Sunday, June 3, 2018

MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 40 (Tương Lai)




Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 40 :
Tương Lai
03/06/2018

Đây là lời của Trần Hưng Đạo. Thành kính nhắc lại khuyến dụ của Đức Thánh Trần vào thời điểm này, lúc thế nước nghiêng ngả bởi hành động hung hãn của Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông, dấn tới mưu toan uy hiếp chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của nước ta bằng trăm mưu nghìn kế thâm độc, là nhằm gơi lại truyền thống lịch sử để gọi dậy tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam chúng ta. Và cũng để nói rằng, toan tính của ai đó dâng lên kế sách cho thuê đất có thể kéo dài thời hạn đến 99 năm ở cái gọi là “Đặc khu kinh tế” định thành lập tại ba vủng xung yếu có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng phải chăng là đang “đem thịt mà nuôi hổ đói”. Chẳng thế sao.

Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc mà xưa kia ông cha ta đã từng ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc theo đường biển kéo vào nước ta: Ngô Quyền chống quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên. Mua được đất 99 năm ở đây cũng có nghĩa là xóa đi vị trí tiền tiêu tại cửa ngõ đông bắc của chiến lược phòng thủ trên biển của Việt Nam.

Vân Phong gần với quân cảng Cam Ranh, cảng quân sự có giá trị nhất trên Biển Đông có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông được xem là “một pháo đài khó công, dễ thủ”. Nếu đặt tên lửa đối không trên núi thì toàn bộ vùng trời ở eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm kiểm soát. Vịnh Vân Phong là vùng bờ biển Việt Nam gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế; nằm ngay trên ngã ba đường hàng hải quốc tế. Từ Vân Phong vượt Thái Bình Dương là quãng đường ngắn nhất so với Hongkong và Singapore. Đấy là chưa nói một khi dự án kênh đào Kra nối liền Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương thì tuyến đường biển từ châu Âu qua châu Á không còn phải đi qua eo biển Malacca và Singapore, và Vân Phong sẽ là cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường này.

Phú Quốc, đảo lớn nhất nằm trên vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, cách vùng Sihanoukville và Bokor của Campuchia có mấy chục cây số, mà khu vực này thì đã được thỏa thuận cho Trung Quốc thuê 99 năm, nếu rồi đây tung tiền mua đất cũng với thời hạn 99 năm sẽ có được Phú Quốc để hình thành một tam giác chiến lược. Một khi Trung Quốc thỏa thuận được với Thailand để làm kênh đào Kra thì vị trí chiến lược của Phú Quốc còn quan trọng hơn cả Singapore. Con hổ đói Tàu làm sao mà không liếm mép chực vồ.

Vậy đó. Cái kế sách “có thể kéo dài thời hạn giao đất đến 99 năm” có dáng dấp toan tính của một “nhóm lợi ích”, lợi ích kinh tế gắn với quyền lực, đã vô tình hay hữu ý phục vụ cho âm mưu lâu dài của Trung Quốc. Binh pháp Tôn Tử mà người Tàu thuộc nằm lòng từng căn dặn “biết khi nào đánh khi nào không, thì thắng; có những huyệt đạo không nên đi, đội quân không nên đánh, thành không nên công” cho nên rẻ nhất, gọn nhất theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành” là chiêu tung tiền ra “mua”!

Mua trước tiên những thế lực có thể vạch quyết sách ra quyết định, đến loại thấp hơn chút nữa là “trình bày tính hợp lý và cấp bách của quyết định” kia với những bước đi đúng quy trình, cùng với việc trao tiền vào tay những “nhà đầu tư cánh hẩu” với tờ “nhân dân tệ” đã âm thầm và ráo riết chuẩn bị bằng những bước đi có tính toán để đến một thời điểm thuận lợi thì tạo thành một “dự luật” trình ra Quốc hội. Thế rồi thời điểm được xuất hiện với sự thao túng của một thế lực chóp bu chịu sức ép nặng nề của Bắc Kinh đang chỉ đạo cho  Quốc Hội bấm nút thông qua “Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là “đặc khu kinh tế”)!

