Monday, July 30, 2018

VỀ MỘT NỀN GIÁO DỤC . . . BẦY HẦY (Quách Hạo Nhiên)




Quách Hạo Nhiên
30-7-2018

 Trước đây, khi nhìn nhận và đánh giá về nền giáo dục nước nhà, giáo sư Hoàng Tụy bảo rằng giáo dục Việt Nam đang bị “lạc đường”; cũng có người mạnh miệng và trần trụi hơn khi không ngần ngại cho rằng nền giáo dục Việt Nam hôm nay rất “thối nát”... Khách quan mà nói, cả hai cách định danh trên đều không sai bởi tất cả đều có cơ sở và nguyên do của nó. Với nữa, nhận định như thế nào còn do quan điểm và góc nhìn của mỗi người. Vậy nên, “giáo dục bầy hầy” trước hết cũng là một góc nhìn, một cách nói, một cách lý giải về những bất cập và tiêu cực đã đang xảy ra với ngành giáo dục trong hơn chục năm trở lại đây trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng của hai từ này.

Nói khác đi, đó là một sự bầy hầy cả trong tư duy và nhận thức; trong lời nói và việc làm; từ khâu hoạch định chiến lược mang tầm vĩ mô, “quốc sách” cho đến khâu triển khai thực thi cấp vi mô... Nói tóm lại, sự bầy hầy diễn ra ở tất cả mọi khâu, mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức, vận hành bộ máy quản lý và đào tạo; và quan trọng hơn sự bầy hầy này chính do thói quen giả dối và ngụy biện của con người trong xã hội hôm nay mà ra.

1. Gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La – “giọt nước tràn ly” hay sự lặp lại của những “bóng ma lịch sử”?

            Những ngày này, mọi ánh mắt đang đổ về Hà Giang và Sơn La – hai địa phương mới bị phanh phui vì sự gian lận trong thi kỳ thi THPT vừa qua.... Tuy các cơ quan truyền thông thi nhau giật tít và cho rằng đây là sự “gian lận chưa từng có” nhưng thực lòng mà nói với riêng tôi, chuyện này chẳng có gì là bất ngờ (Thậm chí nếu các cơ quan chức năng có phát hiện thêm nhiều địa phương khác gian lận như thế nữa).

Trước hết, chỉ cần chịu khó suy nghĩ và phân tích sẽ thấy, những cán bộ công chức của hai Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang và Sơn La đương nhiên không ai bị... tâm thần mà đi tự ý sửa điểm, nâng điểm cho con em người khác (nhất là con em của các “lãnh chúa” địa phương) để rồi phải vướng vào vòng lao lý, tiêu tan đời công chức. Động cơ của những người này nếu không phải vì cái “bệnh thành tích” của địa phương mình thì cũng là một biểu hiện, một hình thức khác của vấn nạn “chạy điểm”, “chạy trường” mà thôi. Mà “bệnh thành tích” hay “chạy điểm”, “chạy trường” thì có còn là chuyện bất ngờ nữa không?

