Monday, April 16, 2018

BẢN TIN TỐI 16-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Vành đai và Con đường – “sáng kiến chinh phục lân bang” bằng phụ thuộc kinh tế? Bài này trích dẫn các quan điểm từ bài  phân tích của nhà nghiên cứu Philippines, Richard Heydarian về sáng kiến Vành đai và Con đường, cùng chính sách mở rộng “quyền lực mềm” của Trung Quốc đối với các nước cùng tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Ông Heydarian nhận định: Tổng thống Philippines chấp nhận khái niệm “đồng sở hữu” với Trung Quốc về vấn đề tài nguyên ở Biển Đông, vì trước đó, Trung Quốc đã hứa hẹn “các khoản đầu tư quy mô lớn vào Philippines”.

Báo Một Thế Giới đưa tin: Sau đề nghị của báo Một Thế Giới, đài NHK đã ghi chú rõ Biển Đông trên tựa. Bài báo cho biết: Trước đây, trang Việt Ngữ của đài NHK, Nhật Bản, thường chỉ viết “biển Nam Trung Hoa” thay vì “Biển Đông” trên tựa bài. Phải khi vào bài, NHK mới ghi chú, đó là Biển Đông. Báo Một Thế Giới đã gửi thư đến đài NHK, đề nghị dùng từ “Biển Đông” chứ không dùng từ “biển Nam Trung Hoa”.

Báo Một Thế Giới cũng xác nhận, các đài BBC, RFI, VOA… đều dùng từ “Biển Đông”. Phải chăng đây là sự ủng hộ của báo Một Thế Giới đối với các trang tin tức tiếng Việt ở hải ngoại, thường bị các báo trong nước chỉ trích là đưa tin “xuyên tạc”, “phản động”? Các đài này thường đưa tin trái ý đảng nhưng họ không “phản động”, nhất là về chủ quyền biển đảo Việt Nam.


Đất nước thời “tận thu”
Báo Hà Nội Mới đặt câu hỏi về đề xuất đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng: Liệu có là thuế chồng thuế? Về lý do “đánh thuế tài sản nhà ở là theo thông lệ quốc tế” do Bộ Tài chính đưa ra, PGS.TS Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài Chính, lưu ý:

“Đúng là theo thông lệ quốc tế nhưng không phải nước nào cũng thực hiện, chỉ những nước kinh tế phát triển mới thực hiện. Thậm chí tại Thái Lan, nước có thu nhập cao hơn Việt Nam, vẫn chưa áp dụng”. Các nước phương Tây đánh thuế tài sản, nhưng họ thu chi minh bạch và họ dùng số tiền thuế đó phục vụ dân, như chi cho các vấn đề y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Còn ở Việt Nam, phần lớn số tiền thu thuế chỉ vào túi quan tham.

Trang Zing đặt câu hỏi: Đánh đồng thuế nhà trên 700 triệu: Dân nào chịu thấu? Bà Nguyễn Thị Cúc, cựu Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cảnh báo: “Ngưỡng chịu thuế sẽ là một vấn đề lớn cần giải thích rõ ràng cho dân, nếu không sẽ dẫn đến việc phản ứng rất mạnh”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, “dự thảo luật này chưa rõ ràng, gây ra một nghịch lý khiến ngay cả người nghèo cũng có nguy cơ bị thu thuế”.

TS Lưu Bích Hồ nhận định: “Thuế đất, nhà sinh ra chủ yếu là để góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân… chứ không phải để nuôi bộ máy Nhà nước đã phình quá to nhưng chưa cải cách hợp lý”.

Zing có làm khảo sát, hỏi rằng: “Bạn có ủng hộ việc áp dụng thuế tài sản với nhà ở có giá trên 700 triệu đồng?” Đến gần 7 giờ tối ngày 16/4/2018, kết quả khảo sát cho thấy có gần 61% số người tham gia khảo sát không đồng ý với toàn bộ đề xuất đánh thuế nhà ở, gần 26% chỉ đồng ý đánh thuế từ ngôi nhà thứ 2 trở đi, chưa đến 5% chấp nhận bị “vặt lông” để nuôi chế độ.

