Monday, April 9, 2018

BẢN TIN TỐI 9-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Philippines mong cùng khai thác với Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Santa Romana phát biểu ngày 9/4/2018: “Manila mong muốn đạt thỏa thuận khai thác dầu và khí đốt với Bắc Kinh tại Biển Đông trong vài tháng tới”.

Báo Manila Bulletin của Philippines cho biết: “Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tìm ra một khuôn khổ pháp lý chung cho việc thăm dò khoáng sản của hai bên ở Biển Đông”. Trước đó, 2 nước đã đồng ý thiết lập ủy ban đặc biệt về chuyện cùng khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. 

Bài của ký giả Bill Hayton viết cho BBC: ‘Tuyên bố chủ quyền TQ ở Trường Sa đến từ lỗi dịch thuật’. Bài báo cho biết: Do sai phạm dịch thuật của “học giả” Trung Quốc Bạch Mi Sơ hồi năm 1936, “bãi ngầm James và bãi Tư Chính sau đó trở thành giới hạn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là lần đầu tiên đường chữ U được vẽ trên một tấm bản đồ Trung Quốc”.


Tái cơ cấu bộ máy công an
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Không có lực cản trong tái cơ cấu Bộ Công an, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Lâm nói rằng không có “lực cản”, nhưng vẫn lưu ý “sẽ có những khó khăn nhất định về hệ thống cơ sở pháp lý, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, tư tưởng cán bộ”. Về hướng tái cơ cấu Bộ Công an, ông Lâm cho biết: “Không tổ chức cấp trung gian”.

Khi được hỏi về những giải pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng bộ máy công an “phình” trở lại, ông Lâm lưu ý các từ khóa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “lợi ích nhóm”, những khái niệm gắn liền với chiến dịch thanh trừng mà TBT Nguyễn Phú Trọng phát động để nhắm vào các đường dây trong hệ thống quyền lực mà “đồng chí X” từng xây dựng.

Đề án tinh giản bộ máy Bộ công an

Bê bối trong ngành hải quan
Sáng nay, báo Lao Động đưa tin: Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng. Bài viết bàn về thủ thuật “lót tay” phí “bôi trơn” ở Chi cục Hải quan Đình Vũ. Một nhân viên “chạy lệnh”, tức người lo thủ tục “bôi trơn”, của một công ty ở TP Hải Phòng cho biết: “Xanh, đỏ, vàng, tím gì thì cũng đều phải ‘lót tay’ cả. Đúng cũng ‘lót’, mà sai càng phải ‘lót’.”

Ở Chi cục Hải quan Đình Vũ, người ta đưa và nhận hối lộ công khai: “Hàng trăm nhân viên ‘chạy lệnh’ ra vào nườm nượp, kẻ đứng người ngồi huyên náo. Bên cạnh những người đi lại, tôi cũng thấy nhiều người ngồi tỉ mẩn nhét tiền vào giữa các tờ giấy trắng, gấp nếp, kẹp ghim rồi lại nhét vào giữa những tập hồ sơ”.

Những cảnh đưa – nhận chớp nhoáng của nhân viên “chạy lệnh” và các cán bộ hải quan. Ảnh: LĐ

Chiều nay, Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ một loạt cán bộ hải quan ‘nhận tiền’, theo trang Pháp Luật TP HCM. Nhóm 3 cán bộ hải quan này bị đình chỉ công tác vì có liên quan đến vụ nhận tiền “bôi trơn” ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Bên cạnh đó, TC Hải quan yêu cầu “làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân có sai phạm”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Tổng cục Hải quan nói gì về “cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng”?Lãnh đạo TC Hải quan khẳng định “không bao che cán bộ và sẽ xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ có sai phạm”. Nếu báo chí không phanh phui vụ này thì họ sẽ còn làm ngơ và bao che cho cảnh đưa – nhận hối lộ công khai ở Hải quan Cửa khẩu Đình Vũ?

