Monday, July 30, 2018

BIỂU TÌNH : QUYỀN & LUẬT (Phạm Văn - Danlambao)





Hiện vẫn đang diễn ra những cuộc tranh biện về quyền và luật biểu tình. Người thì nêu vấn đề người dân có được quyền biểu tình hay không khi chưa có luật biểu tình “cụ thể” cho dù quyền biểu tình đã được hiến định (tại điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam). Người khác cho rằng phải có luật biểu tình thì biểu tình mới có thể được tiến hành thuận lợi, an toàn. Có người đòi Quốc hội nên bổ sung, sửa chữa điều này điều kia thuộc nội dung luật biểu tình. Cũng có người lớn tiếng rằng có những người đứng đầu nhà nước vi hiến, phạm pháp trong một số trường hợp nào đó. Còn có cả chuyện người dân đi biểu tình dựa vào quyền biểu tình đã được “hiến định” để đòi nhà cầm quyền phải “tôn trọng” luật pháp. Đành rằng ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác nhà cầm quyền đã làm “đúng luật”, nhưng đó quyết không phải là những gì thuộc bản chất của nền luật pháp hiện hành.

Tôi nhận thấy tính chất không lối thoát của những cuộc tranh biện và những việc làm này căn bản ở chỗ, người ta đã xuất phát từ việc thừa nhận một cách tự nhiên, có cả sự ngây thơ hệ thống luật pháp hiện hành, đã tự đặt mình, tự giới hạn-trói mình trong khuôn khổ của hệ thống luật pháp và cả trong thể chế nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Như thế, chẳng khác nào người ta đang đứng trong một chiếc thuyền bị mắc cạn, rồi cùng nhau hô hào “đẩy” thuyền đi. Thật là tức cười! Đương nhiên, đấy là tôi chủ yếu nói về những người còn ít nhiều có tinh thần trách nhiệm và sự vô tư trong cuộc tranh biện, biểu tình-đấu tranh, còn ngược lại, đối với những người giải thích quyền và luật biểu tình theo hướng nhằm bảo vệ chế độ này thì khỏi cần phải nói. Vậy, liệu có phải lối thoát cho những cuộc tranh biện, hành động biểu tình như đã nói là ra khỏi cái thuyền đã mắc cạn để tiếp tục đẩy nó đi? 

1. Quyền đương nhiên, quyền không đương nhiên và quyền pháp lý 

Ý định viết bài này nảy sinh sau khi nghe livestream “Biểu tình và luật biểu tình” của BBC tiếng Việt được thực hiện sau cuộc biểu tình-xuống đường của nhân dân trong tháng 6 vừa qua. Nhưng vấn đề tôi trăn trở lâu nay trong nghiên cứu luật pháp là khái niệm quyền. Ở đây việc nắm được nội dung khái niệm này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của khái niệm quyền biểu tình và những khía cạnh nội dung khác. Tôi hiểu tâm trạng của một số bạn đọc nói rằng trong tình hình cấp bách hiện nay, không nên trình bày những gì mang tính lý thuyết xa xôi. Thiết nghĩ, cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một chế độ mới Tự do-Dân chủ hẳn sẽ còn lâu dài ngay cả khi chế độ hiện thời đã bị xóa bỏ, vì thế việc nâng cao dân trí cần phải thường xuyên, mà cái căn bản là ở chỗ phải coi trọng những tri thức nền tảng, điều mà người dân Việt Nam nói chung hiện vẫn còn rất thiếu. Hãy hình dung giản đơn như việc trồng một cây cột, càng cắm sâu xuống đất nó càng chắc chắn, xây một ngôi nhà nhiều tầng, nền móng phải được làm thật vững chắc. 

