Ngô Nhân Dụng
April
24, 2018
Ông
Trần Văn Tự kể “Một đêm cuối năm 1946,” (năm đó ông 18 tuổi), một người khách lạ
đến thăm gia đình, thì thào nói chuyện với Dì Ba, người mẹ kế của ông, bà vừa
nghe vừa “lấy khăn lau nước mắt.” Người khách này “bị nhốt chung một hầm với ba
tôi,” nhà báo, nhà cách mạng Trần Văn Thạch, “và nhiều người khác.” Trước khi từ
giã người khách đưa cho Dì Ba một “quyển sổ tay” với mấy trang ghi những lời
trăng trối của Trần Văn Thạch. “Các con, Bây hãy thương yêu nhau,… Tự, Điển,
Linh, Dung, Nguyệt, Châu! Sáu đứa bây chớ bỏ nhau.” Ông viết mấy hàng từ giã Dì
Ba, người vợ thứ nhì kém ông 12 tuổi, sau khi ông góa vợ, với 5 đứa con từ 3 đến
10 tuổi. Suốt đời bà chỉ sống bên ông được ba năm vì ông chồng mải lo làm “quốc
sự;” luôn luôn bị tù, nhà tù thực dân Pháp rồi đến nhà tù của Cộng Sản Đệ Tam.
Ông nhắc đến người con gái của ông với Dì Ba, “Anh thương Mỹ Châu lắm, nhưng
trong thời buổi đảo điên này, cha con lại vội xa nhau.”
Bà
Trần Mỹ Châu nhớ mãi câu “…cha con lại vội xa nhau.” Bà còn nhớ khi thân phụ từ
Côn Đảo được Pháp thả về Sài Gòn, năm 1943, mẹ bà bảo: “Đi gặp Ba!” Có lần thì
mẹ rủ con, “Đi nghe ba diễn thuyết” mà bà còn nhỏ quá, chỉ ngó mà không hiểu Ba
nói chuyện gì. Cho đến ngày Ba ra đi rồi không bao giờ trở về. Ông bị Việt Minh
thủ tiêu ngày 22 Tháng Mười, năm 1945, hơn một năm sau “người khách lạ” mới đem
tin cho biết, rồi đi, biệt tích. Cho tới năm 2005, tại văn khố của nước Pháp,
bà Châu mới tìm được bức hình của thân phụ, Trần Văn Thạch, chụp với ba người bạn,
Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, và Nguyễn Văn Khải. Bức hình “Ban Chấp Hành Tổng Hội
Sinh Viên Đông Dương” bị cảnh sát Pháp lưu trong hồ sơ “phản động” từ năm 1929,
khi Trần Văn Thạch đang du học ở Pháp.
Trước
năm 1975, đường Trần Văn Thạch nằm bên hông chợ Tân Định. Việt Cộng về đã xóa
tên ông. Những người học sử cận đại đều biết Trần Văn Thạch thuộc nhóm Đệ Tứ,
cùng với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Chánh, tất cả đều bị
Đệ Tam sát hại trong năm 1945. Cố Bác Sĩ Trần Nguyên Phiêu đã để lại một cuốn
sách rất công phu về Phan Văn Hùm; giúp người Việt Nam hiểu biết thêm về giai
đoạn lịch sử bi thương này. Nhờ bà Trần Mỹ Châu bỏ hơn 10 năm trời “đi tìm cha”
truy cứu ở các thư viện và văn khố khắp thế giới, một cuốn sách về “Trần Văn Thạch
1905-1945,” mới được xuất bản. Nhờ đó mà chúng ta được đọc lại bao nhiêu bài
báo của Trần Văn Thạch, từ thời làm “báo sinh viên” ở bên Pháp cho đến thời làm
tờ La Lutte (Tranh Đấu) ở Sài Gòn. Lúc đầu phe Đệ Tam tham gia trong báo La
Lutte, nhưng sau được lệnh rút ra ngoài.
