Friday, April 20, 2018

MẶT TRÁI LÀNG BÁO Ở VIỆT NAM (tin tổng hợp)





---------------------------


Sự kiện một ông sếp báo Tuổi Trẻ liên can vụ quấy rối một phóng viên tập sự, thật ra, với những người lăn lộn lâu năm trong làng báo, thì chuyện này không cá biệt. Đằng sau những trang báo (nói chung, không phải riêng Tuổi Trẻ) – viết về những tiêu cực xã hội, lên tiếng gay gắt những vụ án hiếp dâm, khai thác từng centimet chuyện tình tay ba, tay tư của những người nổi tiếng – là những câu chuyện gần như tương tự xảy ra ngay bên trong làng báo. Trong buổi café sáng hay bàn bia buổi chiều, một trong những “món nhắm khoái khẩu” mà một số nhà báo thích “nhậu” là những vụ xì căng đan tình ái xảy ra giữa đồng nghiệp trong “nhà” mình hay “nhà hàng xóm”. Nói cách khác, làng báo là một xã hội thu nhỏ. Chuyện gì “ngoài đời” có thì làng báo có, từ hối lộ, lăng nhăng, hù dọa, phe nhóm, đâm thọc, đến đố kỵ… Dĩ nhiên, cũng như trong xã hội, làng báo không phải chỉ có người xấu.

Thật mỉa mai khi báo chí giật những hàng tít khổng lồ trên trang nhất “Tham nhũng là quốc nạn!” nhưng tham nhũng trong làng báo là một trong những đề tài “nhạy cảm” đặc biệt mà gần như không bao giờ độc giả có thể biết được. Có nhiều kiểu tham nhũng trong làng báo: tham nhũng phe nhóm, tham nhũng quyền lực, tham nhũng quyền lợi, “tham nhũng tình cảm”… (khái niệm “tham nhũng” đang được nói đến xin hiểu như định nghĩa của “corrupt” - hàm ý đến thoái hóa, suy đồi, hư hỏng…). Có vô số biến thái tham nhũng trong làng báo.

Một phóng viên văn hóa-văn nghệ, có thể chỉ bởi “quan hệ tốt” với đạo diễn A, sẽ sẵn sàng viết bài “điểm phim” chỉ trích dữ dội một tác phẩm được dựng bởi đạo diễn B (mà B vốn là đối thủ của A). Trong thực tế, có một tòa soạn đã phải ra lệnh sa thải sau khi phát hiện một anh nhà báo “làm việc” kiểu như vậy. Gần tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn và phổ biến hơn: nhận phong bì để quảng bá sản phẩm tiêu dùng hoặc sản phẩm văn hóa. Các bạn có thể đã đọc những bài báo khen ngợi hết lời bộ phim “Kong”. Điều đó không phải tự nhiên.

Một số đồng nghiệp của tôi đã tự hỏi lẫn hỏi lẫn nhau, rằng làm sao báo chí có thể làm tốt cuộc chiến chống tham nhũng, không phải bởi rào cản chính trị, mà là vì bản thân báo chí cũng đang tham nhũng và “góp phần” đáng kể vào “nền văn hóa tham nhũng” đang tàn phá đất nước này. Có những nhà báo đã “chạy”, nhờ quan hệ, để có được miếng đất tốt hoặc căn chung cư cao cấp mua với giá rẻ mạt. Những đường dây “chạy” như thế đã và vẫn tồn tại. Không chỉ vậy. Còn có những đường dây “chạy” để được lên chức lên quyền. Thật mỉa mai khi báo chí viết những phóng sự về hiện tượng “chạy” trong xã hội nhưng “chạy” đang xảy ra, rất nóng hổi, ngay trong làng báo. Có rất nhiều “nhà báo” mà gần như cả đời không viết nổi một bài ra hồn nhưng vẫn nghiễm nhiên ngồi ghế rất cao. Không ít người trong số đó được bổ nhiệm bởi hệ thống chính trị. Dù vậy, có không ít “nhà báo lớn” đã “lớn lên” không phải nhờ kỹ năng làm báo mà nhờ thành thục việc “chạy”.

Báo chí đang trong giai đoạn bi thảm. Từ lâu, báo chí đã không còn hừng hực không khí máu lửa như thời thập niên 1990. Sự cạnh tranh của báo mạng và mạng xã hội, cùng với sự kiểm soát ngày càng gay gắt của bộ máy kiểm duyệt, là vài nguyên nhân khiến báo chí eo sèo. Dù thế nào, nguyên nhân nữa không thể bỏ qua là báo chí không còn nhiều nhà báo biết tôn trọng ngòi bút và biết tôn trọng sứ mạng mà xã hội mặc định đang giao cho họ. Họ nhếch nhác, lôi thôi, làm quấy quá cho xong, và họ “đi làm báo” chỉ nhằm sử dụng quan hệ để kiếm sống bên ngoài phạm vi báo chí. Không chỉ vậy, họ cũng viết bài tâng bốc quan chức để xây dựng những mối quan hệ có lợi cho cá nhân. Họ có thật sự tin vào “năng lực lãnh đạo” của các quan chức ấy không? Có thể có, nhưng phần đúng hơn, chắc hẳn là không. Điều họ quan tâm không phải là năng lực điều hành, mà là “năng lực chính trị”, của quan chức ấy.