Khái niệm quyền là một khái niệm không dễ để hiểu cả về phương diện luật học và triết học. Trong cuốn “Khế ước xã hội” nổi tiếng của mình J.J. Rousseau cho rằng từ ngữ, khái niệm “quyền” khi đứng một mình chẳng có nghĩa gì cả. Còn trong cuốn Từ điển luật học (do Nxb Từ điển bách khoa Hà Nội biên soạn 1999) “quyền” được hiểu là “những việc mà một người được làm mà không bị ai ngăn cản, hạn chế”. Theo đó, người ta phân chia thành các loại loại quyền khác nhau, về cơ bản nó có nghĩa là nếu tuân theo luật lệ, quy tắc nào đó thì người ta có quyền này hay khác. Tôi nhận thấy sự giải thích về “quyền” ở đây chưa thật rõ về bản chất, chủ yếu mang ý nghĩa hình thức. Bởi vì, về bản chất trước hết quyền không phải là việc người ta được phép làm việc này hay kia căn cứ vào luật pháp hay vào những quy tắc nói chung, không phải ở chỗ “không bị ai ngăn chặn, hạn chế”, trái lại, nếu đã có quyền làm một việc nào đó, thì dù có ai ngăn chặn, hạn chế, người ta vẫn làm. 

Tôi hiểu rằng có hai loại quyền cơ bản: thứ nhất là “quyền đương nhiên” hay “quyền trước luật”, “quyền dưới luật”, viết gọn là “quyền trước-dưới luật”, cũng có thể gọi đây là “quyền thực tế”; thứ hai là “quyền với luật”, “quyền trong luật”, viết gọn là “quyền với-trong luật” hay cũng có thể gọi là “quyền không đương nhiên”. Từ “luật” ở đây không chỉ có nghĩa là “luật pháp”, mà trước hết được hiểu theo nghĩa rộng, nó chỉ các quy tắc, quy định nói chung, trong đó có thể bao gồm cả những quy tắc đạo đức. Sách Từ điển luật học nói trên cho rằng quyền đương nhiên bao gồm các quyền như quyền làm người, quyền được sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng trong thực tế những quyền này bao gồm cả hai loại quyền cơ bản nói trên. Thí dụ, quyền được tự do (nên viết là “quyền tự do”) có thể bao gồm cả quyền đương nhiên, quyền không đương nhiên, với nghĩa là quyền không đương nhiên, quyền tự do lại bao gồm quyền tự do không hoặc chưa có tính pháp lý và quyền tự do pháp lý. Do đó, cần phải làm sáng rõ các khái niệm quyền, quyền đương nhiên và không đương nhiên.

Có thể thấy quyền đã tồn tại ở các loài động vật, thậm chí trong thế giới sinh vật nói chung. Một cái cây mọc lên, một bông hoa nở ra đều có không gian sinh tồn của riêng nó. Hoặc rõ hơn, người ta thấy những con báo, con hổ, hay sư tử chỉ làm cái việc “đánh dấu lãnh thổ” (bằng nước đái) sau khi chúng đã chứng tỏ được cái khả năng giết được những con mồi (con nai, con bò rừng…) tại một khu vực nào đó. Theo đó, cái “quyền” kiểm soát lãnh thổ dựa trên việc đánh dấu bằng nước đái, có thể hiểu là việc đặt ra những “ranh giới” hay “quy tắc”, chỉ có sau khi những năng lực (thể lực và trí lực) và điều kiện (thời tiết, đường chạy, con mồi lớn hoặc nhỏ v.v..) cho phép chúng giết được con mồi, đã được khẳng định. Như vậy, quyền trước hết là cái khả năng, năng lực và những điều kiện cho phép con vật có thể thực hiện những hành vi nhằm đạt được mục tiêu nào đó hay hành vi sinh tồn nói chung của chúng. Nghĩa là con vật “có quyền”, hay cái “cho phép” nó thực hiện hành vi sinh tồn trước hết không phải là việc dựa vào những “quy tắc” hay “ranh giới”, tức là có tính hình thức. Vì, đối với một con sư tử đã quá già hoặc ốm yếu thì việc đái ra để “đánh dấu lãnh thổ” chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thí dụ vừa nêu còn cho thấy có sự tồn tại của cả hai loại quyền là đương nhiên và không đương nhiên. Trong thế giới động vật, sinh vật quyền mang tính chất thuần túy tự nhiên, bản năng.

