Tuesday, July 24, 2018

TRẬT TỰ ? TRẬT TỰ GÌ ? (Cao Huy Thuần)




Cao Huy Thuần 
22/07/2018

Các anh chị thân mến, xin các anh chị xem đây chỉ là một bài nhập đề, một món ăn chơi trước khi nhập tiệc. Chúng ta nói đến "trật tự mới", nhưng thế nào là "trật tự" và đâu là trật tự cũ để bây giờ ta nói thế giới đã bước qua trật tự mới? Vấn đề vừa lý thuyết vừa dài dòng lịch sử, tôi chỉ xin tóm lược.

Trước hết, thế giới chưa bao giờ trật tự, nếu ta hiểu "trật tự" như trật tự trong một quốc gia. Nhưng thế giới cũng không phải là rừng rú, cho nên ta cũng đành phải nói trật tự, tuy ai cũng thừa biết rằng đó là trật tự được sắp đặt dưới sức mạnh của các nước lớn và không phải ai cũng chấp nhận. Giống như một mặt biển tưởng có lúc phẳng lặng nhưng bao giờ phía dưới cũng có những đợt sóng ngầm, trật tự nào trên thế giới cũng có kẻ phản đối, từ ngầm đến nổi, nhưng phản ứng nào của kẻ yếu cũng nhân danh một "trật tự" khác để thay thế. Từ đó mà có "trật tự cũ" và "trật tự mới", khái niệm "trật tự" là cơm bữa của các lý thuyết gia.

Thứ hai, trật tự ấy là quốc tế hay thế giới? Tiếng Anh quen dùng từ "world order"world là thế giới; thế giới gồm nhiều lực lượng, nhiều sức mạnh không cứ là quốc gia. Hải tặc trên biển lắm khi mạnh hơn cả hải quân. Ông Facebook, ông Google, ông Amazon ngự trị trên một không gian không có biên giới lãnh thổ. Thế nhưng chiến tranh vẫn là chiến tranh giữa các quốc gia, Biển Đông mênh mông vẫn có kẻ vẽ đường lưỡi bò, "Việt kiều" về nước mẹ vẫn âm thầm nhận một khuôn dấu hải quan trên hộ chiếu Việt Nam, chung thủy là trong lòng, bước qua là biên giới. Thực tế quốc gia vẫn sờ sờ ra đấy như yếu tố lớn nhất, quyết định nhất, trong mọi quan hệ trên thế giới. Quan hệ ấy, ta lại gọi là "quan hệ quốc tế" giống như tiếng Pháp tiếng Anh, "international relations". Bởi vậy, ông tổ sư của ngành quan hệ quốc tế trong đại học Pháp, Raymond Aron, không dùng khái niệm trật tự; ông dùng khái niệm "hoà bình" bởi vì đó là tình trạng liên quan đến các quốc gia. Ông nói, và ông nói có lý: giữa các quốc gia với nhau, chỉ có một trong hai tình trạng thôi, hoặc là hoà bình, hoặc là chiến tranh. "Cho đến bây giờ, ông viết, hoà bình là tình trạng không sử dụng các thể thức bạo lực, trong một thời gian hoặc ngắn hoặc dài, nhưng cạnh tranh là thường xuyên giữa các quốc gia". Cạnh tranh luôn luôn có, thương mãi luôn luôn có, nhưng vũ khí không nổ: ấy là hoà bình.

Với một quan niệm "hoà bình" như vậy, quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới có thể bài trí dưới ba hình thức để khỏi đi đến chiến tranh: hoặc là đế quốc, hoặc là bá quyền, hoặc là cân bằng lực lượng. Lịch sử châu Âu có Pax Romana. Lịch sử châu Á có thiên tử. Lịch sử hậu Napoléon có hoà bình của Metternich dựa trên cân bằng lực lượng giữa Đức, Pháp, Áo, Anh, Nga. Pax Romana thì xa quá rồi và không liên quan đến ta. Nhưng Pax Americana thì gần ta lắm và đỉnh cao là "hyperpuissance" dưới thời Bush con. Bây giờ đây, và không biết cho đến bao giờ, Pax Sinica là cái rọ đang chực úp trên đầu ta.

Mô hình "Peace and War", vì vậy, ăn khớp với quan tâm của ta hơn, vì ai cũng nói đó là nơi hội tụ trọng điểm để nổ chiến tranh. Nhưng ấy là giới hạn vấn đề trong vùng. Trên toàn thế giới, khái niệm trật tự vẫn được ưa chuộng và đi kèm theo khái niệm "cực": trật tự nhất cực, trật tự lưỡng cực, trật tự đa cực. Nhất cực là dưới thời Bush con. Lưỡng cực là trong chiến tranh lạnh. Đa cực là từ sau thời Bush. So sánh với Pax Sinica, thì ta có thể nói: trên toàn thế giới, đó là tình trạng trung gian gian giữa "đa cực" và "lưỡng cực" (G2); trong vùng của ta, đó là hình thức trung gian giữa "lưỡng cực" và "nhất cực", với cái viễn tượng mà "nó" nhắm: mặt trời thì chỉ có một.

