Wednesday, July 4, 2018

CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI & NGUY CƠ ÂU - MỸ ĐOẠN TUYỆT (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 04-07-2018

Thời sự trong nước chiếm vị trí trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay : Báo động ngành y quá tải trong lúc cải cách bị hoãn đến sau kỳ nghỉ hè, phương pháp truyền thông của tổng thống Macron bị phê phán, hiệp hội giới chủ có lãnh đạo mới... Chủ đề thời sự quốc tế nổi bật nhất là Liên Hiệp Châu Âu đe dọa trả đũa mạnh Hoa Kỳ trong cuộc chiến thuế. Báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý về nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu đoạn tuyệt với Hoa Kỳ.

Le Monde chạy tựa trang nhất : « Châu Âu đe dọa trả đũa Mỹ ». Trong trường hợp căng thẳng leo thang, Liên Âu sẽ đánh thuế vào 294 tỉ đô la hàng hóa Mỹ, chiếm khoảng 1/5 xuất khẩu hàng năm của nước này.

Trên thực tế, tình hình rõ ràng ngày một căng thẳng. Sau quyết định tăng thuế thép và nhôm, nhân danh bảo vệ « an ninh quốc gia », Washington đang chuẩn bị tấn công vào hàng xuất khẩu xe hơi của châu Âu. Nếu chính quyền Trump tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn này, đối tượng thiệt hại trước hết là Đức, nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu. Bị đẩy đến chân tường, Bruxelles buộc phải phản ứng cho dù chắc chắn sẽ bùng phát « một cuộc chiến thương mại thực sự » với đồng minh lịch sử.

Hôm thứ Hai, 2/7, Ủy Ban Châu Âu chính thức công bố thông điệp được gửi đến trước đó cho bộ Thương Mại Mỹ, lên án Hoa Kỳ « vi phạm luật pháp quốc tế ». Quy mô trả đũa dự kiến lần này, với gần 300 tỉ đô la là gấp bội so với quyết định trả đũa hồi cuối tháng 6, nhắm vào 2,6 tỉ euro hàng Mỹ.

Ngày 19 và 20/07, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker dự kiến có cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington để tìm cách thuyết phục ông chủ Nhà Trắng từ bỏ chiến lược này. Trong hiện tại, quan điểm của hai bên là hoàn toàn đối nghịch. Đối với Bruxelles, các nhà sản xuất xe hơi châu Âu đã đóng góp vào việc tạo nên 120.000 việc làm tại Mỹ, đặc biệt tại nhiều tiểu bang miền nam, nơi đông đảo cử tri ủng hộ Donald Trump. Ngược lại, trả lời báo chí hôm Chủ nhật, tổng thống Mỹ thẳng thừng lên án Liên Hiệp Châu Âu làm hại nước Mỹ không kém gì Trung Quốc.

Đe dọa tiếp tục trả đũa thương mại của Liên Âu gây lo ngại cho chính giới kinh doanh Mỹ, buộc phòng Thương Mại Mỹ phải lên tiếng cảnh báo về khoản hàng xuất khẩu 75 tỉ bị tăng thuế, mà Hoa Kỳ phải lãnh chịu cho đến nay. Báo La Croix dành hồ sơ chính cho chủ đề này, với tựa trang nhất : « Phải chăng Trump đang đe dọa kinh tế thế giới ? », với dự đoán một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện (với thuế tăng khoảng 60%) có thể khiến GDP của Liên Âu sụt giảm 4%. Không một siêu cường thương mại nào có thể giành chiến thắng, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều dự kiến sẽ thiệt hại ở mức tương tự.

Tuy nhiên, nguy cơ quan hệ giữa Liên Âu và Mỹ tồi tệ đi không chỉ là về thương mại. Vẫn theo Le Monde, trong thượng đỉnh châu Âu hôm 28/06, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã có những lời lẽ « đặc biệt nghiêm trọng ». Theo Donald Tusk, cần phải chuẩn bị cho «kịch bản tồi tệ nhất », đó là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ « cắt đứt hoàn toàn » quan hệ liên minh lâu đời.

