Wednesday, April 25, 2018

TƯỞNG NIỆM 30 THÁNG TƯ 1975 (Bùi BÍch Hà)




April 25, 2018

Hằng năm, đến Tháng Tư, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản định cư ở khắp nơi trên thế giới đều cảm thấy đau buồn. Mỗi người âm thầm tưởng niệm biến cố lịch sử đầy uất hận này trong tâm tư hoặc thể hiện qua việc tổ chức, tham dự các lễ nghi có tính cách đoàn thể.

Lá cờ tổ quốc trên các kỳ đài và công thự miền Nam Việt Nam, sau buổi trưa 30 Tháng Tư, dù có bị kéo xuống bởi bàn tay những kẻ thắng thế nhờ thời cơ, mãi mãi tung bay rực rỡ trong ký ức những ai từng xả thân chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do Dân Chủ dưới màu cờ ấy. Nó không mất, chỉ rủ xuống trong một giờ đúng giữa trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975 và từ đó, hàng năm, để chịu tang cho đất nước, để quấn lên trí nhớ mỗi người dân một vòng quốc hận, dặn dò nhau đừng bao giờ quên bài học xương máu của chế độ vừa bị bức tử.

Những người phụ nữ từng can trường đóng góp bản thân họ và con cháu họ cho cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do, bảo vệ những giá trị làm người cao quý, có một cách tưởng nhớ 30 Tháng Tư riêng, không ồn ào, sôi nổi, mà lặng lẽ trong mỗi ngày sống, mỗi giờ sống, vun xới cho cuộc tồn sinh nơi xứ người có phẩm giá hơn, xứng đáng hơn, ý nghĩa hơn, sao cho nhìn lá cờ tổ quốc không thấy thẹn với lương tâm, không thấy đắc tội với tiền nhân.

Sau cuộc khánh tận quân sự và chính trị 30 Tháng Tư, 1975, tiến trình gom vốn để gây dựng lại niềm tin và sự nghiệp bắt đầu trước hết với mỗi cá nhân mà việc nhìn lại lịch sử, nhìn lại dân tộc và nhìn lại mình để tu thân là điều kiện căn bản. Cái thân suy đồi, tham ác, không trọn, không thật, thì mọi việc khác đều là hão cả.

Tưởng niệm 30 Tháng Tư Đen sau 43 năm kể từ biến cố, nhiều người trong chúng ta đã không còn thấy đường về. Bạn gái lưu lại dấu vết thành công ở mọi lãnh vực, nhìn vào tưởng chừng hoang đường nhưng chiến thắng lẫy lừng nhất chính là nỗ lực thích nghi của họ với hoàn cảnh mới, vươn lên từ vực sâu, dẫm lên khổ đau và vượt qua muôn trùng thử thách để gìn giữ, phát huy truyền thống và sáng tạo dưới mỗi mái nhà, làm bệ phóng cho con cái bay vào quỹ đạo thế giới, chuẩn bị những thế hệ kế thừa có đủ năng lực và tình yêu nước cho một ngày trở về trong tương lai.

Ðược như vậy, kỷ niệm 30 Tháng Tư mãi mãi là một dấu mốc thời gian cần ghi nhớ.
Bề ngoài, người đàn bà tôi bất ngờ nhìn thấy ở bãi đậu xe trên đường Moran vào lúc buổi chiều nhá nhem tối một ngày Thứ Năm, trông như đã qua tuổi 70. Bà mặc chiếc áo lạnh rộng lùng thùng mầu xanh sẫm, đội cái nón len xanh đỏ tím vàng ôm gọn mớ tóc muối tiêu vào trong, hàm răng chỉ còn lơ thơ vài chiếc. Tôi trông theo khi thấy bà quày quả tiến về chiếc xe truck đậu trên parking lot. Thùng xe đầy ngập đồ đạc. Nhìn từ khoảng cách chừng 30 thước, tôi không phân biệt được cái nội dung bề bộn đó là những thứ gì. Tôi thấy bà lui cui ôm những cuốn sách từ cái thùng giấy để dưới đất, chất lên khoang xe phía trước. Sau cùng, bà bưng cả cái thùng chừng đã nhẹ bớt, cố nhét vào khoảng diện tích đã đầy ứ trong xe. Cung cách xốc vác khi bà làm việc, lẽ ra phải là của một người còn trẻ lắm, khiến tôi kinh ngạc nên tôi muốn đến gần bà để nhìn kỹ hơn và tìm hiểu thêm.

