Sunday, July 22, 2018

Ở VIỆT NAM KHÔNG THỂ CÓ TỰ DO BÁO CHÍ (Trúc Giang - VNTB)





Ở Việt Nam, báo chí phải phục vụ lợi ích của Đảng. Điều đó được ghi rõ trong Luật Báo chí. Vì lẽ đó nên Việt Nam không thể có tự do báo chí theo nghĩa phổ quát của cụm từ “tự do báo chí” mà cả thế giới đang hiểu.

Hiến pháp 2013, Điều 25, ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy nhiên quyền tự do báo chí lại chịu giới hạn bởi “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. (Trích Điều 4, Luật Báo chí 2016).

Chính vì lẽ báo chí phải nói theo ý của Đảng, nên việc mới đây báo Tuổi Trẻ phải nhận ‘bản án’ đình bản 90 ngày đối với phiên bản điện tử [https://tuoitre.vn/] là chuyện rất bình thường.

Ông Trần Đại Quang cần lên tiếng

Cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế nói rằng việc đình bản tờ Tuổi Trẻ online cho thấy ở Việt Nam không có môi trường nào dành cho tự do báo chí.

“Về phát biểu của chủ tịch Trần Đại Quang trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây được Tuổi Trẻ dẫn lại,cho rằng, chủ tịch nước đã đồng tình về phải có luật biểu tình là không chính xác. Nếu đúng như vậy, thì trách nhiệm thuộc về cá nhân thông tin sai sự thật,chứ không phải cả tờ báo phải gánh chịu bằng hình thức đình bản. Văn phòng chủ tịch nước, hoặc chính chủ tịch Trần Đại Quang có văn bản lên tiếng phủ nhận thông tin sai sự thật đó và buộc ban biên tập báo Tuổi Trẻ phải công khai đính chính và xin lỗi theo hướng giải quyết của tinh thần Luật dân sự và Luật báo chí, hoặc Văn phòng chủ tịch nước có thể khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra Toà án dân sự.

Việc đình bản một tờ báo dù thời gian ngắn hay dài cũng không phải là giải pháp tốt về chính trị và thúc đẩy một xã hội có thêm lòng tin vào chính quyền. Dư luận và trên mạng xã hội đang đồn đoán rằng do báo Tuổi Trẻ viết nhiều bài về vụ AVG liên quan đến bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho nên việc đình bản tờ báo được cho là xuất phát từ Bộ trưởng. Lời đồn đoán này không có lợi gì cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, dù lời đồn đại đó, có cơ sở hay không có. Tôi thì không tin vào tin đồn đó nhiều lắm. Các cơ quan có thẩm quyền nên xem lại việc đình bản tờ Tuổi Trẻ online, và nên tìm một hướng giải quyết khác tốt hơn cho một xã hội cần hướng đến một Nhà nước Pháp quyền”. Ông Nguyễn Công Khế nêu một đề xuất với văn phong thuần… tuyên giáo.

Cãi lời Đảng là đi vào tù!

Từng là trưởng đại diện tại Hà Nội của báo Tuổi Trẻ, nhà báo Đặng Tâm Chánh kể lại câu chuyện cũ về việc buộc báo chí phải nói theo ý của Đảng: Một lần ông Võ Văn Kiệt gọi tôi đến nhà hỏi tôi về Tất Thành Cang, khi ấy đang là bí thư thành đoàn.

Tôi thật sự chỉ biết y từ một cán bộ đoàn trường Luật về thành đoàn, là người thiết lập sự cai trị của thành đoàn lên báo Tuổi Trẻ một cách toàn diện. Điều này, các đời bí thư thành đoàn trước đây chưa từng làm được.

Không chỉ là việc y đưa cán bộ thành đoàn về tham gia ban biên tập, nắm giữ các vị trí chủ chốt các mặt của báo Tuổi Trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử báo Tuổi Trẻ, một cán bộ đoàn “chay” (có nghĩa là không hề biết gì về viết báo, làm báo) được Cang điều động về làm tổng biên tập tờ báo, khi ấy là một nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước, một đẳng cấp nghiệp vụ vào hàng top của top làng báo Việt Nam. Trước đó, mọi chức sắc của thành đoàn được điều về Tuổi Trẻ đều phải trải qua môi trường làm nghề từ phóng viên lên mới được tham gia lãnh đạo tờ báo.