Trước ngã ba đường, liệu Liên Âu có một « Luther » mới ?
Về chủ đề này, Le Monde giới thiệu các nhận định của nhà tư vấn François Heisbourg. Bài viết mang tựa đề : « Đã đến lúc không thể loại trừ khả năng Hoa Kỳ và châu Âu chia tay ». Chuyên gia Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la recherche stratégique) dự báo, các sử gia trong tương lai, khi nhìn lại thời điểm này sẽ chọn ngày Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, 08/11/2016, như là một bước ngoặt lịch sử, và cái ngày mà Donald Trump và tổng thống Nga Putin họp thượng đỉnh 16/07/2018 chính là màn khởi đầu cho sự phân liệt (schisme) của phương Tây (xem bài : Thượng đỉnh Trump – Putin hứa hẹn điều gì ?).

Sự phân liệt có ý nghĩa hệ trọng này được ông François Heisbourg so sánh với thời điểm đạo Tin Lành trỗi dậy chống lại Giáo Hội Vatican tại châu Âu vào thế kỷ 15, đưa toàn châu lục vào một kỉ nguyên mới.

Liên Hiệp Châu Âu hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn thứ ba trong vòng một thập niên, sau hai khủng hoảng (khu vực đồng euro và di cư - tị nạn). Theo François Heisbourg, trước nguy cơ mang tính lịch sử này, người châu Âu có ba lựa chọn chính.

Thứ nhất là nhắm mắt coi như không, với hy vọng mọi sự sẽ trở lại tốt đẹp. Thứ hai là mạnh ai nấy lo, mà quyết định chia tay với Liên Âu của nước Anh là « biểu hiện mạnh nhất ». Nhiều quốc gia châu Âu khác có thể chọn khả năng dựa vào Hoa Kỳ, thông qua các đàm phán song phương, hay ngả sang Nga, thậm chí Trung Quốc. Một số quốc gia chơi trò bắt cá hai tay như Hungary của Orban, lợi dụng các ưu đãi của Liên Âu, nhưng không đóng góp xây dựng cộng đồng.

Lựa chọn thứ ba mà nhà tư vấn François Heisbourg nhấn mạnh là Liên Âu chủ động đi đến chia tay với nước Mỹ của Donald Trump, giống như nhà cải cách Martin Luther đã khởi xướng cách nay 5 thế kỷ. François Heisbourg đưa ra hình ảnh ví von : Nếu « giáo hoàng » Donald Trump ở Washington cứ khăng khăng buộc châu Âu phải trung thành với nước Mỹ để đổi lấy được bảo đảm về an ninh, thì phải chăng sẽ có một nhà cải cách Martin Luther mới ?

Chuyên gia Pháp lưu ý là, trong lịch sử, châu Âu đã từng thành công trong việc vượt qua sự phân liệt Công Giáo – Tin Lành trong nội bộ, trong bối cảnh đe dọa trong ngoài chồng chất. Theo ông, trong hiện tại về kinh tế và quân sự, khối 27 nước có đầy đủ tiềm năng, nhưng điểm yếu của Liên Hiệp Châu Âu là thiếu đi một « sự thống nhất về chính trị và chiến lược ».

*
Trung Quốc can thiệp vực giá đồng yuan
Về kinh tế quốc tế, báo Les Echos theo sát can thiệp của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc nhằm vực giá đồng nhân dân tệ, hôm thứ Hai vừa qua, sau 7 phiên liên tiếp đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới mất giá. Cam kết của thống đốc ngân hàng Trung Quốc tạm thời ngăn lại đà sụt giá mạnh mẽ của nhân dân tệ, tuy nhiên, nhiều người lo ngại đồng tiền Trung Quốc sẽ tiếp tục mất giá mạnh hơn trong mùa hè này, trong bối cảnh chiến tranh thương mại bắt đầu.
Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách lèo lái để giữ một đồng tiền « ổn định » nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng tồi tệ như hồi mùa hè 2015 tái diễn.