Kết quả khảo sát trên Zing về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở có giá trị trên 700 triệu. Ảnh chụp màn hình

Báo Tuổi Trẻ bàn về đề xuất đánh thuế nhà hơn 700 triệu: Bất hợp lý và phi thực tế. TS Phạm Thái Sơn cho rằng: “Cách tiếp cận của Bộ Tài chính dường như nhấn mạnh tới mục tiêu tăng thu ngân sách hơn là chống đầu cơ, vì thế dẫn đến phản ứng trong dân chúng và một số chuyên gia vì hiện nay người dân đang phải đóng rất nhiều loại thuế, phí”.

Báo Xây Dựng có bài: Đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng, người dân không đồng thuận. Một cô giáo tiểu học cho biết: “Nếu áp dụng việc 0,4% với phần chênh lệch ngoài 700 triệu, mỗi năm gia đình chị sẽ phải chi thêm 5 triệu đồng tiền thuế tài sản, chưa kể tiền thuế đất hàng năm theo quy định. Rồi tiền trả cả lãi và gốc ngân hàng mỗi tháng. Thuế chồng lên thuế, gánh nặng đè lên gánh nặng, vậy gia đình tôi phải ra đường ở”.




Bất ổn Quỹ bảo hiểm xã hội
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Bảo hiểm xã hội đưa 189.800 tỉ đồng đi đầu tư. Theo đó, Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thông báo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHTN năm 2017. “Trong năm 2017, số tiền đầu tư của ngành bảo hiểm là 189.800 tỉ đồng… Các hình thức đầu tư chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại”.

Chuyện đem tiền của quỹ bảo hiểm xã hội đi đầu tư, cho vay lung tung rồi mất trắng, là một trong những nguyên nhân chính khiến quỹ này đang bị thâm hụt. Hồi tháng 1/2018, Bộ LĐ-TB-XH phải đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, một trong các giải pháp tăng thu và giảm chi nhằm cứu Quỹ BHXH, khiến cả báo “lề đảng” cũng có bài phản đối.

Khi lấy tiền từ quỹ BHXH mua trái phiếu chính phủ, nghĩa là những người có trách nhiệm đã lấy tiền của người dân đóng BHXH đi cứu nguy ngân sách. Mối nguy này chỉ được giải quyết tạm thời, ngân sách vẫn kiệt quệ, bởi quỹ BHXH không thể giúp giải quyết tận gốc vấn đề của chính phủ này.

Mời đọc thêm: Nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng (Tin Tức).  

Nhân quyền ở Việt Nam
Ba ngày trước, website Công an Thanh Hóa có đăng quyết định truy nã nhà hoạt động Lê Văn Sơn. Tội danh bị khởi tố: “Không chấp hành án quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 1999, trốn ngày 18 tháng 10 năm 2015“. Ông Sơn “trốn” khỏi địa phương từ ngày 18/10/2015, hơn 2 năm sau mới bị “truy nã”? Công an Việt Nam quả là “giỏi nhất thế giới“!

Thông tin trên trang web Công an Thanh Hóa còn cho biết: “Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa”. Hiện tại, nhà hoạt động Lê Văn Sơn vẫn đăng bài trên Facebook bình thường.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi về chuyện VKSND TP Đà Nẵng đình chỉ vụ án từng bắt giam 3 người: Cơ quan nào gây ra oan sai? Theo đó, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng đã ký quyết định đình chỉ vụ án đối với các ông Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà. Người bị oan thứ 3 trong vụ này là ông Nguyễn Xuân Thắng, từng bị giam và được thả sau đó, “do không đủ cơ sở kết luận có liên quan đến vụ án”.

Hồi tháng 11/2017, ông Linh đã ký cáo trạng truy tố ông Bình và ông Trà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Bình và ông Trà bị cáo buộc “thông đồng thực hiện hành vi thi công lắp máy không đúng với hợp đồng đã ký”. LS Lê Cao phân tích: Đây là “một trong những trường hợp người bị oan sai đã có được quyết định của cơ quan có thẩm quyền minh oan. Do vậy, ngoài việc họ được tự do, không bị đưa ra xét xử thì còn được cơ quan có lỗi trong việc gây ra oan sai phải xin lỗi, bồi thường”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: 2 giám đốc bị bắt oan yêu cầu bồi thường thiệt hại. LS Phạm Chiến cho biết, ông đang giúp ông Bình và ông Trà hoàn tất hồ sơ “làm thủ tục để đề nghị các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.


