Saturday, July 7, 2018

TRỐN CHẠY (FB Nguyễn Ngọc Chu)





Mượn Hội nghị Quốc tế về Toán học để trốn chạy. Trốn chạy khỏi các ông thượng thư thu giá, học giá. Trốn chạy khỏi những ông nghị lót ổ. Trốn chạy BOT. Trốn chạy đặc khu...

NỀN QUẢN TRỊ BỐN KHÔNG

Điều đầu tiên khi bước chân sang Âu Mỹ là đối mặt với công nghệ, buộc phải nhớ đến những lời sáo rỗng của các chức sắc Việt Nam.

Các chức sắc đó, nếu không có trợ lý, thư ký, xe đón đưa, thì khó biết cách mua vé để đi giao thông công cộng như tàu điện, xe bus. Họ biến các thiết bị thông minh thành những cục gạch với vài ba chức năng sơ đẳng. Vậy mà họ cất lời là “Cuộc cách mạng 4.0”.

Xuất xứ là “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0). Hay có thể nói là “Nền công nghiệp 4.0” để nghe cho đỡ cụt. Nhưng chức sắc Việt Nam, từ thủ tướng xuống đến bộ trưởng là “Cuộc cách mạng 4.0”.

Cách mạng luôn gắn với mốc sự kiện. Không hiểu được sự khác biệt của hai từ “cách mạng” với hai từ “công nghiệp” mà vẫn cứ hồn nhiên. Những người không trong nghề, không hiểu mà chỉ nói theo để khoa trương, đã là đáng trách. Nhưng đáng chê cười hơn chính là có vài ông lãnh đạo trong các tập đoàn như Viettel, FPT mà cũng “Cách mạng 4.0” . Đó thực sự là điều xấu hổ.

Cho nên, nói một cách ngắn gọn không ngoa, rằng “ Công nghiệp 4.0” với nhiều chức sắc Việt Nam chính là: Không hiểu, Không biết sử dụng; Không hành động; Không xấu hổ. Quả thật đúng là Bốn Không. Ở Việt Nam không phải là “Nền công nghiệp 4.0” mà là “Nền quản trị Bốn Không”.

THÂN PHẬN

Không phải đi châu Âu lần đầu, nhưng trước khi bước chân sang châu Âu, chợt nhớ đến lời Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt về Hộ chiếu Việt Nam. Người ta cắt đi phần trước và phần sau đoạn nói của ông, làm cho ông điêu đứng. Những ai từng đi Âu Mỹ đều thấm thía thân phận của mình và chia sẻ với ông. Càng yêu quê hương đất nước bao nhiêu càng thấm thía thân phận bấy nhiêu.

Nếu ở VN người Âu Mỹ được dành những ưu ái và quan tâm, nhiều khi quá mức, thì ở Âu Mỹ người Việt không có được những điều đó, thậm chí còn bị đối xử thứ cấp. Không phải nghèo mà tính cách ngửa cổ trông đợi nước ngoài đã tự biến mình thành hèn kém.

Hèn kém đến nỗi kẻ xâm lược mang hộ chiếu, mang áo đường lưỡi bò, ngang nhiên đến mức trắng trợn tuyên bố bố xâm lược lãnh thổ Việt Nam mà lại cho là chuyện nhỏ, sợ ảnh hưởng đến nguồn du lịch, ảnh hưởng đến “đại cục”.

Đa phần người Việt muốn xin visa đi các nước Âu Mỹ đều khốn khổ với những thủ tục chứng minh tài chính và nhân thân. Ngay cả khi có được visa rồi, lúc qua các cửa khẩu biên phòng vẫn bị soi xét. Một cảm giác bị đối xử không công bằng luôn thường trực. Ở trong nước đã đành lại còn cả ở nước ngoài. Mỗi lần đi là mỗi lần nhẫn nhịn nuốt nấc nghẹn vào lòng.

Những người có chút tiền, có chút vị thế, mang tiền đi tiêu xài ở những nơi sang mà còn có cảm giác phân biệt, thì nói chi đến những số phận phải trôi dạt kiếm sống.

BÒN NƠI KHỐ RÁCH ĐÃI NƠI QUẦN HỒNG

Lương một tháng chỉ có 400 đô mà đi nước ngoài phải tiêu tiền của kẻ lương tháng 20 000 đô. Làm cả năm mà không đủ tiêu một tuần.

Cho nên phải giàu lên. Giàu lên từ lao động chứ không phải từ tham nhũng cướp bóc. Nhưng giàu thôi cũng không đủ.

Một số người Việt do tham nhũng, lợi dụng cơ chế mà chiếm đoạt, nên có được rất nhiều tiền một cách dễ dãi. Từ đó, tự họ hình thành cách chi tiêu hoang phí đến ghê tởm. Họ đắp lên mình một núi tiền những thứ hàng hiệu. Những chiếc xe, đồng hồ, túi xách... trị giá cả triệu đô để nâng giá trị của họ ( như chiếc đồng hồ của Trịnh Xuân Thanh có giá đến 39 tỷ đồng).

Đó là những đồng tiền họ bòn rút từ giá trị đất đai của đồng bào mình, những đồng tiền họ moi móc từ tiền thuế của dân, những đồng tiền họ chiếm đoạt từ tiền vay nước ngoài, giáng gánh nợ lên đầu con cháu. Thế rồi họ phung phí hàng triệu đô vào những thứ xa xỉ, làm giàu cho người nước ngoài.

