Thursday, July 26, 2018

NHỮNG SUY NGHĨ VỀ THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Nguyễn Hữu Phần)



Nguyễn Hữu Phần
26/07/2018

Lâu nay, tôi cũng đọc nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, ý kiến… phân tích về tình hình GDVN, những “chệch hướng”, “sai lầm”, “suy thoái”… đã kéo dài đã hàng chục năm mà chưa có cách gì “điều chỉnh” “cải cách”… lại được. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, bài viết, ý kiến… đều đi vào những vấn đề vĩ mô như “triết lý giáo dục”, “cách mạng”, “đổi mới”, “thay đổi mô hình”, “điều chỉnh hệ thống”, “trận đánh lớn”, “thay đổi căn bản” v.v… Những vấn đề lớn lao này không phải là không cần thiết, nhưng khi bàn đến cái “vĩ mô” cũng cần thiết phải hiểu rõ cơ sở hạ tầng của nó là gì? Cơ sở ấy liệu có “cáng” được những “gánh nặng” cải cách, cải tổ rậm rộ đó hay không chứ?

Trong bài viết này tôi chỉ mong muốn trình bày được những suy nghĩ của mình với một vài vấn đề nhỏ (hoặc tưởng như là nhỏ) của GDVN, đó là vấn đề người làm giáo dục (“người làm giáo dục” ở đây cần được hiểu là người trực tiếp đứng lớp, quản lý hoạt động giáo dục ở trường học, các cấp học chứ không phải các quan chức quản lý ngành). Nói tóm lại đó là vấn đề con người đang thực hiện các chủ trường, nhiệm vụ giáo dục.

Tôi nhớ cách đây đến gần chục năm (hình như năm 2007) báo chí có đăng một bài PV Giáo sư Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng, người rất quan tâm đến giáo dục Việt Nam. Trong bài PV có câu hỏi và trả lời như sau:

PV. - Giả sử nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, ba vấn đề ông ưu tiên giải quyết là gì?
GS NĐH - Tôi không hề nghĩ đến chức vụ ấy bởi tôi cũng chỉ là… một thường dân. Nhưng giả thuyết là Bộ trưởng, tôi sẽ thay đổi ít nhất 50% nhân sự, sa thải những người thiếu trách nhiệm, chỉ giữ lại những người tâm huyết.

Tôi không định bàn đến con số 50 hay bao nhiêu phần trăm nhân sự ngành GD thiếu trách nhiệm, tôi có cảm giác vị giáo sự này định nói về những quan chức, cán bộ quản lý ngành, còn tôi lại muốn bàn về các nhà giáo trực tiếp làm công việc giảng dạy các thế hệ học sinh. Cũng xin được hạn chế phạm vi bàn luận của tôi là giáo viên trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chứ không (hoặc chưa) dám bàn luận về giáo viên các ngạch trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học và trên đại học.

I. Người thầy và vị trí quan trọng của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục

Bất cứ ngành kinh tế, khoa học,văn hoá, xã hội nào cũng cần đến lực lượng lao động. Đội ngũ nhân sự có thể nhiều ít khác nhau, có thể là lực lượng lao động trí óc hay chân tay, thậm chí có những ngành nghề khoa học hiện đại ngày càng sử dụng ít, rất ít nhân sự vì đã có hệ thống công nghệ tự động. Nhưng giáo dục dù trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đến đâu cũng không thể thay thế vị trí người thầy giáo bằng máy móc, phương tiện kỹ thuật. Hay nói cách khác là mặc dù phương tiện kỹ thuật đã được đưa vào nhà trường, phục vụ, hỗ trợ cho việc dạy học nhưng không thể thiếu vắng người thầy giáo, người truyền thụ kiến thức, người quản lý, giáo dục học sinh.