Từ sự phân biệt về cực, lý thuyết dễ dàng định hình giữa "cũ" và "mới". Cái mới của ngày hôm qua là đa cực. Cái mới ấy, nay đã thành cũ. Cái mới của bây giờ là chẳng còn thấy cực nào nữa. Có phải đấy là cái thế giới mới mà các anh chị muốn nói đến chăng? Cũng chưa hẳn, nhưng tôi xin nói về sự mất tích của khái niệm "cực" trước đã, thế giới ngày hôm nay cực kỳ lộn xộn, phức tạp, hỗn loạn, vô trật tự, vô phương hướng. Có người gọi đó là "apolaire", dịch là "phi cực" chăng? Ông Laurent Fabius, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao thời Hollande, gọi đó là "zéro polaire"(1). Thì cũng như gọi lợn là heo, nhưng dễ dịch hơn: "zéro cực". Không có cực. Tả pí lù.

Vậy trước hết, thế giới ngày nay là một thế giới tả pí lù. Hồi 1991, khi Mỹ độc tôn trên thượng đỉnh thế giới, khi Liên Xô cáo chung, một ông lý thuyết gia mà ai cũng biết tên, trót dại xướng lên một thuyết mà bây giờ ai cũng cười: "lịch sử chấm dứt"."The end of History". Bởi vì ông nghĩ rằng trên thế giới từ đây chỉ còn một trật tự duy nhất thôi là "trật tự tự do" - một "liberal order" - với dân chủ, kinh tế thị trường, và các giá trị của Tây phương. Đâu ngờ! Thay vì lịch sử chấm dứt, lịch sử chảy ào ào như thác đổ, ồ ạt xuất hiện loạn xà ngầu vô số thế lực quốc gia và phi quốc gia cạnh tranh nhau thường xuyên, nào chính phủ, nào xí nghiệp, nào ngân hàng, nào quỹ tài chánh, nào Standard & Poor's, nào Weakileaks, nào truyền thông, nào mafia, nào Allah Akbar, nào đốp chát văn minh... tất cả đều có trước đó, nhưng bây giờ không có thế lực quốc gia nào "trật tự hoá" nổi, dù G20, G7, WTO. Ngày trước, địa chính trị chỉ biết đất và biển, sau đó mới nhìn lên không. Bây giờ trên không không phải chỉ có máy bay, vệ tinh, mà bao nhiêu thứ sóng, tấn công nhau không phải đùng đùng súng đạn mà vô hình vi-rút, do thám nhau khỏi cần gián điệp, một cái bụng mang bom đủ gây kinh hoàng cho cả thế giới, đại cường số một cũng không thắng nổi một lủ cờ đen, bạc ảo thay cho bạc thật, biển cả không doạ nỗi tiếp tiếp làn sóng di cư, nghèo đói nơi này là bất an ninh nơi khác... Chẳng ai biết thế giới sẽ đi đến một trật tự nào.

Từ đó, thứ hai, ngay cả khái niệm sức mạnh - powerpuissance - trên đó những lý thuyết về "cực" được xây dựng, cũng bị khủng hoảng. Trước đây, danh từ ấy được dùng để chỉ các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc và chỉ các cường quốc tạo dựng trật tự thế giới. Ngày nay, khi nước Mỹ tuyên bố "chiến tranh chống khủng bố", khủng bố bỗng biến thành địch thủ ngang ngửa với siêu cường, cũng là "sức mạnh" như ai, đâu có riêng gì quốc gia? Cả khái niệm "chiến tranh" cũng vậy. Ngày trước, chiến tranh là giữa các quốc gia với nhau, bây giờ khi drones của Mỹ đuổi theo các đầu đảng của "khủng bố" ở biên giới Pakistan, đâu còn chiến tranh theo đúng nghĩa của luật pháp cổ điển? Chiến tranh ngày nay hầu hết là nội chiến nhưng hậu quả lại lan đến tận những nước giàu xa xôi ngàn dặm. Đâu là biên giới của an ninh? Giữa các quốc gia với nhau, trật tự có thể được an bài hoặc bằng bạo lực, hoặc bằng thương thuyết; bây giờ, giữa các quốc gia và loạn xà ngầu các tay chơi quốc tế, tay nào cũng là "sức mạnh" cả, ai an bài ai được? Các lý thuyết gia nói: thế giới ngày nay là một thế giới vỡ. Như nhìn vào một cái gương vỡ, nào ai thấy được hình ảnh gì rõ rệt.

Thứ ba, thế giới hiện nay là vỡ còn vì sức mạnh được phân tán giữa các quốc gia. Mỹ hãy còn là cường quốc đứng đầu thế giới, nhưng chỉ rõ ràng trên lĩnh vực quân sự. Những yếu tố khác của sức mạnh, nhất là kinh tế, Âu châu còn được xem là cường quốc, còn Trung Quốc thì khỏi nói. Ông Fabius tiên đoán thêm: 3 nước Âu châu hiện nay hãy còn đứng vào hàng ngũ 6 nước mạnh nhất về kinh tế sẽ mất hẳn địa vị ấy vào năm 2030; hai mươi năm sau, 2050, trong 30 nước đầu đàn về kinh tế, 19 nước là các nước "đang trổi lên". Các nước ấy là nước nào? Cách đây chục năm, ai cũng nói đến BRICS (Brazil, Nga, Ấn, Trung Quốc, Nam Phi). Bây giờ ai cũng nói sức mạnh đang dời về châu Á, đoán rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ngự trị thế kỷ 21. Dự phóng tương lai vốn là nghề của các Forum quốc tế. Forum Saint-Laurent ở Montréal, Canada, căn cứ trên thống kê, nói chính xác hơn trong kỳ họp tháng 5 năm nay: Năm 1995, tỷ lệ của G7 trong PIB (GDP) của cả thế giới là 45%; năm 2018 sụt xuống 31%; năm 2050 sẽ chỉ còn 20%. Ngược lại, tỷ lệ đó của các nước "đang trổi lên" là 22% năm 1995, 36,3% năm 2015, xấp xỉ 50% năm 2500(2) . Tôi không ham chuyện tiên đoán, trích các con số đó chỉ cốt nói rằng trong một thế giới mà sức mạnh phân tán như vậy, chẳng ai thấy đâu là cực ngoài cái anh Bắc Kinh. Nhưng, đứng trên toàn thế giới mà nhìn, anh quy tụ được bao nhiêu nước xung quanh anh để gọi anh là "cực"?

