Lê Phan
April
21, 2018
Hôm
Thứ Năm vừa qua, cô bé Maile Pearl Bowlsbey Duckworth, mới 11 ngày, đã đến
phòng họp của Thượng Viện Hoa Kỳ theo mẹ, Thượng Nghị Sĩ Tammy Duckworth, khi
thượng nghị sĩ dân chủ của tiểu bang Illinois đến để bỏ phiếu chuẩn thuận người
mà Tổng Thống Donald Trump đã chọn làm tân giám đốc cho Cơ Quan Quản Trị Không
Gian NASA.
Sự
việc cô bé Maile được mẹ bế đến Thượng Viện là một cảnh chưa từng có. Em bé mới
11 ngày này đã làm nên lịch sử vì nhờ em mà Thượng Viện đã thông qua những luật
lệ cho phép đem con nhỏ vào phòng họp. Nhưng điều quan trọng hơn là dự luật này
được thông qua với không một phiếu nào chống.
Điều
lý thú hơn nữa là bà Duckworth, một cựu chiến binh Iraq, mất cả hai chân và chỉ
sử dụng được một phần cánh tay phải, khi chiếc trực thăng của bà bị bắn hạ
trong một cuộc đụng trận hồi năm 2004, đã được chào đón với một tràng vỗ tay và
tiếng reo ở một Thượng Viện vốn thường nghiêm chỉnh khi bà và bé Maile đi xe
lăn vào.
Bà
Duckworth đã giơ ngón tay cái chỉ xuống cho vị thư ký của Thượng Viện ghi lá
phiếu của bà và rồi các vị đồng viện đổ nhau tới gặp bà – bất kể Cộng Hòa hay
Dân Chủ – ai cũng muốn xem mặt “đệ nhất baby” của Thượng Viện.
Trên
hành lang dành cho các nhà báo, báo chí cúi xuống xem, có người ồ lên tiếng ngợi
khen em bé, khiến lãnh tụ Khối Đa Số Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer đã nhìn lên
và đùa: “Nhà báo sau cùng đã chú ý đến một điều đáng chú ý.”
Quang
cảnh đó làm tôi nhớ lại chính trị Hoa Kỳ thời thập niên 1960 khi tôi còn đi học.
Lúc đó người Mỹ không phân biệt đảng phái như ngày nay. Tờ New York Times nhắc
lại là những cuộc thăm dò trong quá khứ cho thấy hồi thập niên 1960, người Mỹ
có nhiều triển vọng hơn, nghĩ là những người thuộc đảng đối lập thông minh, và
họ rất ít khi diễn tả phe đối lập là ích kỷ.
Hồi
thập niên 1960, chỉ có 5% người Cộng Hòa và 4% người Dân Chủ nói họ sẽ không
hài lòng nếu con trai hay con gái mình lấy một người thuộc đảng bên kia. Với thời
gian hai phe ngày càng “ghét nhau hơn.” Trong một cuộc thăm dò của YouGov hồi
năm 2008 cũng đặt câu hỏi đó, 27% người Cộng Hòa và 20% người Dân Chủ nói “một
phần nào” hay là “rất bực mình” với triển vọng đó. Đến năm 2010 thì tỷ lệ vọt
lên một nửa người Cộng Hòa và một phần ba người Dân Chủ.
Ngày
nay, thành kiến đảng phái đã vượt ngay cả thù nghịch sắc tộc trong những thử
nghiệm liên tưởng ngầm vốn đo xem người ta liên hệ nhanh đến mức nào giữa các
nhóm (đen, Dân Chủ) và những cá tính (tuyệt vời, tệ hại). Và kết quả là đảng
phái định vị người khác nhanh hơn là màu da.
Điều
này thật đáng ngạc nhiên, nhất là vì chúng ta không thể quên được vết hằn của
thành kiến kéo dài nhiều thế hệ. Chả thế mà Giáo Sư Shanto Iyengar của Đại Học
Stanford, và Giáo Sư Sean Westwood của Đại Học Dartmouth, phải kết luận: “Chúng ta có tất cả những dữ liệu này vốn tập
trung vào một kết quả tối hậu là đảng phái nay là sự phân chia số một trong xã
hội ngày nay của Hoa Kỳ.”
Các
nhà nghiên cứu chính trị học nghi là những quảng cáo tấn công, vốn đã ngày càng
gia tăng và ngày càng xấu xa, đã đóng một vai trò. Và sự gia tăng của các truyền
thông bè phái đã giúp tăng cường độ cho luận điệu tuyên truyền vận động tranh cử,
cung cấp xác nhận cho những hình ảnh tệ hại nhất mà chúng ta có về nhau.
Giáo
Sư Iyengar cũng chỉ ra là người Mỹ ngày nay sẵn sàng công kích những thành viên
của đảng khác theo những cách mà công khai không được chấp nhận cho các nhóm
khác, như là thiểu số, phụ nữ hay đồng tính. Không có những tiêu chuẩn xã hội mạnh
để giới hạn tinh thần đảng phái.
