Thursday, April 26, 2018

CỰU NHÀ BÁO THỜI CHIẾN : "TÔI KHÔNG NGHĨ CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC" (RFA)




RFA
2018-04-26

Thưa quý vị, như vậy chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 30/4, ngày kỷ niệm chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc. Sự kiện này được nhắc đến với rất nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên theo nhận định của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chính phủ Hà Nội thì đây là ngày triệu người vui nhưng cũng triệu người buồn.

Mời quý vị cùng theo dõi buổi trò chuyện giữa RFA và ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo của RFA với bút danh Nam Nguyên, đồng thời ông cũng là một trong những phóng viên thời chiến tranh Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo RFA với bút danh Nam Nguyên, trò chuyện cùng RFA nhân sự kiện 30/4. RFA

RFA : Xin chào nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975?

Nhà báo Nam Nguyên: Trong tuần lễ cuối cùng, những sự kiện quan trọng gồm có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, rồi phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng cũng chỉ được 5 ngày thì trao nhiệm cho Đại tướng Dương Văn Minh với hy vọng Đại tướng Minh có thể hòa giải với phía bên kia để ngăn tình trạng sụp đổ của miền Nam và có thể là thành lập một chính phủ liên hiệp chẳng hạn.

Ngày 28/4/1975, tôi làm truyền thanh trực tiếp (live) từ dinh Độc Lập lễ trao nhiệm cho Đại tướng Dương Văn Minh để lãnh nhiệm vụ Tổng thống. Các bạn chắc cũng lấy làm lạ lùng vì sao có thể trao nhiệm tại vì thường nếu Tổng thống xuống thì Phó Tổng thống lên, Phó Tổng thống xuống nữa thì người Phó của ông này sẽ lên, không có người đó thì Chủ tịch Thượng viện phải lên. Nhưng đây lại là trao nhiệm, có nghĩa là Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa rất minh bạch, rành rọt nhưng nó đã không được thi hành kể từ ngày 28/4.

Khoảng 5 giờ chiều hôm đó diễn ra lễ trao nhiệm, có vẻ như chính phủ của Đại tướng Dương Văn Minh coi chuyện này là nghiêm túc, không phải nhận công việc này để đầu hàng. Có thể Đại tướng Dương Văn Minh là một nhà quân sự nên ông ấy biết tình hình như thế nào.

Phòng tuyến Xuân Lịch mất rồi, sư đoàn 18 vỡ, ông tướng Lê Minh Đảo đã giữ được 10 ngày rồi mà ông ấy rất anh hùng, báo chí thế giới cũng ca tụng ông ấy.

Cái nghề báo là không được xúc động. Phải nói là tôi đã rất cố gắng để dặn mình không được xúc động nhưng cuối cùng trong khi tường thuật live tôi đã bình luận một câu. Nhưng câu đó thành ra lại được nhiều người biết đến. Họ nhắc lại câu tôi nói: “Vào lúc này trời âm u đổ mưa, cũng giống như tình hình của đất nước vậy!”

Khi tôi về đến đài sau buổi chiều hôm đó là đã thấy lộn xộn lắm rồi. Máy bay đã bay vô oanh kích ở Tân Sơn Nhất. Ngay ở đài tôi nhìn ra, có những máy bay đi ngang đó thì ở dưới người ta bắn lên. Có thể bắn cả những máy bay tôi thấy không phải của bên kia. Tình hình lúc đó rất khó khăn.

Đó là dấu ấn ngày 28/4. Ông Tổng thống Dương Văn Minh thực tế chỉ tại chức 36 tiếng đồng hồ.

Tới ngày 30/4, trong đài tôi được ông Tổng trưởng Thông tin mới gọi điện yêu cầu cử người qua để thu thanh một bản hiệu triệu của Tổng thống Dương Văn Minh. Thu xong phải phát vào lúc 10 giờ, nếu không phát đúng giờ thì Sài Gòn sẽ biến thành một biển máu. Hôm đó tôi không ở trong đài, nhưng sau này tôi hỏi thì họ nói là ông Lê Phú Bổn, phóng viên trẻ tốt nghiệp trường báo chí Vạn Hạnh là người được cử đi thu thanh. Và người kỹ thuật viên đi cùng là ông Hồ Ổn. Hai người đi qua Phủ Thủ tướng ở đầu đường Thống Nhất thu và mang về phát. Những ngôn từ rất chững chạc, cũng với nội dung đầu hàng thôi, Đại tướng Dương Văn Minh nói rằng mọi người buông súng, quân đội ở đâu thì giữ nguyên ở đó để chờ người đại diện phía bên kia đến và bàn giao trong trật tự. Tôi thấy cách ông ấy đầu hàng như vậy cũng rất hợp lý. Khi bản thu thanh loan ra được một thời gian ngắn thì quân đội Bắc Việt mới tiến vào dinh Độc Lập. Câu chuyện đến đoạn này thì có nhiều điểm không rõ trong lịch sử, mỗi người nói một kiểu. Ông Bùi Tín thì nói rằng lúc đó vào trong dinh chỉ có cấp cao nhất là đại úy xe tăng, còn lại là nhỏ hơn, chưa có ông Chính ủy của đoàn đó. Bây giờ báo chí người ta cũng nói ông Chính ủy này có thể đến lúc kéo cờ lên rồi ông ấy mới tới.