Và không chỉ có vậy, nếu mọi người còn nhớ chuyện sửa điểm, “chạy điểm” xảy ra ở Bạc Liêu năm 2006 mà công an tỉnh Bạc Liêu đã điều tra với tổng cộng 74 người liên quan trong đó có 38 người đang công tác trong ngành GD&ĐT thì tin chắc rằng sẽ không cần phải quá thảng thốt như thế. Hay như, nếu chịu khó bỏ chút công sức tìm hiểu về các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm trên cả nước sẽ thấy về cơ bản những chuyện này cũng chẳng khác gì nhau. Đã nhiều năm qua, chẳng ai lạ gì chuyện để có giải thưởng, có thành tích mang về cho địa phương ngoài nỗ lực rất đáng trân trọng của một bộ phận các thầy cô giáo và các em học sinh trung thực, ngây thơ thì có không ít trường hợp người ta phải “binh biến” dưới nhiều hình thức khác nữa, đặc biệt là với các địa phương ở “xa mặt trời”. Phổ biến nhất, là lãnh đạo các địa phương hay các trường có học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi phải cất công ra Hà Nội để “thỉnh” các vị GS, TS - những người được xem là có “kinh nghiệm” và ít nhiều dính líu đến công tác ra đề thi - về huấn luyện cho các con “gà chọi” của mình. Đương nhiên, cái giá bỏ ra để thuê được các vị GS, TS kia về là không hề rẻ và nó còn phụ thuộc vào việc năm nay địa phương muốn mang về giải nhất, giải nhì, giải ba hay giải khuyến khích nữa. Tùy động cơ và mục tiêu cụ thể mà các vị GS, TS sẽ ra giá và huấn luyện sao cho “sát sườn” hay “bật mí” chút đỉnh về đề thi mà các vị có dính líu...

Như vậy, có thể thấy sự gian lận, sự bầy hầy trong thi cử ở Hà Giang hay Sơn La năm nay nếu đặt trong cái nhìn toàn cảnh về những bất cập của nền giáo dục nước nhà sẽ thấy đây hoàn toàn phải là chuyện “giọt nước tràn ly” như nhiều người nói mà đó là sự lặp lại và nối dài của những “bóng ma lịch sử” trước đó nhưng không được những người có trách nhiệm quyết liệt khắc phục, sửa chữa. Quan trọng hơn, sự việc này còn là một minh chứng cho thấy sự phá sản của quan điểm “lấy thi cử làm khâu đột phá” trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” cả trên cả hai phương diện nhận thức lẫn kỹ thuật của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Không ai phủ nhận việc cải tiến thi cử sẽ tác động ngược trở lại quá trình giảng dạy và học tập, tuy nhiên trong bối cảnh của nền giáo dục VN hiện nay thì việc cải cách này chỉ là cải cách ở cái phần ngọn. Ngoài ra, như nhiều chuyên gia đã từng phân tích và khuyến nghị trước đó, việc nhập hai kỳ thi thành một với mục tiêu và tính chất hoàn toàn khác nhau là một sự phản khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Đó là về nhận thức, còn về kỹ thuật tổ chức thì tuy sự gian lận ở Hà Giang và Sơn La là sự gian lận mang tính địa phương nhưng nói cho cùng Bộ giáo dục và đào tạo vẫn phải chịu trách nhiệm chính và liên đới trong vụ này? Vì sao? Vì Bộ là cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng đề án, lựa chọn và đề xuất, tham mưu cho từ đó ban hành quy chế, quy trình coi thi và chấm thi đặc biệt là với các môn thì theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Vậy thì ai đã tư vấn thiết kế phần mềm chấm thi các môn trắc nghiệm khách quan cho Bộ? Và phần mềm ấy trước khi chuyển giao đã được công khai thẩm định phản biện bởi các chuyên gia về CNTT hay chưa mà sao lại phơi bày cái lỗ hỏng chết người để cho các cán bộ, công chức của hai địa phương kia dễ dàng can thiệp và chỉnh sửa?

Tóm lại, tuy là sai phạm ở Hà Giang, Sơn La...và rất có thể còn nhiều địa phương khác nữa nhưng tất cả suy cho cùng vẫn là dó cái lỗi vận hành của cả hệ thống mà đứng đầu là Bộ Giáo dục và đào tạo. Cho nên, về mặt liên đới trách nhiệm thì các ông “nguyên” Bộ và Thứ trưởng như: ông Luận, ông Ga, ông Hiển...cũng cần phải thành tâm hối cải và “chia lửa” với ông Nhạ về sự việc hôm nay. Nhất là cái chủ trương “lấy thi cử làm khâu đột phá” và nhập hai kỳ thi thanh một để “đổi mới căn bản và toàn diện” mà các ông đã tham vấn sau đó được ghi vào Nghị quyết TƯ Đảng.