Đâu phải là một số người có hiểu biết đang chuẩn bị “bấm nút” không thấy ra rằng, cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản, còn theo World Bank thì 85% các nhà đầu tư khẳng định chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Còn nếu người nước ngoài được phép làm việc 180 ngày/năm mà không cần giấy phép lao động thì họ chỉ cần đầu tư 5 triệu USD là được cấp thẻ tạm trú 10 năm còn người Việt được phép vào chơi casino, và được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm (và giảm tiếp 50% sau đó) thì rồi cái gì sẽ xảy ra! Với những “ưu đãi” kiểu đó thì một làn sóng di dân mới, đặc biệt là lao động giản đơn từ Trung Quốc và các nước láng giềng khác tràn vào sẽ làm đảo lộn cơ cấu dân số và đặc khu kinh tế còn là “cái nôi đặc biệt” cho chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nếu điều 62 về Luật Đất đai là một lỗ hổng chính sách, bị các nhóm lợi ích thao túng, thì điều 69 là cánh cửa mở rộng cho Trung Quốc xâm nhập Việt Nam như một bài phân tích sâu sắc của một ngòi bút có uy tín vừa nêu lên. Một số ai đó biết, nhưng “ngậm miệng ăn tiền”.

Chẳng cần dẫn giải thêm, hãy cứ nhìn vào dự án thép Formosa ở Hà Tĩnh, dự án giấy Lee & Man ở Hậu Giang đã tràn ngập người Trung Quốc. Rồi cũng không kém tệ hại và lộ liễu khi chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án “quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn”. Trước đó Đà Nẵng cũng đã ngang nhiên di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân.

Những việc này đâu phải chuyện “Trái tim lầm chỗ để trên đầu. Nỏ thần vô ý trao tay giặc. Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” [Tố Hữu]. Chúng nó “hữu ý” từ lâu, âm thầm dàn dựng, hối hả chuẩn bị và trắng trợn thực hiện khi mà thời điểm đã đến. Cứ đọc bài “Trước giờ “G”, ba đặc khu đang chuẩn bị gì” từ trang báo chính thống ngày sẽ hiểu ngay ra điều ấy với những lời có cánh:  Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài…Tiếp đó cũng là những quảng cáo “có cánh” : Mới đây nhất, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với mong muốn được đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn vào đặc khu Bắc Vân Phong tương lai. Trong đó, IPP đang tham vọng muốn đầu tư một sân bay tư nhân riêng tại đặc khu này với tổng vốn hơn 10 tỷ USD. Mà IPP là ai thì xin cứ bấm vào Gogool sẽ rõ.

Hãy chỉ gợi lên một ví dụ: Vân Đồn đã xây xong sân bay đầu tư 5000 tỷ không lấy từ nguồn ngân sách? Vậy doanh nghiệp nào mà chơi ngông vậy nếu không có tiền từ “bên kia biên giới cũng là mình” tuồn vào cho các đại gia “vô tư” nào đó vung tiền ra với ngôn từ mỹ miều “xã hội hóa”, huy động mọi nguồn “đầu tư”. Nặng ký hơn là “ý kiến của các “chuyên gia”, trong đó có một vị được ghi rõ là “Thành viên của Tổ Tư vấn của Thủ tướng” đã hùng hồn với điệp khúc “Tôi cho rằng việc chọn 3 địa điểm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để thí điểm đặc khu là phù hợp. Tôi có nghiên cứu các đề án và thấy rằng, mỗi địa điểm đều có một yếu tố để hướng tới sự phát triển mang tới tính đặc thù”. Tính đặc thù là gì thì chẳng tiện nói ra đâu, vì mỗi địa điểm đều nằm ở vị trí tiền tiêu trong chiến lược quốc phòng mà ông bạn cùng chung ý thức hệ để hướng tới chiêu bài đã trương ra “sơn thủy tương liên, vận mệnh tương quan” thì phải trấn giữ các yếu huyệt “đã có nghiên cứu” ấy!