Trong thế giời loài người một người không thể được phép-có quyền đối với việc giết một con thú hoặc canh tác trên một mảnh đất, nếu anh ta không có năng lực và những điều kiện cần thiết. Điều này được thể hiện trong các hành vi từ đơn giản như ăn, ở, mặc, đi lại cho đến các sinh hoạt phức tạp hơn. Nhưng đối với con người, ngoài quyền tự nhiên như ở loài vật, nó còn có những “quyền xã hội” rộng lớn hơn, cao hơn. Ở đây, trước hết con người cũng có các quyền đương nhiên, các quyền trước-dưới luật hay quyền thực tế. Đấy là việc con người đã và đang không ngừng khẳng định những quyền-sự được phép của mình đối với những đối tượng tự nhiên khi biến chúng thành những sản phẩm như các công cụ, lương thực, thực phẩm và những phương tiện khác. Nhưng quyền đương nhiên của con người cũng tồn tại cả trong các hoạt động với những đối tượng xã hội, cụ thể là sự hình thành sở hữu tư nhân và sự xâm chiếm, đồng hóa của dân này đối với các dân khác. 

Sự hình thành sở hữu tư nhân và chế độ sở hữu tư nhân trước hết và căn bản dựa trên năng lực và những điều kiện lao động cần thiết, đồng thời do sự thiếu năng lực, thiếu các điều kiện và sự thất bại của những người khác đã biến họ thành kẻ làm thuê, chứ không phải dựa trên chiếm đoạt, bóc lột người khác. Hoặc việc đất đai, lãnh thổ, dân số của nhiều quốc gia đã tăng lên, thậm chí rất nhiều bởi những cuộc xâm chiếm và sự đồng hóa dân các nước khác. Rất cần nhấn mạnh rằng quyền sở hữu (sở hữu tư nhân) trước hết là quyền đương nhiên, quyền trước-dưới luật hay quyền thực tế. Đây là thứ quyền mà các nhà tư tưởng thế kỷ XVII-XVIII gọi là quyền “thiêng liêng bất khả xâm phạm”. Nhưng đáng nói là sau đó nó đã bị một “chủ thuyết” cho rằng đó là cái do “sự tước đoạt” mà có, cho nên cần phải tiến hành “tước đoạt” kẻ “đã tước đoạt”, để rồi “oan uổng” thay, chính cái “tước đoạt được” ấy lại rơi vào tay những kẻ “tổ chức” việc đi tước đoạt.

Còn thấy, trong cả hai trường hợp nói trên, chỉ sau khi trở thành kẻ sở hữu, chiếm được các lãnh thổ và thực hiện sự đồng hóa, thì những quy tắc, luật lệ mới được đề xuất, ban bố, mà phần lớn là của kẻ sở hữu và kẻ đã thành công trong việc xâm chiếm, đồng hóa các dân khác, nhằm bảo vệ quyền lợi của kẻ sở hữu và kẻ xâm chiếm trước những người làm thuê và nước bị chiếm hoặc trước những người sở hữu khác. Những quy tắc, luật lệ này có thể chưa phải là luật pháp theo nghĩa được ban bố bởi một thể chế nhà nước. Như vậy, trong những quyền xã hội quyền đương nhiên, quyền trước-dưới luật hay quyền thực tế tồn tại trước khi có quyền không đương nhiên hay quyền với-trong luật (là những quyền dựa trên việc người ta đề ra các quy tắc, luật lệ giữa họ với nhau). Với cả hai loại quyền ấy con người trở thành chủ thể (người chủ) của hoạt động của mình. Vậy, không được quên điều này: các quyền không đương nhiên, quyền với-trong luật chỉ có ý nghĩa thực sự khi người ta đã có được các quyền đương nhiên, quyền trước-dưới luật hay quyền thực tế của mình. Không có, chưa có các quyền này thì các quyền với-trong luật chỉ là hình thức, chỉ là sự áp đặt, thậm chí là lừa bịp. 