2.  Ngụy biện và dối trá – nguyên nhân của mọi sự tiêu cực và bầy hầy

Trong những ngày xảy ra sự việc gian lận ở Hà Giang, một người bạn của tôi có chuyển cho tôi xem bài viết trên trang cá nhân của GS Nguyễn Minh Thuyết – người hiện là Tổng chủ biên cho việc đổi mới chương trình SGK phổ thông hiện nay. Bài viết của GS Nguyễn Minh Thuyết nhan đề “Giáo dục Việt Nam – chúng ta đánh giá công bằng?” gồm có hai phần, trong đó phần đầu là văn phong và suy nghĩ của chính ông, phần còn lại ông dẫn lại nguyên văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong kỳ họp Quốc hội cách nay đã 2 năm (ngày 16/11/2016) như để minh chứng cho quan điểm của mình. Bản thân tôi sau khi đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần và cũng rất hiểu đây là sự chia sẻ và trăn trở mang tính cá nhân của ông Thuyết liên quan đến việc nhìn nhận đánh giá về nền giáo dục Việt Nam hôm nay. Tôi tôn trọng suy nghĩ và phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết. Tuy vậy, phải nói thật rằng tôi vô cùng bất ngờ khi biết ông có những suy nghĩ và “tâm tư” như thế. Cụ thể GS Nguyễn Minh Thuyết có nói như thế này:

“Năm nay nhận huy hiệu “70 năm tuổi trời”, cả đời tôi chỉ làm nghề dạy học. Tuy có khoảng mươi năm phải rẽ sang lối khác, nhưng trong mươi năm ấy vẫn tham gia đào tạo sau đại học và một số công việc về giáo dục. Đến lúc hưu lại quay về với ngành. 
Có thể cá nhân tôi công ít tội nhiều. Nhưng đọc và nghe nhiều ý kiến về giáo dục, tôi thấy thường chỉ là ca thán theo số đông, ít có sự bình tâm suy xét. Ngay cả các thầy cô trong ngành cũng vậy.
 Có lần nghe một phóng viên chê bai ngành mình, tôi bất chợt hỏi: "Em thử nói cho tôi có ngành nào ở VN này khá hơn giáo dục không?" Gặp câu hỏi bất ngờ, bạn ấy ngớ ra, rồi gật gù: "Đúng là khó tìm". Kinh tế ư? Tài chính ư? Ngân hàng ư? Hay là Công an, Quân đội? Tôi tin là bất kỳ ai trong chúng ta cũng khó kể ra một cái tên nào đó”. [1]

Một người gần như cả đời làm việc trong ngành giáo dục, lại “nguyên là” một đại biểu Quốc hội nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn về các vấn đề văn hóa xã hội của đất nước, và hiện còn đang đảm đương vai trò Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa phổ thông trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” mà lại có suy nghĩ và cách nói mang tính ngụy biện như trên thì không thể không bất ngờ. Thật sự, tôi cũng không hiểu sao giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại có thể bênh vực và giành lại sự công bằng cho ngành giáo dục bằng cách đánh tráo vấn đề như vậy? Khi người ta nói ngành của anh tệ hại vậy thì việc đầu tiên là anh cần trung thực và thẳng thắn nhìn lại xem nó có tệ hại hay không? Bởi,“tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Và nếu như mình tốt đẹp và không tệ hại thì phải chứng minh cho người ta thấy bằng những sự việc cụ thể chứ đâu thể bảo rằng “có ngành nào ở VN này khá hơn giáo dục không” để bào chữa cho sự tệ hại của mình?

Không những vậy, một khi đã thừa nhận cả đời mình hoạt động trong giáo dục nhưng “công ít tội nhiều” thì sao lại tư duy mâu thuẫn và lấp liếm không dám dũng cảm thừa nhận sự yếu kém của nền giáo dục mà chính mình đã góp phần làm cho nó bầy hầy như vậy?

