Sunday, May 13, 2018

NGÀY NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM LẦN THỨ 24 TẠI THỦ ĐÔ WASHINGTON DC (Hòa Ái - RFA)




Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-05-11

Buổi lễ kỷ niệm ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 24 được tổ chức tại tòa nhà Thượng viện Hart Senate Office Building vào ngày 11 tháng 5 năm 2018.

Buổi lễ kỷ niệm ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 24, được tổ chức vào ngày 11 tháng 5 năm 2018 tại tòa nhà Thượng viện Hart Senate Office Building, Washington DC. RFA

Vi phạm nhân quyền trầm trọng

Vào ngày Ngày Nhân quyền cho Việt Nam-ngày 11 tháng 5 hằng năm, cộng đồng người Việt ở Mỹ cùng tựu về Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gặp gỡ với đại diện của Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ để thảo luận về tình hình nhân quyền, tự do dân chủ tại Việt Nam.

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 24 diễn ra trong bối cảnh Chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp và bắt bớ người dân trong nước, chỉ vì họ thực hiện các quyền căn bản của mình được quy định trong Hiến pháp Việt Nam như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do thông tin, quyền tự do thực hành tín ngưỡng….Trong năm 2017, có hơn 50 người bị bắt và bị cầm tù, trong đó ít nhất 24 nhà hoạt động dân chủ, xã hội, môi trường phải chịu những bản án nặng nề lên đến 15 năm tù giam.

Khai mạc buổi lễ lần thứ 24 Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, cựu Dân biểu Leslie Byrne, một trong những Dân biểu soạn thảo Nghị quyết SJ 168, nghị quyết của Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ định kể từ ngày 11 tháng 5 năm 1994 là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, nhắc lại Nghị quyết về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bảo đảm cho người dân của một quốc gia cần lên tiếng khi họ nhận thấy có sự sai trái diễn ra và bảo đảm cho người dân thực hiện các quyền căn bản của họ như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại mà không bị chính quyền can thiệp.

Là người đồng hành với phong trào dân chủ tại Việt Nam, cựu Dân Biểu Leslie Byrne nhấn mạnh bà ghi nhận sự gia tăng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.

Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do, bà Libby Liu, với vai trò là diễn giả tại buổi lễ Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 24, chia sẻ thông tin về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2017; bao gồm Chính quyền Việt Nam dùng các điều khoản mơ hồ trong Bộ luật Hình sự Việt Nam để dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà báo công dân và blogger bị giam tù vì những nội dung đăng tải của họ trên mạng xã hội…

Tiếp lời bà Libby Liu, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby nêu lên trường hợp hai nhà hoạt động vì môi trường là Hoàng Đức Bình và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên những bản án tù khắc nghiệt vì lên tiếng về thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa xả độc tố ra biển hồi năm 2016. Ông Scott Busby còn nhắc đến Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, bị Chính quyền Hà Nội tuyên án lên đến tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế.

Kêu gọi hành động

Đài RFA ghi nhận tại buổi lễ Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 24 có sự góp mặt của hai cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Phương Uyên và Nhạc sĩ Việt Khang. Cả hai người họ gửi thông điệp đến chính giới Hoa Kỳ với lời kêu gọi yêu cầu Chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các nữ tù nhân lương tâm như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Lê Thu Hà, Trần Thị Xuân. Cô Nguyễn Phương Uyên chia sẻ rằng cô hy vọng qua cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ sắp tới đây, cô sẽ được nghe tin những người bạn sinh viên đồng trang lứa như Đinh Nguyên Kha, Trần Hoàng Phúc, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa được trả tự do và được đến trường để thực hiện những ước mơ, hoài bão đóng góp cho xã hội đang còn dang dỡ.

Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby cho biết trong Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ sắp sửa diễn ra trong tháng 5 này, ông sẽ nếu vấn đề với phía Việt Nam:

“Vào tuần tới, chúng tôi sẽ gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam phải thả tất cả tù nhân lương tâm, khoảng hơn 100 người. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Hà Nội Chúng bãi bỏ các điều luật mơ hồ để buộc tội các nhà đấu tranh ôn hòa. Và chúng tôi tiếp tục kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấp nhận cải cách hệ thống tư pháp, bảo đảm những quyền ghi trong Hiến pháp và những thỏa thuận quốc tế, cải cách luật lao động, cho phép lập công đoàn để bảo vệ công nhân…”

Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby cho biết thêm rằng trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, phía Hoa Kỳ chắc chắn với Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hợp tác thương mại song phương nhiều hơn nữa với điều kiện Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.

Bác sĩ Võ Đình Hữu, Chủ tịch Hội đồng Liên kết Việt Nam và Hải ngoại kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cho phong trào dân chủ tại Việt Nam:

“Trong thời gian này, cộng đồng người Việt hải ngoại cần phải đoàn kết với nhau, nhất là cần phải ủng hộ tất cả những người tranh đấu ở trong nước, vận động ngoại giao đến các chính phủ và các cơ quan quốc tế để làm áp lực trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và nhất là lên án với thế giới về tình trạng vi phạm nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam.”

Cựu Dân Biểu Leslie Byrne cũng cho biết bà đã đồng hành cùng cộng đồng người Việt ở Mỹ trong suốt 24 năm qua cho nhân quyền tại Việt Nam và bà sẽ tiếp tục con đường đấu tranh này với lời kêu gọi “Đừng để tiếng nói của người Việt Nam bị bóp nghẹt!”

--------------------------------

XEM THÊM :

RFA
2018-05-12

Hôm nay, ngày 12/5/2018, nhân kỷ niệm 24 năm ngày Nhân quyền cho Việt Nam, cộng đồng người Việt từ Canada và nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã tề tựu về trước tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Cộng đồng người Việt tị nạn biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington, DC hôm 12/5/2018. RFA

Tất cả mọi người có mặt tại công viên Sheridan với cờ vàng ba sọc và cờ Mỹ cùng nhiều băng rôn phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền, cũng như kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho các thành viên Hội Anh Em dân Chủ đang bị cầm tù và giam giữ tại Việt Nam. Trong cái nắng nóng gay gắt giữa trưa hè, nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng chung sức đấu tranh cho nhân quyền của người dân trong nước.

Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch cộng đồng Việt Nam vùng Washignton D.C, Maryland và Virginia cho chúng tôi biết thành quả đạt được của cộng đồng người Việt trong những năm qua:

“Những thành quả chúng ta đạt được là đã biến những hành động giết người vô cớ của nhà cầm quyền đã bị dư luận lên tiếng và họ phải dè dặt với những hành động tàn ác đó. Việc chúng ta tranh đấu cho nhân quyền hôm nay thì kết quả chưa thể nhìn thấy rõ nhưng chính quyền đã phải thay đổi bằng cách thả bớt tù nhân lương tâm, chẳng hạn như Việt Khang. Và một điều quan trọng là người dân trong nước họ biết mình được hỗ trợ nên họ đứng lên đấu tranh không sợ hãi.”

Không chỉ những người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ tham gia biểu tình, mà ông Chương, một cư dân Canada đã không ngại đường xa cũng có mặt tại đây hôm nay bởi nhân quyền trong nước ngày càng tồi tệ. Ông cho biết điều ông quan ngại nhất hiện nay:

“Nhân quyền trong nước bây giờ rất tệ. Người dân biểu tình chống Tàu thì bị khủng bố, bị đánh đập, bị bắt. Nếu ở đây mình không lên tiếng thì ở bên đó không có con đường sống. Bởi vậy cuộc biểu tình nào tôi cũng có mặt hết. Họ dùng côn đồ đánh đập dân để dập tắt mọi tiếng nói chống đối trong nước. Nhưng càng đàn áp thì dân càng đứng lên vì họ không có sự lựa chọn. Chúng ta ở đây phải hậu thuẫn cho họ bằng mọi cách, từ vật chất đến tinh thần.