Công an “nhân dân”
Hôm nay, TAND TP HCM vừa xét xử cựu cán bộ công an tội gián điệp, dọa bán tài liệu mật, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Theo cáo trạng ngày 18/9/2016, bị cáo Nguyễn Hoàng Dương, cựu cán bộ của một Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, “đã vào cơ quan dùng đĩa CD để sao chép tài liệu nghiệp vụ thuộc danh mục bí mật. Sau đó, Dương xuất cảnh trái phép qua Campuchia đánh bạc thua hết tiền”, rồi “nhắn tin cho đội trưởng của đơn vị đòi 10 triệu đồng và đã chiếm đoạt được 5 triệu đồng”.

Đến cuối tháng 9/2016, Dương tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc ở Campuchia để “cung cấp tài liệu mật đã sao chép nhằm lấy tiền đánh bạc”. Hành vi của viên cựu công an này có dấu hiệu phản quốc, nhưng chỉ bị HĐXX tuyên án 8 năm tù, thấp hơn mức án do VKS đề nghị.

Báo Người Lao Động có bài: Thất tình, bán hồ sơ tuyệt mật. Theo đó, trong lúc nói lời sau cùng, viên cựu công an tìm cách sao chép tài liệu mật để bán cho phía Trung Quốc bày tỏ: “Chỉ vì thất tình nên bị cáo mới hành động bộc phát. Hành vi của bị cáo không nhằm mục đích gây tổn hại cho quốc gia mà chỉ vì muốn có tiền đánh bạc”.

Sự kiện Nguyễn Hoàng Dương sử dụng lợi thế có trong tay tài liệu mật để bán kiếm tiền, là một trong những nguyên nhân khiến các lãnh đạo Bộ Công thừa nhận nguy cơ lộ thông tin mật liên quan tới an ninh quốc gia. Tuy nhiên, họ chỉ lo đổ lỗi cho các “thế lực thù địch”, cho dù những người có thông tin mật chính là người do Bộ Công an quản lý.


Vụ cây khủng của tướng công an
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Vụ 3 cây ‘khủng’: Cục CSGT báo cáo Bộ Công an và Thủ tướng. Mặc dù đoàn xe chở 3 cây khủng này đã đi qua lực lượng CSGT của “19 đơn vị, địa phương trên tuyến đường lưu thông”, nhưng Cục CSGT vẫn làm báo cáo khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc ‘bảo kê’, ‘tiêu cực’ của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đối với  ô tô BKS 73C-034.64, rơmooc 73R-003.38. Các cây vận chuyển đều có nguồn gốc”.

Cục CSGT một mực cho rằng nhóm xe chở cây khủng có thể “xuyên không”, qua nhiều trạm CSGT như vậy mà không cần “tác động” từ nội bộ lãnh đạo công an. Cơ quan này chỉ thừa nhận: “Các đơn vị CSGT thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến”.

Bài viết còn lưu ý: “Trên mạng xã hội lúc đó có thông tin cho rằng những cây siêu ‘khủng’ này là của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT”. Nhưng Cục CSGT vẫn chưa làm rõ chủ nhân thật sự của các cây khủng kia là ai.


Cố ý làm trái
Báo Pháp Luật Plus đưa tin: Kế toán xã lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách tiêu xài. Theo đó, ông Lê Anh Tuấn, kế toán UBND xã Thạch Sơn, “đã lập khống các hồ sơ quyết toán, hồ sơ nghiệm thu để rút toàn bộ số tiền 207 triệu đồng”. Số tiền này đến từ nguồn vốn hỗ trợ nông thôn mới năm 2016 cho xã Thạch Sơn.

Hôm nay, TAND TP Hà Nội tuyên án nhóm cựu cán bộ thủy sản trục lợi tiền của doanh nghiệp, theo báo Người Đưa Tin. Nhóm cán bộ này “vì động cơ vụ lợi, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, câu kết với nhau nhận hồ sơ của các doanh nghiệp để chỉnh sửa văn bản… cấp phép 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của 107 doanh nghiệp, hưởng lợi tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng”.