Về quyền pháp lý, tôi cũng đã nói về điều này trong bài “Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh của chúng ta” đã được đăng trên Dân Làm Báo ngày 1 tháng 7 năm 2018 khi nói đến quyền tự do pháp lý. Còn ở đây tôi nói về quyền pháp lý nói chung, liên quan đến rất nhiều quyền, trong đó quyền tự do chỉ là một. Quyền pháp lý cũng được xem là quyền với-trong luật hay quyền không đương nhiên, nhưng đây là những quyền được luật pháp quy định. Cũng cần nói rõ: quyền pháp lý chỉ có nội dung và ý nghĩa thực sự khi nói chung con người đã thực hiện những quyền đương nhiên, trước-dưới luật, quyền thực tế của mình. Do đó, quyền pháp lý chỉ là hình thức, trống rỗng, thậm chí là giả tạo, nếu như chúng dựa trên những điều luật, hệ thống luật pháp hoàn toàn hoặc về cơ bản mang tính chất áp đặt chủ quan bởi một tập đoàn xã hội nào đó, nhất là những tập đoàn đại diện cho những lợi ích, giá trị đã lỗi thời, cho dù chúng được ban bố bởi một thể chế nhà nước. 

Song, còn một vấn đề quan trọng là về tính chính đáng và không chính đáng của những quyền nói trên. Nếu không có sự phân biệt này thì xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn, vì bất cứ ai cũng có thể dựa vào năng lực, sức mạnh để thiết lập các quyền của mình một cách tùy tiện, bất chấp tất cả. Tính chất chính đáng hoặc không chính đáng đều có thể tồn tại ở các loại, các hình thức quyền, kể cả quyền pháp lý. Nhưng ta nhấn mạnh tính chất chính đáng và không chính đáng của các quyền đương nhiên. Ta hiểu quyền chính đáng là những quyền mà con người thực hiện nó một cách tự do, và ngược lại quyền không chính đáng được thực hiện một cách không tự do. Nếu như tôi phải làm một việc và nó là chính đáng khi tôi tự do làm, biết mình đã làm việc đó một cách tự do, ngược lại, nếu tôi làm một việc không tự do, như để thỏa mãn lòng tham quá đáng, bằng những thủ đoạn lừa đảo, ăn cướp, hoặc bị ma lực nào đó xui khiến, hoặc trong những điều kiện lịch sử không còn cho phép nữa, như việc dùng sức mạnh dưới hình thức nào đó để xâm chiếm một nước có chủ quyền như hiện nay chẳng hạn, thì những việc làm ấy là không chính đáng. 

2. Luật biểu tình, quyền biểu tình pháp lý và biểu tình mới

Cần khẳng định rõ rằng về nguyên tắc, luật biểu tình không thể có trong chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng “cộng sản” trị, nói rộng ra là chế độ ‘cộng sản” trị. Với bản chất quân chủ đã rất lỗi thời, quái dị, coi dân như vật sở hữu của nó, với mục đích là địa vị và quyền lợi của kẻ cầm quyền, còn bộ máy quyền lực và nhân dân chỉ là công cụ cho chúng thực hiện những mục đích ấy, chế độ này luôn gây ra những nỗi oan khiên, bất công, bất bình của người dân. Cho nên, việc ban bố luật biểu tình trong chế độ này sẽ hoàn toàn đi ngược lại với bản chất của nó, chẳng khác nào tạo ra điều kiện, cơ hội không thể tốt hơn cho nhân dân cất lên tiếng nói, phơi bày sự dối trá, tội ác vốn là những cái tồn tại đầy rẫy, tiềm tàng trong chế độ này. Vì thế, “quyền biểu tình” đã được hiến định (tại điều 25 Hiến pháp) thực ra chỉ là thứ quyền hình thức, giả tạo, ra vẻ đây là luật pháp của một nền dân chủ “đích thực”. Do đó, câu nói: “Quốc hội còn nợ dân luật biểu tình”, chỉ nhằm đánh lừa nhân dân, còn trong đầu kẻ nói ra câu nói ấy còn một câu nói hoàn toàn khác: “Chế độ này là của tao, không đời nào tao lại cho chúng mày cái quyền để chống lại tao. Chúng mày đừng có mơ!”. Đây mới là câu nói thực sự của chế độ, của những kẻ đứng đầu chế độ này. Nói rộng ra, nói chung hệ thống luật pháp hiện thời ở Việt Nam là do đảng “cộng sản” lập ra để bảo vệ đảng, thực hiện sự cai trị của nó đối với nhân dân và toàn xã hội nhằm thực hiện những mục đích xấu xa của chúng. 

Cho nên, chỉ khi nào thiết lập được nền Dân chủ của mình, nhân dân mới có thể tự do xây dựng, ban bố hệ thống luật pháp của mình, trong đó có luật biểu tình. Nhân dân có thể tiếp thu hệ thống luật pháp của chế độ cũ về những mặt, những khía cạnh nội dung nào đó, nhưng về cơ bản phải “thay máu” hệ thống này, phải loại bỏ hoàn toàn tính bất minh, dối trá, tùy tiện của nó, nhất là tính chất phi luân, vô đạo của nó, phải lột bỏ hoàn toàn tính chất-bản chất độc tài “cộng sản” của nó. Nhân dân sẽ làm cho hệ thống luật pháp mới thấm đẫm tinh thần nhân dân, thực sự là nền luật pháp của tự do, của những quyền con người, của quyền làm người và thực sự có tính khả thi và hiệu lực. Với hệ thống luật pháp này các quyền pháp lý của người dân cũng được xác lập, trong đó có quyền biểu tình pháp lý. Trong nhà nước của mình nhân dân sẽ thực hiện các quyền dựa vào luật pháp của mình mà không cần phải ai cho phép và ở đây sẽ không có chỗ cho cái điều hết sức vô lý tồn tại là Quốc hội của nhân dân lại “nợ dân” luật biểu tình hay bất cứ quyền, luật nào khác. 

Hãy nhớ rằng chính nhân dân, đại bộ phận nhân dân mới là những người đầu tiên làm ra hệ thống luật pháp của mình. Họ làm ra nó một cách hiện thực-thực tiễn, trước hết trong hiện thực-thực tiễn bằng việc khẳng định các quyền của mình trong lao động, đấu tranh, trong cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, nhân dân còn một bộ phận khác, rất quan trọng của mình, đó là những trí thức, đặc biệt là các nhà làm luật. Đây là những người trước hết giúp cho đại đa số nhân dân nhận thức, ý thức được đầy đủ hơn những quyền của họ, những việc họ đã và đang làm, để giúp cho cuộc biểu tình-đấu tranh của nhân dân trở nên tự giác, có tổ chức. Tiếp đó họ sẽ là những người xây dựng hệ thống luật pháp của nhân dân về mặt lý thuyết bao gồm các điều luật, đặc biệt là những điều luật cơ bản, tức Hiến pháp, mà nhờ đó, các quyền của nhân dân có được tính pháp lý, nhờ đó nhân dân sẽ được sống trong nhà nước Dân chủ - Nhà nước pháp trị thực sự. 

Nhưng nhân dân chỉ có thể ban bố luật biểu tình và toàn bộ hệ thống luật pháp mới, và do đó chỉ có các quyền pháp lý bao gồm cả quyền biểu tình của mình sau khi đã xóa bỏ chế độ “cộng sản” trị để thiết lập chế độ Tự do-Dân chủ thông qua một cuộc biểu tình mới. Đó là cuộc biểu tình-đấu tranh nhằm mục tiêu rất rõ ràng trực tiếp là chống lại, lật nhào và xóa bỏ hoàn toàn chế độ đảng “cộng sản” trị đã quá lỗi thời, tàn ác, đã và đang thực hiện âm mưu bán nước, đồng thời nhằm chặn đứng và đẩy lùi âm mưu xâm chiếm-đồng hóa tiêu diệt giống nòi Việt Nam của Tàu Cộng, để thiết lập Chế độ Tự do-Dân chủ. Đây là cuộc biểu dương lực lượng của toàn thể nhân dân, của tất cả già trẻ, gái trai, sinh viên, học sinh, nông dân, công nhân, trí thức, tôn giáo và không tôn giáo ở khắp các tỉnh thành, nông thôn và thành thị, trên khắp ba miền Nam-Trung-Bắc, trong và ngoài nước. Cuộc biểu tình-đấu tranh này sẽ kết hợp chặt chẽ với những hình thức đấu tranh khác và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ tích cực của loài người tiến bộ. 

