Thursday, May 10, 2018

TRẦN VÀNG SAO, TÁC GIẢ BÀI THƠ "TAU CHƯỞI", QUA ĐỜI (tin tổng hợp)




BBT Tiếng Dân
09/05/2018

Nhà thơ Trần Vàng Sao, tác giả của bài thơ nổi loạn “Tau Chưởi”, vừa qua đời chiều 9/5/2018, hưởng thọ 77 tuổi. Ông Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (có nơi ghi 1942) ở Huế. Ông là một nhà thơ đã từng tham gia cách mạng, rồi bị thanh trừng, bị đấu tố và cô lập mà ông đã từng kể lại trong hồi ký “Tôi bị bắt“, viết năm 1976, về những năm tháng ông bị bắt, được thả ra và được các “đồng chí” của mình đối xử không khác gì “một con vật, một con chó”.

Năm 1967, ông đã từng cho ra đời một bài thơ nổi tiếng: “Bài thơ của một người yêu nước mình“, trong đó có câu, “đất nước này còn chua xót/ nên trông ngày thống nhất/ cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam/ cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc/ lòng vui hôm nay không thấy chật“.

Nhưng có lẽ nhiều người biết đến ông qua bài thơ mà ông sáng tác 30 năm sau, đó là bài “Tau Chưởi“, sáng tác ngày 29/6/1997. Xin được giới thiệu cùng quý độc bài thơ này của tác giả Trần Vàng Sao:

Tau chưởi
tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan

tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
….
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây

bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
……
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi  cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng  giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây
____


“Nhà thơ Trần Vàng Sao vừa mới qua đời hôm nay. Anh là một nhà thơ có nhiều bài thơ gây ấn tượng cho người đọc từ trước năm 1975 với một giọng thơ không lẫn vào ai được.

Lên rừng theo kháng chiến nhưng rồi bị thanh trừng. Sau 75 về quê ở Huế, sống đơn độc và nghèo túng. Báo chí ít dám đăng những bài thơ tâm huyết của anh. Nhiều người không dám gần anh vì sợ liên luỵ, lãnh đạo thành phố một thời là đồng chí của anh cũng tìm cách xa lánh, quên lãng anh. Mọi người né anh vì bản thân anh cũng chẳng còn có chi để người ta dựa dẫm. Người ta tránh xa anh, ngoài vài người bạn thuở ấu thơ thân thiết.

Nhưng mà để rồi xem, bắt đầu ngày mai, trên báo chí, trên face, trên mạng sẽ có rất nhiều bài viết về anh, sẽ có rất nhiều người viết kể kỷ niệm với anh, sẽ có nhiều người làm thơ khóc anh, sẽ có kẻ viết lại những ngày gần gũi, thương yêu anh. Có báo sẽ viết những giai thọai về anh, những chuyện thật giả mà người trong cuộc đã là một xác chết không thanh minh được. Sẽ có nhiều nhà báo trẻ chưa hề biết về anh, chưa hề nghe tên anh, chưa từng biết mặt nũi anh ngang dọc thế nào, thơ anh viết về cái chi chi nhưng họ sẽ lục soạn trên mạng, viết bài khóc kể về anh với giọng tiếc thương vô hạn. Hoặc có người sẽ quàng vai bá cổ anh để kiếm chút danh hão như đã từng viết về thi sĩ Bùi Giáng.

Đời vốn thế mà. Cuộc đời có những tên như những con kền kền chờ xác chết. Rồi người đọc sẽ đọc được những bài viết về người vừa từ giã cõi đời, nhưng tác giả sẽ chỉ nói nhiều về mình, một dịp để giới thiệu mình, hay thế đấy, đó cũng là một nghệ thuật lăng xê hê..hê.
Nhiều khi nghĩ đời cũng lắm chuyện cười ra nước mắt”.

--------------------------------------

Tuổi Trẻ
09/05/2018 17:26 GMT+7

TTO - Nhà thơ Trần Vàng Sao - tác giả của thi phẩm 'Bài thơ của một người yêu nước mình' - đã trút hơi thở cuối cùng lúc 14h45 phút ngày 9-5.

Nhà thơ Trần Vàng Sao trước ngày lâm bệnh - Ảnh: Minh Tự

Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ), quê quán ở thôn Vĩ Dạ, TP Huế.
Năm 1961, ông tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Huế cùng với các nhà thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Thái Ngọc San, họa sĩ Bửu Chỉ...
Từ 1965, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo và làm thơ. Năm 1970 ông ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh.
Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê nhà và làm giao liên xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), sau đó về công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.

Từ đó cho đến khi ra đi, ông sống với vợ con tại nhà mình ở phường Vĩ Dạ - TP Huế. - Ảnh: Minh Tự

Bài thơ của một người yêu nước mình là tác phẩm của Trần Vàng Sao được sáng tác vào tháng 12-1967 và được chọn là 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.
Năm 1988, ông lại nổi tiếng với bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1988.
Cho đến năm 2012, Nhà xuất bản Hội nhà văn mới in cho ông tập thơ đầu tiên, đó là trường ca Gọi tìm xác đồng đội.

Ảnh: Lam Điền

Theo PGS.TS Hồ Thế Hà (Đại học Khoa học Huế), Bài thơ của một người yêu nước mìnhlà điển hình cho phong cách Trần Vàng Sao, với những câu thơ sống mãi với nước Việt:

... Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

Ảnh: Minh Tự

Những năm cuối đời, ngoài niềm vui làm thơ, ông còn vẽ tranh và nổi tiếng với tranh vẽ về thiền sư Bồ Đề Đạt Ma.
Ông vẽ bằng bút chì, mực tàu, trên mặt sau những tờ lịch cũ, những thứ đồ vật đã bỏ đi.

Một số bức tranh của nhà thơ Trần Vàng Sao:





- -------------------

Tôi bị bắt (pdf)   
Trần Vàng Sao (hồi ký)




(BBC Tiếng Việt)


(Văn Việt) 









No comments:

Post a Comment