*
Trump « vẫn muốn tin » vào Kim Jong Un
Về thời sự châu Á, có lẽ chủ đề được quan tâm hàng đầu là chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng ngày mai, 05/07. Bài « Cho dù hoài nghi, Trump vẫn muốn tin tưởng vào sự thành thực của Bắc Triều Tiên » của Le Monde lưu ý là cho đến giờ, ba tuần sau cuộc thượng đỉnh lịch sử ở Singapore, đòi hỏi « phi hạt nhân hóa » của Washington vẫn đang rất mơ hồ, trong lúc tình báo Mỹ nêu giả thiết Bình Nhưỡng đang che giấu một bộ phận hệ thống vũ khí hạt nhân.

Các giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ mỗi người nêu ra một lịch trình phi hạt nhân hóa khác nhau. Ngoại trưởng Mỹ đưa ra viễn cảnh hệ thống hạt nhân Bắc Triều Tiên được dỡ bỏ về cơ bản trong vòng 2 năm rưỡi, tức là trước khi nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ kết thúc, trong lúc cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hôm Chủ nhật nêu ra kỳ hạn một năm, cho cùng một kết quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không để ý đến các vấn đề cụ thể này. Trả lời kênh truyền hình Fox News ngày Chủ nhật, ông Donald Trump một lần nữa bày tỏ niềm tin vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên : « Tôi đã đạt được một thỏa thuận với ông ấy. Tôi đã bắt tay ông ấy. Tôi thực sự tin tưởng ông ấy là người nghiêm túc ».

*
Vụ giải cứu đội tuyển thiếu niên Thái Lan
Vẫn về châu Á, báo chí có nhiều bài ca ngợi vụ giải cứu đội tuyển bóng đá thiếu niên Thái Lan. Le Figaro có bài « Phép lạ ở động Tham Luang ». 222 giờ chờ đợi trong bóng tối, rút cục các nhà cứu nạn đã tìm được 12 vận động viên trẻ và huẩn luyện viên. Đội thợ lặn lừng danh chuyên cứu người trong hang động British Cave Rescue Council đã làm nên kỳ tích. Cả nước Thái Lan cầu nguyện cho các em nhỏ.

*
Môi trường : Nửa diện tích đất trên thế giới bị suy kiệt
Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde có bài giới thiệu nghiên cứu mới về tình trạng đất đai suy kiệt, một vấn đề tương đối ít được chú ý. Theo một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu JRC của Ủy Ban Châu Âu, hôm 21/06, trong vòng 20 năm vừa qua, hơn một nửa diện tích đất đai bị « suy thoái do biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người ». Đây là lần thứ ba JRC công bố tập Atlas toàn cầu về hiện tượng sa mạc hóa, kể từ năm 1992, tức năm diễn ra Thượng đỉnh Trái đất tại Rio.

Quy mô của hiện tượng này là rất nghiêm trọng, theo JRC, mỗi năm một diện tích hơn 2 triệu km² đã bị suy kiệt, tức tương đương với một nửa diện tích Liên Hiệp Châu Âu.

Báo cáo nói trên dựa vào kết quả quan sát của 20 vệ tinh, với 14 thông số, từ các tiêu chí về chất lượng sinh học – vật lý của đất, hàm lượng nước, độ rửa trôi, mật độ thực vật hay các tiêu chí về xã hội - kinh tế như mật độ dân số, đô thị hóa, các phương pháp canh tác…
Ít được chú ý hơn là biến đổi khí hậu và đa dạng sinh thái, vấn đề đất đai suy thoái là một trong ba chủ đề lớn được Thượng đỉnh Trái đất 1992 nêu ra.

Theo Atlas của châu Âu, từ nay đến 2050, ít nhất 700 triệu người phải tị nạn vì không có đất đai canh tác. Ông Michael Cherlet, một tác giả chính của báo cáo, khẳng định một vấn đề chính hiện nay là nhiều nước đang phát triển phải tàn phá rừng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cư dân các nước phát triển ở Bắc Mỹ hay châu Âu.