Mạng xã hội khi ấy mới hình thành nhưng đã sôi nổi. Y Cang có lẽ là một chủ quản báo chí đầu tiên chủ trương hạn chế phóng viên của mình trao đổi thông tin, bình phẩm trên mạng.

Làng báo khi ấy đình đám vụ PMU 18. Báo Tuổi Trẻ lúc đó thậm chí nhận được điện thoại trực tiếp của lãnh đạo cao cấp trong khí thế hừng hực phá án, một đại án tham nhũng chưa từng có. Nhưng người hùng chống tiêu cực bị dính chưởng. Phóng viên phải vào tù. Tổng viên tập bị điều động. Hai phó tổng biên tập bị mất chức. Tổng thư ký toà soạn bị biếm chức. Cang đã làm việc đó quyết liệt.

Ông Kiệt phản đối cách tạo ra không khí căng thẳng làm chùn bước báo chí đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Nhưng ông không tỏ ra bênh vực, hay có ý kiến bảo vệ một cá nhân nào bị dính chưởng. Ông lặng lẽ thu xếp cuộc gặp Tất Thành Cang.

Ngay sau buổi gặp là câu chuyện lần đầu tiên tôi được nghe chính ông kể bằng giọng biếm nhẽ. Cái tên Tất Thành Cang nói lái là tôi được nghe “phổ biến” từ chính ông trong lần đó.

Ông kể ông gặp y với tâm tình của một người gắn bó mật thiết với thành đoàn. Ông gợi mở một giải pháp theo ông là hợp đạo lý với sự phát triển của thành phố và Tuổi Trẻ.

Ông kể ông nói Tuổi Trẻ đã từ một tờ báo của thanh niên trở thành một tờ báo của thành phố, của cả nước. Lẽ ấy nên tháo gỡ những giới hạn hành chính cho tờ báo. Ông nói một sự thật giản dị, chiếc áo chủ quản cho Tuổi Trẻ đã chật, làm khổ cả Tuổi Trẻ, khổ cả thành đoàn. Phải ngồi kiểm điểm những vướng bận đó với những “cấp dưới” từng là đàn anh đàn chị của thế hệ Tất Thành Cang ở thành đoàn, ông nghĩ là một việc khổ não và không dễ dàng. Ông gợi mở, nên thay chủ quản cho Tuổi Trẻ. Theo ông nên chuyển chủ quản của Tuổi Trẻ về mặt trận thành phố, nơi thành đoàn cũng là tổ chức thành viên. Đồng ý, thì việc còn lại để ông lo.

Nhưng ông đã bị từ chối. Thẳng thừng.

Bữa đó ông cũng kể câu chuyện ông Trường Chính yêu cầu giải thể tờ Tin Sáng, thời ông làm bí thư thành ủy. Đích thân ông cầm danh sách cán bộ công nhân viên báo Tin Sáng bố trí và dặn dò cẩn thận cho các tổng biên tập các báo, từ Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Thành phố, Khoa học Phổ thông... tiếp nhận, đối đãi chu đáo, trọng thị với những người làm báo Tin Sáng. Với ông đó là những người làm báo có nghề, sau 1975 Thành uỷ vận động họ tiếp tục làm nghề nên thành phố cứ trù trừ mãi trước sức ép phê bình tờ báo Tin Sáng là kiểu làm báo tự do kiểu tư sản. Mãi đến khi đích thân ông Trường Chinh gọi điện thoại trực tiếp cho ông, ông phải chấp hành…

Tự do báo chí là gì?

Linh mục Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn), người có thời gian làm báo tại Mỹ kể rằng khi ông bày tỏ với những người bạn Mỹ về việc cần những giấy phép gì để có thể hành nghề nhà báo, để có thể mở và vận hành một tờ báo, một trang tin tức… thì nhiều người Mỹ đã ngắn gọn: “You already have it! It’s our bill of rights” (Bạn đã có nó rồi mà! Tuyên ngôn nhân quyền của chúng ta đấy!).