Thầy (cô) giáo là những người lao động trí óc (tuy nhiên cũng phải sử dụng không ít sức lực) có những đặc điểm riêng khác với Người lao động ở các ngành nghề khác. Họ luôn luôn phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giáo dục (học sinh/con người), do vậy họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức như một cỗ máy mà còn cần phải thể hiện sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, phải là một hình mẫu có cá tính, có phẩm cách, kiến thức, kinh nghiệm sống… để thể hiện trước đối tượng giáo dục của mình. Thầy giáo dạy hay, có cách nhìn nhận, phương pháp giảng dạy độc đáo (khác biệt), thầy giáo có đạo đức, nhiệt tình, có lòng yêu thương (trẻ em học sinh nói riêng và con người nói chung) mới được học sinh tin tưởng, hào hứng tiếp nhận kiến thức, ham thích học tập, rèn luyện và quan trọng hơn tôn trọng, coi thầy giáo là một hình mẫu để noi theo.

Trong hệ thống giáo dục trước đây, có khi cùng một bài dạy (về một bài thơ Đường luật hay một trích đoạn Kiều chẳng hạn) nhưng mỗi thầy giáo lại có những cách dạy khác nhau (tất nhiên là không sai kiến thức) thể hiện rõ trình độ hiểu biết và cách quan sát, cách thể hiện cá tính của người thầy. Vì vậy phụ huynh mới có nhu cầu chọn thầy và học sinh mới có niềm tự hào mình là học sinh của thầy A thầy B nào đó (coi thầy giáo của mình hơn hẳn, hay khác biệt với những thầy giáo khác).

Những điều này không chỉ ở môn văn, các môn xã hội, mà ở bất kỳ môn học nào. Thầy giáo không chỉ là người “dạy chữ” mà còn “dạy làm người” nữa. Người thầy giáo là người hàng ngày đứng trước học sinh, tiếp xúc trực tiếp với các em để vừa truyền thụ tri thức, vừa dùng bản thân (trí tuệ, phong cách, cá tình, nhân cách…) của mình dạy cho các thế hệ học sinh trưởng thành, làm người.

Cho đến bây giờ, phụ huynh và học sinh vẫn bàn đến và hy vọng vào trình độ kiến thức cũng như tính cách của các thầy, cô giáo. Người ta nhận xét thầy, cô giáo này hiền, nghiêm, ăn nói hấp dẫn… Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một phần nhỏ trong phẩm cách thầy giáo. Cao hơn nữa là những thầy giáo giỏi, yêu trẻ, nhiệt tình với công việc giảng dạy… Nhưng rất thiếu những người thầy kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái giỏi (về tri thức) với cá tính sáng tạo, nhân cách để trở thành tấm gương khiến học sinh cảm phục, kính yêu… không chỉ trong thời gian học mà có khi đến suốt cuộc đời.

Thế nhưng, những người thầy/cô giáo như vậy hiện đang có mặt đồng đảo trong hệ thống giáo dục của chúng ta không? Xin nhìn lại những vấn đề về đào tạo, hoạt động nghề nghiệp của hệ thống giáo viên phổ thông ta từ trước đến nay.

II. Thầy giáo trong các trường phổ thông

1. Sơ lược về đào tạo sư phạm đối với giáo viên phổ thông
Nhìn lại cả quá trình đào tạo giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sư phạm từ năm 1954 đến nay ta có thể nhận thấy một số vấn đề về giáo viên trong thời kỳ đầu tiên xây dựng hệ thống giáo dục ở miền Bắc. Những năm ấy (sau khi hoà bình lập lại) Ngành Giáo dục có nhu cầu rất lớn về giáo viên, ngoài việc sử dụng lực lượng giáo viên trường công, trường tư của nền giáo dục cũ và nhanh chóng thay thế bằng những lớp giáo viên mới được đào tạo cấp tốc từ các trường sư phạm như: giáo viên 7+1 (học hết lớp 7, học thêm sư phạm 1 năm), 7+2, 10+1, 10+2, 10+3, đại học 4 năm… đấy là vấn đề đào tạo giáo viên. Còn về quan niệm xã hội với nghề giáo viên cũng có những vấn đề đáng quan tâm: Sau CCRĐ, Cải tạo Tư sản (1956, 1958) ngành học sư phạm bị coi thường so với các ngành học khác. Những câu ca dao của thanh niên, học sinh ngày đó thể hiện rõ điều này “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua…” và sự thật như vậy, rất ít thanh niên đăng ký hoặc thi vào các trường sư phạm. Còn Nhà nước (hoặc Ngành Giáo dục) cũng không thật sự coi trọng ngành này, họ thường để cửa cho những thanh niên học sinh lý lịch “không cơ bản” (con địa chủ, tư sản, nguỵ quân, nguỵ quyền, trí thức cũ…) vào học ngành Sư phạm (những ngành quan trọng khác như Y, Dược, Bách khoa dành cho con em công - nông - binh). Hồi đó khi vào trường sư phạm các tân sinh viên thường hỏi nhau “cậu hay bố cậu có vấn đề gì mà phải vào trường này vậy?”.