Mọi thứ đang nhếch nhác và suy sụp. Báo chí không nằm ngoài ảnh hưởng của dòng xoáy suy đồi toàn diện này. Báo chí (nhà nước) đang bị xã hội nhìn bằng nhiều con mắt tiêu cực. Báo chí hèn: không dám lên tiếng cho những người đấu tranh dân chủ; không dám chống Trung Quốc nếu chưa được bật đèn xanh; không dám đề cập những vấn đề gay gắt và đi đến cùng sự việc vì “ban tuyên giáo” ra lệnh như thế… Báo chí rẻ tiền: khai thác dữ dội chuyện đời tư người nổi tiếng. Báo chí “bưng bô”: vuốt ve quan chức, từ chuyện quan chức “nói tiếng Anh” đến quan chức “lắng nghe tâm tư nguyện vọng quần chúng” (đó là chưa kể “văn hóa báo chí” “nịnh nước Nga”). Nói cách khác, có hai thể hiện phổ biến của báo chí ngày nay: báo chí im miệng và báo chí vỗ tay. Khi im miệng, họ dán kín miệng tuyệt đối. Khi vỗ tay, họ nhảy nhót như những kẻ “nhập cốt” lên đồng.

Rốt cuộc, báo chí đang “đấu tranh” – như sứ mạng lớn nhất khi nói đến vai trò báo chí trong xã hội – cho cái gì đây? Khi bên trong báo chí ngổn ngang những vấn đề tiêu cực thì báo chí đại diện cho ai đây để “phản biện” và “đấu tranh chống tiêu cực đến cùng”? Vấn đề của báo chí ngày nay, như trong nhiều lĩnh vực khác, không phải là những câu chuyện rò rỉ liên quan đời tư cá nhân. Nó là vấn đề của một hệ thống.


--------------------------------

20-4-2018

Tôi không có bình luận gì về vụ việc bị nghi là cưỡng hiếp mà nhiều người đang nói tới, tôi không rõ thực hư.

Tôi chia sẻ những chuyện (khác) của chính tôi, về chuyện quấy rối trong nghề báo.

1. Tôi tốt nghiệp năm 2001, đi thực tập tại báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Cùng ban có anh làm phóng viên ngồi giảng giải phải làm nghề (kiểu của ảnh) ra sao, rủ tôi lên xe theo ảnh đi làm tin bài. Nào ngờ, chạy tới Gia Lâm thì ảnh rẽ ngang đẩy tôi vào nhà nghỉ (đã lấy chìa khóa). Tui cũng ngu nhưng chưa ngu đến thế, quyết không lên phòng. Ảnh quay ra, đẩy tiếp tôi vào cà phê vườn sát đó (hồi đó còn dạng cà phê chia ngăn).

Sau đó mấy năm, nghe tin báo đó có phóng viên bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp. Đầu tui ngờ ngợ (vì đã từng nghe ảnh “giảng” nghề), chính là Nguyễn Hùng Sơn – nhân vật đẩy cô sinh viên thực tập trẻ măng là tôi hồi đó vào nhà nghỉ: Nhận 10.000 USD, một phóng viên bị bắt (TT).

2. Một vài năm sau đó, lại có lần tui vào Tạp chí Truyền hình Việt Nam, có cô bạn cùng lớp viết bài ở đó. Ông Tổng biên tập bảo tui vào phòng hẻm biết có chuyện gì, tui ngáo ngơ đi vào thì thấy căn phòng chìm trong bóng tối, ông chú ôm chặt lấy tui hun hít. Chờ “chú” định thần lại, tui mới hiểu “chú” tự xếp tui vào nhóm tới xin lăng xê trên sóng, muốn làm gì thì làm! “Chú” là Đậu Ngọc Đản, chân dung khả kính đây: Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Chấp nhặt thì dễ, “nương” nhau mới khó(ANTG).

3. Giờ kể tiếp chuyện tui học nơi nao: Khoa Báo chí ĐH KH Xã hội & Nhân văn, Chủ nhiệm là Giáo sư Hà Minh Đức đáng kính hồi đó cũng là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Tui đi cạnh thầy vài lần, thầy lén nhìn phía sau có ai hem, khoác vai tui rồi hỏi số điện thoại trao đổi việc học. Điện thoại kêu reng reng, là thầy gọi hỏi tui có cần gì hem, tui tới gặp thầy rồi tương lai sáng lạn, mún gì thầy cũng chìu à!

Vì tui không tới, nên gần như đã quên chuyện đó.

Cho tới khi cô bạn học cùng cứ mãi không chịu tốt nghiệp, tôi mới hỏi tại sao. Bạn nợ môn của thầy (vì phải thi lại mà cuối cùng lại nhầm ngày thi lại), thành ra riêng bạn phải học lại với riêng thầy. Bạn ngại ngùng bảo “Vì thầy Đức… thế nào ý”, nên bạn không muốn đến. Tôi hiểu ngay vấn đề, hỏi tại sao không rủ ai đi cùng. Bạn nói đã rủ nhưng tới nơi thầy bảo hai người đi về, hẹn bạn lần sau tới một mình thôi!

Mấy năm sau đó tôi tới nhà Z. (tên cô bạn), môn học cuối cùng “chỉ với riêng thầy” bạn không tới “học”, thành ra khóa học Cử nhân Báo chí mà bạn đã vui sướng biết bao lúc bắt đầu, bạn đã không bao giờ có thể hoàn thành (chỉ được bảo lưu kết quả trong 2 năm). Mẹ bạn cố giấu, nhưng tôi biết lúc đó bạn đang điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chân dung “người thầy lớn của bao thế hệ” trên trang của ĐH Quốc gia: Giáo sư Hà Minh Đức với Khoa Văn học (ĐH QGHN).

