Thursday, June 21, 2018

WORLD CUP 2018 & NHỮNG TÍNH TOÁN CHÍNH TRỊ CỦA PUTIN (Minh Anh - RFI)




Thứ Năm, ngày 21 tháng 6 năm 2018

Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin có một tháng để là tâm điểm truyền thông và thể thao thế giới. Trong vòng một tháng, từ ngày 14/06 đến hết ngày 15/07/2018, Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 diễn ra tại Nga. Đây cũng là lần đầu tiên Nga tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh kể từ sau Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1980. Theo nhận định của giới chuyên gia, Matxcơva muốn tận dụng cơ hội lớn này để chăm chút lại hình ảnh của mình trên trường quốc tế, ít nhiều đã bị sứt mẻ vì những hồ sơ quốc tế lớn cũng như là tai tiếng sử dụng doping trong thời gian qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) gặp chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Sochi, Nga, ngày 03/05/2018. Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin via REUTERS


Năm 2010, quyết định chọn Nga là nước tổ chức World Cup 2018 đã từng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Tám năm sau, những chủ đề gây tranh cãi đó giờ vẫn còn mang tính thời sự. World Cup lần thứ 21 năm nay diễn ra tại Nga mang một bầu không khí đặc biệt.
Quan hệ Nga và phương Tây ngày càng xấu hơn so với thời điểm được giao quyền tổ chức sự kiện. Nước Nga bị phương Tây cô lập do sự can dự của Nga vào tình hình bất ổn tại Ukraina, những bất đồng về giải pháp chính trị cho hồ sơ Syria, những căng thẳng ngoại giao giữa Luân Đôn với Matxcơva do vụ đầu độc cựu điệp viên của Nga Serguei Skripal trên lãnh thổ Anh Quốc.

Nước Nga của ông Putin tổ chức lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh trong bối cảnh bị tai tiếng sử dụng thuốc kích thích có hệ thống trong các kỳ tranh giải lớn. Nga bị đình chỉ không được tham gia giải điền kinh quốc tế và Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ở Hàn Quốc. Do vậy, với tổng thống Nga Vladimir Putin, giải World Cup lần này không đơn giản chỉ là sắp xếp tổ chức các trận cầu, mà có lẽ còn là một công cụ ngoại giao để ông đưa ra một hình ảnh tích cực về đất nước.

Sự kiện Thể thao : Công cụ đối ngoại không của riêng ai

Tuy nhiên, công cụ ngoại giao này không chỉ riêng nước Nga, mà bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng đều sử dụng đến để tô bóng hình ảnh đất nước của mình, như lưu ý trên đài phát thanh quốc tế Pháp RFI của ông Pascale Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, giáo sư Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc trường đại học Paris VIII :

« Đương nhiên ngay cả khi nằm ngoài bối cảnh này, tất cả những quốc gia nào được tổ chức các sự kiện thể thao thế giới lớn như vậy, chẳng hạn như Cúp Bóng Đá Thế Giới hay Thế Vận Hội Mùa Hè, vốn là những sự kiện chính trên cấp độ quốc tế, sẽ có đến hàng tỷ người theo dõi.

Do vậy, tất cả những nước nào được tổ chức các sự kiện này đều tìm cách thu lợi về ngoại giao, uy tín, bất kể bản chất chế độ là gì, bất chấp những khó khăn hay thuận lợi vào thời điểm diễn ra sự kiện. Ông Putin làm những gì mà tổng thống Pháp tương lai sẽ thực hiện vào năm 2024 cho Thế Vận Hội Mùa Hè.

Đó là truyền thống từ trước tới nay, người ta luôn cố gắng nâng cao vai trò, uy tín quốc gia thông qua các sự kiện này. Nhưng đồng thời, đây cũng là một mối nguy hiểm, bởi vì ai thu hút mọi ống kính thì cũng thu hút mọi ánh sáng chiếu dọi vào mình, và như vậy họ cũng thu hút luôn ống kính và ánh sáng chiếu dọi lên cả những khía cạnh tiêu cực của bản thân.

Do vậy, khi người ta đã "phóng lao rồi thì phải theo lao". Đối với ông Putin, đó còn là một thách thức ở tầm cỡ quốc tế cũng như là quốc gia. Ông biết rõ là có nhiều thử thách phải vượt qua để giành lấy thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, nhiều hơn là thể thao trong lần thử sức này ».