Quan điểm và suy nghĩ của GS Nguyễn Minh Thuyết làm tôi nhớ lại những năm gần đây, khi những vấn nạn và tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục liên tiếp xảy ra làm xã hội bất bình và mất niềm tin thế nhưng, trong hầu hết các bản báo cáo hoặc trả lời dư luận, những người có trách nhiệm từ cấp cao đến cấp thấp lại cố tình lấp liếm và chối bỏ trách nhiệm. Mỗi lần như vậy thì cái điệp khúc “những việc tiêu cực chỉ là cá biệt chứ nhìn tổng thể thì rất tốt...” được các vị chức sắc trong ngành mang ra sử dụng thay vì phải dũng cảm thừa nhận và nói lời xin lỗi trước toàn thể nhân dân. Tệ hơn nữa là cái điệp khúc đổ thừa cho “các thế lực thù địch” lợ dụng và“điên cuồng” chống phá chứ không bao giờ thành tâm, tự soi lại chính mình.

Đây rõ ràng là sự ngụy biện và dối trá. Bởi cả xã hội ai cũng nhìn thấy một nền giáo dục mà tất cả các khâu, các cấp quản lý, điều hành hay đào tạo, giảng dạy đều có vấn đề nọ kia thì sao còn trách dư luận thiếu công bằng trong nhìn nhận, đánh giá. Một nền giáo dục mà phụ huynh xông vào trường đánh và xúc phạm giáo viên; giáo viên đánh mắng hay gạ tình học sinh; học sinh đón đường đâm lại giáo viên; thi cử, học hành thì gian dối thiếu trung thực; THS, TS, PGS, GS thì đạo văn, chạy điểm, “học giả bằng thật” vân vân và vân vân... thì còn gì mà bào chữa hay ngợi ca đây? Tại sao không chịu nhìn thẳng vào sự thật mà lại cố biện minh bằng những lý lẽ như vậy?

Một sự dối trá và ngụy biện khác cũng khá phổ biến hiện nay mà ai cũng nhìn thấy nữa đó là nhiều vị quan chức trong ngành tuy đang trực tiếp hoặc gián tiếp chủ trì các dự án đề án đổi mới giáo dục nước nhà với kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ nhưng sau đó bị phá sản, thất bại nhưng chẳng một ai chịu trách nhiệm. Cái đề án dạy học với tên gọi VNEN là một ví dụ như thế. Điều đáng nói hơn là, chính những kẻ tham gia vẽ vời các dự án cải cách nền giáo dục nước nhà nhưng bản thân họ lại không có một niềm tin nào về sự thành công và phát triển của giáo dục nước nhà trong tương lai. Điều này thể hiện qua việc đa phần đều tìm cách này hay cách khác cho con em mình được đi “tị nạn giáo dục” ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Họ nhân danh đổi mới và cải cách để vẽ ra không biết bao nhiêu đề án, dự án nhưng lại lo sợ cho tương lai của con em mình nếu phải thụ hưởng cái thành quả giáo dục từ chính các dự án, đề án do họ vẽ ra. Một người tiếng tăm và gần như cả đời cống hiến cho ngành giáo dục như ông Thuyết mà còn thừa nhận mình “công ít tội nhiều” thì thử hỏi với hàng trăm quan chức khác trong ngành cộng lại thì còn gì là cái nền giáo dục này nữa?

3. Phải chăng Việt Nam không ai còn đủ tư cách để thay ông Nhạ?

Nhiều người trước những vấn đề tiêu cực của nền giáo dục hôm nay cứ nhằm ông Nhạ mà trút giận, quy hết trách nhiệm cho cá nhân ông. Không bênh vực nhưng tôi cho như thế là thiếu công bằng với ông ấy. Tuy vậy, nếu phải nói về sự bầy hầy của nền giáo dục trong nhiệm kỳ hiện tại thì cũng không thể không nhắc đến cá nhân ông như một chỉ dấu cụ thể, điển hình và sống động nhất.