Báo Zing đưa tin: Trưởng phòng lao động lĩnh 16 năm tù vì tham ô tiền tỷ. Trong phiên tòa hôm nay, ông Nguyễn Minh Cảnh, cựu Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thới Bình bị tuyên án 16 năm tù vì tội “Tham ô tài sản”. Nhóm 4 thuộc cấp của ông Cảnh lĩnh án từ 9 tháng đến 6 năm tù.

Hồ sơ tố tụng cho biết: Ông Cảnh và các đồng phạm đã “chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng liên quan đến tiền đảm bảo xã hội và chế độ chính sách cho người có công. Ngoài ra, ông Cảnh còn chiếm đoạt 77 triệu đồng của quỹ đền ơn đáp nghĩa để tiêu xài cá nhân”.


Cả họ làm quan
Chuyện ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình: Cả họ bí thư huyện làm quan “đúng quy trình”, theo báo Người Lao Động. Bài báo cho biết: Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Đậu Minh Ngọc “có nhiều anh em, con cháu nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt và là cán bộ trong bộ máy của Đảng, chính quyền, trường học”.

Ông Ngọc thừa nhận “có nhiều người thân, con cháu giữ các chức vụ nêu trên nhưng chủ yếu là bà con ‘sơ sơ’ và đa phần cùng làng chứ không phải thân thích. Ông Ngọc cũng phủ nhận việc mình nâng đỡ hay ‘can thiệp’ trong vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà”.

Trang Infonet đưa tin: Bí thư Quảng Bình chỉ đạo nóng vụ hàng loạt người nhà bí thư huyện làm “quan”. Theo đó, vụ gia đình Bí thư huyện Quảng Trạch có…  “32 người thân là con, cháu, người làng được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, cán bộ ở nhiều vị trí trong địa phương khiến dư luận hoài nghi có sự ‘nâng đỡ không trong sáng’.”

Ông Đậu Minh Ngọc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quảng Trạch, người có… 32 người con cháu, họ hàng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền ở huyện. Ảnh: Infonet


Vụ cây khủng của tướng công an
Báo Lao Động phân tích vụ cây “quái thú” tại Đắk Lắk: Phát lộ hàng loạt lỗ hổng pháp luật. Về chuyện các cây đa này được vận chuyển từ Đắk Lắk, qua nhiều tỉnh miền Trung, tới Thừa Thiên – Huế mới bị giữ lại, “dư luận đặt nghi vấn về việc có thế lực bảo kê, thách thức pháp luật để những cây khủng này qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành”.

Bài viết lưu ý: Vẫn còn một hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả. Bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, cho rằng bà “đã ký nhầm hồ sơ. Nguyên nhân được bà H’Phi La Nê đưa ra là bởi do áp lực công việc và do bản thân chủ quan nên ký nhầm!?”

Báo Zing đưa tin: Kiểm lâm trả lại 2 cây đa khổng lồ cho chủ. Ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Pháp chế – Thanh tra Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế, khẳng định rằng 2 trong số 3 cây đa khủng có nguồn gốc rõ ràng, hồ sơ đầy đủ, nên đã được hoàn trả cho ông Kiều Văn Chương, người tự xưng là chủ sở hữu của 3 cây đa khủng bị tạm giữ.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Vì sao kiểm lâm Huế “thả” hai cây cổ thụ khổng lồ? Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Có hai cây khủng được xác minh là cây đa sộp, được khai thác trên vườn nhà ông Phạm Đình Thưởng, xã Ea Pil và vườn cafe của ông Y Nô Byă, thị trấn Buôn Trấp. “Cả hai cây này được chính quyền địa phương và kiểm lâm xác nhận đúng nguồn gốc hồ sơ” do ông Kiều Văn Chương, còn hồ sơ thứ 3 do ông này cung cấp có dấu hiệu bị làm giả thì các ngành chức năng làm ngơ.