Những người bạn Mỹ nói rằng Tuyên ngôn nhân quyền nói chung, và Tu Chính án thứ Nhất nói riêng, vốn nghiêm cấm Quốc hội thông qua bất kỳ đạo luật nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, trở thành nguồn sinh lực và thành trì bảo vệ tự do báo chí Hoa Kỳ gần như tuyệt đối.

Về mặt tổ chức, không cơ quan nhà nước nào có thể cấp giấy phép để thành lập một tờ báo. Như đã nói, tự do báo chí là quyền hiến định với Tu chính án thứ Nhất, vậy nên không luật nào có thể được xây dựng và ban hành tại Hoa Kỳ với tư tưởng cấp, xét duyệt việc thành lập một tờ báo.

“Hiển nhiên, còn tùy thuộc và việc bạn muốn thành lập tờ báo đó dưới mô hình tổ chức kinh doanh nào, hoặc giả sử nếu bạn muốn tờ báo hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận; pháp luật của từng tiểu bang sẽ có những quy định đăng ký tương ứng. Nhưng có một điều chắc chắn là loại hình hoạt động báo chí, trang tin tức của bạn không thể bị kiểm soát hay yêu cầu giấy phép, phê duyệt gì cả”. Luật sư Trần Thành, người đang ấp ủ dự án về tự do truyền thông cho Việt Nam, tiếp lời của linh mục Lê Ngọc Thanh [ông Lê Ngọc Thanh, Phạm Chí Dũng và Trương Duy Nhất là ba người Việt Nam nằm trong danh sách 100 anh hùng thông tin thế giới được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014].

“Nếu báo chí ở Việt Nam được quyền nói không theo ý của Đảng, thì tôi cho rằng Chủ tịch nước sẽ phải chứng minh rằng ông đã biểu đạt rõ ý là ông không ủng hộ thông qua luật biểu tình, và không mong muốn chuyển lời của cử tri đến Quốc hội, nhưng Tuổi Trẻ vẫn cố tình hiểu sai và đăng thông tin sai sự thật. Dĩ nhiên sau đó là cần một phiên tòa công minh phân xử đúng sai. Nhân dân cần minh bạch thông tin và tự do tiếp cận thông tin, chứ không phải nền kiểm duyệt của những quan tòa tự phong!”. Luật sư Trần Thành biện giải.

------------------

XEM THÊM

Tâm Don  -  Trí Việt News
July  21, 2018

Từ lâu, nền báo chí Việt Nam chỉ được phép sản xuất ra những sản phẩm mà chính quyền yêu thích. Nếu một sản phẩm báo chí nào đó làm chính quyền khó chịu và dị ứng, ngay lập tức, cây búa trừng phạt sẽ lừng lững xuất hiện.

Tâm điểm của đàn áp

Sự kiện báo Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng và báo Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng không làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là đối với các nhà báo. Tuổi Trẻ, tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam biết luồn lách để đưa một phần sự thật đến với công chúng, luôn luôn là tâm điểm của đàn áp.

Vào năm 1992, báo Tuổi Trẻ nhận cú đàn áp đầu tiên từ chính quyền. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ lúc ấy là bà Vũ Kim Hạnh- một nhà báo tài năng và tâm huyết. Dù giữ chức vụ tổng biên tập, nhà báo Vũ Kim Hạnh vẫn đi nhiều và viết nhiều. Đầu năm 1992, bà có chuyến đi đến đất nước bí ẩn và khép kín Bắc Triều Tiên, bà đã viết và cho đăng tải một phóng sự nhiều kỳ về cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh của người dân ở đất nước cộng sản Bắc Triều Tiên. Bài phóng sự này thực sự gây nên một trận bão kinh người trong nhận thức của người Việt Nam lúc ấy, khiến hàng ngàn người hoài nghi về các giá trị cộng sản. Tuy nhiên, bà chỉ bị các cơ quan công quyền nhắc nhở.

Sau đó ít lâu, vào giữa năm 1992, nhà báo Vũ Kim Hạnh cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của ông Hồ Chí Minh, mà thông tin chấn động nhất là việc ông Hồ Chí Minh có một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh. Ngay lập tức, bà Vũ Kim Hạnh bị đình chỉ chức vụ tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, và sức ép chính trị đối với báo Tuổi Trẻ cũng ngày càng lớn.

