Friday, May 18, 2018

NGƯỜI VIỆT NÓI & VIẾT SAI TIẾNG VIỆT THÀNH QUEN (Nguyễn Văn Lự - GDVN)




Nguyễn Văn Lự  -  GDVN 
07:18 18/05/18

Việc nói và viết chuẩn chính tả vừa tình yêu tiếng mẹ đẻ, vừa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi nhà giáo, là của tôi và của bạn!


Bây giờ, hình như người Việt ta nói sai ngữ âm và viết sai chính tả đang có nguy cơ trầm trọng hơn thế kỷ trước.
Từ nhà đến trường, từ chợ đến cơ quan, nhà máy… không mấy ai còn chú ý đến nói và viết đúng chính âm và chính tả.
Cuộc sống số trôi đi mau lẹ, tất bật cuốn đi nhiều thứ chuẩn mực và người Việt đã quen và chấp nhận nó như một tồn tại khách quan.
Dù nói thế nào, dù viết tắt hay sai chính tả thế nào, người ta vẫn hiểu. Nhưng nếu không sửa lỗi chính âm và chính tả, tiếng mẹ đẻ của chúng ta sẽ ra sao?
Người phát âm sai nhưng viết lại đúng nhiều hơn người viết sai, phát âm sai. Phần lớn họ đổ tại mạch đất của làng, ai cũng nói thế viết thế.
Cũng có người sửa được, nói và viết chuẩn đúng.
Thầy cô giáo là người có tác động quyết định đến việc làm giảm các lỗi chính tả hiện nay, sau đó là các bậc phụ huynh bố mẹ, ông bà, anh chị, là các công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và người làm công việc in ấn, xuất bản...
Thực tế, nếu vấn đề chính tả được thống nhất và thực hiện chỉ trong phạm vi sách giáo khoa hay trong ngành giáo dục, mà không được lan tỏa rộng rãi toàn xã hội thì tiếng Việt có nguy cơ bị xé nát.
Ai cũng biết, bàn đến ngôn ngữ tiếng Việt là bàn về tiếng nói và chữ viết của dân tộc.
Tiếng nói có trước và chữ viết có sau. Tiếng nói đúng thì gọi là chính âm, chữ viết đúng thì gọi là chính tả.
Nói không đúng so với tiếng chuẩn gọi là lỗi chính âm, viết không đúng so với từ/tiếng chuẩn gọi là lỗi chính tả.
Chính tả là viết đúng, viết chuẩn theo quy tắc của một ngôn ngữ nhất định.
Tiếng Việt là thứ tiếng ghi âm bằng công cụ chữ quốc ngữ, có đặc điểm cơ bản là chữ ghi âm, không biến hình, biến âm khi sử dụng như tiếng Anh, tiếng Nga...
Viết thế nào đọc thế nên tình trạng nói sai dễ dẫn đến viết sai và ngược lại viết sai sẽ nói và hiểu sai ý nghĩa.
Tiếng nói ở cả ba vùng phương ngữ Bắc - Trung - Nam hầu hết đều có lỗi chính âm và lỗi chính tả.
Để định hướng chuẩn khi nói và viết, người ta buộc phải chọn các phát thanh viên truyền thanh, truyền hình trung ương của cả ba miền với yêu cầu khắt khe về tiếng Việt.

Sản phẩm sửa lỗi của học trò. Ảnh: Văn Lự

Mỗi vùng phương ngữ lại có những lỗi khác nhau, cách ngụy biện khác nhau và hợp thức hóa những sự sai ấy.
Từ người lớn đến trẻ em đều nói và viết sai những lại hiểu đúng thông tin nên việc góp ý, sữa chữa là điều không thể!
Để giảm các lỗi chính âm và chính tả chỉ còn biết trông chờ đội ngũ nhà giáo từ mầm non đến đại học.
Giáo viên có ảnh hưởng lớn đến việc nói và viết của người Việt ngay từ khi đến trường học nói và học viết tiếng mẹ đẻ.
Khi thầy cô nói và viết chuẩn sẽ tạo ra thói quen và hình thành kỹ năng nói đúng, viết đúng rồi nói hay và viết hay cho học trò. 
Thầy cô và cha mẹ chính là người uốn nắn và điều chỉnh việc dùng ngôn ngữ mẹ đẻ cho chính chuẩn ngay từ ban đầu.
Sinh viên Sư phạm đến từ nhiều vùng phương ngữ, thổ ngữ, cho nên lỗi chính âm, chính tả của họ rất phong phú. 
Việc bắt buộc sinh viên sư phạm nói và viết chuẩn cần được làm nghiêm túc.