Phong
trào Cộng Sản Quốc Tế chia ra hai nhóm từ khi Stalin đánh bại Trotsky trong cuộc
tranh giành ngôi chúa tể Liên Xô. Phe Đệ Tứ chủ trương làm cách mạng thường
xuyên và khắp thế giới; trong khi Stalin muốn củng cố chế độ chuyên chính ở Nga
trước khi xâm chiếm các nước khác. Stalin đã ám sát được Trotsky khi đang sống
lưu vong ở Mexico, nhưng vẫn ra lệnh các cán bộ Đệ Tam phải tiêu diệt tất cả
phe Đệ Tứ. Hồ Chí Minh tuân hành mệnh lệnh đó hung hãn nhất. Hồ lúc nào cũng sợ
bị Stalin nghi ngờ, sợ chính mình có thể bị Chúa Đỏ thủ tiêu, cho nên làm gì
cũng hỏi ý Stalin và tiêu diệt phe Đệ Tứ để lập công với Stalin.
Tạ
Thu Thâu đã gọi Liên Xô là “Đế Quốc Đỏ” ngay từ thời 1930. Năm 1938, ông viết
trên báo La Lutte chế nhạo một lãnh tụ Cộng Sản (Đệ Tam) Pháp khi ông này đề
nghị chính phủ Pháp mua 362 bức thư của Napoléon đang bán đấu giá. Tạ Thu Thâu
kể tội Napoléon đã “đem 300,000 thanh niên Pháp vào chỗ chết bất đắc kỳ tử” qua
các cuộc chiến tranh. Và ông so sánh tội lỗi của Napoléon với Stalin. Ông viết,
“Staline… hắn cũng giết vô số người làm cách mạng và những nhà cách mạng này
không sao chạy trốn được.” (trang 285, sách Trần Văn Thạch kể
trên). Tạ Thu Thâu cũng nhắc tới “những vụ án do Staline ngụy tạo” để giết hai
phần ba các đồng chí Đệ Tam của ông ta trong Bộ Chính Trị và một nửa Trung Ương
đảng Cộng Sản Liên Xô (trang 424).
Đọc
lại những lời Tạ Thu Thâu viết, trong những bài ông công kích chế độ thuộc địa
Pháp, chúng ta hiểu tại sao ông bị Hồ Chí Minh sai giết sớm nhất, sau khi ông
ra Hà Nội gặp Hồ. Hồ Chí Minh căm thù Tạ Thu Thâu hơn nữa, chắc vì ông Thâu từng
trả lời câu hỏi “đảng của anh không nhận lệnh từ đâu hết?” Ông nói: “Không nhận
bất cứ từ đâu, không nhận từ Mạc Tư Khoa (Nga) hay từ Quảng Châu (Trung Cộng).
Chúng tôi sợ nhất là người Tàu.” (trang 449).
Tại
sao cuối cùng Cộng Sản Đệ Tam đã tiêu diệt được nhóm Đệ Tứ? Năm 1945, trước khi
từ Cần Thơ lên Sài Gòn, Trần Văn Thạch đã dặn dò người con trai trưởng lo trông
nom các em. Ông nói thêm: “Tây nó bỏ tù ba mà không giết ba. Đệ Tam sẽ giết
ba.” Ông Trần Văn Tự cho biết vì sao thân phụ ông biết trước sẽ bị thủ tiêu mà
không chạy trốn. Trần Văn Thạch nói với con: “Đất nước ở đây,… bỏ chạy đi đâu?”
Ông Tự giải thích, thân phụ ông có ba chủ trương: Bất bạo động, đấu tranh chính
trị công khai, trong vòng luật pháp, và không muốn gây chia rẽ trong hàng ngũ
những người Việt đang tranh đấu giành độc lập.