Một phụ nữ trẻ tên Mai, đến từ North Carolina cùng với một đứa con nhỏ với chiếc áo đen trong đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa cho chúng tôi biết lý do chị có mặt ở đây hôm nay:

“Đây là lần đầu tiên tôi tới đây để đấu tranh cho tự do của những người đang bị tù đày ở Việt Nam. Chỉ vì đứng lên đấu tranh mà họ bị tù mười mấy năm. Tôi muốn đất nước Việt Nam thay đổi thể chế chính trị để một ngày gần đây chúng ta có thể quay về một đất nước tự do.

Anh Thái Hoàng đến từ New Jersey cùng vợ là chị Thanh Hằng cho rằng họ là những người trẻ nên cần phải có tiếng nói của mình thay cho những người quá bận rộn với mưu sinh mà không có điều kiện tham gia, cũng như những bạn trẻ cùng thế hệ trong nước không thể lên tiếng. Anh nói:

“Mình cùng tất cả các cô chú thế hệ trước đến đây để cùng nêu cao tinh thần yêu quê hương đất nước và cũng là dịp cho thế giới biết là cộng đồng Việt Nam cần thế giới chú ý đến nhân quyền Việt Nam cho các thế hệ sau nữa.”

Cộng đồng Việt Nam kiên trì đấu tranh phản đối sự đàn áp nhân quyền trong nước bằng nhiều cách. Ông Lê Minh đến từ miền Nam California cho biết ông đeo logo Đức Trần Hưng đạo lên ngực áo để nhắc nhở ông về lòng yêu nước của Đức Trần Hưng Đạo đã giúp dân tộc thoát khỏi giặc phương Bắc. Ông nói thêm:

“Vì thế tôi kêu gọi đồng bào của chúng ta trên toàn thế giới hãy đoàn kết. Tôi đặc biệt kêu gọi chính quyền cộng sản Hà Nội đừng vì cái tôi của mình, đừng vì cái chủ nghĩa đã lỗi thời đã tiêu diệt gần 200 triệu con người. Mong chế độ cộng sản hãy học gương của cựu Hoàng Bảo Đại. Phải từ bỏ để làm người Việt Nam độc lập. Vì thế tôi có mặt tại đây để giong lên tiếng nói cùng với đồng bào kêu gọi người lãnh đạo ở Việt Nam hãy vì dân tộc mà trả lại họ quyền tự quyết.”

Chính quyền Việt Nam thường bác bỏ đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng thụt lùi. Vậy cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cần làm gì để thay đổi thực trạng nhân quyền ở VN hiện nay, ông Tùng, một cư dân Virginia đã tham gia biểu tình đủ 24 năm cho rằng không thể im lặng, bởi “Nếu chúng ta im lặng thì cộng sản sẽ tàn sát những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.Tiếng nói của chúng ta rất quan trọng. Biểu tình hôm nay không phải cho chúng ta ở đây mà là cho những người đang ở Việt Nam. Một lời nhắn nhủ rằng đây không phải là quá khích, không phải là phản động. Đây là nghĩa vụ và bổn phận của chúng ta. Tôi không tranh cử cho một chức vụ nào hết.”

Ngày 11/5/1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Cao trào Nhân Bản và cũng là nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, đưa ra lời kêu gọi yêu cầu chính quyền Hà Nội tôn trọng nhân quyền căn bản của người dân, chấp nhận chính trị đa nguyên, và trả lại cho người dân quyền lựa chọn một thể chế chính trị qua các cuộc bầu cử tự do công bằng, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Bốn năm sau đó, năm 1994, Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết số SJ 168 ấn định ngày 11 tháng Năm thường niên là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam. Nghị quyết này được Tổng thống Bill Clinton chuẩn y và ban hành thành sắc luật số 103-258.







No comments:

Post a Comment