Tuesday, June 19, 2018

CHẾ ĐỘ RÚT KHỎI CUỘC CHIẾN KHÔNG CẦN THIẾT (David Brown - Asia Sentinel)




David Brown  -  Asia Sentinel
Dịch giả: Song Phan
18/06/2018

Cuối tháng trước, khi quốc hội Việt Nam chuẩn bị ban hành luật, thành lập ba đặc khu kinh tế nằm dọc trên bờ biển dài của đất nước, một cuộc phản kháng mạnh mẽ đã nổ ra trên Facebook.

Người dùng Facebook không quá bất mãn với những ưu đãi rất hào phóng, bao gồm cả việc cho thuê đất 99 năm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ tiên tiến đến các khu mới mở. Đó là chuyện cũ và chỉ gây tranh cãi đôi chút.

Lực đẩy sự tức giận của dân chúng, lặp đi lặp lại trong hàng ngàn bài viết, họ cảm thấy rằng kế hoạch đó đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia. Họ lập luận rằng, phần rất lớn các nhà đầu tư trong các đặc khu kinh tế này sẽ là các công ty Trung Quốc. Kể tiếp, việc ”Tàu Cộng” có đặc quyền ở ba khu vực ven biển sẽ hình thành căn cứ yểm trợ sẵn sàng cho lực lượng xâm lược từ phía bắc.

Nhiều cư dân mạng cũng suy đoán rằng, các nhóm “lợi ích bất động sản” mờ ám sẽ hưởng lợi từ kế hoạch đen tối này.

Chạm vào “đường rầy thứ ba”

Không có gì làm công chúng Việt Nam bất mãn bằng nỗi lo lắng rằng các nhà lãnh đạo Cộng sản đang có những thoả thuận bí mật với Trung Quốc. Nói theo cách ẩn dụ của Mỹ, Trung Quốc là đường rầy thứ ba trong đời sống công cộng của đất nước, một chủ đề gây tranh cãi đến mức chỉ cần chạm vào nó có thể thiêu rụi sự nghiệp chính trị.

Vào ngày 10 tháng 6, hai ngày trước khi quốc hội được dự định bỏ phiếu, người biểu tình đã xuống đường phản đối tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác. Tại Phan Thiết, họ đã chiếm và đập phá trụ sở ủy ban ở địa phương.

Trong sự kiện này, người biểu tình có lý do để ăn mừng, vì vào đêm trước ngày biểu tình, thủ tướng đã rút lại dự luật đặc khu kinh tế để nghiên cứu thêm. Ông Phúc cho biết, ông đã bị thuyết phục qua việc “tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyếtvà có trách nhiệm của các thành viên quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước“.

Tóm lại, chính phủ Việt Nam đã rút lui khỏi một trận chiến mà họ không cần phải thắng. Kiểu biết phải trái này là một đặc trưng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phúc.

Phúc đã thực hiện nhiệm vụ trên mức kỳ vọng kể từ khi nắm quyền điều hành chính phủ vào mùa xuân năm 2016. Không ồn ào như người tiền nhiệm khoa trương (theo tiêu chuẩn của Cộng sản Việt Nam) là Nguyễn Tấn Dũng, bàn tay lèo lái ổn định của Thủ tướng Phúc là những gì Việt Nam cần để tận dụng lợi thế không kéo dài hiện có về dân số, theo các nhà kinh tế trong nước.

Lãnh đạo từ bên trong nội bộ

Ông Phúc không phải là lãnh đạo tối cao của Việt Nam. Không như Dũng, Phúc không mong thay Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo đảng. Ông có vẻ hài lòng trong cương vị điều hành chính phủ, thực hiện các chính sách và sáng kiến phù hợp với hướng dẫn từ các đồng cấp trong Bộ Chính trị gồm 18 uỷ viên.

Có lẽ vì Tổng Bí thư Trọng và những đồng nghiệp thân thiết nhất của ông ta đang bận tâm với việc tẩy trừ phe cơ hội – chủ yếu là người của Dũng – và những kẻ thoái hoá khác trong đảng, Phúc đã có cơ hội tốt để tự làm theo ý mình.

Trọng và phe của ông có lẽ đúng khi tin rằng việc nắm quyền cai trị Việt Nam trong nhiều năm tới của Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức phụ thuộc vào việc họ có được coi là tổ chức thừa kế chính đáng và không suy thoái của lực lượng đã đánh bại cả Pháp lẫn Mỹ sau đó. Liệu họ có thể thành công trong việc này hay không là một vấn đề hoàn toàn khác, nhưng đó không phải là trọng tâm của câu chuyện này.

Gia tăng giàu có, có thể đe dọa đảng

Tuy nhiên, không kém quan trọng đối với tương lai của chế độ độc tài, độc đảng tại Việt Nam, là bằng chứng cho thấy, Việt Nam đang trở nên giàu có. Nhiệm vụ của Phúc là phải cho thấy rằng những công dân bình thường chứ không phải chỉ những kẻ có quan hệ tốt, vẫn có thể giàu lên dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Ông nhắm tới việc thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập các hoạt động sản xuất tiên tiến tại Việt Nam. Ông và các cố vấn được Ngân hàng Thế giới cổ vũ, đã thừa nhận phân tích rằng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư có thể duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức hiện tại là 7% hoặc cao hơn, trong ít nhất một thập kỷ tới.