Thứ tư, thế giới ngày nay mất tin tưởng ở toàn cầu hoá, ít ra là trong các xã hội phương Tây. Giai đoạn những năm 1990 chứng kiến một toàn cầu hoá lạc quan, kinh tế đi lên, đời sống vật chất dễ dãi, không gian biên giới rộng mở, thương mãi thông thoáng, Cộng Đồng Âu châu thành lập. Từ những năm 2010, quang cảnh đảo ngược, bất bình đẳng xã hội gay gắt, Cộng Đồng Âu châu khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bành trướng, kỷ luật tập thể lung lay trên mọi lĩnh vực: thương mãi, môi trường, khí hậu, luật pháp. Ta đang sống trong giai đoạn toàn cầu hoá sầu não, chẳng ai thấy đâu là lộ trình dẫn dắt thế giới đi vào tương lai. Thế giới ngày nay là một thế giới quờ quạng đi tìm phương hướng.

Thế nhưng, thứ năm, trên đây là nói chuyện toàn thế giới, chưa nói chuyện vùng, chưa nói "trật tự vùng". Bởi vì mỗi vùng có thể có một "trật tự" riêng, rõ ràng nhất là Trung Đông, nơi quy tụ bao nhiêu sức mạnh, từ bên ngoài cũng như từ bên trong, để chiếm ưu thắng, để áp đặt một trật tự theo ý mình. Cũng rõ ràng không kém là trật tự mà hai đại cường, Mỹ và Trung Quốc, đang tranh chấp để duy trì một trật tự cũ hoặc để thiết lập một trật tự mới ở trong vùng của chúng ta. Trên toàn thế giới, khái niệm "world order" có thể áp dụng được. Trong vùng của chúng ta, dùng khái niệm "Peace and war" của Aron coi bộ thích hợp hơn. Chúng ta đang sống chết với Pax Sinica.

Vậy thì, tôi xin kết luận về vấn đề mới và cũ trong đề tài hội thảo của các anh chị: trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt là trong vùng của chúng ta, cái mới vẫn là thế giới vô phương hướng, nhưng mới hơn nữa, mới toanh, là sự xuất hiện của hai tay hảo hán đưa yếu tố cá nhân tính vào trọng điểm của quan hệ quốc tế, dù là "world order" hay là "Peace and war": Tập và Trump. Đừng tưởng quan hệ quốc tế chỉ có quốc gia và phi quốc gia. Còn có vai trò của các cá nhân cao thủ lái thời cuộc đi vào đường này hay đường khác, tạm kể hai ví dụ rõ nhất ngoài Trump và Tập: Putin của Nga, Kim Un của Triều Tiên. Tôi đi vào cái mới của các anh chị, cái "trật tự mới" của đề tài hội thảo.

                                                            °°°
Cái gì là mới nơi Trump? Báo Mỹ đặt cho ông nhiều tên lắm, trước hết ông là chiếc xe ủi đất, một bulldozer. Ông ủi tuốt luốt tận cả cái nền móng trên đó Pax Americana đã được tạo dựng từ 1945. Lâu nay người ta đã nói nhiều về suy thoái của Mỹ, thậm chí lãnh đạo của Mỹ chỉ còn là "lãnh đạo từ đàng sau" ("leadership from behind"), làm như là có đánh tập hậu ở đàng trước. Dù sao, suy thoái ấy cũng chỉ là tương đối, "trật tự tự do" mà Mỹ lãnh đạo cũng chỉ lung lay. Lung lay, Trump ủi: ủi cả chữ ký của Mỹ trên thoả ước đa phương về nguyên tử với Iran, ủi chữ ký chưa ráo mực của chính ông trên thông cáo chung của G7 vừa tan họp ở Canada hồi mới toanh tháng 6, nghĩa là ông ủi tan xác pháo cái đa phương chủ thuyết nòng cốt của trật tự hậu chiến, như trước đó ông đã ủi nào cái ghế của Mỹ tại UNESCO, nào tiếng vỗ tay hân hoan của Obama khi kết thúc hiệp ước Paris về khí hậu, nào cái triển vọng cũng của Obama chận ảnh hưởng của Trung Quốc ở Á châu với hiệp định TPP, nào cái tự do mậu dịch mà chính Mỹ là tác giả khởi xướng. Đơn phương, ông chấm dứt hiệp ước tự do mậu dịch với Canada và Mê Hi Cô, ông đe doạ WTO, ông đánh thuế 25% trên thép nhập cảng, 10% trên nhôm. America First, ông phất cờ đơn phương chủ thuyết, đe doạ cả NATO. Có người hỏi: vậy thì "học thuyết Trump" về quan hệ quốc tế là gì? Trả lời của một cận thần: "Chúng tao là nước Mỹ, mẹ kiếp!"-"We're America, Bitch!"(3) . Định nghĩa đơn giản, sáng sủa, trực tiếp, tha hồ cử tri vùng Midwest ào ào bỏ phiếu.

Như vậy là để "make America great again", ông ủi một trật tự thế giới xây trên một số nguyên tắc tối thiểu, trên luật pháp, dù là tối thiểu, nghĩa là dù sao cũng trên một tiêu chuẩn gì đó để tiên đoán. Ông ủi luôn cái tiên đoán, ai cũng nói đặc biệt của ông là bất khả tiên đoán. Chẳng ai biết ông muốn cái gì khi nói, nói cái gì đáng tin, tin cái gì ông phát ngôn, phát ngôn cái gì ông sẽ làm, làm cái gì ông tweet tweet. Ông ăn nói, hành động theo cảm tính, xung động, bất kể đúng sai, ai cũng nói thế. New York Times viết: chiến tranh mà ông làm là chiến tranh với sự thật, nhá nhem giữa thật và dối. "Một khi sự phân biệt giữa thật và giả mất đi, tờ báo viết thế, cái gì cũng có thể xảy ra". Lộng giả thành chân. "Lời nói của nước Mỹ, tờ báo viết tiếp, ngày nay gần như chẳng có ý nghĩa gì nữa. Vậy mà an ninh của thế giới đã dựa trên lời nói của nước Mỹ từ 1945"(4) .

Cái ấy là mới. Tuy rằng không hẳn mới. Bởi vì Trump chỉ là triệu chứng, hiện tượng, không phải là nguyên nhân của cái mới. Giống như một căn bệnh âm ỉ từ lâu, nay mới phát sốt, Trump chỉ là cái nhiệt kế của căn bệnh hỗn loạn đã từ lâu không có thuốc. Trump đổ thêm hỗn loạn vào hỗn loạn của câu hỏi: thế giới này đi về đâu? Cái mới là ông đổ hỗn loạn bằng cái lưỡi, lưỡi vốn không xương, và nơi lưỡi ông có hoả tiển.

Ngược hẳn với Trump bất khả tiên đoán, họ Tập láng giềng của ta muốn cái gì, lời nói phân minh, hành động đâu vào đấy, miệng nói chân bước, bước nào bước nấy vững như chân voi. Ông nói: diệt tham những thì cọp cũng giết mà ruồi cũng giết. Tưởng ông diệt tham nhũng. Đâu phải chỉ thế! Ông sát thủ! Giết đối thủ. Rồi ông mới sửa hiến pháp, tất cả răm rắp dâng tất cả quyền lực vào tay ông. Một tay nắm tất cả quyền lực cho đến mãn đời, cái ấy là mới. Không phải chỉ mới trong nội bộ: mới trong tham vọng toàn cầu. Đừng ai trên thế giới tiên đoán trong năm năm nữa, tay này sẽ lên, tay kia sẽ xuống, xu hướng này sẽ thắng, xu hướng kia sẽ bại, chỉ một tay ấy thôi, chỉ độc một mình Tập, chỉ một thảm đỏ ấy thôi, chỉ một thảm đỏ trải ra dưới một bước chân. Để làm gì vậy? Để "xã hội Trung Quốc thêm một lần nữa là vô địch trên hoàn cầu". Để "tăng cường danh dự đối mặt với Tây phương", tôi trích Global Times, tờ báo của đảng. Từng bước, với viễn cảnh rõ mồn một trước mắt, Tập bước, tiền bạc đi trước, súng ống chưa cần, vành ngoài là con đường tơ lụa, vành trong là mẫu hạm hàng không, ngôn ngữ trương ra với thế giới là "phát triển", không phải buôn bán, hoà bình là "hoà bình trong thịnh vượng kinh tế", không phải hoà bình chỉ là hết chiến tranh. Củ cà rốt của Pax Sinica sao mà hấp dẫn quá vậy.

Trên mặt trận ý thức hệ, "trật tự với gương mặt của Trung Quốc" sẽ thắng thế "trật tự dân chủ tự do" đang sụp đổ từng mãng trước mắt thiên hạ. Tương lai sẽ đưa tất cả thế giới, kể cả thế giới Tây phương, vào con đường của các "chính thể cứng rắn", từ giã mẫu mực Tây phương đã hấp thụ từ hơn trăm năm nay. Báo chí Tây phương gọi Tập là Tân Hoàng Đế. New York Times gọi Trump là thằng hề. Ông vua thì xông tới, ai cũng thấy, cũng biết, cũng sợ. Thằng hề thì tuyên bố rút lui. Nói thiệt hay nói dỡn vậy? Thật hay giả? Chưa bao giờ, trên thế giới hậu 1945 này, trật tự thế giới không lệ thuộc vào trật tự vùng. Một giọt dầu hoả ở Trung Đông đủ làm Mỹ gây đảo chánh lật bao nhiêu chính phủ phe tả trong vùng ấy. Chẳng lẽ bây giờ có kẻ miệng hùm gan sứa đến độ khoanh tay lặng nhìn một cái lưỡi bò liếm sạch Biển Đông? Rút lui? Rút lui khỏi một vùng mà ai cũng gọi là tụ điểm của tranh chấp nay và mai?