Thoạt tiên, tôi tưởng bà là một người không nhà, có nhiều “hành lý” hơn những người đồng cảnh chỉ có một tấm bảng nhỏ ôm trước ngực, đứng ở mấy ngã tư đường hay những người đẩy cái shopping cart lấy từ một cái chợ nào đó, lang thang trên vỉa hè. Thế nhưng không, trong cái khối lượng đồ đạc ngổn ngang khắp nơi, lèn chặt cứng trên chiếc xe truck, không thấy thứ gì là đồ tế nhuyễn, của riêng tây của chủ nhân, chỉ có vật dụng linh tinh, tạp nhạp, rất nhiều bánh mì mặn ngọt tôi đoán là thực phẩm cũ các chợ thải ra và nhiều nhất là sách báo. Trong khoảng cách một tầm tay với, khuôn mặt người đàn bà đầy đặn, hồng hào như con gái Ðà Lạt, tương phản rõ với hai bàn tay thô, sần sùi của bà.

Hỏi bà:  Bà làm gì với những thứ này?
Bà nói: Tôi nuôi chim và đi bán sách báo cũ để giúp chùa nghèo ở Việt Nam.
Bà cho biết đã làm công quả hơn mười năm nay, từ lúc vùng đất nuôi chim hoang ở ven biển chưa bị cấm (đến nơi không phải trốn cảnh sát) và chùa nghèo trong nước còn thiếu miếng ăn.

Hỏi tiếp: Bà có con cháu nào không?
Bà cười: Con đang cho ở nhờ.
Hỏi thêm: Bà không phải trông cháu ư?
Bà lắc đầu: Ðã có cha mẹ chúng lo. Mai kia tôi ra đi cũng bỏ chúng lại mà!

Hỏi thêm nữa: Vậy bà có cái gì mang theo không?
Bà cười, trơ mấy cái răng lẻ loi và trả lời như một nhà hiền triết: Tôi mang theo cái thiện.

Trong buổi chiều chập choạng tối, trời trở lạnh, bà lái cái xe nặng trĩu ra khỏi bãi đậu, tiếp tục cuộc hành trình xuôi ngược hàng ngày chỉ có bà tự hiểu lý do.

Kể lại câu chuyện này cho người bạn thiết nghe, bạn nhắc: Còn nhớ nhân vật huyền thoại Sisyphe không? Vì sao mà cứ lăn mãi hòn đá trên triền núi, rớt xuống lại đun lên, bộ không chán, không mỏi mệt, không thấy công dã tràng hay sao? Ấy là vì niềm tin đặt vào con người, vào lý tưởng mình theo đuổi. Sự thành công không bữa nay thì ngày mai, tháng sau, năm sau… Chẳng có công khó nào phí uổng cả, chỉ có thời gian phí uổng nếu không cố gắng làm một việc gì tử tế.

Tôi chắc rằng gần xa, xung quanh đây, tất cả những ai đêm ngày miệt mài, thầm lặng, làm cùng một công việc như người đàn bà tôi gặp chiều nay, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đều có niềm an ủi đã không sống bo bo vì những lợi ích riêng mình.

Chúng tôi bước vào tiệm ăn quen, thấy dàn tiếp viên gồm các em gái trẻ thường ngày mặc áo bà ba lụa, mảnh mai, thon thả, vui vẻ, tươi tắn, phục vụ nhanh chóng, dường như được thay thế bởi các cô đứng tuổi hơn, cử chỉ nền nã hơn và chu đáo hơn. Còn đang lơ mơ quan sát thì một chị bạn đi cùng khều tôi, khẽ nói: Em biết cô này, hàng xóm hồi ở Sài Gòn.

Tôi thấy vui, chợt nghĩ tha phương ngộ cố tri đây! Hỏi lại bạn: Có thân nhau không? Có vẻ chị ấy không nhận ra em.
Bạn ngần ngừ: Em không biết nhưng em nhận ra chị.

Vốn yêu quý những tình bạn cũ, tôi khuyến khích: Nếu chắc chắn không lầm, chào nhau một tiếng.