Quả thật với hơn 2 tỷ người theo dõi trong lần World Cup 2014, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này chẳng khác gì như một chiếc tủ kính để nước chủ nhà tìm cách trưng bày và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới bên ngoài. Quy luật này cũng được áp dụng cho cả các nền dân chủ.

Nhưng với nước Nga, từ bao lâu nay, ngay từ dưới thời Xô Viết của nhà lãnh đạo độc tài Staline, bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung có một ý nghĩ chính trị khá đặc biệt, cho đến giờ vẫn còn mang tính thời sự. Nhà báo Regis Gente, đồng tác giả tập sách « FUTBOL : Quả bóng tròn, từ Staline đến Putin, một vũ khí chính trị » trên đài RFI phân tích :

« Đó là một đất nước luôn trong quá trình tìm kiếm một sự thừa nhận của các nước phương Tây về vai trò của mình. Điều đó tuyệt đối mang tính cơ bản và bám chặt trong vấn đề bản sắc Nga : "Mình là người châu Âu hay là châu Á". Họ luôn có một cái nhìn ám ảnh về phương Tây và tự hỏi "Phương Tây nghĩ gì về nước Nga ?".

Vì thế, một sự kiện thể thao như vậy cũng là cách thức để khẳng định mình, để chứng tỏ với phương Tây với một ẩn ý địa chính trị giống như mọi quốc gia khác, đó là khẳng định vị trí của mình, được thừa nhận như là một quốc gia đáng nể trọng có khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ thế giới, và đưa ra một hình ảnh đất nước hiện đại. »

World Cup : Công cụ đối nội

Với tổng thống Nga, World Cup lần này còn là dịp để nước Nga « rửa mối nhục » Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1980. Năm đó, nhằm phản đối Matxcơva đưa quân sang trấn đóng Afghanistan, nhiều nước phương Tây đã tẩy chay không tham dự Thế Vận Hội.

Đồng thời, thông qua lễ hội thể thao này, tổng thống Nga cùng với các chiến dịch tuyên truyền muốn củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của ông trên các định chế Nga thông qua chuỗi các giá trị đi từ tự hào dân tộc đến sức mạnh quốc gia. Chuyên gia Pascale Boniface phân tích tiếp :

« Đối với ông Putin, nước Nga phải là tâm điểm của thế giới, một nước Nga rộng lớn. Đó chính là điều ông ấy muốn. Do vậy, sẽ có hình ảnh nhằm tuyên truyền với người nước ngoài và những hình ảnh tuyên truyền với chính người Nga. Nghĩa là ông ấy đánh vào lòng tự hào bản thân của người Nga, bằng cách chứng tỏ cho họ thấy là dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước đã được vực dậy, không còn những điều nhục nhã của quá khứ.

Bởi vì, Putin đã đặt cược vào việc tạo dựng tính chính đáng, mức độ được lòng dân của ông, qua việc ông đã phục hồi hình ảnh đất nước so với ở thời kỳ của tổng thống Boris Eltsin, và thậm chí ông còn làm tốt hơn cả những gì dưới thời Liên Xô đã làm, bởi vì lần này không có hiện tượng tẩy chay thể thao ».

Hình ảnh nước Nga nào ?

Chính trong mối bận tâm này, nước Nga của ông Vladimir Putin đã dồn hết mọi nỗ lực với hy vọng tổ chức thành công sự kiện. Tổng cộng khoảng 21 tỷ đô la đã được chi ra để đầu tư cơ sở hạ tầng và xây mới nhiều sân vận động. Ba mươi hai đội bóng tham gia với 64 trận đấu được dàn trải tại 11 thành phố của Nga, đôi khi cách xa thủ đô đến hàng nghìn cây số.

Theo quan điểm của nhà báo Regis Gente, tuy quyết định chọn các thành phố tổ chức các cuộc tranh tài có phần khó hiểu, nhưng sự việc cho thấy tổng thống Nga muốn nhân kỳ World Cup này đưa ra một cái nhìn khác về nước Nga : hiện đại hơn, giầu di sản văn hóa, đa dạng sắc tộc, nhưng không kém phần hấp dẫn về mặt vị thế địa chính trị nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.