Cuộc biểu tình mới này chắc chắn sẽ xảy ra, như nó đã từng xảy ra ở những nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Anbani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nga v.v.. Nhưng nếu còn có sự may mắn là chế độ tà quyền tự chuyển hóa hòa bình để chuyển giao quyền lực cho nhân dân, thì cuộc biểu tình mới này về hình thức sẽ không xảy ra, nhưng chính sức ép mạnh mẽ tiềm tàng của nó dẫn đến điều này. Liệu có “điều thực sự quý giá” này không? Câu trả lời là ở sự thức tỉnh chút lương tâm còn thoi thóp của những kẻ cầm quyền, đặc biệt nó nằm sâu trong truyền thống nhân đạo-nhân văn của con người Việt Nam. Còn nếu như không thể có điều ấy, thì với sức mạnh của đông đảo nhân dân sẽ như một con sóng thần to lớn, mạnh mẽ cuốn theo nó tất cả, kể cả những người chưa thức tỉnh, những lực lượng từng là bạo quyền, chế độ tà quyền cộng sản nhất định sẽ bị đè bẹp, chúng sẽ không có nơi chạy trốn, sẽ bị nhân dân trừng trị đích đáng và xóa bỏ không thương tiếc. Và cuộc biểu tình-nổi dậy ấy chính là thực hiện quyền biểu tình đương nhiên của nhân dân.

3. Quyền biểu tình đương nhiên - vượt qua sự sợ hãi

Như đã nói, con người ta ngoài cái thân xác-cơ thể sống trần trụi, ngoài cái con người cá nhân hẹp hòi là bản thân, gia đình, người thân ra, còn có những đặc trưng, giá trị cao quý hơn là trí tuệ, tính chủ thể (độc lập), tự do, đạo đức, ý chí và khát vọng làm người, còn có mặt khác là xã hội, tinh thần rộng lớn. Đây là những đặc trưng, giá trị rất CON NGƯỜI của con người và chúng chỉ có thể có được khi con người thực hiện được các quyền xã hội cơ bản là quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc, nhất là quyền tự do. Chỉ có được những quyền ấy con người, người dân mới có thể sống như một CON NGƯỜI, xứng đáng với KIẾP NGƯỜI của mình. 

Tôi đã xem và nghe nhiều livestream về bài hát Trả lại cho Dân của nhạc sĩ Việt Khang, do các ca sĩ, các thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, cả những cháu bé còn rất ít tuổi, các dàn đồng ca, hợp xướng ngoài nước và trong nước thể hiện, đặc biệt là sự thể hiện rất hồn nhiên, trong sáng và đầy nhiệt huyết của các em thiếu niên, học sinh ở Phú Yên. Tôi hết sức xúc động, và đã viết một số đoạn bình luận, trong đó có đoạn khi nghe các em học sinh cùng thầy giáo của mình hát trong một lớp học ở Phú Yên như sau: “Đây chính là nguyên nhân căn bản, sâu xa, của cuộc nổi dậy của nhân dân Bình Thuận-Phan rí trong tháng 6 vừa qua”. Cho nên, âm nhạc là gì, nếu như sự lay động, lôi cuốn mãnh liệt của nó đối với hàng triệu con tim, có thể thôi thúc hàng ngàn, hàng vạn người biểu tình-xuống đường, không bắt nguồn từ sự khao khát-thức tỉnh mãnh liệt quyền làm người, quyền tự do của nhân dân, đã làm rung động thực sự và rất dữ dội tâm hồn nhạc sĩ!? Nói thêm rằng việc thầy giáo cùng các em hát bài Trả lại cho Dân là một trong những dấu son báo hiệu một nền giáo dục tiến bộ trong tương lai đang rất gần của đất nước.