Cho đến nay, hai sách lược về an ninh đối đầu nhau trong vùng Đông Á: sách lược của Mỹ xây dựng trên một hệ thống đồng minh và sách lược của Bắc Kinh xây dựng trên một an ninh vùng không có sức mạnh can thiệp từ bên ngoài. Đồng minh của Mỹ - Nhật và Hàn Quốc - đang tự hỏi về mức độ khả tín của cam kết nơi người anh hùng địa ốc đã đi vào Bạch Ốc như đi vào sòng bạc. Dù ông thủ tướng Hàn Quốc hoan nghênh hết mình với cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Trump và Un, ông đang tự hỏi về mấy câu thốt ra từ cái lưỡi của ông anh đồng minh chỉ trích việc đóng quân của Mỹ ở nước ông là quá tốn tiền, việc tập trân với quân đội của ông là khiêu khích đối phương. Bộ ông anh muốn rút mà chả cần bàn trước? Thủ tướng Nhật thì lo ra mặt. Một viễn tượng sinh tử như vậy về an ninh mà ông bị gạt ra ngoài từ đầu đến cuối cái bắt tay giữa một cáo già và một cáo trẻ trong một trò ngoại giao chớp nhoáng mà thế giới chưa từng biêt, một thứ ngoại giao chợ búa đặc sản của Trump mà giới bình luận ở Pháp gọi là ngoại giao côn đồ, diplomatie de voyou, ký đó rồi xoá đó, chửi đó rồi tán đó. Bán linh hồn cho một tay poker? Bởi vậy, dù tin hay không, cả Nhật và Hàn Quốc đều phải lo tự lực cánh sinh, tăng cường sức mạnh. Đồng minh mà còn lo vậy, huống hồ chưa phải là đồng minh như nhiều nước khác trong vùng? Đây là cả vấn đề đối với Việt Nam.

°°°

Các anh chị thân mến, quân sư quạt mo không phải là nghề của chúng ta. Ta biết gì mà nói? Nhưng đã trót cả đời chơi với chữ nghĩa, trót mỗi năm một lần gặp nhau để dốc bầu tâm sự, thôi thì cũng moi ruột ra hàn huyên với nhau một chút lý thuyết thật ra cũng chẳng mới mẻ gì.

Chẳng có gì mới mẻ, giỏi như Khổng Minh thì mưu chước cũng chỉ có thế này thôi: khi bạn bị một đại cường uy hiếp, hoặc là bạn vẫy đuôi thần phục, hoặc là bạn cưỡng lại bằng cách tạo thế quân bình. Ngôn ngữ ngày nay gọi thái độ đầu là bandwagon, sách lược sau là balancing. Thời Tam Quốc, cái thế chân vạc Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền là balancing. Thời hậu-Napoléon, cái thế ngũ cường Đức-Pháp-Áo-Anh-Nga nhắm không cho một nước nào mạnh nhất trổi lên để đe doạ là balancing. Cổ kim Đông Tây chiến lược chỉ có ngần ấy: hoặc là anh tự làm mình mạnh hơn, hoặc là anh làm đối thủ yếu bớt, hoặc là anh tự túc tự cường, hoặc là anh liên kết với những kẻ khác đồng thuyền đồng hội. Có điều mới là thế này, so với hồi chiến tranh lạnh: thời ấy, với "trật tự lưỡng cực", quân bình chủ yếu là quân bình quân lực, nguyên tử với nguyên tử, vũ khí với vũ khí, sách vở gọi đó là hard-balancing; ngày nay, ở thời đại toàn cầu hoá, khi quan hệ hỗ tương chằng chịt lợi ích kinh tế, quân bình chủ yếu nhắm vào những trọng điểm không phải vũ khí, sách vở gọi đó là soft-balancing. Chẳng có ai ngây thơ để nghĩ đến một tình trạng trăm phần trăm soft, tay phải soft thì tay trái cũng phải lo hard. Con chó có cái đuôi để vẫy thì cũng có hàm răng nhọn để cắn. Tuy vậy, lý thuyết tràn đầy trong sách vở từ vài chục năm nay quy tụ xung quanh soft-balancing.

Sách vở nói: từ sau chiến tranh lạnh, đặc biệt là từ sau chiến thắng lẫm liệt của Bush (con) ở Irak năm 2001, các cường quốc bậc trung, e ngại cái vị thế nhất cực của Mỹ, chăm lo tăng cường quan hệ đa phương, đa cực, để làm soft-balancing với Mỹ. Trung Quốc là rõ ràng nhất. Khom lưng, giấu tham vọng trong bụng, thậm chí tự nhận mình là thành phần của thế giới kém mở mang, học bắt chuột không phân biệt đen trắng, nhũn nhặn với cả Nga để liên minh, và cứ thế con vịt hoá thành thiên nga. Cái đặc biệt của soft là ở chỗ ấy: tránh tranh chấp trực tiếp, tránh nổ. Ngày trước, Trung Quốc làm soft-balancing với Mỹ. Ngày nay, khi Bắc Kinh đã trở thành đại cường số một trong vùng, có sách lược nào khác đối với các nước bậc trung ngoài soft-balancing? Nhật đang làm gì? Ấn Độ đang làm gì? Làm cái việc mà tác giả có tiếng Kenneth Waltz cho là xuất phát từ bản năng, chẳng cần ai dạy dỗ.

Tất nhiên, ai cũng biết: soft-balancing không phải là phương sách mầu nhiệm để duy trì hoà bình, ổn định. Bởi vì quân bình không bao giờ trường cửu, tuyệt đối. không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Cái cán cân lực lượng ấy, chỉ cần bên này thay đổi một chút là bên kia cũng phải thay đổi theo, riết một hồi cái cân biến thành cái thang, bên này tăng lên chín lạng, bên kia tăng chẵn một cân, ổn định và bất ổn định tiếp nối nhau, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? Bởi vậy, trong sách lược soft-balancing, ngoại giao là vô cùng cần thiết để tránh nổ. Về mặt này, Trung Quốc cũng là tổ sư bồ đề, cái nước đã sản sinh ra cái lưỡi Tô Tần, nghe nó dụ kiến trong tổ cũng bò ra.