« Chắc chắn là có ý đồ chính trị đằng sau những động thái này, cũng như tất cả các sự kiện thể thao lớn trên thế giới, và như tôi vừa nói, nhất là nước Nga đang trong quá trình tìm kiếm sự thừa nhận vai trò, vị trí của mình trên sân khấu chính trị quốc tế. Đó là những dấu ấn địa lý của sự kiện thể thao và qua đó, giới thiệu về đất nước của họ.

Có rất nhiều thành phố liên quan, ví dụ Saransk hay Kazan, thủ đô Tatarstan. Đó là một trong những cách cho thấy nước Nga là một quốc gia đa sắc tộc, với những sắc tộc như Nga, Mordves. Hay Kalinigrad. Khi giới thiệu thành phố này, người ta muốn nhấn mạnh yếu tố đậm nét địa chính trị . Đó là một cách để nói rằng nước Nga gắn liền với châu Âu, bởi vì ở đây, Nga triển khai vũ khí nguyên tử. Như vậy, chính quyền tìm cách làm rõ những dấu ấn địa chính trị.

Người ta cũng giới thiệu một số thành phố khác gần những nơi đang có xung đột. Tôi không rõ là người ta có cố tình giới thiệu hay không, chẳng hạn như Krasnodar ở vùng Kafkaz, hay Rostock ở cửa ngõ vùng Donbass - Ukraina. Tôi không chắc là họ cố tình vì nước Nga rộng lớn với múi giờ rất khác nhau. Do vậy, không thể tổ chức các sự kiện thể thao tại các sân vận động ở Vladivostock, đó là điều không tưởng.

Bên cạnh đó, có một số thành phố biểu tượng cho lịch sử Liên Xô, lịch sử ngành công nghiệp như Saratov, Ekaterinburg. Như vậy, để thể hiện sự đa dạng của nước Nga, chính quyền khai thác nhiều khía cạnh khác nhau. »

Kỳ thị chủng tộc và thành tích đội bóng nhà : Hai thách thức chính

Càng gần đến ngày sắp khai mạc lễ hội lớn nhất hành tinh báo chí phương Tây càng tỏ ra quan ngại về nạn hooligan của Nga, vốn nổi tiếng xấu là quá bạo lực. Tuy nhiên, về điểm này, cả hai ông, chuyên gia Pascale Boniface và nhà báo Regis Gente, đều tỏ ra lạc quan, không xem đấy như là một thách thức chính.

Nhiều hình ảnh được phát đi những ngày gần đây đều cho thấy an ninh đã được siết chặt nghiêm ngặt. Theo quan điểm của ông Boniface, ngoài vấn đề khủng bố thì bất kể quốc gia nào giờ cũng phải đối mặt, điều đáng lo nhất đối với nguyên thủ Nga chính là tình trạng kỳ thị chủng tộc và năng lực của đội nhà, trước khi bước vào tranh giải đã bị chỉ trích là quá yếu kém.

« Thực ra, có hai thách thức mà ông Putin rất khó kiểm soát được. Thứ nhất là những tiếng hò hét mang tính phân biệt chủng tộc trên sân vận động khi các đội châu Phi thi đấu.
Người ta biết là có những kẻ tạm gọi là cổ động viên Nga thường xuyên hò hét, bắt chước tiếng kêu của khỉ, ném chuối vào các cầu thủ da đen hoặc lai da đen. Đó là thách thức ngoại giao quan trọng, bởi vì nếu có những bằng chứng phân biệt chủng tộc, thì đó sẽ là một thất bại đối với tổng thống Putin, trong lúc ông ta tìm cách phát triển sự hiện diện của nước Nga tại châu Phi.
Thách thức thứ hai và thực sự quan trọng, đó là trình độ thi đấu của đội tuyển bóng đá Nga không cao. »

Dẫu sao đi chăng nữa World Cup cũng là mùa hội thể thao lớn. Bất kể những tính toán chính trị gì đi chăng nữa, đây cũng là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Người dân Nga có một tháng để quên đi những lo âu thường nhật, tạm gác một bên những bất đồng chính kiến để chạy theo quả bóng tròn. Với hai bàn thắng trước đội Ai Cập và Ả Rập Xê Út, nước Nga của ông Putin có hy vọng vượt qua vòng một mà không phải tủi hổ nhìn các nước khác thi đấu như nước chủ nhà Nam Phi năm 2010.






No comments:

Post a Comment