Thế nhưng những thanh niên con nhà đã từng giầu, đã từng có tri thức khi biết gạt bỏ những sự thiếu công bằng vẫn có thể là những sinh viên giỏi và sau đó có những thế hệ giáo viên có nhiều phẩm chất “thầy giáo”.

Thời xây dựng CNXH và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ngành Sư phạm vẫn tiếp tục đón nhận những sinh viên con em các gia đình không được xã hội đánh giá cao và học hành phổ thông ở mức trung bình, yếu kém. Các hệ đào tạo 7+… và 10+… vẫn tiếp tục đào tạo cho đến cuối thập kỷ 60 đầu 70 mới được thay thế dần… Những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ GD-ĐT đã có dự án “Chuẩn hoá giáo viên các cấp học phổ thông” nghĩa là tập trung các giáo viên dưới chuẩn 10+2 (cấp tiểu học), 10+3 (cấp THCS) đi học tập, bồi dưỡng vài ba tháng lấy bằng “Chứng nhận giáo viên đạt chuẩn”).

Bây giờ, các hệ đào tạo sư phạm ở trung ương và địa phương đã ổn định (cao đẳng sư phạm cho mẫu giáo, tiểu học), đại học 3 năm, 4 năm cho THCS và THPT). Thế nhưng trong các kỳ tuyển sinh đại học, ai cũng có thể nhận thấy học sinh THPT thuộc tốp 1, tốp 2 (giỏi, khá) thưởng không nộp đơn vào các trường sư phạm cho dù ở những trường này các em nhận được nhiều ưu đãi về học phí.

Điểm qua những chặng đường như vậy để thấy việc đào tạo giáo viên chưa bao giờ được coi trọng cả với hệ thống quản lý ngành cũng như trong quan niệm xã hội. Và những điều này đã trở thành một trong những nguyên nhân cần xem xét khi bàn về chất lượng giáo viên phổ thông.

2. Chất lượng và con đường hành nghề của giáo viên phổ thông

* Sách “Hướng dẫn giảng dạy” và sự thiếu vắng cá tính sáng tạo, hạn chế, tiêu huỷ khả năng cập nhật của giáo viên.
Tiếp tục với vấn đề đào tạo giáo viên, chuẩn hoá giáo viên như trên, các trường phổ thông dần dần có được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… đứng trên bục truyền dạy bồi dưỡng phẩm chất trí tuệ, nhân cách cho học sinh. Những thầy/cô giáo này được trở thành những cá thể có cá tính sáng tạo, có phẩm cách công dân, hình mầu làm người để dìu dắt cho thế hệ trẻ.

