Thursday, June 28, 2018

TIM ĐEN VỀ LUẬT AN NINH MẠNG (FB Nguyễn Đình Cống)





Dân gian dùng từ “ tim đen” để chỉ những ý nghĩ thuộc bản chất của ai đó, nhưng được giấu kín. Thí dụ ông chủ tich tỉnh làm dự án tượng đài, tuyên bố công khai là để nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, còn tim đen là ý nghĩ xà xẻo vài chục phần trăm giá trị dự án để chia nhau.

Tim đen thường được chủ động che đậy, giấu kín. Nhưng vì thuộc bản chất nên nó có thể bị lộ ra trong một số trường hợp bất ngờ. Đó là khi người ta rơi vào trạng thái quá vui, quá tức giận, khi danh dự hoặc quyền lợi bị thử thách v.v…

Về luật an ninh mạng. Bao nhiêu người đã nghe, đã tin rằng luật an ninh mạng là để bảo vệ sự vận hành an toàn cho mạng, để chống lại bọn hacker, nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng. Nhiều nước trên thế giới đã có luật an ninh mạng với nội dung như thế. Chúng ta cũng làm luật an ninh mang, thế có gì là lạ, có gì đặc biệt mà một số người ra sức chống đối. Phải chăng bọn người chống đối này là một lũ điên khùng, không cần biết đến lẽ phải, chỉ vì lòng thù hận mà sẵn sàng chống phá việc làm của Đảng và Nhà nước. Tuyên huấn đảng lu loa rằng luật đó mang lại ích quốc lợi dân.

Không, những người phản biện không thù hận, không chống phá việc làm ích quốc lợi dân. Họ chỉ chống lại việc làm sai trái nhằm bảo vệ quyền lợi cho một số ít mà làm hại cho số đông. Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm họ thấy được tim đen gian dối của những người làm dự thảo luật. Họ chỉ ra rằng tuy có cùng tên “ luật an ninh mạng” nhưng luật của Việt Nam, có nội dung rất giống luật của Trung quốc và khác xa nội dung luật nhiều nước khác. Nội dung chủ yếu của luật VN và Trung quốc nhằm hạn chế tự do ngôn luận, tự do kinh doanh, nhằm bảo vệ sự độc quyền toàn trị mà nói là bảo vệ chế độ. Họ không chống việc làm luật an ninh mạng mà chống nội dung phản dân của dự thảo luật.

Về luật An ninh mạng, tim đen của người lãnh đạo cao cấp bị lộ ra khi quá vui, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân Hà Nội, ngày 17 tháng 6 . Ông khẳng định : “ Chúng ta cần luật này, bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”. 

Những người phản biện đang vất vả tìm cách vạch ra tim đen của luật cho mọi người thấy, nhưng rồi, ông đảng trưởng không khảo mà xưng, để lộ tim đen của mình. Chỉ một lời thú nhận này đã làm sụp đổ bao nhiêu công sức của tuyên giáo cố tô son trát phấn cho luật. Sau khi lỡ mồm nói ra rồi ông Trọng mới giật mình, suy nghĩ đến câu “ Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”.

Bây giờ, luật đã được 86% ĐBQH bấm nút thông qua, làm một việc ô nhục như GS Lê Hữu Khóa nhận xét : Cúi đầu bấm nút rồi cúi đầu quỳ gối. Tuy vậy để được áp dụng luật còn cần chữ ký của Chủ tịch nước. Nhóm trí thức “ Lão mà chưa an” ra tuyên bố yêu cầu ông Quang không ký. Tôi mách nước cho ông Quang nên mở hội nghị tư vấn trước khi hạ bút. Tôi đoán ông Quang cũng có tim đen như ông Trọng nhưng chưa lộ ra. Quả bóng đang trong chân của ông, liệu ông sẽ sút về phía nào để tim đen không bị lộ.