Vị tiến sĩ này chắc có biết, nếu chưa thật kỹ thì cũng loáng thoáng hiểu được những điều sơ đẳng về xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế đang được thế giới cảnh giác.  Chính một chuyên gia chắc không xa lạ với ngài tiến sĩ, vì ngài cũng từng làm việc với ông ta trong vai trò của “Tổ tư vấn cho Thủ tướng”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã nói rõ “Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở … chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan”.

Ông Sebastian đặc biệt lưu ý : “Quan trọng nhất, chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những “cuộc đua xuống đáy” của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường. Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn. Kinh nghiệm quốc tế thành công thì đòi hỏi có chiến lược công nghiệp tổng thể, các yếu tố như môi trường, cơ sở hạ tầng chính sách cần đồng bộ, hiệu quả để đầu tư lan toả”.

Những ý kiến không lấy gì làm khó hiểu này, tại sao các “chuyên gia tư vấn” như tiến sĩ kia lại bỏ qua nhỉ? Đấy là ông chuyên gia nước ngoài còn tế nhị không nhắc đến một chuyện tày trời khác là “Điều 62 còn tiềm ẩn lợi ích nhóm, quy định chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án. Các doanh nghiệp Việt Nam có quyền giao lại đất cho doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là kẻ vồ lấy và ngoạm nhanh nhất! Liệu trong thâm tâm ai đó có “lăn tăn” e rằng vị chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới thiếu “tính đảng” và không nghiêm túc chấp hành nghị quyết, nếu chú ý đế ý kiến ông ta có khi mình mất thế đứng đang cần trụ vững chăng?

Được “tư vấn” như vậy thì trách gì Thủ tướng chẳng hăm hở phán bảo: “Yêu cầu Bộ KH-ĐT chỉnh lý dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm…” như tờ Dân trí đã dẫn ra. Ông Thủ tướng vung tay, không chỉ quá trán mà quá cả cái tầm tư duy của ông, khi dạy rằng “trong quá trình xây dựng cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi. Cho nên, “cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…Về chính sách sử dụng đất đai, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tăng thời hạn được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà đến 99 năm, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013”. Có thế mới “bảo đảm tính đột phá, linh hoạt trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trên cơ sở khung chính sách ưu đãi quy định tại Luật này”.

Ông Tú Xương sống dậy được mà nghe những lời vàng ngọc này thì phải băn khoăn vì câu thơ thiếu tính cập nhật của mình xưa kia phải chữa lại ngay để mang tính “đột phá” hơn :

Lẳng lặng mà nghe chúng chúc sang
Đứa thời mua tước đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn đất […  đi buôn lọng]
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hang

Mà nói cho rành mạch, sở dĩ ông Thủ tướng mạnh miệng như vậy vì “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật” như bà Chủ tịch Quốc hội đã nghiêm chỉnh nhắc nhở các nghị sĩ khi thảo luận về dự thảo “Luật đặc khu kinh tế”. Thật sòng phẳng về tư duy! “Luật phải nhất thiết được thông qua”, điều đó sẽ càng tỏ rõ năng lực và bản lĩnh của bà Chủ tịch! Vậy là rồi các nghị sĩ chỉ còn có một động tác để thể hiện được “năng lực” và “bản lĩnh” như bà Chủ tịch đã phát tín hiệu. Nếu tòa án “có các luật sư tranh tụng” rất chi là dân chủ và đảm bảo phán quyết được đưa ra vì đã có “bản án bỏ túi”, thì Quốc hội cũng đảm bảo “trăm phần trăm” hoặc thêm vào chút dấm ớt cho dậy mùi thì “chín mươi mấy phần trăm” cho nó thêm tí mùi dân chủ. Có lẽ không phải là tư nhiên mà tuần qua ông Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và đầu tư liên tục khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế rằng, ba đặc khu kinh tế đang chờ các đại biểu Quốc hội “bấm nút”!