Mấy chuyện trên xảy ra với tôi ít năm đầu tiên, khi tôi tiếp xúc với những người/tờ báo thật nhảm. Mười mấy năm đủ cho tôi hiểu hơn bất cứ nghề nào, nghề báo là nghề mà đạo đức và tài năng gắn chặt. Người làm nghề (báo) giỏi thì trong nghề và trong đời đều chính trực. Nghề báo cũng là nghề rất trân quý người giỏi, một bài viết nghìn triệu người đánh giá làm sao sai?

Cho nên góp một tiếng nói diệt các con sâu, tôi vẫn yêu quý mảnh vườn. Tuổi Trẻ là đóa hoa của vườn ấy (ít nhất tới giờ này). Có sâu (nếu có) thì bắt thôi à.

------------------------------


BÁO CHÍ
19.04.2018

Bảy năm trước, một bạn gái đồng nghiệp của tôi, từ văn phòng báo Tuổi Trẻ Sông Tiền về lại Sài Gòn và bỏ nghề, chuyển sang làm PR. Tôi không bao giờ được biết vì sao bạn đột ngột bỏ việc – từ bắt nguồn là một người yêu công việc đi viết hơn tôi.

Mọi thứ bị chìm vào im lặng, mãi đến năm 2014, khi trang blog “Những thằng nham hiểm” ra đời và vụ việc quấy rối tình dục đó xuất hiện. Tôi không phải người yêu thích gì cái blog này. Nhưng thật mỉa mai thay, sự việc của bạn tôi lần đầu tiên được gọi tên chính xác trên cái blog “ngoài luồng” đó: Những bê bối chưa từng được tiết lộ của báo Tuổi Trẻ (Kỳ 2): Vụ quấy rối tình dục tại văn phòng báo Tuổi Trẻ – Tiền Giang.

– Mất bốn năm để tôi hiểu vì sao bạn tôi bỏ nghề
– Mất thêm ba năm nữa để tôi đọc sách và gọi đúng tên hành vi đó là quấy rối tình dục
– Và mất thêm một năm nữa để tôi hỏi thẳng bạn một số điều đau lòng mà chúng tôi không muốn nhắc lại.

Khi vụ việc xảy ra, bạn tôi đã có báo cáo cho trưởng ban ở Sài Gòn, báo cáo cho phòng nhân sự và lãnh đạo. Nhưng là nạn nhân của một vụ quấy rối tình dục, bạn tôi là người ra đi trong im lặng – với sự quay lưng của những đồng sự có quyền lực hơn rất nhiều.

Bảy năm sau tổn thương của bạn tôi và ssau vụ việc ở Mỹ năm 2017 về ông trùm điện ảnh Harry Weinstein, và những gì đọc được trên báo Mỹ, tôi hiểu rằng những vụ việc như vậy sẽ không bao giờ được phanh phui ở Việt Nam. Vì chính môi trường báo chí là nơi dung dưỡng cho văn hóa quấy rối tình dục, là nơi mà cánh sếp và lãnh đạo đàn ông được quyền coi nữ phóng viên như một món đồ như thịt gà hay đồ chơi giải trí sau giờ nhậu.

Bảy năm sau sự việc của bạn tôi, người sếp ở lại giờ vẫn là phóng viên ngôi sao, được xuất hiện trên nhiều kênh tác nghiệp hoành tráng, và hình như anh đã vào Đảng.

Hôm qua, tôi đọc thấy một nữ phóng viên gặp nạn, tại cùng tờ báo trên, với một người sếp khác.

Môi trường báo chí tại Việt Nam ở những tờ báo lớn nhất và uy tín nhất đều coi nhân phẩm và sự tổn thương của phóng viên nữ chỉ là trò đùa dễ dàng. Họ nói về thân xác của phóng viên nữ trên bàn nhậu. Các trưởng ban trao đổi phóng viên nữ cho nhau chơi “giải trí” qua đường. Bạn tôi, vì không “ưng thuận” sếp ở Sài Gòn, đã được “tiến cử” xuống văn phòng địa phương cho sếp khác làm thịt.

Ở nhiều tờ báo lớn, chuyện các sếp sau một tối đi nhậu, nói vài câu, sau đó “tặng lại” cô cộng tác viên cho đàn anh là điều cực kỳ phổ biến.

Cái bẫy giăng ra thì vô cùng đơn giản. Rất nhiều tòa soạn theo kiểu cũ hiếm khi tuyển dụng phóng viên bằng thi cử hay có chuẩn làm việc, mà để mặc phóng viên làm danh phận cộng tác viên suốt nhiều năm. Khi ấy, các anh sếp có quyền ký tá trở thành người ban phát hợp đồng: Em chiều anh thì anh ký phóng viên cho, muốn làm biên tập thì ghé qua anh, hoặc muốn ở lại báo thì cố lên với anh, anh tạo điều kiện cho.

Không có quy chuẩn về nỗ lực đạt được thành tựu hay hợp đồng trong nghề là yếu tố đẩy phóng viên nữ vào tình trạng dễ bị thao túng. Về giới tính, họ đã bị coi thường hơn nam giới khi tòa soạn chọn ký hợp đồng. Về cơ thể, họ dễ bị lợi dụng hơn. Hậu quả là nhiều nữ phóng viên bị đẩy vào thế nếu “chịu” sếp thì sẽ được an toàn.

ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN

- Khi bạn tôi tố cáo cô bị quấy rối tình dục, việc đầu tiên cô bị cáo buộc là “em suy nghĩ nhiều quá”. Nhưng nếu bạn là một phụ nữ, suy nghĩ nhiều quá là sao khi bạn bị vỗ mông, bóp ngực? Khi bạn bị nửa đêm đang ngủ trong nhà trọ có sếp chạy lại gõ cửa xin vào? Khi bạn bị vuốt ve tay chân bảo anh sẽ hỗ trợ em? – Bạn có “suy nghĩ nhiều quá” không?

– Nạn nhân thường bị chính đồng nghiệp nữ coi là “mạt hạng”, “ngủ để ký hợp đồng”, và bị cô lập, mà không hề được nhìn nhận lành mạnh từ cộng đồng các nữ phóng viên là họ bị đẩy vào thế khó khăn để có thể có hợp đồng nên chọn cách làm đó – cũng là con mồi sa vào cái bẫy của quy trình tuyển dụng không lành mạnh.

– Nạn nhân là người phải rời tòa soạn, bỏ nghề, uất ức, không thể lấy lại danh dự. Vì tòa soạn sẵn sàng hi sinh con nhỏ cộng tác viên ất ơ nào đó, chứ tuyệt nhiên không hi sinh phóng viên điều tra hoành tráng tài ba, hoặc tất nhiên là còn lâu mới hi sinh sếp giỏi nghề. Có chuyên môn/ có kinh nghiệm được coi là kim bài miễn tử để nhiều sếp tiếp tục quấy rối liên tục các phóng viên nữ mới vào, sử dụng cộng tác viên như trò giải trí tình dục (miễn phí) thay vì đi mua dâm.

– Nạn nhân bị làm nhục: Chính sếp sẽ là người gửi ảnh nóng của nạn nhân đi cho các phòng ban, đồng nghiệp nữ xem, hủy hoại nhân phẩm, danh dự của phóng viên nữ, đẩy họ khỏi tòa soạn, hoặc đơn giản là mua vui cho thấy mình có số má chơi gái lành nghề.

NẠN NHÂN LÀM GÌ?

– Bạn tôi đã chọn cách đơn giản nhất: Từ chối một tòa soạn dung dưỡng cho hành vi quấy rối và xâm hại tình dục. Đánh đổi bằng nghề nghiệp có lẽ là đánh đổi lớn nhất và đau đớn nhất. Nếu sau 10 năm tôi có thể hành nghề và bạn không còn hành nghề, thì đó là vì tai nạn bẩn thỉu đó từ sếp bạn đã khiến bạn rẽ sang công việc khác. Lẽ ra, phóng viên nữ không thể bị đẩy vào thế này. Lẽ ra, các toà soạn phải bảo vệ nhân phẩm của người lao động. Nhưng đó là các lẽ ra. Còn ở đây, nạn nhân phải tự chọn cách bảo vệ mình là rời đi.Các tòa soạn sẽ không còn tìm được phóng viên giỏi nữa nếu họ dùng thứ văn hóa đó để tuyển và duy trì cộng tác viên. Vì người trẻ có nhiều chọn lựa nghề nghiệp hơn chúng tôi. Họ có thể bỏ nghề báo để đi làm quảng cáo, truyền thông, làm Youtube, làm cho các hãng tin… Đừng hỏi vì sao mình không có cộng tác viên giỏi, hãy tự hỏi mình đang dung dưỡng cho thứ bẩn thỉu gì tồn tại trong không gian tác nghiệp của tờ báo.

– Tôi chưa bao giờ là nạn nhân của trò chơi lớn này, (may mắn thay) vì không có chút nhan sắc nào. Nhưng điều đó cũng không ngăn được phóng viên nam, sếp nam sờ mó. Có một lần đi uống cùng ban về, ngồi trên taxi, người đồng nghiệp cùng ban liên tục sờ mó tôi, sờ soạng đùi, vai, ôm ấp. Tôi đẩy ra. Và khi bước đến cửa tòa soạn,  đi vào thang máy, anh ta thản nhiên nói: “Anh đùa thôi, chứ không có gì đặc biệt nha!” – Năm đó tôi 22 tuổi, chưa biết gọi tên hành vi dơ bẩn đó là gì.

– Nếu bạn là phóng viên nữ, và bạn xinh đẹp, nguy cơ của bạn là cực kỳ nhiều. Hãy luôn nhớ, bạn sẽ luôn là “mồi nhậu” để các sếp đem ra đổi chác khi họ ngồi với nhau. Tôi đã ngồi trong các cuộc nhậu mà các sếp cá độ xem ai rủ được “em ấy” ra, rồi đi “tăng ba” với em ấy ra sao. Nếu bạn đang đi làm, và sếp giật giọng gọi bạn đến một cuộc nhậu để gặp các anh, thì chắc chắn bạn là “mồi nhậu”.

– Nếu bạn không có hứng thú ký hợp đồng bằng cách ngủ với sếp, thì bạn nên cho anh ta biết giới hạn của mình. Bạn có thể nói to lên giữa ban nếu anh ta đụng chạm. Tôi có một cô bạn, cô ấy hay la lên: “Anh ơi, anh làm gì kỳ vậy, sao anh sờ mông em, em không thích đâu!” – Nói to, tạo tín hiệu, gây ồn ào, làm dữ, là cách nữ nhân viên yếu thế có thể thực hiện ngay trong văn phòng để dằn mặt kẻ quấy rối.

