Saturday, August 25, 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 25/8/2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
25/08/2018

Ngoài thực địa

Phóng viên Ivan Watson của CNN tiếp tục kể lại những chi tiết trong chuyến bay tám giờ đồng hồ qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

“Đây là cơ sở SAM (tên lửa đất đối không)”, Trung úy Lauren Callen nói khi bay qua đá Subi. Phi hành đoàn đếm được 86 tàu của Trung Quốc tại khu vực Đá Subi.

Khi chiếc phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ bay qua vùng Đá Chữ Thập, các máy ảnh chụp lại được khoảng 10 phương tiện đang di chuyển trên đường băng. Có thể thấy những chiếc xe rải rác đi lại giữa các con phố trên hòn đảo nhân tạo khi phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ bay đến gần hơn, tạo cho chúng tôi ấn tượng rằng họ đang cố gắng làm cho bản thân khó quan sát hơn từ trên cao, theo mô tả của Ivan Watson.

Các phi công trên chuyến bay của CNN qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên Biển Đông. Nguồn: CNN

Phi hành đoàn Hải quân Hoa Kỳ gồm bốn nam, một nữ, ngồi trước một màn hình video lớn phía bên trái của máy bay, mỗi người đều có một chuột máy tính và cần điều khiển. Họ di chuột xung quanh màn hình, theo dõi những gì trông giống như hàng trăm tàu trong vùng biển bên dưới. Các tàu thương mại được xác định dễ dàng bằng tên của chúng. Trong khi khó khăn hơn để phát hiện các tàu quân sự.

Trung úy Lauren Callen quét một đốm không xác định trên màn hình. Dữ liệu thu thập bởi các máy tính của Poseidon sau đó được phân tích. Sau một vài phút, bà liệt kê tàu này vào danh sách tàu khu trục Trung Quốc lớp Luyang. Đây là một trong số nhiều tàu chiến Trung Quốc được nhìn thấy trong chuyến đi. Máy ảnh và máy tính của phi cơ Poseidon có thể cung cấp nhận dạng hình ảnh ở khoảng cách xa, phát hiệu một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ở khoảng cách 40 dặm.

Quan hệ Việt – Trung 

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng Cộng Sản, hai nước Việt Nam – Trung Quốc (sau đây gọi tắt là hai bên), ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã thăm Trung Quốc từ ngày 19-23 tháng 8.

Chiều 20 tháng 8, tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp thân mật ông Trần Quốc Vượng và phái đoàn.

Ông Trần Quốc Vượng đề nghị hai bên thực hiện thật tốt, hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai bên; tiếp tục củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên thông qua trao đổi, tiếp xúc cấp cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai bên; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước và môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Còn ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có nhiều điểm tương đồng. Việc không ngừng vun đắp, củng cố quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai bên là hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.

Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc mong cùng Việt Nam, đi sâu trao đổi về một số vấn đề quan trọng mang tính toàn cục và mang tính chiến lược, tăng cường dẫn dắt chính trị phát triển quan hệ Trung-Việt, thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ Trung-Việt.

Ông Tập Cận Bình nói, mong cùng Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy toàn diện công trình vĩ đại mới về xây dựng Đảng Cộng sản, không ngừng nâng cao trình độ nắm quyền của mỗi nước.

Tân Hoa Xã thuật lại, ông Trần Quốc Vượng cho biết, trong tình hình hiện nay, củng cố và đi sâu quan hệ, luôn giữ gìn niềm tin ban đầu của hai Đảng Cộng Sản Việt – Trung cực kỳ quan trọng. Việt Nam coi trọng tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Cùng ngày, theo Thông Tấn Xã Việt Nam, tại Đại Lễ đường Nhân Dân, Ông Vượng đã có cuộc hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Chiều 22 tháng 8, ông Vượng đã có cuộc hội kiến với ông Hồ Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông đề nghị tỉnh Thiểm Tây tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực như kinh tế-thương mại, du lịch, văn hóa. Trong thời gian ở thăm tỉnh Thiểm Tây, Đoàn cũng đi thăm và khảo sát, tìm hiểu mô hình xây dựng nông thôn mới, cơ sở kinh tế-xã hội tại thành phố Diên An và thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Hợp tác quốc phòng

Từ ngày 19 – 24 tháng 8, nhận lời mời của Đại tướng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn kỹ thuật Quân sự quốc tế “Army-2018” và Diễn đàn quốc tế “Tuần lễ an ninh quốc gia” tại Liên bang Nga.

Từ ngày 20 – 23 tháng 8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS-42) do Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ đồng tổ chức, với mục đích trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của quân đội các nước.

Ngày 22 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Alexander Fomin trong một chuyến công du tới Nga để tham dự các cuộc triển lãm quân sự ở đây, cũng như tìm tìm kiếm các cơ hội cho sỹ quan và quân nhân Philippines được tham gia đào tạo cùng với đồng cấp của quân đội Nga. 

Theo báo Inquirer, dự kiến một tàu hải quân Philippines sẽ thực hiện chuyến thăm cảng đầu tiên tại Vladivostok vào cuối tháng tới.

Ngày 23 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman tại New Delhi. Sau cuộc họp, hai bên đã đồng ý mở rộng hợp tác quân sự và tăng cường tương tác để bảo đảm hòa bình trên đường biên giới chung.

Trước đó, từ ngày 19 – 20 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã có chuyến thăm song phương Ấn Độ theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Nirmala Sitharaman. Hai bộ trưởng đồng ý rằng, điều quan trọng là hai nước cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh theo khuôn khổ mối quan hệ “Đối tác Chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa Ấn Độ và Nhật Bản,” kết hợp “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản và “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ nhằm hợp tác đạt được những mục tiêu chung.

------------------------------

BÀI CŨ










No comments:

Post a Comment