Thực ra thì chuyện bấm nút biểu quyết môt vấn đề cực kỳ hệ trọng có liên quan đến vận mệnh quốc gia, nên tại phiên họp bàn về Luật Tổ chức Quốc hội đã có đại biểu đề nghị công khai danh tính của đại biểu khi bỏ phiếu với lập luận rằng “hiện chúng ta mới quan tâm tới trách nhiệm của đại biểu trong nhiệm kỳ mà quên rằng có những quyết định quan trọng thì đại biểu còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân và lịch sử”. Thế mà có người cười nhạo ý tưởng tôt đẹp ấy rằng, với não trạng “tư duy nhiệm kỳ” thì trách nhiệm với lịch sử là một từ quá xa xỉ. Cũng phải công bằng mà nhớ đến đôi ba trường hợp quá hiếm hoi khi có đại biểu phát biểu trên báo chí rằng họ cảm thấy có lỗi và xấu hổ, mang nặng nỗi buồn và trách nhiệm vì từng bấm nút thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội để sau đó người lao động phản ứng rất mạnh với điều 60 của luật này.

Nói theo ngôn từ của các nhà động vật học thì những nghị sĩ biết “thấy có lỗi và xấu hổ” ấy là thuộc loại động vật quý hiếm cần ghi vào “sách đỏ” để bảo vệ vì rồi có thể họ sẽ được mời ra khỏi Quốc hội như người ta đã từng làm vậy với những đại biểu dám nói thẳng suy nghĩ của họ! Liệu trong lần “bấm nút” này sẽ có bao nhiêu người “thấy có lỗi và xấu hổ” khi động tác bấm nút mà không “để cơ đồ đắm biển sâu” như trong câu chuyện lịch sử mang chất huyền thoai xưa kia. Thì rồi cũng lại có người cười tủm mà rằng: đến loại “tinh hoa của tinh hoa” như ngài bộ trưởng nói ngọng nọ đã trí trá ngôn từ thay “phí” bằng “giá” trong chuyện thu học phí thì chuyện “bấm nút” văng mạng để sớm “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” mà còn nói đến chuyện xấu hổ quả là khôi hài. Còn việc trí trá ngôn từ thay “phí” bằng “giá” thì các vị chỉ ăn theo nói leo Tổng Bí thư mà thôi. Ông nói ngọng, cũng như ngài Bộ trưởng thu giá “BOT”  bị công luận lên án quả là oan còn hơn “oan Thị Kínhcon ai đem bỏ chùa này, A di đà Phật, con thầy, thầy nuôi” rồi. Các ông chỉ hưởng thụ tác phẩm của người khác thôi, các ông không hề sáng tác để bị chê là “ngu có dụng  ýlý sự lú có chủ mưu”, tội nghiệp họ quá!

Thì chẳng thế là gì khi ông Trọng là người ra chỉ dụ về “ giá dịch vụ” thay cho “phí, lệ phí” khi ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh phải “hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường” đó sao.  Ngọng thì đã sao nào, lời phê phán của một trí thức lão thành, một nhà toán học có uy tín trong và ngoài nước “thật nhục cho  nền giáo dục và khoa học VN. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức” chẳng là gì, lời nói gió bay, được bảo kê bằng lập trường “trung thành với ý thức hệ” thì cái ghế vẫn còn, thế là đủ, quá đủ.

Chỉ có điều, cũng như Tú Xương, nếu nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhờ phép mầu của “kiếp luân hồi” như một tạp chí khoa học nọ vừa đăng mà lừng lững bước vào tấn trò đời đương đại này thì sẽ tức cảnh mà cười với câu giễu được giữ nguyên vì nó chưa hết “đát”:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Chúng bảo nhau rằng “ấy ái uông”

Chưa chừng còn táo tợn hơn là sẽ vào vai bà Chủ tịch mà răn bảo các nghị sĩ hãy đừng loáng quáng. Ngọng thì còn tạm được, nhưng loạng quạng sàm sở khi sờ tay vào nút bấm thì hãy liệu hồn, Hồ Xuân Hương sẽ văng vào mặt câu xưa kia từng đe Chiêu Hổ, “đối tác ngẫu hứng” của nàng rằng:

Anh nghị tỉnh, anh nghị say [anh đồ tỉnh, anh đồ say]
Anh đang bấm nút giữa ban ngày [Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày]
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”.