Giáo dục là văn hóa, là “chìa khóa” để mở các cánh cửa khác của xã hội và đất nước. Và lẽ ra, một khi đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì việc lựa chọn người cùng tham gia vào triển khai cái “quốc sách” ấy phải hết sức cẩn trọng. Ấy vậy mà hết lần này đến lần khác sự lựa chọn ấy chỉ làm cho xã hội thêm mất niềm tin vậy. Một ông Bộ trưởng trong tư cách và vai trò “tổng tư lệnh ngành” mà nói năng ngọng nghịu, trước hết, đã cho thấy một sự bầy hầy trong cái quy trình tuyển chọn người tài để triển khai và thực thi. Đã vậy, gần đây tuy cùng bị tố đạo văn như ông Nguyễn Đức Tồn nhưng trong khi ông Tồn bị “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” yêu cầu, đề nghị làm tới cùng thì ông Bộ trưởng vẫn chẳng hề hấn gì.
Thậm chí vẫn để cho ông ta nhởn nhơ và trân tráo xuất hiện giữa diễn đàn Quốc hội bàn về những sách lược, chiến lược giáo dục? Và cũng kỳ lạ thay chẳng có một ông bà Nghị nào trong số gần 500 người đứng lên đặt câu hỏi chất vấn sự trung thực và tính chính danh của ông? Như thế có phải là sự xúc phạm toàn xã hội, xúc phạm cả dân tộc này không? Chẳng lẽ đất nước này không còn ai đủ năng lực và phẩm cách để đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo hay sao?

Người làm giáo dục mà tự “trồng mình” không xong nhưng đi đâu cũng huênh hoang về chuyện “trồng người” thì thử hỏi còn chuyện nào trơ trẽn và bầy hầy nào hơn chuyện này nữa không?

3. Thay lời kết

Nói cho cùng, sự bầy hầy của nền giáo dục hôm nay âu cũng là một hệ lụy tất yếu không thể tránh được. Vấn đề này nếu phải lần ra cái căn nguyên sâu xa và cốt tử nhất thì trước hết phải nói là do sự bảo thủ và độc đoán của một nhóm người đang độc quyền cai trị xã hội và đất nước này mà ra. Những người mà miệng lúc nào cũng liếng thoắng về chuyện “đổi mới tư duy” nhưng kỳ thực lại rất giáo điều và mê muội. Chính sự giáo điều và mê muội này đã làm cho giáo dục bị “lạc đường”. “Lạc đường” trong nhận thức về những mục tiêu và triết lý của cả nền giáo dục; “lạc đường” trong tổ chức và lựa chọn con người tham gia vào bộ máy điều hành, quản lý và đào tạo. Thế nên, giáo dục cứ trượt dài, trượt dài mà không làm sao kéo lại được vì hết chuyện này lại đến chuyện khác và chỗ nào cũng tan hoang, nát bét, bầy hầy. Nhưng có lẽ điều đáng buồn, đáng nói và nguy hiểm hơn cả là, nền giáo dục giờ đây không những không giúp khai mở, khai phóng để con người được trưởng thành và tự do; không chỉ bị “lạc đường” so với các nền giáo dục của các quốc gia tiến bộ trên thế giới mà còn bị lợi dụng, bị lấy làm công cụ nhằm phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người luôn miệng tự cho mình “tài tình và sáng suốt” nhất trần đời. Nói cách khác đó là một nền giáo dục bị chăn dắt, bị cầm tù trong cái “vòng tròn lớn” - cái thể chế chính trị với tên gọi mỹ miều: Việt Nam – thiên đường XHCN.

------------
Tham khảo:
CT, 27/7/2018

QHN
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-7-18






No comments:

Post a Comment