– Bạn cẩn trọng không đẩy mình vào thế quá cần một điều gì mà anh ta có thể đem lại. Cần một liên hệ, cần ký giấy, cần chuẩn y cho đi công tác… là thứ rất dễ đẩy bạn vào vị trí con mồi. Hãy xác định rõ là bạn có thể tồn tại ở đó mà không bị anh ta chặn đường làm ăn hay không. Nếu không thể tháo gỡ, đã đến lúc bạn chuyển tòa soạn hoặc thu thập đầy đủ chứng cứ mình bị ngăn chặn tác nghiệp và tố cáo ồn ào trên cấp lãnh đạo. Lưu ý, văn hóa dung túng cho quấy rối tình dục ở các tòa soạn là vô cùng nặng nề, tôi không hi vọng sự tố cáo của bạn được giải quyết. Nhưng sự tố cáo của bạn là cú gầm gừ đe dọa của con mồi, để con thú đi săn biết sợ mà dừng lại, hoặc ít ra cũng dè chừng hơn với những nạn nhân nhỏ tuổi hơn kế tiếp sau bạn.

– Hãy nhớ đến kẻ muốn quấy rối bạn trong cơ quan như thằng biến thái đi trong siêu thị chực chờ vỗ mông bạn. Bạn không phải sợ nó, vì bạn có cả một cơ thể cần bảo vệ. Nó mới là người phải sợ bạn, vì nó đang xâm hại bạn. Bạn la lên, kêu cứu, khóc lóc, cần giúp đỡ… đều là làm đúng. Bạn không phải một cô gái xấu, tồi tệ, dơ bẩn. Bạn chỉ đang nỗ lực bảo vệ bản thân và nhân phẩm. Khi bạn la lên và kêu cứu, xã hội sẽ nhìn thấy kẻ xấu đang làm hại bạn. Nó cần phải bị nêu tên, chỉ mặt và không thể tái phạm lần nữa.

– Nếu bạn là một đồng nghiệp vô can, xin đừng đánh giá nhân phẩm của những nữ phóng viên bị quấy rối. Đừng dùng những cụm từ như “nó cũng thích mà”, hay “tham vọng lắm thì chịu”… như bạn tôi từng bị nói. Tham vọng nghề nghiệp là một quyền bình thường. Yêu thích và làm tình với một người cũng là bình thường. Còn hành vi bị cưỡng buộc phải quan hệ với đó vì bị ép, bị đòi hỏi, không ưng thuận… đều là bị quấy rối hoặc cưỡng hiếp. Và họ là nạn nhân. Với những kẻ quấy rối, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, đừng đứng ngoài nhìn xong phán xét như thể bạn chả bao giờ có thể lâm vào tình huống đó. Đừng dung dưỡng cho sự quấy rối bẩn thỉu lên ngôi bằng cách nói nạn nhân “suy nghĩ quá”, hay “có gì nghiêm trọng đâu”.

Và cuối cùng, là một cá nhân nữ giới, tôi không yêu thích việc nữ giới trở thành “mồi nhậu” trong không gian tác nghiệp của tòa soạn báo, nơi các phóng viên hàng ngày xuất bản tin tức để bảo vệ người nghèo, nạn nhân xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành… xong sau đó hết bản tin trở về tòa soạn, các sếp bèn đi quấy rối nhân viên của mình mua vui.

Những phóng viên trẻ hơn giờ đây có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Và bạn có thể hoàn toàn từ chối chốn làm việc như vậy và xứng đáng có môi trường làm việc an toàn hơn.

Không gian tòa soạn dung dưỡng cho quấy rối tình dục không phải là nơi đẹp đẽ để yêu nghề.

Khải Đơn

--------------------------------------


Ngay khi Tuổi Trẻ đăng bản tin tạm đình chỉ công việc nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa), trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ để làm rõ những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến nhà báo này thì trên mạng xã hội, một nickname có tên Kim Ngan tự xưng là nữ CTV từng làm việc tại Báo Tuổi Trẻ sau nhiều năm im lặng, đắn đo mãi giờ quyết định lên tiếng về việc từng bị “sếp” Văn phòng Sông Tiền của báo quấy rối tình dục buộc phải nghỉ việc.

Thật tình mà nói, chưa bao giờ thấy Tuổi Trẻ đăng một bản tin thiếu công bằng với bạn đọc như vậy. Tuổi Trẻ chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh “chuyện của chính mình” khi chỉ xoáy mạnh vào chi tiết nữ CTV không phải tự tử như thông tin lan truyền trên mạng xã hội mà không nói rõ cho bạn đọc biết “chuyện gì liên quan đến nhà báo Anh Thoa mà mạng xã hội đang lan truyền vậy”? Chẳng lẽ, nếu nữ CTV này bị hiếp dâm mà không tự tử thì Tuổi Trẻ không quan tâm sao. Nhưng thôi, đó chỉ là tiểu tiết.

Không nên nghĩ rằng, những người đã và đang yêu mến Tuổi Trẻ muốn gì ở tờ báo này. Ngay cả những “nạn nhân” đã lên tiếng, chưa lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng ở góc độ “tâm sự riêng” với đồng nghiệp, cũng không ai muốn người nào đó ở Tuổi Trẻ bị kỷ luật. Họ chỉ mong qua câu chuyện của họ, những đồng nghiệp nữ khác sẽ không vướng phải tình trạng này.