*
« Woman at War » : Truyện cổ tích về nữ chiến binh bảo vệ môi trường
Cũng trong lĩnh vực môi trường, nhưng về điện ảnh, phim « Woman at War/Người phụ nữ lâm trận » - do ba nước Pháp, Island, Ukraina hợp tác - vừa ra rạp được báo Pháp nhắc đến nhiều. Le Figaro đánh giá bộ phim « vừa chính trị, lại vừa thi vị ». Le Monde so sánh phim với câu chuyện cổ tích, theo phong cách văn học trung đại Island thế kỷ 12, 13.

Bộ phim của đạo diễn Benedikt Erlingsson mô tả cuộc chiến của Hala chống lại chính phủ Island, để bảo vệ vùng Đất Mẹ. Halla cũng là tên một hiệp sĩ rừng xanh huyền thoại của Island thế kỉ 17. Trong hồi hai của bộ phim, Halla trở lại cuộc sống bình thường, nơi bà dạy hát, tập yoga, và chuẩn bị nhận một đứa con nuôi, đợi bà tại Ukraina. Tuy nhiên, trước bước ngoặt này, Halla chuẩn bị một cuộc chiến cuối cùng chống lại những kẻ gây ô nhiễm.

*
Bóng đá : Uruguay, đối thủ khó nhằn của Pháp
Vòng 1/8 giải vô địch bóng đá thế giới tại Nga vừa kết thúc. Ngày thứ Sáu, 6/7, Pháp sẽ gặp Uruguay trong trận tứ kết. Le Figaro báo trước « Celeste » (biệt hiệu của đội tuyển Uruguay) là một đối thủ « khó nhằn » với Pháp. La Croix nhận định hàng phòng ngự Uruguay nổi danh là gần như bất khả xâm phạm. Từ đầu giải đến giờ, qua bảy trận đấu, lưới của Uruguay mới chỉ có một lần bị đối phương chọc thủng (trong trận gặp Bồ Đào Nha). Ngôi sao Edison Cavani, người ghi hai bàn trong trận gặp Bồ Đào Nha, rất có thể sẽ tiếp tục trong đội hình Uruguay trong trận gặp Pháp. Vẫn theo La Croix, đội tuyển Pháp hoàn toàn kín tiếng trước trận đấu quyết định.

*
Đội tuyển Pháp : Tiền vệ « 15 lá phổi »
Le Monde dành hơn nửa trang báo để bình luận về một nhân vật trụ cột của đội Pháp : tiền vệ phòng ngự N’Golo Kanté, 27 tuổi. Không nổi tiếng như tiền đạo Kylian Mbappé, nhưng vận động viên khá nhỏ con, với chiều cao 1,68 mét này được coi là một át chủ bài của đội tuyển áo Lam.

N’Golo Kanté được các đồng đội mệnh danh là « 15 lá phổi », bởi anh có khả năng di chuyển không ngừng, có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. N’Golo Kanté là công dân song tịch Pháp – Mali. Năm 2016, anh quyết định đi theo tiếng gọi của huấn luyện viên Deschamps.

-----------------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 04-07-2018

Một tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi thư cảnh báo đến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, đòi các nước đồng minh phải đạt mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Sáng qua, 03/07/2018, New York Times đăng một số đoạn trích từ các lá thư này. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley còn cho biết ông Trump sẽ nói với các nước NATO, Hoa Kỳ không thể là « con heo đất đựng tiền tiết kiệm » của cả thế giới.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :

Từ lâu Donald Trump vẫn đặt vấn đề về lợi ích của NATO, và nhất là khi ông tố cáo gánh nặng của tổ chức này đối với Hoa Kỳ. Những lá thư mà ông Trump gởi cho các đối tác vào cuối tháng Sáu chứng tỏ ông đã mất kiên nhẫn.
Tổng thống Mỹ đặc biệt nghiêm khắc với Đức. Ông viết cho thủ tướng Angela Merkel : « Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ cho quốc phòng châu Âu, trong khi kinh tế của châu lục, và riêng đối với Đức, đều tốt đẹp. Tình trạng này chúng tôi không thể chịu đựng được lâu hơn nữa ». Và Donald Trump khẳng định : « Đây không chỉ là nỗi bức xúc của chính quyền, mà cả Quốc Hội Mỹ cũng vậy ».
Trong lá thư gởi cho bà Merkel, Donald Trump nói rằng ông hiểu áp lực chính trị đang ngăn trở mọi ý định gia tăng chi phí quốc phòng, nhưng viết thêm : « Ngày càng khó giải thích cho các công dân Mỹ là một số quốc gia không chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng, trong khi những người lính của chúng tôi phải chịu rủi ro hy sinh tính mạng ở nước ngoài ».

Cụ thể hơn, theo New York Times, chính quyền Hoa Kỳ muốn rút đi phần lớn trong số 35.000 quân Mỹ đang trú đóng ở Đức. Cơn giận của Donald Trump không chỉ trút xuống bà Angela Merkel : ông còn gởi đi những lá thư với cùng một giọng điệu cho khoảng hơn một chục lãnh đạo các nước thành viên NATO.

Tóm lại, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tuần tới có nguy cơ náo động, và các đồng minh của Hoa Kỳ bắt đầu bày tỏ sự lo ngại. Hơn nữa, ông Donald Trump còn dự định gặp gỡ Vladimir Putin, đối thủ chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO.

----------------------------------

Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 04-07-2018

Biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với cuộc đọ sức thương mại do tổng thống Mỹ khơi mào sẽ có hiệu lực từ đêm 06/07/2018. Bắc Kinh sẽ áp thuế mới đối với 34 tỉ đô la hàng Mỹ, tương đương với tổng trị giá hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Washington đánh thuế.

Ngày 04/07/2018, bộ Tài Chính Trung Quốc cho biết « Trung Quốc sẽ không phải là nước đầu tiên khai hỏa trong trường hợp chiến tranh thương mại với Mỹ và cũng không phải là nước đầu tiên áp những biện pháp thuế mới ».

Trước đó, một nguồn tin Trung Quốc nắm rõ hồ sơ cho Reuters biết là Bắc Kinh « có những biện pháp tương tự và « tương tự » đồng nghĩa với việc nếu Hoa Kỳ bắt đầu áp biểu thuế mới ngày 06/07, chúng tôi cũng bắt đầu từ ngày 06/07 ». Như vậy, tính theo múi giờ, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ có hiệu lực trước các mức thuế mới của Mỹ.

Bắc Kinh tuyên bố đáp trả Washington bằng cách áp thuế 25% đối với vài trăm mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có nông phẩm (đậu nành và hạt bo bo), xe hơi và rượu whisky.
Để thay thế một số mặt hàng của Mỹ, Bắc Kinh bắt đầu khuyến khích nông dân ở các tỉnh miền bắc trồng đậu nành thông qua nhiều chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm một số nguồn cung cấp khác, như hạt bo bo từ Úc, trái anh đào từ Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan…

Mỹ cho phép một phần tập đoàn ZTE hoạt động trở lại
Cũng trong bối cảnh « chiến tranh thương mại » với Trung Quốc, chính quyền Donald Trump, ngày 03/07/2018, đã cho phép tập đoàn viễn thông ZTE hoạt động một phần tại Mỹ và trong vòng 1 tháng, cho đến ngày 01/08.

Vào giữa tháng Tư, Washington đã cấm các doanh nghiệp Mỹ bán thiết bị điện tử cho ZTE, do tập đoàn Trung Quốc đã vi phạm lệnh cấm vận nhắm vào Iran và Bắc Triều Tiên. Kết quả là ZTE phải ngừng một phần hoạt động.







No comments:

Post a Comment