Ngặt một nỗi chốn hang hùm ấy đã được bảo kê! Cho nên ngài Thủ tướng cũng như ngài Chủ tịch Quốc hội dù gan cóc tía cũng không thể mạnh mồm bật đèn xanh cho các nghị sĩ yên tâm bấm nút bởi Luật phải nhất thiết được thông qua không chỉ vì Bộ Chính trị đã bàn,  mà còn cao hơn cả Hiến pháp, cao hơn cả Quốc hội khi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Chính phủ phải “xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. ( Nghị quyết 11-NQ/TW, “Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành trung ương đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngày 3 tháng 6 năm 2017). Dẫn ra điều cơ yếu trong Nghị quyết,  ông Tổng bí thư ra chỉ thị cho Chính phủ phải “xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội”!

Thế “cơ chế vượt trội” ở đây là gì vậy? Với những ưu đãi cho thuê đất kéo dài đến một thế kỷ thiếu một năm, cho thấy tên gọi đúng ở đây của đặc khu là nhượng địa như một đại biểu Quốc hội đã vạch rõ trước diễn đàn Quốc hội bàn về “Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt”. Vị đải biểu này thẳng thừng “ đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm: không có vòng đời nào của dự án đầu tư hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Thời hạn này ngang với ba, bốn thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa”! Thế đấy. Vậy ai sẽ là người quản lý về hành chính, kinh tế của cả ba nhượng địa Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nếu không phải là ông chủ Tàu như xưa kia cha ông chúng từng là “thái thú” và đã bị dân tộc ta,  bằng bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam đã đuổi cổ chúng cút về nước, “ra đến biển chưa thôi trống ngực, về đến Tàu còn đổ mồ hôi” như Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo”!

Cần nhớ rằng, cách đây 5 năm, ông Trọng đã từng khẳng định rắng “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Vậy thì để “có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” thì phải có “cơ chế vượt trội” để nhanh chóng cho “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”  “lý tưởng tương đồng, sơn thủy tương liên, vận mệnh tương quan” lại có kinh nghiệm và tài lực xây dựng và quản lý các đặc khu kinh tế, vào quản lý dùm các “nhượng đia” để cho Việt Nam nhanh chóng phát triển khi “cả hai nước đều cùng chung một vận mạng” cơ mà!

Phải chăng đấy là điều thúc đẩy việc hối hả “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị” nhằm chính thức hóa một toan tính đã được công phu dàn dựng, sắp xếp từ lâu. Và rồi mưu toan ấy được đưa vào nội dung bàn thảo để ra nghị quyết từ Hội nghị lần thứ V ban chấp hành trung ương đảng khóa XII về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ngày 3 tháng 6 năm 2017.

Dự luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là sản phẩm mới ra lò sau Nghị quyết nói trên nhưng đã được chuẩn bị từ lâu như đã nói. Dự luật ấy được bảo kê trắng trợn đến độ đưa ra những điều khoản nguy hiểm như “cho phép Tòa án nước ngoài vào xét xử công dân Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia” như một luật sư vừa vạch ra. “Khoản 3 Điều 7. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh thì nếu có “tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo điều khoản này thì khi áp dụng trong thực tế, có tranh chấp giữa Công ty của Trung Quốc và người Việt Nam về việc giao dịch sản phẩm của công ty (không loại trừ sản phẩm là bất động sản), sẽ do Tòa án Trung Quốc xét xử. Dĩ nhiên tòa án của họ sẽ xét xử bằng tiếng Trung. Khi đó công dân Việt Nam trở thành “người nước ngoài” tham gia tố tụng đối với sự việc diễn ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam (đặc khu kinh tế) và muốn kháng cáo để lên tòa cấp trên thì phải về Bắc Kinh để được xét xử. Như vậy, quyền lực lãnh thổ quốc gia về mặt tài phán thử hỏi có còn quốc gia Việt Nam hay không? Chẳng những thế, nếu điều 32 luật đặc khu “Thời hạn sử dụng đất 99 năm, được thế chấp tài sản gắn với đất thuê với tổ chức tín dụng nước ngoài” thì sẽ có nguy cơ biến Chính phủ thành “con tin” của Trung Quốc như một bài viết đã cảnh báo.