Đa số các bạn trẻ khi mới bước từ trường đại học ra, tìm đến với Báo Tuổi Trẻ xin việc làm, đều cảm thấy bản thân như sắp được bước vào một thánh đường. Gia đình, bạn bè họ đều cảm thấy tự hào và rất yên tâm tin tưởng. Ngay cả những nhà báo đã làm việc ở Tuổi Trẻ bây giờ về hưu kể lại vẫn còn nguyên cái cảm xúc, niềm tự hào, có người đã bật khóc khi nhắc đến giây phút được Báo Tuổi Trẻ chính thức nhận vào làm việc. “Thánh đường Tuổi Trẻ” ấy, chính là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ khi mới bước chân vào đời.

Nhưng giờ nhiều đồng nghiệp lâu năm ở “thánh đường” ấy còn bức xúc hơn cả người bên ngoài vì chứng kiến ở đó tồn tại một “cái ổ” quấy rối tình dục. Không ai có thể ngờ, chuyện quấy rối tình dục không chỉ xuất hiện ở phòng truyền hình mà còn xuất hiện ở một số ban khác nữa. Chuyện này nó âm ỉ từ lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ mới đổ vỡ. Đến nỗi nhiều cán bộ có uy tín và tâm huyết đang làm việc ở Tuổi Trẻ đã trực tiếp báo cáo BBT về tình trạng này. Ngay cả những chú bảo vệ gác cổng của toà nhà Tuổi Trẻ cũng bức xúc lên tiếng vì thấy các anh “sếp” phòng, ban thường đi nhậu về, khệnh khạng vào cất xe lấy nón bảo hiểm rồi bắt tụi nhỏ phóng viên thực tập chở đi chơi.

Chuyện này nếu đem ra hỏi BBT Tuổi Trẻ có biết không? Rõ ràng là họ có biết nhưng vì “sĩ diện Tuổi Trẻ” mà sự việc đã bị lờ đi và cứ thế tình trạng “quấy rối tình dục” được xem như chuyện bình thường ở huyện ngay tại “thánh đường”.

Một đồng nghiệp Ngọc Bảo Châu bức xúc, không có một cơ quan nào, một đồng nghiệp nam nào lại bắt đồng nghiệp nữ đi hầu rượu, ép các CTV nữ mới vào xin việc đi phục vụ thú vui cho mình cả. Làm gì có một cơ quan báo chí nào hễ thấy nữ CTV đến thực tập xin việc là kéo đi uống rượu. Làm gì có tờ báo nào lăng nhăng, “sếp” phòng, ban suốt ngày cứ bắt mấy đứa trẻ con đi hầu rượu? Nhưng dường như nó được xem là văn hóa kết nối và đoàn kết trong công việc ở môi trường Tuổi Trẻ. Ai cũng biết, một “sếp” phòng, ban ở Tuổi Trẻ quyền lực như thế nào. Muốn được duyệt tin, bài hay muốn lên sóng truyền hình Tuổi Trẻ thì “sếp” phòng ban bảo, mấy đứa trẻ con mới vào xin việc có đứa nào dám không nghe theo?

Câu chuyện của một nữ CTV vừa mới chia sẻ trên mạng ở Văn phòng Sông Tiền và âm ỉ câu chuyện của nhiều nữ CTV khác “tố” sếp phòng, ban cũ của mình, nó chưa lộ ra thôi cũng đủ làm nhiều đồng nghiệp nghe mà nhức nhối.

Nhiều đồng nghiệp kể rằng, chuyện một số “sếp” phòng, ban nhậu say nửa đêm đến gõ cửa phòng trọ nữ CTV, phóng viên thực tập là chuyện bình thường. Nó trở thành một thứ quái thai bệnh hoạn. Tụi nhỏ đi làm báo chứ có phải đi làm cave đâu mà đi hầu rượu qua đêm?
Tụi nhỏ mới ra trường, khổ chết cha. Lương CTV thì ba đồng ba cọc, nhuận bút thì phập phồng không biết có được đăng tin, bài không để mà lãnh, mà cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Nhưng đó là tiền “mua gạo thổi cơm”, trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng. Nếu không phục tùng trưởng ban, có khi miếng cơm của tụi nhỏ cũng không còn.

Chuyện này không phải Tuổi Trẻ không biết, mà hệ lụy của nó kéo dài là do Tuổi Trẻ cứ giấu diếm mãi. Không phải chúng tôi ghét bỏ gì đồng nghiệp để nói thẳng ra điều này. Nhưng đây là một vấn đề nhức nhối bao nhiêu năm tồn tại mà được không bung bét ra.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đồng nghiệp gọi trụ sở Tuổi Trẻ (dù chỉ là gọi vui) là Lầu Xanh. Mọi chuyện đều có nguyên do của nó cả.

Một đồng nghiệp lâu năm ở Tuổi Trẻ kể rằng, cách đây vài năm, một hầm cầu ở Lầu Xanh bị nghẹt, đơn vị rút hầm cầu đến hút ra vài trăm cái bao cao su. Nó là câu chuyện có thật 100% mà nhiều cán bộ làm việc lâu năm ở Tuổi Trẻ đều biết.

Cho đến khi câu chuyện nhà báo Anh Thoa bị “tố” hiếp nữ CTV lan truyền trên mạng, dù chưa biết có bằng chứng hay không, thì nó đã làm đổ vỡ niềm tin của những người yêu mến Tuổi Trẻ. Câu chuyện này, nó không còn dừng lại và được khoả lấp bởi “sĩ diện của một tờ báo lớn” nữa. Sĩ diện của một tờ báo lớn, nó không thể bằng nhân phẩm của một nữ CTV.