Để đảm bảo cho giáo viên giảng dạy đúng mục tiêu môn học, mục đích yêu cầu từng bài học, Ngành Giáo dục đã soạn thảo, in, phát cho giáo viên sách “hướng dẫn giảng dạy” cho từng môn học. Trong những cuốn sách này, các nhà biên soạn đã hướng dẫn cho giáo viên từng bài giảng từ mục đích yêu cầu, phương pháp giảng dạy, nội dung kiến thức cần truyền đạt (cần nhấn mạnh hoặc lướt qua), thậm chí có sẵn cả hệ thống câu hỏi để sử dụng trong từng bước giảng dạy, từng phân mục bài giảng... Sách “Hướng dẫn giảng dạy” cung cấp cho giáo viên từng giáo án bài giảng. Người sử dụng chỉ cần áp dụng theo sách để thực hiện từng bước lên lớp. (có những trường vẫn bắt giáo viên soạn giáo án, nộp, kiểm tra giáo án nhưng đó chỉ là hình thức và giáo viên chắc chắn sẽ chép từ sách hướng dẫn là có giáo án ngay).

Sách hướng dẫn của ngành do các tác giả uy tín biên soạn và qua nhiều cấp duyệt thì chắc chắn là đúng, là hay rồi. Tôi sẽ không bàn đến chất lượng sách mặc dù nhìn chung những cuốn sách này thường được biên soạn một lần và dùng trong nhiều năm học nên luôn thiếu sự đổi mới, không được cập nhật những thay đổi, tiến bộ của tri thức và đời sống… cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Tôi muốn bàn đến hệ quả của việc sử dụng các loại sách hướng dẫn này. Giáo viên được yêu cầu dạy đủ, dạy đúng kế hoạch, chương trình năm học và nội dung trong sách hướng dẫn, nên cũng không cần, không có điều kiện thể thể hiện khả năng sáng tạo, cá tính sư phạm của mình trong giảng dạy kiến thức. Cứ như vậy các giáo viên nhanh chóng trở thành những hình mẫu tương đối giống nhau như những bộ máy giảng dạy tuy rằng họ vẫn có sự khác biệt về vẻ mặt, dáng người, cách cười nói…

Việc dạy học thiếu cá tính, hình mẫu của người thầy chắc chắn sẽ không có sức thu hút với học sinh cả trong việc truyền dạy kiến thức đến vai trò dạy làm người mà chúng ta mong muốn. Nhưng không chỉ có thế, sách “Hướng dẫn giảng dạy” còn tạo ra một thói quen có thể nói là nguy hiểm đối với người làm nghề thầy giáo: Cái gì cũng đã có trong sách hướng dẫn rồi, như thế đã là rất đủ cho việc lên lớp… nên người giáo viên dần dần đánh mất khả năng tham khảo, nghiên cứu, học tập, cập nhật kiến thức khoa học (tự nhiên, xã hội, chuyên ngành…) ngoài xã hội nữa.

Tôi xin được kể một cuộc đối thoại với cô giáo dạy văn THCS ở Hà Nội: Là giáo viên dạy văn nhưng cô giáo này không bao giờ đọc sách văn học, đúng ra khi học ở trường sư phạm, cô ấy đã đọc được khoảng 5, 10 cuốn sách có trong chương trình giảng dạy của nhà trường sư phạm, nhưng từ khi ra trường thì không… Vì “Tại sao lại phải đọc khi trong sách hướng dẫn đã có đủ cả? Đây nhé, các nhà văn có trong chương trình dạy đều có một trang đến trang rưỡi viết về tiểu sử, liệt kê tên các tác tác phẩm lớn của tác giả đó (để tham khảo, mở rộng hiểu biết cho giáo viên) trước khi có trích đoạn trong Sách giáo khoa mà giáo viên cần bình giảng trên lớp”… Bằng cách đọc một hai trang tham khảo này, cô giáo dạy văn biết hết các nhà văn lớn như Victo Hugo, Lep Tolstoi, Mácxim Gorski, Nguyễn Huy Tường, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận… Vì những tác giả này có trong chương trình giảng dạy. Khi tôi hỏi: “Cô giáo biết gì về Văn học VN đương đại?”, cô giáo trả lời: “Cần gì phải biết, mà biết cũng có dạy ở lớp được đâu. Những tác giả, tác phẩm đương đại chưa được đưa vào chương trình giảng dạy thì cần gì phải biết”… Thấy tôi ngạc nhiên, cô giáo nói thêm: “Thời gian để đọc sách ấy, dành cho mở lớp dạy thêm còn kiếm ra tiền hơn”.