Trần
Văn Thạch tuy tự coi mình thuộc Cộng Sản Đệ Tứ nhưng “không cuồng tín…” và
không có tinh thần phe đảng. Trong một bài viết năm 1927, khi đang du học ở
Pháp, ông viết trên tờ báo Sinh Viên do ông chủ trương, nói về “Các chánh đảng
An Nam.” Ông phân tích hai phe đối lập, một chủ trương “Pháp Việt đề huề” tranh
đấu ôn hòa và hợp tác, còn phe kia “đòi độc lập ngay.” Với tuổi mới có 22, ông
cố thuyết phục mọi người rằng trong cả hai phe đó, phe nào cũng là những người
yêu nước! Chính chủ trương không chia rẽ giữa những người Việt cùng yêu nước đã
khiến Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm bị bọn Đệ Tam cuồng tín thủ
tiêu theo lệnh Stalin! Bọn cuồng tín đó mới có dã tâm tiêu diệt nhiều chiến sĩ
cách mạng quốc gia, từ Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo, vân vân.
Cộng
Sản Đệ Tam học thuộc bài của Stalin cho nên chúng tìm cách tiêu diệt những người
khác chính kiến ngay trong cảnh cùng bị tù như nhau. Trần Văn Thạch đã kể cho
người con trưởng biết tại nhà tù Côn Đảo, bọn Đệ Tam có chính sách làm sao gài
tù nhân phe của họ vào một trong ba ban: Nhà bếp, để lén lấy thêm cơm cho “phe
ta;” Trạm xá y tế, để cứu bệnh nhân phe Đệ tam và bỏ mặc cho phe khác chết; và
làm bồi cho Tây để ngóng tin và tố cáo những người thuộc đảng phái khác (trang
182).
Ở
Côn Đảo, Trần Văn Thạch bị nhốt cùng một phòng giam với nhà ái quốc Nguyễn An
Ninh. Sau này hai người cùng làm báo La Lutte. Lúc đó, ông Ninh bị
bệnh kiết lỵ, không có thuốc. Khi ông đau nặng quá, được đưa qua khu bệnh viện,
nhưng người phụ trách trạm y tế “thuộc xu hướng Đệ Tam không cho ông Ninh thuốc,
vì ông Ninh không chịu theo đảng Cộng Sản” (trang 184). Đây là một chuyện chưa
mấy người biết!
Tôi
mới có cơ hội gặp một người bạn trẻ mới ở Việt Nam qua, ngoài 20 tuổi. Cô xin gặp
riêng để hỏi thêm chi tiết về một tác giả đời nhà Lý. Nhưng trước khi chia tay,
cô đề nghị lần sau tôi hãy nói thêm cho cô nghe về lịch sử. Cô nói rõ hơn, về lịch
sử nước ta sau thời 1930!
Tôi
hiểu rõ nhu cầu của các bạn trẻ lớn lên ở Việt Nam sau năm 1945. Họ bị bưng
bít. Giống như tay quản giáo mà một người bạn tôi mới kể. Ông bạn viết, ông
“…nhớ đến thời bị bắt năm 1976-78, bị (được) cán bộ quản giáo trại giam, đầu
tóc bóng mượt bri-ăng-tin, ‘giảng’ về chính sách của đảng, vừa giảng vừa thỉnh
thoảng chạy ra ngoài hỷ mũi. Ông ta nói đại ý: ‘Đất bước ta vô cùng hùng vỹ,
bắc giáp Triều Tiên, nam giáp Biển Hồ…. Mỹ rất mạnh đánh nó không phải dễ, nó
đem hạm đội 7 đến đóng tại Biển Hồ. Bác Hồ nhanh trí, cho nó 7 ký lô kim cương
nó chịu rút hạm đôi đi ta mới đánh thắng được nó chứ.’”
Ông
bạn tôi kể, trong phòng giam có anh trung tá cảnh sát, nguyên quận trưởng một
quận ở miền Tây. Nghe nó nói, anh tức quá, tính đứng dậy phản đối. Tôi ngồi cạnh,
phải kềm anh ta lại!
Cuốn
sách “Trần Văn Thạch 1905-1945, Cây bút chống bạo quyền áp bức” của Trần Mỹ
Châu sẽ giúp các thế hệ trẻ sau 1975 biết thêm về những nhà ái quốc, Tạ Thu
Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Chánh, vân vân, những người không
những đã bị Cộng Sản Đệ Tam giết mà còn muốn xóa tên họ trong lịch sử cũng như
trên các con đường. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment