Ngày
20/01/2010 Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm, và ngày 11/05/2010 Tòa án nhân
dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án chính trị của nhóm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê
Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân”. Sau thời gian thụ hình, ba người lần lượt ra tù, duy
chỉ anh Thức còn bị giam do bản án dài 16 năm tù.
Cơ
sở pháp lý để truy tố và xét xử trong vụ án này là Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật
Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự số
37/2009/QH12 ngày 19/06/2009) (gọi tắt là BLHS 1999). Toàn văn Điều 79 quy định
như sau:
“Người nào hoạt động
thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt
như sau:
1. Người tổ chức, người
xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù
từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm
khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.”
Cả
hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm về vụ án này đều nhắc đến Nhóm Nghiên Cứu Chấn
như một nhóm bạn bè cùng nghiên cứu về Sấm Trạng Trình với anh Thức, nhưng hội
đồng xét xử ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không thể chứng minh về
phương diện pháp lý nhóm này là “tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” như
Điều 79 quy định.
Thật
vậy, trong BLHS 1999 không có bất cứ điều khoản nào quy định, dù cụ thể hay tổng
quát, các yếu tố định danh và định tính về một “tổ chức nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân”. Nói cách khác, hai bản án chỉ quy chụp mà không nêu cơ sở pháp lý để
xác định Nhóm Nghiên Cứu Chấn của anh Thức và bạn bè là một “tổ chức nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân”.
Do
đó, việc áp dụng Khoản 1, hay thậm chí Khoản 2, của Điều 79 là hoàn toàn không
chính xác. Đó là sự thiếu sót của luật pháp, mà lẽ ra tòa án phải suy đoán, nhận
định và tuyên phán theo hướng có lợi cho các bị cáo, thay vì cố tình kết tội họ.
Trên thực tế, các thẩm phán của đảng cầm quyền đã không hành xử theo đúng chuẩn
mực pháp lý như thế, mà chỉ khư khư bảo vệ đảng của mình thôi.
May
thay, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật
Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2018) (gọi tắt là BLHS 2015) đã mang đến một cơ hội sửa sai cho hai bản
án đã tuyên, đặc biệt đối với anh Thức.
Điều
79 của BLHS 1999 đã bị thay thế bởi Điều 109 của BLHS 2015, toàn văn như sau:
“Người nào hoạt động
thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt
như sau:
1. Người tổ chức, người
xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù
từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm
khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm
tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.”
Có
thể thấy Điều 109 mới hầu như lập lại nguyên văn từng từ một của Điều 79 cũ.
Tuy nhiên, điểm mới của Điều 109 chính là Khoản 3 về hành vi “chuẩn bị phạm tội”
với khung hình phạt tù từ 01 đến 05 năm, mà Điều 79 không có.
Như
đã phân tích ở trên, hành vi và hoạt động của anh Thức hiển nhiên không phạm
vào Điều 79 của BLHS 1999. Đó cũng chính là điều anh Thức luôn khẳng định rõ và
mọi người đều biết. Dẫu vậy, bản án đã được tuyên và đã có hiệu lực thi hành
trên phương diện pháp lý, nên giờ đây chính là lúc phải đặt bản án và hình phạt
đã tuyên dưới góc độ pháp lý thuần túy để nhìn nhận lại sự việc.
Khoản
1, Điều 14 của BLHS 2015 quy định thế nào là “chuẩn bị phạm tội”, như sau:
“Chuẩn bị phạm tội là
tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực
hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập
hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc
điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.”
Như
vậy đối với Điều 109, “chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương
tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”. Hành vi và hoạt động
của anh Thức, theo mô tả trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, lẽ ra chỉ có thể
là chuẩn bị phạm tội nếu đứng trên góc nhìn và thái độ võ đoán của các cơ quan
tố tụng hiện nay.
Điều
79 cũ không quy định về chuẩn bị phạm tội, nên Điều 109 mới khắc phục thiếu sót
đó và mang đến một lợi điểm cho các bị can, bị cáo và bị án bị quy tội “hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Thêm
vào đó, Khoản 3, Điều 7 của BLHS 2015 quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự
về thời gian như sau:
“Điều luật xóa bỏ một
tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ
hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn
trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt,
tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người
phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều
luật đó có hiệu lực thi hành.”
Điểm
b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội
về việc thi hành BLHS 2015, cũng nhắc lại và nêu rõ hơn việc áp dụng các điều
khoản luật có lợi cho các bị can, bị cáo và bị án nêu trên như sau:
“Các điều khoản của Bộ
luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng;
quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự,
miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người
phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ
00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra,
truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình
phạt, xóa án tích.”
Anh Trần Huỳnh Duy Thức đã thụ án gần 9
năm tính cho đến nay trong tổng mức án 16 năm tù đã tuyên. Do đó, theo luật định,
anh hoàn toàn hội đủ điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Căn
cứ các quy định pháp luật đã dẫn ở trên, thiết nghĩ cần phải áp dụng Khoản 3,
Điều 109 của BLHS 2015 với khung hình phạt tối đa 5 năm để xem xét và ấn định lại
mức hình phạt dành cho anh Thức, từ đó trả tự do cho anh theo tinh thần của luật
mới.
No comments:
Post a Comment