Xin bảo đảm đây là câu chuyện có thật 100%, và nếu ai đó quen thân với giáo viên chắc chắn họ sẽ kể cho những chuyện tương tự như vậy (còn nếu phỏng vấn để viết báo họ sẽ không nói như thế đâu). Qua câu chuyện trên, tôi muốn nói đến khả năng cập nhật kiến thức khoa học và đời sống của người làm nghề giáo viên (kể cả giáo viên tự nhiên hay xã hội) đều rất đáng lo ngại. Một thí dụ nữa là nhà trường phổ thông từ hơn chục năm nay đã đưa môn tin học vào giảng dạy, thế nhưng bộ môn này hình như chỉ dành cho giáo viên bộ môn và học trò. Phần lớn các giáo viên tự nhiên, xã hội trong hội đồng nhà trường không mấy ai thấy cần phải tìm hiểu về CNTT cả. Về ngoại ngữ cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên mấy năm gần đây, lớp cử nhân sư phạm trẻ về các trường học phổ thông đã mang về, truyền thụ cho giáo viên lớp trước nhiều hứng thú trong việc sử dụng các ứng dụng của CNTT như facebook, smartphone, zalo, viber, mail… khiến cho “trình độ tin học” ứng dụng của đội ngũ giáo viên có bước tiến bộ (cách đây 10 năm và cho đến tận bây giờ, trình độ tin học, CNTT của giáo viên khá thấp, không ít giáo viên không dám đụng tay đến máy tính - có những tiết giảng mẫu cho quan khách tham dự giáo viên mù máy tính nhờ chồng, con, hoặc giáo viên tin học tạo giúp một bản PPT để chỉ cần thò ngón tay ấn vào phím mũi tên lên xuống… và đã có nhiều tình huống dở khóc dở cười về chyện này).

Trong câu chuyện được kể ở phần trên, tôi quan tâm đến chi tiết “dành thời gian để mở lớp dạy thêm, kiếm được nhiều tiền hơn”. Chắc người đọc sẽ thắc mắc: Tại sao chất lượng giáo viên như vậy mà khi mở lớp dạy thêm lại có thể thu hút khá động học sinh? Câu trả lời như nhiều người đã biết là những chiêu trò, bắt ép, doạ dẫm, trù úm… buộc phụ huynh phải cho con đi học thêm… nhưng đó chỉ là một mặt mang tính tiêu cực. Còn trong thực tế có nhiều lớp dạy thêm, nhiều thầy cô giáo dạy thêm tạo được uy tín thực sự (như tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi, thi đỗ lên cấp ba, vào đại học cao). là do những thầy cô giáo này đã đặt mình, nghề nghiệp của mình vào cơ chế thị trường, ở đó khoản thu nhập mà người thầy giáo (dạy thêm) thu được tỷ lệ thuận với chất lượng truyền thụ kiến thức của họ, nghĩa là những thầy cô giáo này phải vượt qua lối sống, lối làm việc thụ động trong hệ thống trường học mà họ đang, đã làm việc. Họ sẽ phải đọc, nghiên cứu, tham khảo những tài liệu liên quan, cập nhật tiến bộ khoa học và đời sống để nâng cao trình độ cho mình, để dạy thêm có uy tín. để trở thành những thầy cô giáo dạy thêm có khả năng, tạo được kết quả thực sự, Vậy là dạy thêm, mở trường tư (dân lập, cổ đông) không phải hoàn toàn là tiêu cực, dạy thêm, mở trường dân lập có tâm, có tầm, có thể những mặt tích cực, tạo ra sự cạnh tranh thực sự cho “thị trường giáo dục” và tạo ra đòi hỏi người thầy giáo phải tự thay đổi mình.