Qua những tiếng kêu đòi của các tầng lớp nhân dân vang lên được thể hiện trong bài hát, chúng ta thấy rõ thêm rằng ở Việt Nam hiện có rất nhiều quyền đương nhiên, quyền trước-dưới luật hay quyền thực tế cơ bản của con người, của nhân dân đã bị tước đoạt, trong đó đặc biệt là những quyền được sống, quyền làm người, quyền tự do và cả quyền biểu tình. Chắc chắn, đây không đơn giản là vấn đề non yếu về hiểu biết, ý thức luật pháp của người dân, người làm luật và cả của kẻ cầm quyền, mà chính là ở chỗ những kẻ cầm quyền đã lợi dụng, lạm dụng, thậm chí tuyệt đối quyền hạn của chúng, vì quyền hành ở trong tay bọn chúng, để tước đoạt các quyền đương nhiên như đã nói. Tuy vậy, nhân dân cần hiểu, cần ý thức rõ hơn nữa về những quyền, nhất là những quyền đương nhiên của mình. Bởi vì, giờ đây vấn đề không phải là việc đòi kẻ cầm quyền “trả lại” những quyền ấy, nhân dân và những người làm luật có trách nhiệm với nhân dân không nên tiếp tục nhầm lẫn khi cố “đòi cho được” cái quyền biểu tình chưa, không bao giờ là của mình. 

Chắc chắn rằng sau cuộc biểu tình-đấu tranh vừa qua, nhân dân càng hiểu rõ hơn những điều rất quan trọng trên đây. Vì vậy, vấn đề đối với nhân dân lúc này chỉ còn là phải tự mình đứng lên giành lấy, thực hiện trước hết các quyền đương nhiên, những quyền trước-dưới luật, trong đó đặc biệt là quyền biểu tình. Thực hiện quyền biểu tình đương nhiên lúc này có nghĩa là nhân dân chưa cần đến một hệ thống luật pháp nào cả, không cần ai cho phép, cũng chẳng ai có quyền ngăn cản, hạn chế chúng, nếu có kẻ ngăn chặn, hạn chế thì đó chỉ có thể là tà quyền.

Nhận thức, ý thức ra và đứng thẳng lên giành lấy, thực hiện những quyền đương nhiên, trước hết là quyền biểu tình lúc này, chính là nhân dân đã vượt qua, tiếp tục vượt qua những nỗi sợ hãi vẫn còn ẩn tàng đâu đó trong mỗi con người, trong các bộ phận nhân dân. Vượt qua sự sợ hãi nghĩa là nhân dân biết rõ những việc mình cần phải làm, nhất định phải làm, không thể trì hoãn. Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân đã thấy ra được trong con người mình còn có cả đồng bào, anh em, quê hương, Tổ Quốc, giống nòi yêu quý, thân thương của mình, còn thấy cả nhân loại đau khổ và tiến bộ, cả dòng máu của họ cùng chảy trong huyết quản của mình. Vậy là nhân dân đã vượt lên trên cái con người cá nhân chật hẹp của mình và trở nên có sức mạnh lớn lao. 

Nhân dân sẽ càng trở nên can đảm và có sức mạnh lớn lao hơn vì biết rõ, chỉ có xóa bỏ chế độ đảng “cộng sản” trị, nhân dân mới có thể thiết lập chế độ Tự do-Dân chủ, mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu xâm chiếm-đồng hóa Việt Nam của Tàu Cộng, mới có thể thực hiện những quyền con người, quyền làm người, quyền công dân một cách đầy đủ, trọn vẹn, bao gồm hệ thống các quyền đương nhiên và không đương nhiên của mình. Nhân dân can đảm và có sức mạnh là vì thần tượng Hồ Chí Minh đã và đang sụp đổ trong lòng nhân dân, là vì nhân dân tiến hành cuộc biểu tình-đấu tranh hoàn toàn tự do và chính đáng. Còn kẻ thù của nhân dân không có tự do. Chúng dựng lên và duy trì chế độ dối trá, tham lam và rất lỗi thời, dùng bạo lực chống lại nhân dân vì những quyền lợi của chúng. Chúng nô lệ cho lòng tham, cho quyền lực, cho những giá trị kinh tế-vật chất trần trụi, nô lệ cho ý chí xâm lược của Tàu Cộng, cho nên chúng không có những quyền chính đáng.