                           Từ điển chính tả... sai chính tả

Một số nước phát triển đã đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về ngữ âm và ngoại hình khi chọn tuyển sinh sư phạm nhằm đào tạo thầy cô đạt chuẩn về tính mô phạm của nhà giáo.
Thầy cô giáo có thể về quê nói theo giọng quê nhưng trên bục giảng buộc phải nói và viết đúng chuẩn tiếng Việt!
Lỗi chính tả người Việt mắc phải, không phân biệt vùng miền, như các phụ âm đầu cùng ghi một âm nhưng có nhiều cách viết khác nhau và đôi khi được công nhận thành quen: d/gi, ng/ngh, g/gh, c/k/q...
Chúng ta cũng khó áp đặt với hi vọng là thay đổi mặc định của ngôn ngữ từng vùng miền và các lứa tuổi.
Không ít người vẫn gọi theo sách thời học vỡ lòng [l/n] bằng lờ cao -lờ thấp; sờ nặng - sờ nhẹ, chờ nặng- chờ nhẹ,...
Một số vùng núi phía Bắc, hay miền Trung, miền Nam nước ta lại phát âm sai nghiêm trọng các dấu thanh sắc-ngã, nặng-hỏi làm cho viết cũng sai.
Giải pháp nói chuẩn, viết chuẩn ngay từ khi học nói và viết chữ của học sinh đã được làm rồi nhưng chưa hiệu quả và đang rất phổ biến.
Không ít thầy cô cũng sai nên không dám sửa cho ai. Bệnh thành tích cho lên lớp nhiều học sinh không biết đọc, biết viết và không viết đúng, nói đúng tiếng Việt còn rất phổ biến.
Thầy cô dạy Ngữ văn bỏ công sức sửa lỗi cho học trò nhưng chỉ như muối bỏ sông. Dường như số người nói chuẩn, viết chuẩn chỉ là con số lẻ của hơn 90 triệu dân ta?
Nhiều người sai lầm cho rằng lỗi chính tả là của thầy, trách nhiệm điều chỉnh là thầy cô Ngữ văn mà quên đi vai trò của gia đình “quen rồi, quê mình toàn nói thế”…
Khi người Việt chúng ta hội nhập thế giới, nếu không phát âm chuẩn và viết chuẩn các nguyên âm, phụ âm chắc sẽ dẫn đến nói và viết tiếng nước ngoài sai, máy dịch tự động cũng không thể dịch được.
Học tiếng nước ngoài, dùng tiếng nước ngoài mà không nói và viết đúng và chuẩn là làm mất đi lòng tự tôn dân tộc, làm mất đi gốc gác của chính mình!
Đành rằng, giáo viên Ngữ văn giữ vai trò quyết định trong việc nói, viết đúng và qua các giờ học, qua bài kiểm tra để phát hiện và yêu cầu học sinh chỉnh sửa.

                                          Ai cần sửa lỗi chính tả?

Người viết bài này, giáo viên Ngữ văn, đã duy trì hàng chục năm nay hình thức chép lại để sửa lỗi chính tả cho học sinh. 
Số học sinh đã nhận biết và viết đúng, nói đúng tiếng Việt tăng lên. 
Học trò sửa lỗi bằng cách, nếu một chữ sai (bài kiểm tra viết) lớp 10, viết lại 200 chữ; lớp 11- 400 và lớp 12 là 600 chữ.
Bắt đầu từ bố mẹ, ông bà, anh chị dạy con tập nói đến trường Mầm non; từ việc trang bị tri thức về tiếng Việt đến kịp thời sửa sai, uốn nắn, điều chỉnh, rèn luyện các con thói quen nói - viết đúng chính âm - chính tả, tiến đến kỹ năng nói tốt, viết tốt tiếng Việt.
Việc sửa lỗi chính tả rất khó và lâu dài đòi hỏi sự hưởng ứng nhiệt tình và nỗ lực cùng hành động của mỗi người chúng ta trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống.  
Vấn đề thống nhất chính tả tiếng Việt là một việc bức thiết, cần làm ngay.
Các cơ quan truyền thông, ngành giáo dục và toàn dân cần thống nhất quan điểm hiểu đúng, dùng đúng và chuẩn về chính tả tiếng Việt theo quy định của Bộ giáo dục.
Việc nói và viết chuẩn chính tả vừa tình yêu tiếng mẹ đẻ, vừa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi nhà giáo, là của tôi và của bạn!

Nguyễn Văn Lự








No comments:

Post a Comment