Đó là lý thuyết. Trên thực tế thì sao ngoài Nhật, Ấn và Úc là ba nước lớn? Tôi xin miễn đi vào chi tiết, số liệu v v..., chỉ mượn kết luận chung chung trong một bài viết công phu trên New York Times(5) mà chắc nhiều anh chị ở đây đã đọc. Tôi trích nguyên văn: "Nhiều nước đang tiến dần đến Trung Quốc và xa dần trật tự cổ truyền do Mỹ lãnh đạo. Các nước khác đang hy vọng chơi với cả hai phe". Xin đọc thêm: tất cả đều bàng hoàng khi Trump rút lui khỏi TPP, vì hiệp ước này được xem như ý muốn của Mỹ xấn vào Á châu để chận đứng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là cú rút lui tiêu biểu nhất báo hiệu cho giai đoạn chuyển tiếp từ cái thế lãnh đạo của Mỹ qua một tình trạng gì đó không xác định được, nhưng ít dính chặt hơn cho các nước nhỏ vào một trong hai cực. Thế mạnh của Mỹ về quân lực vẫn còn đứng đầu ở Á châu, nhưng với quân lực càng ngày càng tăng và sức mạnh của kinh tế càng nàng càng nặng, Bắc Kinh kéo lại gần hơn với mình các đồng minh lâu năm của Mỹ như Phi Luật Tân, Indonesia. Về mậu dịch, các nước ở Á châu trao đổi với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ, có khi gấp đôi. Lệ thuộc về kinh tế nhiều hơn cho phép Trung Quốc thưởng phạt về thái độ chính trị, thưởng phe thân, phạt phe chống. Mỹ chỉ còn thắng thế về buôn bán khí giới, dù sao cũng còn giữ được ảnh hưởng về quân lực và ngoại giao. Nhiều nước trong 20 nước Á châu nằm trong cái thế không thể lựa chọn được giữa lợi ích kinh tế với Trung Quốc và nhu cầu an ninh với Mỹ. Giỏi thì đu dây như Duterte của Phi, đứng giữa chửi toáng cả tổng thống Mỹ, hạ nhục Obama, mà Mỹ vẫn cam tâm tiếp tục bảo đảm an ninh, trong khi Trung Quốc hài lòng ban phát cho vài nhượng bộ. Dở thì chịu ảnh hưởng cả hai, đứng giữa để cố giữ độc lập, nhưng độc lập cũng nửa vời mà liên kết thì cũng non già không hẳn. Đó là tình trạng rất dễ rơi vào, và chúng ta chỉ biết cầu chúc tổ tiên ban sức mạnh để Việt Nam không rơi vào. Sức mạnh đó, chúng ta gọi là nội lực. Và thế nào là nội lực áp dụng trong sách lược balancing?

Thứ nhất, xin đừng đi vào lô gích sửa hiến pháp của Tập Cận Bình. Họ Tập cần an ninh tuyệt đối ở bên trong, trong nội bộ, để bung ra bên ngoài. Tập trung mọi quyền hành, đập chết mọi tư tưởng khác mình từ trong trứng, lô gích cứng rắn ấy có thể hợp với Trung Quốc; lô gich ấy không hợp với Việt Nam. Bởi lẽ đa số nhân dân đại Hán ủng hộ Tân Hoàng Đế; bởi lẽ tự hào dân tộc bốc men lên tận trời xanh; bởi lẽ Trung Quốc thành công vượt mức, làm chóng mặt cả thế giới. Ta có được chừng ấy yếu tố không mà bắt chước cứng rắn? Chừng nào dân với chính quyền không phải là đũa một đôi mà là hai chiếc, chừng ấy cái hoạ bên ngoài đồng lõa với cái hoạ bên trong, địch nó biết tỏng ruột gan, balancing chỉ làm trò cười cho nó. 

Thứ hai, hãy làm sáng tỏ: thế nào là "đảng lãnh đạo". Người Việt Nam thừa trí thức để trả lời câu hỏi đó, chỉ thiếu cơ hội. Chỉ cần lấy một câu của Hồ Chí Minh, người đã sáng lập ra Đảng, cũng đủ để thấy ánh sáng. Câu đó nghe nói đã mòn tai: Đảng phải "trung với nước hiếu với dân". Nghĩa là gì? Là Đảng không phải là mục đích, Đảng chỉ là phương tiện. Mục đích là dân, là nước. Nếu vì đại hoạ mà nước mất, nghĩa là mục đích mất, phương tiện có còn chăng? Ở cái thế đứng mũi chịu sào của Việt Nam, người lãnh đạo là người dám chết trước. Người dám nói, như cha ông đã nói: "Nếu Bệ Hạ muốn hàng, trước hết hãy chặt đầu thần đã". Trung hiếu là như vậy. Lãnh đạo là như vậy. Có vậy, dân mới tin. Dân mới tin thì mới đồng lòng. Dân đồng lòng thì mới balancing. Không thì giơ hai tay.

