Wednesday, April 4, 2018

KHI BẠN KHÔNG BIẾT LÀM GÌ (FB Luân Lê)





Khi tôi viết vừa khuyến khích vừa đề nghị mọi người dân là hãy quan tâm đến hiện tình xã hội và đất nước vì đó là cuộc sống của chính bản thân mỗi người mà mỗi ngày họ phải đối diện và gánh vác nó.

Nhưng có hai câu nói tôi thường nhận được khiến vấn đề bật lên rất rõ ràng ở đây.

Câu đầu tiên là: Quan tâm làm gì, có được gì hay liên quan gì không, chỉ mệt thêm, hơi đâu mà lo?

Câu thứ hai dạng kiểu: Ừ thì biết đấy, quan tâm đấy, nhưng rồi phải làm gì, chẳng lẽ cứ ngồi đó mà kêu la hay sao? Nói mãi có giải quyết được vấn đề không?

Những câu bình luận kiểu dạng đó, nếu đối mặt với một đứa trẻ ở phương Tây, nó sẽ cười cợt bạn vì những tư duy như vậy lại tồn tại trong một hình hài con người đã trưởng thành về thể lý nhưng tri thức lại thua cả một đứa trẻ chưa đến tuổi tới trường.

Vì những điều đó tố cáo rằng, các bạn đã không được giáo dục và chỉ dạy để hiểu về chính cuộc sống của mình, không được dạy về những giá trị mà bạn cần phải quan tâm mà người khác phải tôn trọng, không được dạy về các quyền con người và vị thế của bạn đối với chính quyền cũng như với những người khác, không dạy bạn cách đấu tranh và cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà những người dù đã trưởng thành về tuổi tác nhưng lại hoàn toàn không biết mình có quyền gì, phải làm sao và bằng cách nào để xử lý những thứ đang đặt ra và đòi hỏi trong đời sống thường nhật.

Nếu bạn không biết quyền của mình và nghĩa vụ của chính quyền, nếu bạn không được chỉ dạy về cách để giải quyết vấn đề, không được dạy về chính cuộc sống của mình đang sống, thì bạn đương nhiên sẽ trở thành nô lệ của nó mà vẫn cảm thấy mình rất vui vẻ và ổn thoả. Và các bạn sinh ra, lớn lên và đến trường không phải để học về thực tiễn cuộc sống, mà được dạy để né tránh và rời xa chúng, nên tất cả những vấn đề ngày càng chồng chất lên nhưng các bạn vẫn không có cách gì giải quyết ổn thoả nó, không tìm biện pháp hay có phương cách đấu tranh để triệt tiêu nó hoặc làm nó tốt hơn lên.

Hai dạng câu nói trên, là chứng tỏ bạn đã không được giáo dục gì về cuộc sống của một con người đúng nghĩa và thiết thực. Vì khi bạn được chỉ dẫn, được truyền đạt để hiểu và khi bạn quan tâm đến nó, chắc chắn bạn sẽ biết cách để giải quyết nó, chứ không thể đưa ra những ngôn từ vừa thể hiện sự hèn nhược vừa tố cáo sự ngu dốt đến bất lực như thế hay là rồi sẽ im lặng và tìm cách trốn chạy khỏi vấn đề.

Giống như vậy, nên các giáo viên ở nhiều tiểu bang của Mỹ, đã đồng loạt biểu tình để yêu cầu chính quyền phải đáp ứng các đòi hỏi của họ, mặc dù lương của họ thuộc vào hàng cao nhất thế giới hiện nay, khoảng 1.2 tỷ đồng một năm. Hay hỏi một đứa trẻ ở Hoa Kỳ, rằng nó muốn làm gì, nó sẽ trả lời là trở thành tổng thống hoặc nghị sỹ khi lớn lên; và nếu hỏi rằng nó có quyền gì, nó sẽ nói cha mẹ, thày cô hay chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm các quyền năng của nó, không được xâm hại, dù chỉ là mắng chửi; nó có quyền lên tiếng chỉ trích chính quyền, những lãnh đạo cao nhất hoặc có quyền phế bỏ chính quyền khi nó không làm tốt chức phận của mình; nó sẽ đến thẳng Nhà trắng và nói với Trump rằng, ông tồi lắm, ông cần phải bị thay thế và hãy để người khác lên. Người dân có quyền xuống đường và yêu cầu chính phủ không được làm thế này hoặc phải làm thế kia. Người dân có thể kiện cả những đạo luật của quốc hội (nghị viện) hay tổng thống mà không e sợ bất cứ điều gì. Người dân được lập đảng phái và tham gia vào đời sống chính trị một cách độc lập theo Hiến pháp và luật định. Người dân có quyền tuyên bố chống lại những đường lối, chính sách hay các hoạt động của chính quyền một khi không hài lòng hay phản đối nó.

Còn xã hội chúng ta ư. Ai cũng im lặng hoặc là nhìn nhau thầm hỏi: Chúng ta sẽ phải làm gì?











No comments:

Post a Comment