Họ nói không chấp nhận lời đầu hàng ban đầu, đòi rằng bây giờ ông phải nói ông đầu hàng vô điều kiện bởi vì chính quyền của ông tan rã rồi, không có gì để bàn giao. Tôi thấy điều này cũng hơi cay đắng, bởi vì không nhất thiết phải như vậy vì người ta đã chấp nhận đầu hàng rồi, bây giờ làm mọi việc có thể để tránh đổ máu thôi. Những người cán binh Cộng sản lúc đó đã rút súng và nói ông phải đọc lại bản mới và đi thu. Thế rồi họ chở ông ấy tới đài phát thanh để thu bản đầu hàng mới.

Trước khi ông Minh tới đài thì ông Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã tới rồi. Người hoàng viên (tên gọi người thu thanh lúc bây giờ) là một phụ nữ, đã quá sợ hãi, có lẽ vì lần đầu tiên trông thấy bộ đội nón cối, súng ống, trong khi ông Tổng thống gần như bị áp đảo. Cô ấy sợ hãi quá, chân tay run lẩy bẩy không thu được. Có một nhà báo ngoại quốc ở đó, đã dùng cát-sét để thu. Một lúc sau ở phòng thu phụ người ta trấn tĩnh lại và thu được bằng băng lớn.

Đó là lời đầu hàng vô điều kiện và có lời chấp nhận lời đầu hàng đó của phía bên kia. Sở dĩ tôi phải kể dài dòng như vậy là vì có hai bản tuyên bố đầu hàng. Lần thứ nhất do ông Dương Văn Minh soạn thảo và đi thu. Lần thứ hai ông ấy bị áp giải đi thu. Nhiều người thắc mắc tại sao phải kể những chi tiết đó làm gì, nhưng tôi nghĩ rằng đối với lịch sử, sự thật quan trọng hơn sự kiện. Trong cuốn sách “Đại Thắng Mùa Xuân” của ông Văn Tiến Dũng, ông ấy nói đài Sài Gòn bỏ trống không còn một ai nữa. Quân ta (tức là quân Bắc Việt) đã vô thoải mái. Nhưng điều đó không đúng! Chính phủ không phải đã tan rã. Quân đội có thể mất phòng tuyến này hay phòng tuyến kia, nhưng đài tiếng nói quốc gia lúc đó vẫn còn.

Trong tháng 4 tôi còn có một kỷ niệm nữa không quên được. Khi Đà Nẵng mất, chắc khoảng 28/3, hôm đó tôi đang trực sở thời sự, thì ở dưới phòng kỳ thuật họ nói tôi xuống nói chuyện với đài Đà Nẵng. Ông quản đốc của đài Đà Nẵng, anh Huỳnh Quy, có vẻ mất bình tĩnh và giọng xúc động lắm.  Anh ấy hỏi “Tiến ơi mày có thể cứu được tao và các nhân viên của tao không?” Tôi cũng biết mình không thể giúp được gì, nên chỉ trấn an anh ấy thôi. Anh ấy bảo đang bị kẹt ở trong đài không thể ra được. Chúng tôi đang tìm cách giúp anh ấy, thì khoảng 15 phút sau anh ấy gọi lại bảo rằng “Tiến ơi không còn hi vọng gì nữa rồi, đã trông thấy họ ở ngoài hàng rồi.” Anh ấy chào vĩnh biệt, rồi về sau tôi không biết anh ấy như thế nào nữa. Đó là câu chuyện ám ảnh tôi hoài.


RFA: Qua những cảnh tượng ông được chứng kiến khi làm những phóng sự chiến trường, ông suy nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh Việt Nam?

Nhà báo Nam Nguyên: Đây là một câu hỏi lớn, tôi chỉ nêu ra suy nghĩ của một người phóng viên đã trải qua cuộc chiến thôi.

Tôi thấy rằng giá không có cuộc chiến này thì tốt hơn. Khi kết thúc cuộc chiến vào ngày 30/4, đã có tổng cộng khoảng 2 triệu người miền Bắc và miền Nam chết, hàng trăm ngàn người bị thương, không đếm xuể những người còn sống nhưng cụt tay, cụt chân của cả hai bên. Và cuộc chiến tranh đó mục đích là gì, giữa cùng là người Việt Nam với nhau? Bản thân tôi cũng có một phần gia đình ở miền Bắc. Tôi cũng sinh ra ở Hà Nội.

Nói không có thì tốt hơn là vì giả dụ ngay cả khi chưa có Điện Biên Phủ, cứ để nguyên thì chậm nhất đến thập niên 60, tất cả những nước có thuộc địa đều phải trả lại cho người ta hết, bang giao tốt đẹp, buôn bán làm ăn với nhau mà không bị chết người.

Trận chiến Điện Biên Phủ dành độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi như đã thành công, đưa đến Hiệp định Geneva chia hai miền đất nước. Giá mà dừng ở đó thì vẫn còn tạm ổn. Nhưng đằng này, chỉ vài năm sau, miền Bắc bắt đầu mang quân gây chiến, rồi chuyển vũ khí vào trong miền Nam với lý do Tổng tuyển cử đã không diễn ra như Hiệp định Geneva nên phải đánh. Miền Bắc đã chuẩn bị chiến tranh ngay từ lúc đó rồi.

Trên chiến trường khốc liệt quá! Những gì tôi được chứng kiến, nhận xét về quân sự cả hai bên, binh sĩ binh lính của cả hai bên rất can trường, anh hùng và sẵn sàng chết để phục tùng lệnh từ trên. Khi tôi và đồng nghiệp vào mặt trận An Lộc bằng máy bay, chưa kịp nhảy xuống thì khói đã bốc lên trên máy bay rồi. Trông thấy bãi đáp Khánh Ly rồi mà bị đánh bom phải lượn ra luôn. Tôi thấy bay được có một khúc là may bay bị rớt rồi, và ngay lập tức họ bắn hủy máy bay đó. Thế là chúng tôi vẫn chưa vào được An Lộc. Nhưng cuối cùng kiên trì tôi và một người phóng viên tên Dương Phục cũng đã vào được.

Đi đến đó thì thấy thành phố An Lộc không còn một căn nhà nào nguyên vẹn hết. Toàn bộ là gạch vụ và một vài bức tường. Chúng tôi đến bộ chỉ huy của ông tướng Lê Văn Hưng, là vị tướng tử thủ ở đó để phỏng vấn, và coi như thành công.

Khi về lại không về được, cứ đi ra bãi đáp, máy bay cứ đáp xuống là phía bên kia họ pháo kích máy bay không xuống được. Chúng tôi không có cách gì để lên được, cứ đi ra đi vô mấy lần rồi lại phải quay lại. May mắn cuối cùng đài truyền hình họ đi trực thăng vào quay. Ông sĩ quan báo chí của ông Lê Văn Hưng, là ông đại úy Qúy, nói ông ấy sẽ đưa bọn tôi ra ngay khi máy bay truyền hình tới, chờ sẵn ở đó, máy bay hạ cánh là nhảy lên liền. Tôi cũng làm như vậy, và đội truyền hình đã cứu mạng tôi. Nếu không, tôi sẽ phải ở lại trong đó không biết đến bao giờ.

Đến ngày 6/7 tôi được lệnh chuẩn bị kỹ càng để đi công tác đặc biệt, nhưng không nói đi đâu. Đến ngày hôm sau họ chở tôi vào dinh Độc Lập, và chỉ tôi lên một chiếc máy bay. Trên đó chỉ có tôi, một người bên truyền hình, còn lại toàn các ông lớn. Tôi nghĩ chắc phải đi đâu ghê gớm lắm. Có một chiếc máy bay có ông Tổng thống và cả ông Hoàng Đức Nhã. Máy bay bên bọn tôi có ông đại tướng Cao Văn Viên là Tổng tham mưu trưởng. Tới nơi, tôi thấy rừng cao su và đất đỏ, tôi linh cảm là vào An Lộc. Tôi nghĩ ông Tổng thống này gan thiệt, vì An Lộc tới lúc này chưa có giải phóng. Đằng xa mình nhìn thấy bom đạn nổ dữ lắm, phi cơ oanh tạc các vùng cao điểm để hộ tống máy bay này. Câu chuyện này cũng để lại nhiều dấu ấn, và ông Tổng thống Thiệu cũng thành công trong việc thực hiện chuyến đi này.