Nếu xưa kia cái “nỏ thần vô ý trao tay giặc, nên nổi cơ đồ đắm biển sâu” vì “trái tim lầm chỗ để trên đầu” thì nay cái đầu bị mũ kim cô của Tàu họ Tập thít chặt nên không thể “vô ý” được mà phải là “chủ ý” dâng cho “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN”. Một thế lực được Tập bảo kê trong cơ cấu quyền lực chóp bu đang hối hả đẩy tới cái quy trình từng bước dâng chủ quyền đất nước vào tay giặc.

Vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành “người khổng lồ ở châu Á” như Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo tài ba của Singapore đã nhận xét mà một ngòi bút có trách nhiệm đã dẫn ra khi luận giải về những bất cập của đặc khu kinh tế vừa dẫn ra. Vậy mà, nằm ở vị trí xung yếu của cả “hai yếu tố hàng đầu” đó, Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đang có nguy cơ là “nhượng địa” cho Tàu. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau về đất nước bị mất dần vào tay giặc Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc từng thất bại nhục nhã trước ý chí tự cường và tinh thần quật khởi của nhân dân ta?

Chưa lúc nào bằng lúc này cần thét to lên lời cảnh báo của Lê Thánh Tông “Kẻ nào để mất một thước đất vào tay giặc sẽ bị tội tru di” **  Ấy vậy mà với “với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng”, bằng sự “ưu đãi” của điều khoản cho thuê đất và giao đất kéo dài đến 99 năm như người ta đang toan tính thì không chỉ “một thước đất” mà là những phần lãnh thổ thiêng liêng nằm vào vị trí xung yếu có ý nghĩa chiến lược nhằm bảo vệ  quốc thân yêu của chúng ta sắp được dâng cho giặc, ông cha ta sẽ luận tội gì với những kẻ đang hăm hở với toan tính ấy?

Nếu Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thực thi thì đúng là “đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”. Nếu Quốc hội đang bị thôi thúc phải bấm nút thông qua đạo “Luật” tệ hại ấy thì “tai vạ” đã là nhãn tiền! Vì vậy, cũng hơn lúc nào hết, phải thét to lên lời răn dạy của Đức Thánh Trần. Đó chính là lời non nước. Khi gióng lên lời non nước ấy, Trần Hưng Đạo đã từng “ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng cam lòng”*.

Mỗi một người Việt Nam ít nhiều đều lưu chảy trong huyết quản giòng máu quật khởi của ông cha, nếu không hiểu được và làm theo lời răn của Trần Hưng Đạo, “thấy quốc sỉ mà không biết thẹn..chẳng những là chịu nhục bây giờ mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn còn mãi mãi… thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa”* như Người đã thiết tha giục giã.

Cả nước hãy thét to lên với Quốc hội, thét to lên với những ai đang toan tính những chuyện mờ ám với “Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc”, thét to lên rằng: đừng đem thịt mà nuôi hổ đói!

Ngày 3.6.2018


Chú thích

* Hịch tướng sĩ. Bản dịch của Trần Trọng Kim. “Việt Nam Sử lược

**   Đại Việt Sử ký toàn thư. Kỷ Nhà Lê
____

Mời đọc lại: 









No comments:

Post a Comment