Nhân dân không còn sợ hãi, càng can đảm và trở nên có sức mạnh hơn, còn vì dã tâm xâm chiếm-đồng hóa dân tộc Việt Nam, xâm chiếm, chà đạp, hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc khác nhằm làm “bá chủ thiên hạ” của bọn Tàu Cộng, đã bị bóc trần hết sức rõ ràng. Chế độ “cộng sản” trị Tàu Cộng đang tỏ ra run sợ trước những đòn tấn công kinh tế và ý thức cảnh giác của nhân loại tiến bộ. Chúng nhất định sẽ thất bại vì chúng là mối đe dọa đối với an toàn, anh ninh của loài người tiến bộ, vì chúng đã và đang gieo rắc những mầm bệnh hiểm nghèo của chúng trên khắp hành tinh là sự sùng bái những sức mạnh kinh tế, những giá trị kinh tế-vật chất trần trụi, đi ngược lại những giá trị tích cực, văn minh của loài người là tự do, trung thực, sáng tạo, dân chủ, bình đẳng và công bằng. Do đó, nhân dân Việt Nam sẽ không sợ hãi vì không còn đơn độc, sẽ cùng nhân loại tiến hành cuộc đấu tranh chung chống lại chúng. Nhưng trong cơn dãy dụa vì thất bại nặng nề, chúng có thể làm những việc rất tàn độc để phá hoại kinh tế, đời sống, gây nên những mất mát và tai họa khôn lường trực tiếp đối với nhân dân Việt Nam, cho nên toàn thể nhân dân Việt Nam phải can đảm lập tức đứng dậy lật đổ chế động “cộng sản” để ngăn chặn chúng.

Khi nhân dân bước qua sự sợ hãi, thì đó cũng là lúc kẻ thù của nhân dân thực sự run sợ. Chúng sợ hãi vì chúng biết chắc chắn sẽ bị lật đổ và bị tiêu diệt, vì chúng biết sẽ mất tất cả những gì chúng cướp được vốn đem lại cho chúng cuộc sống vương giả, xa hoa, đồi trụy lâu nay. Chúng rất sợ hãi, vì chúng có một quá khứ quá độc ác và khốn nạn, không chỉ hại dân mà còn mang dã tâm bán nước. Vì vậy, chúng có thể điên cuồng chống lại nhân dân, tàn độc như thú dữ, nhưng đó là sự điên cuồng trong sợ hãi, của sợ hãi, của kẻ cùng đường, mù quáng với mối nghi ngờ sẽ bị trả thù, mà không hiểu rằng nhân dân sẽ độ lượng, bao dung. Sự điên cuồng của chúng càng khiến chúng sụp đổ nhanh chóng và thảm hại. Chúng sợ còn vì rất lo lắng trước việc quân đội có thể sẽ không làm theo lệnh của chúng đàn áp nhân dân giống như quân đội, cảnh sát ở Nga-Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức đã không bắn vào vào người dân của mình cho dù có lệnh của kẻ cầm quyền. Chúng sợ còn vì đang trở nên cô độc, khi lúc này các nước Triều Tiên, Cu Ba đang hướng đến từ bỏ vĩnh viễn “chủ nghĩa cộng sản” và thiết lập nền Tự do-Dân chủ. 

Người xưa nói “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Trong những chế độ xã hội xưa kia, nhân dân đã từng chấp nhận đẩy những cái thuyền là nhà nước hay chế độ chính trị, khi chúng còn tích cực và cũng đã từng nhận chìm chúng khi chúng đã trở nên lỗi thời. Đối với chế độ “cộng sản” trị, nhân dân hoặc do ngộ nhận, hoặc bị ép phải đẩy cái “thuyền” vốn không phải của mình. Nhưng giờ đây nhân dân đã thấy rõ bộ mặt thật tà quyền của chế độ mang tên “cộng sản”, thấy rõ chiếc “thuyền” này đã trở nên hết sức mục nát, chưa ra khỏi luồng lạch đã bị mắc cạn, bởi nó do những kẻ ngu muội, nhưng vô cùng tham lam, tàn độc cầm lái. Cho nên, nhân dân sẽ không thể tiếp tục “đẩy” nó nữa, trái lại sẽ từ bỏ nó, đốt cháy nó một cách không thương tiếc, rồi đóng một CON TÀU mới đủ sức rẽ sóng ra khơi xa hội nhập với những CON TÀU lớn trên biển cả tiến bộ-văn minh của loài người. Ngày nhân dân có được CON TÀU ấy đang rất gần! 

Ngày 30 tháng 7 năm 2018










No comments:

Post a Comment