* Vốn sống, sự hiểu biết xã hội để giáo viên trở thành hình mẫu cho học sinh.
Giáo viên là những người lao động tương đối ổn định (nhất là hệ thống giáo viên trường công lập). Sau khi tốt nghiệp sư phạm, về trường phổ thông làm giáo viên và sống dạy học suốt đời trong môi trường này, một môi trường tương đối bình yên, ít có sự va đập, cạnh tranh quyết liệt như các ngành nghề khác. Cũng chính vì vậy nên giáo viên ít có những trải nghiệm với đời sống xã hội.

Hãy kiểm lại mỗi ngày và cả những năm làm nghề của người giáo viên trường phổ thông: Đến trường, gặp gỡ đồng nghiệp, lên lớp giảng dạy, quản lý học sinh, tổ chức các cuộc thi đua, các sinh hoạt tập thể (đoàn đội, câu lạc bộ…) cho học sinh. Thỉnh thoảng gặp gỡ, tiếp xúc với phụ huynh học sinh… Môi trường làm việc tương đối bình lặng, đơn giản, đối tượng tiếp xúc của người giáo viên chủ yếu là học trò (ở lứa tuổi của cấp học) và phụ huynh học sinh. Mối quan hệ giữa hai đối tượng này với giáo viên luôn ở vị thế không bình đẳng: thầy cô giáo là “thầy” là người trên có thể cáu giận, quát nạt, trấn áp, thi hành kỷ luật học sinh. Với phụ huynh học sinh dù nhiều người có cương vị xã hội, học vấn, hiểu biết nhưng khi gặp thầy cô giáo cũng thường phải nhún nhường, tỏ ý tôn trọng, ở thế người nhờ vả (nhờ thầy, cô trông nom, dạy bảo, giúp đỡ, tha thứ… cho cháu)…

Môi trường sống và các mối quan hệ đơn giản, có thể hơi cách xa với đời sống xã hội, cộng với sự “bất cập nhật” kiến thức cũng như đời sống xã hội (đã thành thói quen của giới thầy cô giáo) tạo cho giáo viên có cảm giác về vị thế của mình là rất quan trọng (vai trò trí thức, chức năng truyền dạy kiến thức và làm người cho thế hệ tương lại). Từ đó sinh ra lối sống tự tôn, thiếu dân chủ trong các mối quan hệ của mình. Thậm chí khi về gia đình, ra xã hội người giáo viên cũng rất khó xác định đúng vị thế thực sự và thiếu rất nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp theo quan niệm bình đẳng, dân chủ… Cũng có thể từ đấy sinh ra những thói xấu, những việc làm tiêu cực trong giáo dục mà xã hội thường bàn luận…

Sự thiếu kiến thức về đời sống, xã hội của người giáo viên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của thầy cô giáo trong các lĩnh vực “dạy làm người” cho các thế hệ học trò, đồng thời tạo tình trạng bất hợp tác, thiếu trung thực, giả tạo trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh học sinh.

Như vậy vai trò hình mẫu, tấm gương về tri thức, nhân cách, vốn sống… của người giáo viên trược học sinh rất khó có thể bảo tồn được. Không khí trường học, mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh học sinh luôn chứa đựng đợt “sóng ngầm” của sự phản ứng, thiếu tôn trọng, đồng thời làm nẩy sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực, hay phản ứng thái quá (cãi cọ với thấy, bạn, chán học, bỏ học, bao lực học đường…) trong một bộ phận học sinh.

3. Một vấn đề tưởng như rất nhỏ của trường phổ thông: hiện trạng “nữ hoá giáo dục”.
Từ bao đời nay người ta vốn “mặc định” gíao viên là nam giới với cách gọi “thầy giáo” (một trong năm nghề người làm nghề được gọi là thầy: thầy giáo, thầy thuốc, thầy địa lý, thầy tu, thầy cúng). Các thế hệ nho sinh trong thời kỳ cổ đại, cận đại và cả học trò học chữ quốc ngữ sau này đều được học tư các thầy. Khi kể về sự thành đạt của mình người ta thường tự hào khoe rằng tôi là học trò của thầy A, thầy B nào đó và chỉ như vậy cũng đã tạo được niềm tin cho người khác (vì danh tiếng, uy tín, trình độ, nhân cách của thầy A thầy B đó đã được cả xã hội tin tưởng).