RFA: Với nhiều người trẻ sinh sau năm 1975, thậm chí sau đến 20 năm, đã được mái trường Xã hội Chủ nghĩa dạy là cuộc chiến tranh Việt Nam này là để chống Mỹ cứu nước. Không biết nhà báo suy nghĩ như thế nào về quan điểm này của Chính phủ Việt Nam?

Nhà báo Nam Nguyên: Tôi nghĩ là trong lúc học các bạn tin vào những câu chuyện như vậy. Tôi không nghĩ là chống Mỹ cứu nước, Việt Nam Cộng Hòa khi đó được thành lập và được viện trợ từ Hoa Kỳ để xây dựng lại đất nước. Khi chưa có chiến tranh, miền Nam trù phú, sung túc lắm, xuất cảng rất là khá, đời sống rất cao, được ví là hòn ngọc Viễn Đông. Đến ông Lý Quang Diệu cũng từng nói thời đó chúng tôi cũng chỉ mong được như miền Nam Việt Nam thôi. Đời sống rất sung túc mà không hề có quân Mỹ ở đó. Sở dĩ người ta giúp Việt Nam Cộng Hòa là vì theo chủ thuyết Domino, nếu cứ để Cộng sản tràn dần thì sẽ mất hết, tất cả sẽ là Cộng sản hết nên họ muốn chặn lại theo ý nghĩa Việt Nam Cộng Hòa sẽ là tiền đồ của thế giới tự do. Chiến tranh bên kia quá lớn thì người Mỹ mới đem quân vào vì họ sợ mất.

Bên kia từ thời trước đã tuyên truyền nhiều, đặc biệt những năm xưa không phải giống như giới trẻ được biệt về miền Bắc sau này, thời trước miền Bắc khép kín không khác gì Bắc Hàn bây giờ. Người trong Nam chúng tôi không bao giờ được biết ngoài Bắc có cái gì, cũng không có hình ảnh luôn vì họ không cho người ngoài vào thăm, chỉ số ít những người thân chế độ mới được vào. Hình ảnh mà tôi biết được là khi ông Phạm Huấn ra Hà Nội công tác một ngày với một số phóng viên, họ có chụp một số hình ảnh và viết bài Một ngày tại Hà Nội. Hình ảnh rất nhiều và tôi cũng được xem. Khi xem, cảm giác Hà Nội y nguyên như hồi gia đình tôi di cư năm 1954. Không có thay đổi, không cất nhà thêm, trông nghèo nàn lắm. Ngoài đường phố ô tô không có, toàn xe đạp không à, và rất nghèo khổ rách rưới. Tôi hiểu miền Bắc họ dồn hết viện trợ vào chiến tranh và đời sống của người dân với họ không quan trọng. Một bên quan trọng đời sống của người dân, một bên làm sao thắng chiến tranh và tất cả dồn cho chiến tranh. Giáo dục từ nhi đồng, đều là tinh thần yêu tổ quốc, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đối với những người miền Nam nghe rất sáo rỗng và buồn cười, nhưng tôi hiểu người miền Bắc lúc đó tinh thần họ như một và họ tin cái đó. Và nhờ những cái dối trá đó đã đưa đến chiến thắng. Mục đích của họ là muốn đánh chiếm miền Nam thì tiền vào súng đạn hết. Dân đói, ăn độn, dùng tem phiếu một tháng được mua mấy lạng thịt hay một năm được mua mấy mét vải. Trong khi miền Nam là một thế giới khác. Bây giờ lại nói đi giải phóng miền Nam, cả những gia đình không phải Cộng sản và Cộng sản, đều có lấn cấn trong đầu bởi vì trong Nam họ sống quá sung sướng, đời sống cao. Phương tiện có rất nhiều, tất cả những tân tiến đã có rất sớm ngay trong thập niên 60.