Năm 2001, đến lượt một tổng biên tập khác của Tuổi Trẻ là Lê Văn Nuôi bị kỷ luật. Trong giai phẩm số xuân 2001, Tuổi Trẻ cho đăng tải kết quả một điều tra xã hội, theo đó, thần tượng của giới trẻ Việt Nam chính là tỉ phú công nghệ Bill Gates chứ không phải là các lãnh tụ Việt Nam. Với nhà chức trách Việt Nam, kết quả điều tra này là sự bôi xấu lãnh tụ, và ông Lê Văn Nuôi đã trở thành “nhà báo oan”.

Năm 2005, lần đầu tiên một phóng viên của báo Tuổi Trẻ- và cũng là lần đầu tiên một phóng viên trong làng báo chí nhà nước, bị truy tố vì thông tin báo chí. Đó là phóng viên Lan Anh với loạt bài điều tra về hãng dược phẩm Zuellig Pharma thao túng thị trường tân dược nhập khẩu được cơ quan điều tra và tòa án kết luận rằng “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Năm 2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên đã bị công an bắt giam và phải hầu tòa do thông tin về vụ án đình đám PMU 18. Chỉ sau đó mấy tháng, vào tháng 01-2009, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ là ông Lê Hoàng đã phải rời chức vụ do chịu trách nhiệm về các thông tin trong vụ PMU 18.

Vào năm 2012, nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đã phải hầu tòa và nhận bản án 04 năm về tội đưa hối lộ do thực hiện một loạt bài điều tra về những tiêu cực trong ngành cảnh sát giao thông.

Liên tiếp gieo sầu

Khi nhà nước quản lý chặt chẽ báo chí, nhà nước liên tục gieo sầu lên báo chí. Và, báo Tuổi Trẻ không phải là một biệt lệ nhận ưu sầu.

Trong năm 2017, điệp khúc “đình bản” do Bộ thông tin- truyền thông khởi xướng đã liên tục vang lên. Nhiều nhà báo, cả nhà báo lề phải và lề trái, đều nhất trí cho rằng, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Bộ TT-TT kiêm phó Ban Tuyên giáo trung ương là sát thủ ghê gớm nhất đối với báo chí từ xưa đến nay.

Vào tháng 11- 2017, Bộ TT-TT ra quyết định : “Đình bản chuyên trang, phạt 140 triệu đồng báo điện tử Người đưa tin”. Theo đó, Bộ TT&TT quyết định đình bản tạm thời hoạt động chuyên trang Phụ nữ và Đời sống của báo điện tử Người đưa tin, xử phạt 140 triệu đồng. Theo quyết định này, báo điện tử Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong bài viết đăng ngày 29/10 trên chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo có thông tin vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, điều 8 nghị định số 159/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt 140 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung đình bản tạm thời (tước quyền sử dụng giấy phép) của chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) trong thời gian 3 tháng.

Cũng vào tháng 11-2017, Bộ TT- TT ra quyết định: “Đình bản ba tháng tạp chí điện tử Nhà quản lý” vì đã đăng bài viết sai sự thật. Quyết định nêu rõ: Tạp chí điện tử Nhà quản lý bị đình bản tạm thời hoạt động trong thời gian 3 tháng vì Tạp chí đã đăng bài viết “Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?” ngày 21/8 có thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính. Trước đó, ngày 10-11- 2017, Cục Báo chí đã quyết định xử phạt hành chính về thông tin sai sự thật bài viết trên Tạp chí này 40 triệu đồng.

Không chỉ tháng 11-2017 mà tháng 10-2017 cũng là tháng chết chóc của báo chí Việt Nam. Vào ngày 27-10, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn ký quyết định về việc đình bản trong 3 tháng đối với báo điện tử Tầm nhìn vì đã vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử; không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng báo tiếp tục vi phạm.

Trước đó nữa, vào đầu tháng 10-2017, Bộ TT&TT đã quyết định đình bản tạm thời hoạt động của báo Sức khỏe cộng đồng 3 tháng do nội bộ mất đoàn kết, không đủ điều kiện hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định.