Bạn tôi vẫn ngần ngừ. Đoán họ là hàng xóm một thời nào song có lẽ không thân thiết lắm nên tôi tôn trọng sự riêng tư của cả hai, im lặng theo đến chỗ ngồi. Cho tới khi “người xưa” đến bàn chúng tôi với cuốn sổ nhỏ trên tay để ghi thực đơn thì họ nhìn vào mặt nhau. Một chút ngỡ ngàng nén lại. Một chút vui nguội đi rất nhanh. Họ chào nhau chừng mực rồi mỗi bên chú ý vào việc đang làm. Bạn tôi tránh không gọi món ăn mà bảo tôi ăn gì thì gọi luôn cho chị.

Khi thức ăn đã đưa ra đầy đủ, mọi người đã bắt đầu cầm đũa, bạn tôi mới nhỏ nhẹ nói với tôi: Em gặp chị vài lần rồi nhưng ở tiệm khác và không có dịp đối diện nhau. Ở Việt Nam, chị là vợ một ông bác sĩ. Chị ấy không phải đi làm, chỉ ở nhà chăm sóc con cái và gia đình. Tánh chị hiền hậu, dễ thương và ít nói.

Những gì bạn tôi mô tả về người láng giềng cũ dường như vẫn thể hiện nguyên vẹn sau cuộc đổi đời và thời gian họ xa nhau vì nhiều lý do. Bất cứ có chồng là bác sĩ, không phải lăn thân ra ngoài xã hội vì sinh kế hay nay là người tiếp viên trong một nhà hàng ăn, phục vụ thực khách, chị vẫn có phong thái lịch sự riêng biệt, từ dáng đi, giọng nói hay cách chào hỏi. Điềm đạm, lễ độ, mờ nhạt, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh. Đến đây, bạn tôi không nói thêm gì nữa về chị và tôi cũng không tọc mạch, hiểu rằng có những điều không cần nói hay nghe mà chỉ cảm thôi. Có thể đúng, có thể sai nhưng đúng hay sai đâu có quan trọng gì trong một liên hệ qua đường miễn là giây phút này để lại một kỷ niệm cho mình niềm cảm kích.

Đâu đó trong cộng đồng, tôi từng thoáng nghe có tâm lý phân biệt giữa những đợt người nhập cư vào Mỹ ở những thời điểm trước hay sau cách nhau khá lâu, rất khác với cuộc di tản đầu tiên, chính thức, hạn chế, và tưởng là vĩnh biệt phần đất cùng bao thâm tình bỏ lại những ngày cuối Tháng Tư 1975, khi mọi người tình cờ trông thấy nhau trong cảnh tha hương, đổ xô hỏi thăm nhau, vồ vập, mừng rỡ, tựa như bắt tay nhau là bắt được vàng. Cho dù sau này, cuộc sống gượng lại của người di tản có ít nhiều bị xã hội nơi họ định cư điều kiện hóa, tôi cực tin rằng bản chất “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của người Việt vẫn muôn đời tiềm ẩn trong huyết quản mỗi chúng tôi. Mọi ngăn cách, ngại ngùng, có lẽ do mặc cảm đến từ sự khác biệt bề ngoài qua thời gian hay từ một mong đợi đặt không đúng chỗ vào một lúc bất tiện nào đó.

Riêng cá nhân tôi, tôi tâm phục khẩu phục những người phụ nữ kiên cường, can đảm thích nghi với mọi thời thế thực chất chỉ là sân khấu diễn tuồng với cảnh trí và vai trò luôn đổi thay, không là chính họ với phẩm cách bất biến. Nhờ những phụ nữ được tôi luyện trong lửa phần thư của Tháng Tư lịch sử, nhờ trải nghiệm lẽ vô thường qua những mất còn không ngờ, họ trở thành những cột chống vững chãi cho bản thân và nhiều thế hệ tiếp nối của nòi giống Lạc Hồng.

Nói một cách khác, giản dị hơn, hãy làm một ly nước chanh với những trái chanh nhận được từ nghịch cảnh nghiệt ngã, thưởng thức nó trong từng ngụm thơm ngon. Hãy tiếp tục gieo hạt giống lành, để đất và thời gian làm phép lạ. Nhìn về Tháng Tư quốc nạn, tôi thích nhìn ở những khía cạnh tích cực, cho tôi niềm tin, niềm tự hào và nghị lực xây dựng một điều gì tốt đẹp, một bước gần hơn với ngày trở về.

Như vầng dương không bao giờ không trở lại ở phương Ðông ngay cả trong những ngày mưa mù và bầu trời không có nắng. (Bùi Bích Hà)







No comments:

Post a Comment