Nói chống Mỹ cứu nước thì họ phải nói vậy vì họ rất nhất quán. Nghe mới đầu có thể không tin còn ngờ vực nhưng nghe hoài rồi cũng tin. Ông Hồ Chí Minh còn nói đại khái là nếu đánh thắng sẽ giàu mạnh gấp 10 lần năm xưa nên họ càng muốn đi đánh. Nhưng tôi không thể tin được họ có thể nói ra những điều như đi giải phóng miền Nam vì 20 năm người dân miền Nam sống dưới ách nô lệ của thực dân mới Hoa Kỳ, rồi chế độ ngụy,…mà toàn dân vẫn tin. Nên tôi phải bái phục người Cộng sản họ có những lý thuyết như vậy, nhưng trình độ người dân lúc đó không thoát ra được vì họ phải sống khép kín.

Nói đánh Mỹ cứu nước, nhưng ông Hồ Chí Minh là Cộng sản quốc tế từ thời ông qua bên Nga, bên Pháp. Và ông Lê Duẩn thì nói chúng ta đánh Mỹ là đánh luôn cho cả Trung Quốc và Liên Xô. Tức là họ muốn mở rộng chủ nghĩa Cộng sản ra toàn thế giới, đâu phải đánh Mỹ để cứu nước hay giải phóng miền Nam.


RFA: Sau năm 1975, có một khoảng thời gian nhà báo vẫn sống ở Sài Gòn dưới sự điều hành của Chính phủ Hà Nội. Vậy ông nhận thấy điểm khác biệt gì nổi bật ở thời kỳ đó so với trước năm 1975?

Nhà báo Nam Nguyên: Chúng tôi thấy mình ở dưới địa ngục. Những người giàu, kha khá thì ở tầng đầu địa ngục, còn những người nghèo thì ở tầng giữa, hay tầng đáy. Tôi khổ lắm. Khi giải phóng là tôi mất hết nghề nghiệp, rồi bị bóc lột lấy luôn tiền bạc bằng các trận đổi tiền giới hạn số tiền đổi. Nhiều người mất nhà mất cửa, và nền kinh tế suy sụp hoàn toàn vì áp dụng chính sách xã hội chủ nghĩa. Lúc đó ông Đỗ Mười bảo rằng kinh tế quốc doanh theo đúng xã hội chủ nghĩa là tốt nhất, ngăn sống cấm chợ. Lý thuyết của ông ấy là quốc doanh hết, tỉnh này xài không hết thì trung ương sẽ lấy mang đi tỉnh khác chia. Đại khái là kinh tế không có sự lưu thông. Thành ra miền Nam trong 10 năm đầu tiên tan hoang luôn. Nếu họ áp dụng kinh tế thị trường của miền Nam có kiểm soát ngay từ đầu, và đừng có đánh tư sản hay cướp giật của người ta để giải phóng, thì có lẽ không đến nỗi tệ. Về sau ông Võ Văn Kiệt nói rằng có sự tự kiêu của Cộng sản và đã bỏ phí những cơ hội mà để cho mãi đến khi đổi mới 1986 nhưng thực tế phải đến 1990 thì đời sống mới khá lên. Nhưng nó sẽ đến một ngưỡng nào đó thôi, bởi vì vẫn còn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nó nửa nạc nửa mỡ giống như độc tài chuyên chế nhưng do tổ chức của Đảng Cộng sản làm.

Những câu chuyện này xảy ra sau giải phóng thật đáng tiếc. Tôi muốn nêu thêm một ví dụ nữa, ở miền Nam năm 1965 dưới thời ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tức là Thủ tướng. Ông ấy có Chính phủ vì người nghèo, ông ấy đã làm một điều mà tôi thấy đến bây giờ Nhà nước Cộng sản vẫn chưa làm được. Ông ấy đã mở Tổng cục Tiếp tế và ở đó bán những thứ mà những người công chức quân đội có thể đến mua với giá rẻ, không có quota hay tem phiếu gì hết. Đặc biệt nữa là hữu sản hóa xe lam cho những người chạy xe lam, bán trả góp. Ông ấy đã thành công điều đó. Đối với cá nhân gia đình quân đội hay công chức, họ được mua trả góp hoặc trả hết. Chính phủ bây giờ còn chưa làm được điều đó cho quân đội hay công chức của mình. Và hữu sản hóa những cái như xe lam tôi thấy lại càng khó. Bây giờ thì họ đã thay đổi, nhưng lại nhiều vấn nạn sinh ra theo kiểu tư bản hoang dã, như lợi ích nhóm,…Cho nên tôi vẫn còn thương người Việt Nam mình lắm!

RFA: Xin chân thành cám ơn những chia sẻ của nhà báo!

--------------------

Tin, bài liên quan








No comments:

Post a Comment