung thành và phụ thuộc kinh tế của họ đối với Trung Quốc.

Hơn nữa, Biển Đông đã trở thành một chủ đề gây “mệt mỏi” khiến nhiều chủ tịch ASEAN phải sợ hãi trong những cuộc họp khu vực. Ngay cả Singapore là nước chủ tịch năm nay nổi tiếng về ngoại giao khéo léo, cũng muốn tập trung vào những vấn đề khác hơn, như chống khủng bố, an ninh mạng và thành phố thông minh, những lãnh vực mà họ nhìn thấy nhiều không gian hợp tác hơn, và ít bị cản trở hơn từ các thành viên thân Bắc Kinh trong khối.

Các cuộc đàm phán COC càng kéo dài, Trung Quốc càng ở vị trí thuận lợi hơn trong việc mở rộng quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông, ví dụ bằng cách rải hạm đội đánh cá trên khắp Biển Đông và ngăn cản các bên tranh chấp còn lại khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực biển và đáy biển của họ, như gần đây buộc Việt Nam dừng khoan dầu khí.

Ngay cả các cách tiếp cận hòa giải hơn, như chính phủ Philippines đang thực hiện, dường như cũng không thể bẻ lái Trung Quốc khỏi chiến lược giành độc quyền kiểm soát trên Biển Đông. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã chọn chiến lược ôm Trung Quốc thắm thiết. Duterte không chỉ bỏ qua quyết định của Tòa trọng tài năm 2016, từ bỏ chiến thắng pháp lý và giáng một đòn vào trật tự dựa trên luật lệ quốc tế – mà ông còn lựa chọn theo đuổi các cuộc đàm phán về khai thác dầu khí chung với Trung Quốc (mặc dù dường như khó đạt được thoả thuận nào trong tương lai gần). Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng các trang thiết bị quân sự, bao gồm ở cả rạn Vành Khăn nằm trong thềm lục địa của Philippines, và quấy rối ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines.

Tác giả kết luận, nếu quá trình COC vẫn tiếp tục với quỹ đạo hiện tại, và Trung Quốc thành công trong việc lấp đầy văn bản với những điều khoản mơ hồ, ít gây ảnh hưởng tới hành vi của mình, quốc gia này sẽ lạm dụng một cách hiệu quả trật tự dựa trên luật lệ cho lợi ích riêng của mình. Thay vì chống lại các hành vi đơn phương ở Biển Đông, một trật tự dựa trên luật lệ dưới dạng COC có thể sẽ lại hỗ trợ và biện minh cho sự bành trướng, và cuối cùng là sự độc quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các quốc gia liên quan khác trong khu vực cần phải nhận ra những cái bẫy này của một COC phản tác dụng, và không thúc đẩy một sự đồng thuận chỉ để có thể nói rằng quá trình đàm phán có tiến triển. Thay vào đó, họ nên nhấn mạnh vào việc đàm phán các điều khoản và điều kiện của một COC thực sự, một bộ quy tắc mà có thể thiết lập được những cơ chế quản lý tranh chấp dựa trên luật lệ một cách hiệu quả, chứ không phải là một văn bản bỏ qua những cơ chế này chỉ để nhằm đạt được “một chiến thắng” dễ dãi.


--------------------------------

BÀI CŨ








No comments:

Post a Comment