Ngày nay, nền giáo dục đương đại hình như rất thiếu vắng những người đàn ông làm nghề giáo (thầy giáo), thay vào đó hầu hết giáo viên các cấp học từ mẫu giáo đến THPT đều là phụ nữ (cô giáo). Tôi không có con số thống kê tỷ lệ giáo viên nữ ở ngách GDPT hay từng cấp học, nhưng nếu đến một trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bất kỳ, ta có thể thấy tỷ lệ giáo viên nữ chiếm 100% ở cấp mẫu giáo, khoảng 95% cấp tiểu học, 80-90% ở cấp THCS, và 75-80% ở cấp THPT. Ngay từ nguồn đào tạo giáo viên, hàng năm các trường sư phạm nhận được rất ít đơn dự tuyển của nam, nhiều lớp sư phạm 100% sinh viên nữ. Hình như cả xã hội đã quan niệm nghề dạy học là nghề của phụ nữ chắc là vì nghề này nhàn hạ, phù hợp với sức khoẻ của phụ nữ, hơn thế nữa phụ nữ trời sinh ra đã có chức năng làm mẹ (sinh đẻ, nuôi, dạy con) nên làm giáo viên là tốt nhất.

Tôi gọi hiện tượng này là “nữ hoá giáo dục” và trong bài viết này tôi muốn luận bàn về cái hay, cái dở trong việc “nữ hoá” này.

Trước hết, tôi nghĩ nghề dạy học không giống với việc nuôi dạy con (do mình sinh ra). Nghề dạy học là nghề hướng dẫn, rèn luyện cho thế hệ trẻ từng bước vào đời. Lớp trẻ trong giáo dục là một đối tượng xã hội độc lập có quyền sống, quyền tự do, bình đẳng trong việc tiếp nhận nền giáo dục và mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh (dù nhỏ tuổi) là bình đẳng (khác với quan hệ mẹ con). Giáo viên phải tôn trọng và nâng đỡ cho sự phát triển tri thức, nhân cách của học sinh… Đó đó không nên cho rằng chức năng sinh đẻ, nuôi, dạy con trong gia đình của phụ nữ là hoàn toàn phù hợp với vai trò thầy giáo trong nhà trường.

Khi bàn về giới, người ta thường bàn đến, chỉ ra những đặc điểm của phái nam, phái nữ. Có những sự khác biệt về phẩm chất, tính cách, thói quen, điều tốt, điều xấu liên quan đến mỗi giới. Vì vậy việc đội ngũ giáo viên phổ thông gần như chỉ có nữ giới như hiện nay liệu có giúp chúng ta có được những hiệu quả giáo dục cao nhất cho học sinh và sự nghiệp dạy người nói chung không?

Tôi không có ý định liệt kê cái hay, cái dở trong tính cách của cả hai giới. Nam hay nữ cũng có những đặc điểm mạnh, điểm yếu hiển hiện hoặc tiềm ẩn còn tuỳ theo các tính, phẩm chất cụ thể mang tính các nhân của họ. Ở đây đang bàn về “nữ hoá giáo dục” nên tôi muốn nói đến những đặc điểm tốt, xấu của giới nữ trong đời sống và sự thể hiện những điều này trong môi trường giáo dục.