Nếu hỏi Ngọc Bảo Châu rằng, có yêu mến báo Tuổi Trẻ không? Ngọc Bảo Châu sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng, rất yêu mến tờ báo này. Và Ngọc Bảo Châu tin rằng, rất nhiều người ở đất nước này cũng sẽ trả lời như thế. Nếu ai đó hỏi Ngọc Bảo Châu rằng, có quý mến đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ không? Ngọc Bảo Châu cũng sẽ trả lời rằng, rất quý mến nhiều đồng nghiệp làm báo tử tế hiện đang làm ở Tuổi Trẻ. Họ là một tập thể làm báo tử tế và rất có tâm với xã hội, với đất nước này.

Nhưng thật đáng tiếc, không hiểu vì một thứ gì đó như là “sĩ diện hão” hay là do chỉ vài kẻ không ra gì đang chui rúc ở những vị trí quan trọng ở Tuổi Trẻ nhưng không bằng chính năng lực của mình, đã ngụy biện để coi những góp ý thẳng thắn của đồng nghiệp yêu mến Tuổi Trẻ là do ganh ghét chăng?

Ngọc Bảo Châu nghĩ rằng, để chấm dứt câu chuyện này, Tuổi Trẻ cần phải dũng cảm nhìn lại một lần. Lần này là cơ hội để Tuổi Trẻ nhìn rõ lại mình. Ít ra thì cũng phải có được quy chế cấm tiệt các sếp phòng, ban bắt tụi nhỏ phải đi hầu rượu như một thứ văn hoá quái thai của sự đoàn kết.

Hình :




*
*
Bài của nhà báo Ngọc Bảo Châu
Câu chuyện Tuổi Trẻ: Từ thánh đường đến lầu xanh!
Ngay khi Tuổi Trẻ đăng bản tin tạm đình chỉ công việc nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh...

------------------------------


"B ơi, em gọi cho chị đi để chị lấy cớ bận không phải đi cf với ông ấy (sếp 1 tờ báo - nơi tôi từng làm việc)."
"B ơi, đâu rồi. Gọi đi. Chị cần ra khỏi chỗ này ngayyy...."

Nhiều phút trôi qua, em tôi vẫn không online, vẫn chưa seen tin nhắn của tôi. Đã nhiều lần như thế. Tôi ở lại và ngồi nghe những lời tán tỉnh của ông ấy.

Một lần khác, ông ấy vuốt tóc, xoa đầu tôi. Văn phòng buổi tối, chỉ còn mình tôi.

Sợ hãi và giận dữ nhưng tôi chỉ dám chửi thề sau khi ông ấy ra khỏi phòng.
Tôi thấy tóc mình bị bẩn. Người mình nhơ nhuốc.

Tôi nhắn tin cho một chị đồng nghiệp. Chị ơi, ông ấy lại vừa đến bàn em. Chị nghĩ cách gì để ông ấy không để ý em với. Em muốn yên ổn làm việc. Em không muốn rời chỗ này. Em rất sợ người trong toà sạn nhìn thấy cảnh ổng đùa cợt với em. Mọi người sẽ gossip rồi đồn em cặp với ổng như bạn X, bạn N bị. Em sợ mang tiếng mấy chuyện như này lắm... Em thấy có lỗi với chính mình vì đã không dũng cảm phản ứng lại...

Có một sự thật là tôi đã quá hèn nhát. Đó cũng là điều làm tôi tổn thương nhất. Tôi nghi ngờ chính mình khi không phản ứng lại những lời đùa quá trớn của ông ấy.

Tôi tra định nghĩa từ harass để xem có thật sự mình bị harass không hay do mình nghĩ quá nhiều, mình quá nhạy cảm. Tôi đã từng ngây thơ nghĩ hành động sờ soạng hay gạ tình mới bị xếp vào quấy rối và ngu ngốc xem những lời "qua ngủ phòng anh đi cho tiết kiệm tiền nè", "đi chơi với anh đi anh làm cho hết mệt"... chỉ thuần là những dạng bông đùa vô duyên, thiếu muối.

Một người bạn sau khi nghe tôi kể chuyện thì giục tôi share chuyện của mình như cách các sao Hollywood đang làm phong trào #MeToo.

Tôi ậm ừ cho qua chuyện.

Tôi sợ một góc đen tối trong con người mình bị phơi bày. Tôi đã không dám phản ứng lại sếp, nghĩa là tôi đã phần nào thoả hiệp. Tôi sợ ai đó nghi ngờ phẩm giá của mình.

Tôi sợ người thân sẽ lo lắng về nghề tôi đang theo.

Tôi có thể đi chỗ này chỗ kia, viết về chuyện doanh nghiệp quỵt lương công nhân, về đề án giáo dục lãng phí, về sự lạnh lùng, vớ vẩn của nhiều chính sách... nhưng rốt cuộc tôi vẫn không dám đương đầu với những kẻ tỏ ra nguy hiểm "chắc con đó thế nào mới như thế".
Tôi sợ ai đó phủ sạch cố gắng của mình trong những năm qua vì cho rằng tôi hạ mình để được nâng đỡ.

Tôi sợ xã hội sẽ có thêm định kiến về nữ phóng viên như nhiều năm trước tôi từng bị đối xử.

Hơn hết, tôi muốn tránh xa ồn ào, chuyên tâm làm việc của mình.
...
Cho đến sáng nay.
....
Cho đến lúc này...