Một
vấn đề khác nữa là người Mỹ ngày nay khó có những liên hệ cá nhân băng qua lằn
ranh đảng phái vốn giúp giảm thiểu những tin tưởng xấu xa vào nhau. Xóm giềng,
sở làm, gia đình và ngay cả đi date online cũng trở thành đồng bộ chính trị. Những
cử tri hôm nay có ít triển vọng có hàng xóm thuộc một đảng khác hơn là cách đây
nửa thế kỷ. Hôn nhân lưỡng đảng ngày càng trở thành hiếm hoi.
Không
hiểu đâu là quả trứng, đâu là con gà, nhưng ngay bên trong thế giới nghiêm chỉnh
và lễ độ của Thượng Viện Hoa Kỳ bầu không khí độc hại đó cũng đã xuất hiện. Sau
khi Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy qua đời, Thượng Nghị Sĩ John McCain có lẽ là
người duy nhất còn lại muốn tìm cách hợp tác với những người ở phe bên kia.
Trong
một bài viết để tưởng niệm Đệ Nhất Phu Nhân Barbara Pierce Bush, một bình luận
gia của tờ New York Times viết: “Bà Barbara Bush là đệ nhất phu nhân cuối cùng
chủ trì một thủ đô lưỡng đảng… Hai ông bà Bush cai trị trong một tinh thần thân
hữu và tử tế, khác hẳn với sự thù nghịch đảng phái của thời đại chúng ta. Trong
Tòa Bạch Ốc của bà, ở Trại David, và ở Walker’s Point, trang trại của gia đình ở
bờ biển Maine, nhưng người Dân Chủ và Cộng Hòa được chào đón với cũng thường
xuyên và lịch sự như nhau.”
Từ
phân cách, không tin tưởng lẫn nhau dẫn đến sự việc là người Mỹ ngày nay rất
tin vào những lý thuyết âm mưu.
Chả
thế mà hôm tuần này, phụ huynh của hai em nhỏ bị bắn chết trong vụ ở trường Tiểu
Học Sandy Hook đã nộp đơn kiện một nhà chuyên môn đề ra những âm mưu là ông
Alex Jones, vốn đã bày tỏ nghi ngờ là vụ tấn công đó chỉ là một màn trình diễn
của các kịch sĩ trong âm mưu lật ngược tu chánh án thứ 2 không cho người Mỹ sở
hữu súng nữa chứ không phải là có thật. Hai đơn kiện mạ lỵ, nộp ở Austin,
Texas, nơi ông Jones cư ngụ. Hai ông bà Leonard Pozner, cha mẹ của em Noah
Pozner và ông Neil Heslin, cha của em Jesse Lewis, đang đòi thiệt hại bởi những
điều ông Jones phổ biến trên các show của ông.
Cha
mẹ của hai em Noah và Jesse tức giận đi kiện đã đành, nhưng điều còn đáng nói
hơn là một chuyện dựng đứng như vậy mà còn có nhiều người tin.
Điều
đáng sợ cuối cùng là những độc hại này sẽ có ảnh hưởng ra sao cho nền dân chủ
Hoa Kỳ. Hồi tôi còn đi học, các nhà chính trị học thời thập niên 1960 bỏ nhiều
thời giờ để phân tích về sự thất bại của Cộng Hòa Weimar, nền dân chủ của nước
Đức đã bị Hitler kết liễu. Họ bực tức trước việc một nền dân chủ có vẻ đã tự tử.
Và họ đi tìm những lý do. Một trong những lý do mà họ cho là quan trọng là ảnh
hưởng của các lý thuyết âm mưu mà độc hại và phổ biến nhất là lý thuyết bị đâm
sau lưng.
Theo
lý thuyết hoàn toàn sai sự thật này, vụ Đức đầu hàng năm 1918 là do âm mưu của
những người xã hội, cấp tiến và Do Thái ở Đức trong chính phủ dân sự tạo ra; nó
không phải là kết quả của một chiến bại trên bãi chiến trường hay là vì quá mệt
mỏi. Theo họ lý thuyết đâm sau lưng đã làm hại vào niềm tin của dân chúng đối với
chính phủ dân sự hậu chiến, đặc biệt là đảng Dân Chủ Xã Hội, bị những người quốc
gia quá khích coi là không ái quốc và lươn lẹo; và thứ nữa nó giúp bảo vệ vị thế
của giai cấp quân nhân Đức mà người cầm đầu, Tổng Thống Hindenburg đã trao quyền
lực cho Hitler.
Dĩ
nhiên nền dân chủ Hoa Kỳ không phải là nền dân chủ mong manh của Cộng Hòa
Weimar nhưng một kẻ quan sát cũng có đôi lúc cảm thấy lo sợ. Một nhà bình luận
vừa mới đặt câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vào năm 2020 ông Donald Trump thất
cử nhưng không chịu nhận thua và những người ủng hộ ông tin cuộc bầu cử là gian
lận?”
Phải
chăng đã đến lúc chúng ta nhớ lại bà Barbara Bush, vị đệ nhất phu nhân của một
Tòa Bạch Ốc, không phân biệt đảng phái. (Lê Phan)
No comments:
Post a Comment