Việc Việt Nam cam kết toàn cầu hóa nền kinh tế đất nước, được thể hiện trong các thỏa thuận thương mại tự do với Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác. Doanh nghiệp phương Tây hoan nghênh loạt ưu đãi mà Hà Nội đưa ra cho nhà đầu tư.

Nhiều ưu đãi trong số đó có nguồn gốc từ thập kỷ mà ông Dũng ở vị trí lèo lái. Tuy nhiên, chính ông Phúc và các cộng sự thân thiết mới được ghi nhận là những người biến lời nói – chẳng hạn như những lời hứa cắt giảm và đẩy nhanh thủ tục hải quan – thành hành động. Trong khi chính phủ ông Dũng rất nổi tiếng vì tham nhũng thể chế, thì chính phủ ông Phúc có vẻ sạch hơn và hiệu quả hơn.

Một nhân viên cấp cao trong nhóm chuyên gia (think tank) hàng đầu của chính phủ Hà Nội, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với tôi hồi tháng Hai rằng, dưới thời của ông Phúc, những chính sách được phối hợp và thực hiện tốt hơn. Ông nói “Chúng ta sẽ thấy việc thực hiện các cải cách để giải phóng thị trường hàng hóa và dịch vụ được tiến hành đều đặn, và hơn nữa việc bán các doanh nghiệp nhà nước là có thật. Nó không chỉ là lời hứa suông nữa.”

Các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào

Không ngạc nhiên là đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam, dẫn đầu là một số tên tuổi lớn nhất trong ngành điện tử kỹ thuật số. Các công ty nước ngoài trong năm 2017 tạo ra hơn 20% GDP cho Việt Nam và 71% giá trị xuất khẩu. Họ đang cung cấp nhiều công việc lắp ráp cho một lực lượng lao động đang phát triển nhanh.

Thủ tướng Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thường nói về việc chuẩn bị Việt Nam cho “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – khái niệm được nhân viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới phổ biến rằng, các nền kinh tế thành công trong tương lai gần sẽ là những nền kinh tế đón đầu và thích nghi với một “sự hợp nhất các công nghệ làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học” sắp đến.

Ông Phúc đặt hy vọng của mình vào khu vực kinh tế tư nhân, vốn èo uột trong nhiều năm, trong khi ngân sách nhà nước bù đắp để duy trì các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả. “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra các chính sách thuận lợi nhất và tạo ra môi trường thuận lợi nhất … Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, một môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp và hội nhập quốc tế hơn nữa, đặc biệt là trợ giúp khu vực tư nhân và nuôi dưỡng sự đổi mới để chúng ta có thể nâng cao tăng trưởng GDP trong nhiều năm tới”.

Tuy nhiên, cho đến nay, mối liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà sản xuất Việt Nam là hiếm hoi. Chuyên gia CIEM được trích dẫn ở trên, đã giải thích: “Thật nhức đầu. Vì WTO không cho phép các đòi hỏi phải có nội dung địa phương được bao nhiêu, nên chúng tôi không thể buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải hòa nhập với khu vực tư nhân của chúng tôi.”

Lo ngại về thắt chặt an ninh

Đáng chú ý là trong số những người biểu tình làm cản trở giao thông ở hàng chục thành phố vào ngày 10 tháng 6, một số người cũng chống lại dự luật ‘an ninh mạng’ đang chờ xem xét, luật này sẽ buộc các nhà cung cấp mạng xã hội như YouTube và Facebook phải chia sẻ dữ liệu của họ về người dùng Việt Nam, theo yêu cầu của công an.

Dự luật an ninh mạng hiện đang trình trước quốc hội và cách dùng để trấn áp những biểu tình ngày 9-10/6 vừa rồi chỉ ra các giới hạn về thẩm quyền của ông Phúc. Điều mà chế độ gọi là ‘nội an’ có vẻ nằm ngoài quyết định của ông.

Ngay vào lúc trở thành một nước điển hình cho tăng trưởng nhờ tự do thương mại, Việt Nam đã tăng áp lực lên các nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Những người vận động cho những điều trái ý chế độ như dân chủ đa đảng, đang bị vây bắt và sau biểu hiện của việc xét xử, nhận án tù dài hạn bất thường.

Trong thập niên thời Dũng cầm quyền, những người bất đồng chính kiến nào vượt lằn ranh cho phép trong phát biểu, chắc chắn cũng bị quấy nhiễu và đôi khi bị bỏ tù. Tuy nhiên, hiện giờ chiến thuật cảnh sát quay ngược một cách hung bạo. Hiện nay, có thể kết luận rằng (trong chừng mức mà Bộ Công an phải chịu sự hướng dẫn của cơ quan nào đó), không phải ông Phúc mà là những người cứng rắn trong bộ máy đảng định ra kế hoạch hành động của họ.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc đàn áp người bất đồng chính kiến có lẽ không phải là vấn đề cần quan tâm nhiều. Cũng thế, nó cũng không có khả năng làm xáo động đại đa số công dân Việt Nam, khi mà mức sống của họ vẫn tiếp tục tăng lên.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ về hưu với kiến thức sâu rộng về Việt Nam. Ông đóng góp thường xuyên cho Asia Sentinel. (Ông đã sửa lại bản dịch tiếng Việt để thích hợp hơn với độc giả người Việt).









No comments:

Post a Comment