Một CTV của Tuổi Trẻ nghi tự tử do bị một trưởng ban hãm hiếp.


Tôi vào tất cả các tờ báo máu mặt hiện nay ở Việt Nam để xem có tờ nào đưa tin.
Không một dòng tin tức!!!
Tất cả đều im lặng

Ở đó có những người sếp, những nhà báo lớn tôi từng xem là hình mẫu để mình học tập. Họ đã viết những bài báo về chống tham nhũng, về chiến tranh biên giới..., tác nghiệp ở nhiều nơi mà phóng viên trẻ như tôi thèm muốn lẫn ganh tị. Họ thụ hưởng nền báo chí phương Tây, có quan hệ với nhiều chuyên gia sừng sỏ trong và ngoài nước.

Nhưng thì sao? Ok.
Không được đánh đồng nghiệp.
Không được đánh báo bạn.

Nếu em gái đó làm một ngành khác, hẳn tối qua, nhiều đồng nghiệp của tôi đã có một đêm không ngủ ở bệnh viện. Các anh chị thư ký toà soạn, biên tập sẽ hối thúc tin bài, và giờ các anh chị sẽ đá đít phóng viên ra khỏi toà soạn nếu vẫn chưa có tin update tình hình em ấy như nào.

Nếu phụ nữ chúng tôi làm một nghề khác, có việc gì xảy ra sẽ có báo chí phanh phui. Nhưng không may thay, chúng tôi làm báo nên có bị hiếp thì cũng sẽ chết trong im lặng???

Tôi tin, không riêng gì nghề báo, nghề nào cũng sẽ có vài thằng khốn. Có điều, khi bạn là phóng viên (ở Việt Nam), bạn sẽ không bao giờ có cơ hội được đồng nghiệp cho làm nhân vật trong một bản tin hiếp dâm nào, nếu nghi phạm là tổng biên tập, thư ký toà soạn, trưởng ban....

Tôi không thích ai đó gọi đây là nghịch lý của nghề báo. Đó phải là sự thất bại của nền báo chí này thì đúng hơn.

Viết những dòng này, tôi đã rất cân nhắc vì sợ ảnh hưởng đến những nơi tôi đã từng làm việc. Ai đó có thể ghét tôi và chửi tôi hám fame. Ai đó vào đạo đức bảo tôi dễ dãi, "phải như nào mới bị thế". Tôi cũng có thể gặp rắc rối sau post này. Nhưng đó là việc của họ. Cuộc đời quá ngắn để nghĩ đến những đống rác. Trong khi, với những thông tin tôi có được, thì hầu hết các cơ quan báo chí đều có ít nhất một con lợn, các bạn ạ.

Nếu tôi im lặng, một lần nữa, chẳng khác nào tôi lại thoả hiệp với cái ác, sự khốn nạn này.
Sẽ có lúc, ở một toà soạn khác tôi sẽ tiếp tục là nạn nhân.

Sẽ có lúc, những đứa em gái đang làm báo của tôi, những nữ đồng nghiệp lúc nào cũng tận tâm với nghề như bọn bạn tôi sẽ là nạn nhân tiếp theo giống như cô bé kia. Và không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua...

Tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên đây, với mong muốn có chị nhà báo nào có thể kêu gọi liên hiệp nữ phóng viên làm phong trào #MeToo. Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục ở toà soạn, hãy phản hồi post này bằng #MeToo

Không quét sạch bọn khốn kia thì ít nhất chúng ta cũng đã không im lặng. Chúng ta đã không im lặng trong nhiều sự vụ bị dán mác nhạy cảm, đụng chạm, vậy tại sao chúng ta lại không lên tiếng bảo vệ bản thân mình.

Còn nữa, dear các nhà báo lớn đáng kính, nếu trót lỡ các anh chị ở trong một tập thể mà hành vi quấy rối tình dục được bao che, dung dưỡng thì cũng không có nghĩa là các anh chị vô can nhé! 
Để một con lợn yên vị nhiều năm trên ghế, ngoài sự giúp sức của ban tuyên giáo hay thế lực nào đó thì còn cần cả sự im lặng, thờ ơ của mỗi anh chị.



-----------------------------------------

Natalie Nga Lê đã chia sẻ một bài viết.
6 giờ · 
*'Một CTV của Tuổi Trẻ nghi tự tử do bị một trưởng ban hãm hiếp', nhưng không có báo nào đưa tin? *

Bài viết này (nguyên văn bên dưới) do nhà báo Bảo Uyên viết nên có đúng sự thật không?

Tôi mong những nhà báo có lương tâm hãy lên tiếng để dư luận được biết sự thật. 

Nếu đây là sự thật, thì báo Tuổi Trẻ Cười của các anh chị có dám vẽ tranh biếm họa về sếp/ đồng nghiệp của mình hay không? Hay các anh chị chỉ thích vẽ biếm họa về những vấn đề bên ngoài nội bộ?

Đã đến lúc chúng ta có làn sóng #Metoo ở Việt Nam. Nếu bạn là phụ nữ, thì hãy lên tiếng để bảo về những người phụ nữ khác và chính bạn.


Nếu bạn là đàn ông, thì đừng quên rằng có thể, vợ, mẹ, em gái, bạn gái bạn sẽ cũng có thể đã và sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Nếu bạn là bạn của tôi, xin hãy chia sẻ thông điệp này vì một xã hội tiến bộ, văn mình và tôn trọng phụ nữ.








No comments:

Post a Comment