Báo Tiền Phong bàn về chuyện truy nguồn gốc cây khủng vận chuyển xuyên Việt: Rối như tơ vò. Bài báo cho biết: Chuyện khai thác, vận chuyển “những cây cổ thụ khổng lồ này còn những điểm ‘tù mù’, cần được các ngành chức năng tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ”.


Lâm tặc hoành hành
Bài thứ nhất trong loạt bài trên báo Công An TP Đà Nẵng về vụ phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh: “Xẻ thịt” hàng trăm cây gỗ qúy. Theo bài viết, khu rừng này “bị tàn phá khủng khiếp”. Nhiều loại gỗ quý bị “lâm tặc” triệt hạ không thương tiếc, thậm chí cả các loài thú quý hiếm cũng bị tàn sát. “Với những gì đang diễn ra tại KBT này, dư luận đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng để lâm tặc tung hoành”.

Bài báo cho biết: Trong các vụ phá rừng, lâm tặc thường phá vùng lõi và chừa lại các cây bên ngoài để che mắt cơ quan chức năng. “Thế nhưng tại KBTTN Sông Thanh này, lâm tặc ngang nhiên phá từ ngoài vào trong theo kiểu ‘cuốn chiếu’ mà không sợ lực lượng chức năng”.


“Đất tặc”, “cát tặc” lộng hành
Chuyện ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Dân vây trụ sở ủy ban yêu cầu làm rõ việc cát tặc hoành hành, theo báo Công Lý. Người dân địa phương phản ánh: Nhiều năm qua, “cát tặc” lộng hành trên sông Chu, “hàng chục hộ dân canh tác dọc bờ sông ở xã Thiệu Đô bị thiệt hại nặng nề, nhiều cánh đồng dâu, ngô chưa kịp thu hoạch bỗng chốc biến mất”.

“Cát tặc” ở đây lộng hành đến độ “ngang nhiên cắm vòi hút cát ngay bãi canh tác của nhân dân”. Người dân đã biểu tình phản đối vào tối 8/4 và sáng 9/4/2018 vì họ “hoài nghi về cách làm và có hay không sự thông đồng, tiếp tay cho các đối tượng khai thác cát trái phép”.

Người dân thôn 7, 10 tập trung tại nhà văn hóa đề nghị làm rõ vì sao cát tặc ngang nhiên lộng hành. Ảnh: CL

Chuyện ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa: Dân nuôi ngao khốn khổ vì tàu hút cát… hút cả ngao, theo Infonet. Người dân địa phương phản ánh: “Thời gian qua bị các tàu hút cát thường lợi dụng lúc không có người dân trông coi hoặc lợi dụng đêm tối vào bãi nuôi ngao của các hộ dân hút trộm cát”, hút luôn cả ngao.

Báo Công Lý và Xã Hội đặt câu hỏi: Bắc Giang: ‘Đất tặc’ lộng hành, chính quyền có bao che? Chứng kiến cảnh đất tặc ngang nhiên lộng hành, người dân “không khỏi lo ngại vì tài nguyên đất bị khai thác bừa bãi mà không có ai ngăn chặn. Nguyên nhân được cho là do đây là khu vực giáp ranh 2 tỉnh nên chính quyền 2 bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.

Báo Pháp Luật Plus có bài: Thanh Hóa – Vụ Con rể PCT huyện múc đất của dân mang bán: Chủ tịch huyện nói không vi phạm! Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, giải thích rằng ông Tuấn và người con rể đã “giúp dân” trong vụ múc đất đem bán: “Nếu người dân hạ cốt mà mang bán đất mới là sai, mới vi phạm luật khoáng sản. Còn đây là công ty Bình Minh mang đất đi giúp dân, giá hợp đồng với nhà thầu thấp, chỉ chi phí phần nào tiền xe cộ”.  


Công an “nhân dân”?
Báo Thanh Niên đưa tin: Đại tá công an bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Đại tá Nguyễn Văn Tiền, Trưởng công an thị xã Vĩnh Châu, vừa bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sóc Trăng kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo về mặt Đảng”. Theo đó, ông Tiền có sai phạm liên quan đến vấn đề tài chính của Công an thị xã Vĩnh Châu.