---------------------

GÓP Ý VỚI NGÀI TRẦN ĐẠI QUANG
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua. Quả bóng đó đang nằm trong chân Ngài Chủ tịch nước. Ngài có thể ký để công bố hoặc không. Chắc rằng Ngài đã nhận được nhiều thông tin phản đối. Tôi rất thông cảm với nỗi khó khăn đến nghẹt thở này. Trước đây tôi đã có vài bài báo, viết là trao đổi hoặc góp ý với Ngài, bài nào tôi cũng thể hiện lòng chân thành, nhưng hơi nặng về phê bình. Viết bài này tôi tiếp nối lòng chân thành đó, không phê bình, ch...

-----------------------------

THAM KHẢO
10 LÝ DO CẦN PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT AN NINH MẠNG
FB Trần Vũ Hải ( Báo Tiếng Dân ngày 9/6/2018)

Vì nếu Dự Luật này được thông qua thành Luật:

1/ Quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng bị xâm phạm tuỳ tiện.

2/ Quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân bị một lực lượng công quyền chiếm đoạt với những lý do mập mờ.

3/Quyền tiếp cận, truy cập Internet, một quyền trở nên phổ quát trên thế giới, bị cản trở, gây khó khăn ở Việt nam.

4/Chi phí khổng lồ của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp cho bộ máy “chuyên trách an ninh mạng” lẫn thực thi, đáp ứng điều kiện của Luật này. Tốc độ phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng (có số liệu giảm 1,7 % GDP).

5/ Bóp nghẹt giới khởi nghiệp sáng tạo, hạn chế phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin.

6/ Đẩy các tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế của Phương Tây (như Facebook, Google ) ra khỏi thị trường và không gian mạng Việt nam (do không chấp nhận các điều kiện theo Luật này) và tạo điều kiện cho các tập đoàn CNTT của Tàu vào thống trị Việt nam.

7/ Xuất hiện một “lực lượng chuyên trách” có thể không cần phán quyết của Toà án hay phê chuẩn của Viện kiểm sát được áp dụng các biện pháp “cưỡng chế” đối với cá nhân, doanh nghiệp, can thiệp vào các quan hệ dân sự, kinh tế. Nhà nước pháp quyền (dù chỉ danh nghĩa) không còn giá trị.

8/ Luật này phá vỡ những cam kết quốc tế của Việt nam, khiến giới đầu tư nước ngoài (chắc ngoài gốc Tàu) giảm sút hoặc rút vốn đầu tư ở Việt nam (có số liệu xác định giảm 3,1% đầu tư nước ngoài), các nước liên quan sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng, kinh tế Việt nam khó “cất cánh”.

9/ Do việc phê phán, phản biện trên mạng xã hội và Internet bị bóp nghẹt theo luật này, tham nhũng, quan liêu, chính sách sai lầm sẽ có cơ hội gia tăng mà không bị phản ứng, bóc trần. Tiến bộ xã hội bị cản trở, đẩy lùi.

10/ Do không có cơ chế giám sát chặt chẽ, “lực lượng chuyên trách về an ninh mạng” có thể lạm quyền, phục vụ lợi ích nhóm, cấu kết với những tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước hình thành một hệ thống quyền lực đen khống chế nhà nước, xã hội và nền kinh tế. Những vụ việc như tướng Hoá, tướng Vĩnh và C50 (cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) có thể lặp lại, ở mức độ rộng lớn hơn, thậm chí không thể “phát hiện, xử lý” được do nhóm lợi ích này biết cách rút kinh nghiệm, biết cách liên kết tinh vi.

Với tư cách chuyên gia luật có kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan, đã nghiên cứu Dự thảo Luật An Ninh Mạng, tôi sẵn sàng tranh luận với những người có quan điểm phản bác những lý do trên.

Tôi đồng ý với nhiều chuyên gia trong và nước ngoài, Việt nam cần hoãn thông qua Luật An Ninh Mạng. Tôi hy vọng, các FBER, vì chính quyền và lợi ích của mình, hãy lên tiếng phản đối Dự Luật này. Nếu các bạn đồng ý với tôi, hãy chia sẻ bài này cho nhiều người cùng biết và phản đối.

Top of Form








No comments:

Post a Comment