Họ tưởng rằng bằng cách xài tiền như thế thì đẳng cấp họ được nâng lên. Và họ ra sức vung vãi tiền bạc để bù đắp lại những điều mà thiên bẩm không có. Trên thực tế, sự khoe của kiểu “Thạch Sùng” không đưa lại cho họ sự kính trọng từ người Âu Mỹ, mà trái lại làm tăng nhanh nồng độ chế nhạo, coi thường. Đồng tiền mua được nhiều thứ, mua được dịch vụ đế vương, nhưng không mua được sự kính phục.

Ngay cả những ông chủ nhiều tiền người Ả Rập, dẫu một đêm ngủ mất vài trăm ngàn đô, tuy được phục vụ theo mức thượng hạng, nhưng cũng rất khó kiếm được sự thực lòng kính phục. Người Âu Mỹ thực dụng. Họ phục vụ để lấy tiền. Nhưng gốc gác nguồn tiền không làm thay đổi được cách nhìn của họ về gốc gác chủ nhân.

Nói như thế không phải tự ti, không phải bôi đen, không phải tiêu cực, mà để tìm ra lối thoát. Đó là cách làm giàu không nhờ vào buôn bán tài nguyên hay cung cấp dịch vụ, mà là cách làm giàu nhờ sự thăng hoa của chất xám mà từ đó có được những phát minh sáng chế tiên phong. Chỉ có cách đó mới đẻ ra sự giàu có kèm theo hùng cường. Chỉ có cách đó mới không những có được sự khâm phục mà còn làm cho người phải nể, phải sợ.

Không thấy được nguyên nhân, mà chỉ so với quá khứ của chính mình rồi bằng lòng “ chưa bao giờ được như hôm nay” thì mãi mãi tụt hậu, mãi mãi không thể ngóc đầu lên được trước bạn bè quốc tế.

TRỐN CHẠY ĐI ĐÂU?

Vội vã trốn chạy khắp một góc trời châu Âu. Từ Paris qua Bordeaux. Từ Lisbon đến Madrid. Rồi Brussels, Geneva, Zurich. Thả bóng trong nắng chiều vàng trên sân ga hàng trăm năm cổ kính. Vội bước trên những sân golf huyễn hoặc bên hồ Geneva xanh vắt da trời, và trên cả bờ Đại tây dương sóng tím vỗ vô hồi. Mà trên mỗi bước chân không ngớt nghĩ về quê hương, nơi tài nguyên đã cạn kiệt, nơi sắp rứt ruột cắt ra những mảnh đất của tổ tiên để làm đặc khu trong ước mộng làm giàu trông chờ người nước ngoài của một nhóm người.

Châu Âu hiện đại, văn minh giàu có đến nhường kia mà có ai cần đến đặc khu, có ai ngồi chờ vào sự bố thí của người ngoại quốc? Châu Âu cổ kính đẹp bệ vệ đến thế kia nào có cần đến đập phá xây mới nhà cao tầng? Những ga tàu ở trung tâm thành phố là nơi tiện lợi nhất cho đi lại, hàng trăm năm vẫn sừng sững, còn ở Hà Nội người ta kêu gào dời ra ngoại ô. Những tòa nhà hai ba tầng hàng thế kỷ bệ vệ, còn ở Hà Nội họ đập phá để xây những căn hộ cao tầng bán thu về bạc tỷ.Tàu điện vẫn nhộn nhịp giữa đường phố trăm năm không mở rộng, mà giao thông lại được bố trí hợp lý đến thán phục, còn ở Hà Nội thì xóa bỏ tàu điện, đập phá để mở rộng mà tắc đường vẫn nối dài ngày này qua tháng khác.

Chúng ta đã học không đúng bài.

Khách du lịch dẫu có nhiều tiền đến đâu cũng chỉ được đối xử cùng lắm là bằng công dân nước sở tại. Họ chẳng ưu tiên cho ai hơn công dân của nước họ.

Thế mà ở VN, người ta đang mời chào người nước ngoài bằng cách hạ thấp giá trị công dân của VN.

Đất cho người nước ngoài thuê “ưu tiên vượt trội 99 năm ” với giá rẻ mạt cùng đủ các loại ưu đãi về thuế mà có thể gọi là cho không. Họ ưu tiên người nước ngoài bao nhiêu thì càng hạ thấp bấy nhiêu giá trị con người Việt Nam. Hạ giá đến đớn đau.

Kẻ nào đã dự thảo giá trị công dân nước Việt chỉ có 2200 đô la? Rằng đầu tư 50 triệu đồng vào VN là có thẻ cư trú xanh? Có nơi nào trên thế giới này giá trị công dân rẻ mạt đến nhường ấy không? Chỉ có những kẻ vừa ngu dốt vừa hèn hạ mới nặn ra những kế sách hạ nhục quốc thể đến mức đó.

Không có người giỏi giang tử tế nào lại bỏ tiền mua danh công dân thấp hèn. Chỉ có cặn bã của xã hội mới trôi dạt đến. Chỉ có kẻ thù của Dân tộc mới lần mò đến. Cho nên không phải 50 triệu, không phải 500 triệu, mà tới năm trăm tỷ thì Việt Nam cũng không cần thêm người. Chỉ có nâng giá trị người Việt lên thì mới có người giỏi người tốt tìm đến.

Trốn chạy đi đâu? Dẫu đất trời mênh mông mà không thể giấu nổi tấm thân, càng không thể tù gông suy nghĩ.

Trở về với đặc khu, với BOT, với đồng bào của mình. Ở mọi nơi ngoài Việt Nam mình là thứ cấp. Mình không thể là thứ cấp ngay chính trên quê hương mình. Đừng trốn chạy. Hãy dũng cảm đối mặt.









No comments:

Post a Comment