Cuối năm 2017, Công an tỉnh Sóc Trăng “thông báo kết luận sai phạm của ông Tiền là sử dụng vốn UBND TX.Vĩnh Châu hỗ trợ, tiền xử phạt vi phạm hành chính, mua quà biếu chưa đúng quy định”.

VOV đưa tin: Cựu cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Trong phiên xử sơ thẩm hôm nay ở TAND TP Hà Nội, bị cáo Hồ Văn Tú, cựu cán bộ công an huyện Chương Mỹ, bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, Tú đã mượn nhiều chiếc xe của người dân địa phương rồi đem… cầm đồ. Ông Nguyễn Chí Mười, người cho Tú mượn chiếc ô tô Camry, sau khi đưa 300 triệu vẫn không thấy Tú trả lại xe, đã “làm đơn tố giác hành vi của Tú đến cơ quan điều tra”.


Thủ tướng đối thoại với nông dân
Báo Một Thế Giới dẫn lời Thủ tướng đối thoại với nông dân: Quan trọng là thị trường, thị trường và thị trường! Thị trường nông sản của nông dân VN đã để cho bọn con buôn Trung Quốc làm mưa làm gió, chúng khống chế, ép giá… bao nhiêu năm qua, phía chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, thả nổi cho con buôn TQ làm mưa, làm gió.


Ô nhiễm môi trường
Chuyện ở thị trấn Sông Thao, Phú Thọ: “Lô cốt rác thải” án ngữ sát đường quốc lộ và cạnh khu dân cư, theo trang Môi Trường và Cuộc Sống. Người dân khu 4 của thị trấn này đang phải “sống chung với mùi hôi thối của bãi rác thải khổng lồ tập kết tại khu vực gần bến đò Chí Chủ. Rác thải chất thành những đống lớn với diện tích rộng, được đốt ngày này qua ngày khác đang gây ô nhiễm môi trường”.

Bài viết đặt câu hỏi: “Một bãi rác thải ngang nhiên tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực và gây khó chịu cho người tham gia giao thông… chính quyền địa phương có biết đến sự tồn tại của bãi rác?”


Bất ổn ở các ngân hàng Việt Nam
Về hiện tượng tiền gửi ở các ngân hàng liên tục “bốc hơi”, báo Người Tiêu Dùng dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra. Về chuyện Eximbank không những làm mất 245 tỉ tiền gửi của doanh nhân Chu Thị Bình, mà còn hành xử thiếu sòng phẳng, bà Hồng khẳng định:
“NHNN ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm, cho vay với quy trình chặt chẽ và buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Lao Động có bài: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo việc xem nhẹ “dạy người” trong trường học. Trước khi giải quyết vấn đề, cần xem xét vấn đề nằm ở đâu, thưa Bộ trưởng. Liệu vấn đề có phải nằm ở chỗ trường học xem nhẹ “dạy người” hay không, khi mà những người đứng đầu ngành giáo dục như Bộ trưởng vẫn còn xem nhẹ nhân phẩm của thầy cô trong vụ giáo viên bị điều động tiếp khách? Khi chưa thành người, thì không thể “dạy người” được.

Trang Thế Giới và Việt Nam đặt câu hỏi: Sai lầm nối tiếp sai lầm trong nghề giáo, vì đâu? Theo bài viết, giáo viên Việt Nam “đang thiếu và yếu nhiều thứ, rất lâu không được khắc phục. Đó là những kỹ năng mềm về giao tiếp với học sinh, với cha mẹ, với cộng đồng, kỹ năng quản lý và phát triển bản thân”. Chính những khiếm khuyết tâm lý không được khắc phục đã khiến không ít giáo viên có hành vi sai trái.

Vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương bắt nữ sinh Phạm Phương Anh uống nước vắt giẻ lau bảng, báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Huyện An Dương nói gì về tin xử lý hình sự cô giáo Hương. Ông Đặng Tăng Thông, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương nói rằng đơn vị này “mong hai bên gia đình đối thoại để giải quyết”.

Ông Phạm Khắc Thảo, ông nội bé Phương Anh, cho biết: “Trước mắt gia đình sẽ cho cháu khám ở Hải Phòng sau đó sẽ có những bước xử lý tiếp theo… quan điểm của gia đình là sẽ không tha thứ cho cô Hương nữa, mà sẽ ‘làm đến cùng’.”

Vụ nữ sinh Phạm Song Toàn phải chuyển trường sau khi phản ánh cô giáo “quyền lực” không giảng bài trong nhiều tháng, báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Chỗ đứng nào cho sự chính trực và lòng dũng cảm? Bài viết nhận định:
“Hành xử mà để một học sinh chính trực và dũng cảm như thế đã không thể tin cậy môi trường giáo dục cũ nên phải chuyển trường thì còn gì là giáo dục? Hành xử đến nỗi để quan chức thành phố cũng ủng hộ giải pháp chuyển trường như thế thì còn gì là môi trường giáo dục?”

Báo Pháp Luật Net đặt câu hỏi: Bị đình chỉ dạy, cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng nói gì? Cô giáo Trần Thị Minh Châu cho biết: “Nhà trường đã đình chỉ công tác giảng dạy của tôi sau cuộc họp hôm thứ bảy (7/4)… Ban đầu khi xảy ra vụ việc em Song Toàn lên tiếng nói tại buổi đối thoại, tôi đã muốn ngừng dạy, tuy nhiên thầy hiệu trưởng đã động viên”.


Tiểu thương chợ Đồng Xuân phản đối
Báo Người Lao Động đưa tin: Tiểu thương phản đối xây chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại. Nghe tin chợ Đồng Xuân có thể bị đập bỏ xây mới, hàng trăm tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ, căng băng rôn, biểu ngữ phản đối. “Các tiểu thương đều cho rằng việc xây chợ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ”.

Một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết rằng UBND quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức hội thảo về chuyện tu sửa chợ Đồng Xuân thành khu trung tâm thương mại. Còn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định “không có chuyện quận đập bỏ chợ Đồng Xuân để xây dựng thành trung tâm thương mại như trường hợp chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam”.


***

Tin thế giới

Chuyện nước Mỹ
Về chuyện ủng hộ quyền sở hữu súng, báo Người Việt có bài: Dân biểu Cộng Hòa rút súng để tỏ quyết tâm bảo vệ quyền dùng súng. Trong buổi gặp mặt cử tri, dân biểu đảng Cộng Hòa Ralph Norman, thuộc tiểu bang South Carolina đã rút khẩu súng lục, nhằm tỏ quyết tâm ủng hộ việc sử dụng súng. Ông Norman nói rằng, súng không bắn người; chính người bắn súng và rằng, sở hữu súng đã nạp đạn giúp người ta an toàn hơn.

Thêm một người trong chính quyền Trump từ chức. Báo CNBC đưa tin, Michael Anton, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia, từ chức, sau khi phục vụ trong chính quyền Trump được hơn một năm. Tòa Bạch Ốc không nói lý do vì sao ông Anton ra đi. Ông Anton từ chức chỉ một ngày trước khi John Bolton ngồi vào ghế Cố vấn An ninh Quốc gia và là người thứ 3 nhận chức vụ này chỉ hơn một năm qua.



Căng thẳng Trung Đông
Căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông. Về vụ tấn công hóa học ở Syria ngày 7/4, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, nói: ‘Trẻ em chết trước mắt chúng ta’, Zing đưa tin. Khoảng 70 người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, sau khi một chiếc trực thăng thả quả bom mang chất độc thần kinh Sarin xuống thị trấn Douma.

Thi thể các nạn nhân trong vụ tấn công hóa học vào ngày 8/4. Nguồn: AP







***








No comments:

Post a Comment