Thứ ba, đừng khinh thường luật pháp quốc tế khi ta đang ở trong thế yếu. Trung Quốc nói: luật ấy là do trật tự của Mỹ đặt ra. Đúng vậy. "Hoà bình bằng luật pháp" ("La paix par le droit") là chủ ý của các nước thắng trận trong thế chiến thứ hai khi thành lập Liên Hợp Quốc. Nhưng bây giờ Trung Quốc cũng được hưởng lợi quá chừng khi ngồi trong Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết. Trong bao nhiêu chục năm cho đến bây giờ, Trung Quốc ra rả tuyên truyền ta đây là người bảo vệ kiên cường nhất của chủ quyền quốc gia, căn bản của luật quốc tế, có bao giờ chê luật ấy do ai đặt ra đâu? Thì Biển Đông cũng có luật, và luật ấy cũng bảo vệ cho ta. Kẻ yếu tự bảo vệ mình bằng mọi khí giới, súng đạn là khí giới nhưng luật pháp cũng là khí giới. "Giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, giữa người giàu và người nghèo, giữa ông chủ và tên nô lệ, chính tự do mới là áp bức, chính luật pháp mới là giải phóng", dù cho tác giả của câu danh ngôn đó - Lacordaire - là người chống tự do, câu nói vẫn đáng giá. Bởi vậy, khi ta dùng luật để bảo vệ quyền lợi của ta ở bên ngoài, hãy chứng tỏ cho thế giới biết rằng nước ta cũng là một nước trọng luật, một nước văn minh biết thượng tôn luật pháp ở bên trong. Chứ miệng nói một đường mà tay bắt cóc đối thủ trên nước người ta thì ai tin ta? Trung Quốc làm thế giới sợ, khí giới của ta là làm cho thế giới thương, ít ra là đứng về phe ta khi có tranh chấp. Ngoại giao là gì nếu không phải là chiếm cảm tình? Làm soft-balancing mà lếu ngoại giao, mà thế giới không tin lời mình nói nữa, thì kết quả lộn ngược về phía kẻ mạnh.

Thứ tư, cũng vì lẽ ấy, thế giới khó tin ta đứng giữa khi chứng kiến, ủa, đối thủ gì mà anh em đồng chí, đọc chung một đèn, học chung một sách, hồng kỳ một lá cùng bay? Vị trí của Việt Nam đáng lẽ phải được cả thế giới ủng hộ vì cả thế giới đều ngán ông ngoáo ộp. Hãy nghĩ lại mà xem cái vốn cảm tình to lớn của ta trên thế giới trong chiến tranh vừa qua: với cái vốn ấy, ta đâu có làm chư hầu của ai? Và hãy nghĩ lại cái chữ domino trong chiến tranh ngày trước. Bản thân chúng ta đã cực lực phản đối sách lược dùng chữ ấy để biện minh cho việc tham chiến của Mỹ ở Việt Nam: con cờ Nam Việt Nam nhào thì cả Đông Nam Á đều có cơ nhào theo. Chúng ta phản đối vì Việt Nam lúc ấy bị làm con cờ trong bối cảnh lưỡng cực. Chúng ta không chôn cái chữ ấy để bây giờ phải đào lên: tự nó đúng hay sai tùy bối cảnh. Trong bối cảnh hiện nay, có nước nào không ủng hộ Việt Nam kiên cường bất khuất trước nước lũ Trung Quốc? Cái thế mạnh đó, ta chưa làm cho thế giới thấy được, thế giới chỉ thấy đặc khu, đặc khu, đặc khu, ba đặc khu chụm lại, có luật an ninh mạng yểm trợ, còn gì Việt Nam nữa để balancing? E rằng thế giới đang nghĩ chúng ta đùa dai.

Thứ năm, trong thời đại chằng chịt hỗ tương kinh tế này lại còn nhăng nhện thêm giữa lợi ích kinh tế và quyền lực. Điều khiển cái nhăng nhện ấy, cái gì Trung Quốc cũng mua được, mua đất: dễ ợt, mua người: khó gì! Tham nhũng là một cái chợ bán đồ xôn, tha hồ mua rẻ(6). E rằng một ngày nào đó, từ điển của một số nước nào đó sẽ định nghĩa từ "Nhà nước tham nhũng" là một Nhà nước trong đó "nó" mua hết. Và trẻ con các nước đó học chia động từ "tham những" theo văn phạm của Pháp sẽ ê a: "Tao tham nhũng / Mày tham nhũng / Thằng kia tham nhũng / Chúng tao tham nhũng / Chúng mày tham nhũng / Chúng nó mua hết". Vậy thì làm thế nào để đừng bán trôn cho "nó"? Không có cách nào khác: Tao khác mày. Mày học bài của mày, tao học bài của tao. Chính thể của mày, mày giữ. Chính thể của tao, tao theo. Nhưng thế nào là một chính thể khác? Thế nào dẹp đi cái chợ tham nhũng? Không có cách nào khác: kiểm soát. Luật kiểm soát. Dân kiểm soát. Dư luận kiểm soát. Chỉ chừng đó thôi mà suy ra, người Việt Nam thừa thông minh để biết thế nào là một chính thể khác. Khác nó thì mới xa được nó trong cái đầu, thì mới đứng được ở giữa để balancing. Thì thế giới mới thấy Việt Nam thực sự độc lập, đứng đầu sóng gió.