Những uẩn ức lạ lùng

Kể từ ngày Internet và mạng xã hội xuất hiện, báo chí Việt Nam đối diện với hai sức ép khủng khiếp: hoặc tuyên truyền một chiều theo định hướng của chính quyền, hoặc đáp ứng nhu cầu bạn đọc bằng các thông tin trung thực. Rõ ràng, hai sức ép đó hoàn toàn đối chọi lẫn nhau, vì nếu tuyên truyền một chiều sẽ không có bạn đọc, nếu đáp ứng nhu cầu bạn đọc sẽ bị chính quyền thổi còi. Và báo chí Việt Nam đã buộc phải lựa chọn một lối đi lạ đời: đu dây giữa giả dối và le lói sự thật, giữa cái tốt và thấp kém, giữa hư và thực của ma trận thông tin. Chính quyền Việt Nam không thích một nền báo chí đang phôi thai khát vọng độc lập, họ chỉ thích một nền báo chí công cụ. Đối với chính quyền, phạt tiền, đình bản và kỷ luật các tổng biên tập là giải pháp hữu hiệu để quản lý báo chí chặt chẽ hơn, để dập tắt trong trứng nước những ước vọng tốt đẹp của người làm báo.

Trong làng báo nhà nước Việt Nam, không phải ai cũng hèn. Đối với vài cơ quan báo chí nhà nước, việc được Bộ TT-TT xử phạt là một chứng chỉ xác nhận rằng, báo này có dũng khí, trung thực và tôn trọng bạn đọc. Một số tổng biên tập còn tếu táo cho rằng, phải có nhiều phúc lắm phước báo họ mới bị- được Bộ TT-TT xử phạt.

Trong thế giới văn minh và dân chủ, nhà nước không bao giờ xử phạt báo chí bằng các quyết định hành chính và quan liêu. Các cơ quan nhà nước cũng ít khi kiện báo chí ra tòa vì sợ dư luận đánh giá là hạn chế hoặc đàn áp tự do báo chí. Đặc biệt, các tổng thống, thủ tướng và các chính trị gia lại càng không trách cứ và chỉ trích báo chí chứ không nói là kiện báo chí ra tòa án, vì họ hiểu rằng họ là người của công chúng, vì họ không muốn vô tình hạn chế tự do báo chí. Các siêu sao nghệ thuật và thể thao cũng không kiện báo chí ra tòa, trừ khi báo chí đụng chạm đến những riêng tư thân nhân của họ. Chỉ có công dân bình thường, các tổ chức kinh tế, các tổ chức văn hóa và phi lợi nhuận mới kiện báo chí ra tòa án nếu họ thấy báo chí đơm đặt và thông tin sai sự thật. Ở thế giới văn minh và dân chủ này, báo chí càng tự do người dân càng nhận thức được nhiều sự thật, qua đó càng tiến bộ và văn minh.

Từ nhiều năm qua, các tổ chức có uy tín về xếp hạng chỉ số tự do báo chí như Tổ chức phóng viên không biên giới( RSF), Freedom House…đều xếp hạng Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thứ 175/ 180 quốc gia được khảo sát và đánh giá. Không có báo chí tư nhân, không có báo chí độc lập, và có bàn tay lông lá của chính quyền thọc sâu vào mọi mặt hoạt động báo chí là nguồn gốc sâu xa của thảm họa thứ hạng thấp đau lòng này. Các sự thật- dù cay đắng hay ngọt ngào- đã không đến được với người dân, và khi không được tiếp cận sự thật, khi không có phản biện, tâm trí của người dân mụ mị đi trong những mớ bòng bong nhận thức.

Qua sự kiện Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng và Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng, một số người ở Việt Nam đã đặt ra câu hỏi tưởng chừng ngây ngô nhưng thực ra rất thú vị và trí tuệ: có nên đình bản tất cả 800 cơ quan báo chí nhà nước Việt Nam hay không? Sẽ có rất nhiều câu trả lời, trong đó chắc chắn có câu trả lời này: Nếu đình bản 800 cơ quan báo chí nhà nước thì cũng tốt thôi, vì nhiều giả dối sẽ không đến được với người dân!

Tác giả gửi Trí Việt News












No comments:

Post a Comment