Ai cũng công nhận phụ nữ là phái đẹp, thể hiện sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, có sức thuyết phục… nhưng cũng không tránh được những nhược điểm như thiếu công bằng, hay để ý những chi tiết nhỏ, thiên về cảm tính, đôi khi thiếu kiềm chế… Có người thường gọi là tính cách “đàn bà” (tôi không đồng ý, không muốn dùng từ này để bình phẩm về phụ nữ. Thế nhưng nếu như người giảng dạy, dìu dắt các thế hệ trẻ trưởng thành với mục tiêu trở thành những “con người toàn diện” mà lại chỉ có dành cho phụ nữ làm nghề này thì chắc là sẽ gây ra sự thiên lệch, thiếu vắng những phẩm chất cần thiết (chất “đàn ông”) cho các em trong quá trình trưởng thành và phát triển sau này.

Đã có không ít những trường hợp cô giáo lên lớp và cư xử với học sinh thiếu công bằng, trù úm, thành kiến, bắt bẻ những điều nhỏ mọn, không thiết lập được mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng học sinh (do cảm tính), hoặc thể hiện trước lớp học cả nhiều tâm trạng mang tính cá nhân như cáu giận ở đâu đó cũng trút vào học sinh, tâm sự những điều không gắn bó gì với mục đích giáo dục của mình và hơn thế nữa là giáo viên nữ vì quá bận bịu việc nhà nên ít cập nhật kiến thức khoa học, đời sống xã hội hơn nam giới.

Có những vị phụ huynh nói với tôi “con mình là con trai, nhưng cả 12 năm phổ thông đều được học cô giáo, sau này chắc chắn cháu nó sẽ có “nữ tính”, sẽ có nhiều phẩm cách đàn bà hơn, như thế liệu có trở thành người toàn diện không?”

Nguyên cớ tại sao nam giới không thích vào ngành Sư phạm? Tại sao giáo dục bị “nữ hoá” bản thân tôi cũng không giải thích được, nhưng tôi có cảm giác hệ thống quản lý Ngành Giáo dục và cả xã hội vẫn thường coi vấn đề này là đương nhiên, không có gì phải suy nghĩ cả… Thế nhưng với bản thân tôi và với những người đã từng qua hệ thống giáo dục phổ thông khoảng 15, 20 năm trước đây, hầu như ai cũng mơ ước trong nhà trường cần có tỷ lệ giáo viên nam, nữ tương đương, như vậy học trò (cả nam và nữ) mới học được, rèn luyện theo những điểm tốt trong tính cách của cả hai giới, học sinh không chỉ có nữ tính mà còn có tính cách “đàn ông” - rất cần cho cuộc sống sau này.

III. Có thể cải tổ Ngành Giáo dục bằng những chiến lược vĩ mô?

Cũng như bất cứ ngành kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật nào, ngành GD-ĐT nước ta cũng đã đạt được những thành tựu lớn là tạo ra những thế hệ công dân có đủ tri thức, tư cách để thực hiện mọi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong những giai đoạn lịch sử vừa qua. Trước những đòi hỏi mới của thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày nay, Đảng, Nhà nước, Ngành GD-ĐT và toàn xã hội đều đã nhận ra và thẳng thắn nhìn nhận vào những yếu kém, lạc hậu của cả nền giáo dục và trong từng lĩnh vực hoạt động của ngành. Những cuộc tranh luận nảy lửa, những quyết sách được đề ra, những cuộc thể nghiệm đã được thực hiện… nhưng việc thay đổi cơ bản việc dạy và học, hệ thống nhà trường, nội dung giảng dạy vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi mong muốn các nhà làm chính sách, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục không chỉ quan tâm đến những vấn đề lý luận, những chủ trương, chính sách mà phải nhìn nhận vào thực tế của các hệ thống giáo dục, trong đó quan trọng nhất là giáo dục phổ thông, để mọi chủ trương chính sách gắn bó và có tác dụng thực sự với mục tiêu cải cách mà chúng ta đang tiến hành.

Trên đây là những ý kiến mang tính cá nhân, chủ quan. Tôi rất mong nhận được sự hồi đáp của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là những nhà nghiên cứu giáo dục đang làm việc hết sức mình cho sự thay đổi, phát triển nền giáo dục nước nhà.

N.H.P.
Tác giả gửi BVN.









No comments:

Post a Comment