Các anh chị thân mến, chúng ta hãy tự hào là trí thức trói gà không chặt. Trói gà không chặt, nhưng trói lý tưởng thì chặt lắm. Lý tưởng ấy, bao giờ cũng chỉ một, ở bất cứ "trật tự" nào, đế quốc, bá quyền, nhất cực, lưỡng cực, đa cực, vô cực, cân bằng cứng, cân bằng mềm... Lý tưởng đó không có phe phái, không phân biệt ở ngoài hay ở trong chính quyền, sáng như gương, không xỏ xiên diễn tiến, ngay như cây thông giữa trời, bởi vì đó là lý tưởng của cả dân tộc, niềm ao ước chưa bao giờ được thành hình từ thời hết thực dân. Lý tưởng ấy, chúng ta đừng ngại lặp đi lặp lại hàng năm, mỗi kỳ hội thảo. Nguy biến đe doạ càng ngày càng nặng, an ninh giữ vững được hay không, trước hết là đũa có cùng gắp một đôi hay không, và để một đôi cùng sống cùng chết với nhau, không có cách nào khác : luật pháp, dân chủ, dư luận sáng suốt. Hãy khác đi để tồn tại. Y chang như "nó" thì có khác gì tự mình Hán hoá, tự mỉnh bóp chết tim trẻ, tự mình bịt mắt xung phong vào An Nam Đô Hộ Phủ ngàn xưa?

Cao Huy Thuần

Nguồn:  Bài viết cho Hội thảo "Việt Nam và trật tự thế giới mới", Warsaw 12/13-7-2018.

Chú thích:

(1) Laurent Fabius, Diễn văn đọc tại École Polytechnique ngày 25-6-2013.
(2) Gaïdz Minassian, Un monde de moins en moins occidental", Le Monde 15-5-2018.
(3) Jeffrey Goldberg trong The Atlantic, trích bởi Le Monde 13-6-2018. Chữ "diplomatie de voyou" cũng nằm trong số này.
(4) Roger Cohen, Tethered to a Raging Buffoon called Trump, New York Times, 13-4-2018.
(5) Max Fisher and Audrey Carlsen, How China is Challenging American Dominance in Asia, New York Times, 9-3-2018. Tương tự như vậy, xem thêm Mitsuru Obe, China's power closing in on US, warns think tank, Nikkey Asian Review, 8-5-2018.
(6) Ví dụ nhan nhản, gặp đâu nói đấy: Trong vùng Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc cung cấp tràn đầy như nước lũ tiền cho không, nhưng nhất là cho vay với lãi suất nhẹ. Từ 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ 1,78 tỷ đô la cho các nước trong vùng. Tiền ấy nhắm trước tiên đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở và đặc biệt được đánh giá cao vì không ràng buộc gì vào điều kiện phải sử dụng tốt như Tây phương đòi hỏi. Ngày 9-1-2018, bộ trưởng Úc về phát triển quốc tế và Thái Bình Dương, Concetta Fierravanti-Wells, tố cáo Trung Quốc xây "những con đường chẳng dẫn đến đâu cả" và những "công thự vô dụng"... Ở Vanuatu, sát cạnh Úc, nơi Bắc Kinh thâm nhập sâu nhất, Trung Quốc đầu tư trên 30 chương trình, trong đó có dự án xây một dinh thự chính thức mới của thủ tướng, được công bố đầu tháng tư vừa qua. Túi tiền của Trung Quốc là sâu hơn cả, chuyên gia về chính sách Trung Quốc Anne-Marie Brady, trường đại học Canterbury, nói như vậy. Tất nhiên là Úc rất lo về sự thâm nhập của Trung Quốc trong vùng của mình. Đây là vấn đề an ninh mà tổng thống Macron của Pháp đã đề cập đến trong cuộc công du Nouvelle-Calédonie đầu tháng 5 năm nay. (Trích báo Le Monde 2-5-2018. Nhan đề của bài báo đáng cho ta chú ý: "Các nước Tây phương lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương"). Cũng nên nhắc lại: Pháp bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ, bán tàu ngầm cho Úc, thiết lập với hai nước ấy một "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương", quyết định mỗi năm một lần phái một trong ba chiến hạm lớn gọi là "bâtiment de projection et de commandement" vào Biển Đông trên hải phận quốc tế mà Trung Quôc gọi là lãnh hải của minh. Đầu tháng 6 vừa rồi, Pháp lại còn chơi ngon, mời hải quân Anh và Đức lên một trong ba chiếc tàu ấy, tàu Dixmude, tạo hình ảnh một hợp tác Âu châu giữa Biển Đông. Tất nhiên Bắc Kinh phản đối sự vụ ấy, xem đó là "phương hại đến an ninh của Trung Quốc" (Le Monde 27-6-2018). Đây là những miếng đất mà ngoại giao của ta phải triệt để khai thác. Tây phương làm ăn với Trung Quốc nhưng đâu phải Tây phương không ngán.
Thêm một chuyện nữa, vẫn gặp đâu nói đấy, về thị trường mua bán tham nhũng, lần này ở Mã Lai. Najib Razak vừa mất chức thủ tướng sau tuyển cử ngày 9-5 vừa qua. Một trong những nguyên nhân: tham nhũng. Ông tham nhũng thế này, trích nguyên văn câu nói của tân thủ tướng: "Najib yêu tiền đến nỗi, ngày ông ta chết, ông ta nghĩ có thể hối lộ tên gác cổng thiên đường". Tân thủ tướng nói thêm: Tham nhũng, Najib bán cả nước cho Tàu. Tân chính phủ tuyên bố sẽ thương thuyết lại với Trung Quốc về những món tiền vay và xem xét lại về những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở (Le Monde 12-5-2018).
Ở đâu cũng vậy...










No comments:

Post a Comment