Ô nhiễm môi trường
Báo Thanh niên đưa tin Sông Dương Đông đang bị bức tử. Dương Đông là con sông cung cấp nước ngọt chính cho đảo Phú Quốc, nhưng nó đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác và nước thải. Nước sông một màu đen sầm, nhiều nơi nổi váng, mặt sông mênh mông rác, từ túi ni lông, chai lọ, đến xác động vật.

Dọc con sông có hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động với khoảng 10 ngàn người dân sinh sống. Tuy nhiên, chính quyền không xây dựng hệ thống nước thải, toàn bộ nước thải sinh hoạt, sản xuất đổ xuống sông. Không lâu nữa, con sông lớn nhất hòn đảo này sẽ chết.

Ô nhiễm không khí từ các tòa nhà cao tầng, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, các tòa nhà cao tầng cũng mọc lên như nấm, đi cùng với sự phát triển này là nguy cơ ô nhiễm. Theo một nghiên cứu cho biết, “chất lượng không khí ở một số công trình tòa nhà cao tầng, văn phòng làm việc tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra các bệnh đường hô hấp, hen suyễn…

Trang An Ninh Thủ Đô đưa tin, Kon Tum: Nhiều hộ dân khốn khổ vì mùi khí thải bốc lên từ nhà máy đường. Người dân phản ánh, nhiều năm nay phải sống chung với cảnh ô nhiễm không khí và tiếng ồn từ khu sản xuất của nhà máy đường. Theo quan sát của phóng viên, một góc hồ chứa chất thải nước đen quánh, bã thải cùng với nước bốc bùi hôi nồng nặc, hết sức khó chịu. Người dân đã tố cáo nhiều lần, nhưng gần 10 năm nay, chính quyền địa phương không hề giải quyết.

VTV đưa tin: Bình Dương: Không có hệ thống thoát nước, người dân xả thải ra đường gây ô nhiễm. Khi xây dựng khu dân cư, chủ đầu tư không xây hệ thống thoát nước, người dân phải xả nước thải sinh hoạt ra đường. Cả một khu dân cư rộng lớn nhếch nhác, ô nhiễm và mất an toàn giao thông.


Nền giáo dục băng hoại
Học sinh tự tử vì áp lực học hành, tư lệnh ngành không thể vô can, theo báo Tuổi trẻ. Sau hoàng loạt bê bối, băng hoại của ngành giáo dục, ông Nhạ vẫn câm như hến. Ông không hề lên tiếng chịu trách nhiệm hay đưa ra giải pháp. Người dân và giới tri thức rất phẫn nộ “để dẫn đến những hệ lụy đau lòng như vừa xảy ra, Bộ trưởng bộ GDĐT là người chịu trách nhiệm đầu tiên”.

Rúng động nghi án thầy giáo cho kẹo học sinh lớp 3 ở Hà Nội rồi dâm ô, VOV đưa tin. Phụ huynh tố cáo “khoảng vài ngày trước đó, trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy Lê có cho một số học sinh nữ ăn kẹo, sau đó lợi dụng sờ vào vùng kín của các cháu”. Có 9 em bị sách nhiễu tình dục, những học sinh này đã được đưa đi giám định sức khỏe. Thầy giáo đã bị công an tạm giữ điều tra.

Trước đó, thầy giáo trên còn bị tố cáo có hành vi đồi bại với một học sinh khi dạy thêm ở nhà riêng. Báo Dân Việt đưa tin: Hàng loạt học sinh tiểu học bị dâm ô: Thầy giáo dâm ô học sinh không phải ở trường? Một phụ huynh cho biết, con bà kể lại “có hôm đến nhà thầy Lê học thêm, thầy này đã gọi em học sinh đó lên tầng 3, đóng cửa phòng lại rồi ôm ấp, sờ soạng vào vùng kín”.

Báo tuổi trẻ có bài viết: Đằng sau ‘thảm họa’ giáo dục là tính hiếu danh và giả dối? Bài viết nói về, “hiện tượng tranh đoạt thành tích, chức danh tràn lan trong ngành, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non như vậy bảo sao môi trường giáo dục không ‘sôi sục’ được“.

Ngành giáo dục thường xuyên xảy ra những chuyện chưa từng xảy ra trước đây, như: Cô giáo – học sinh trừng phạt nhau, cô giáo lên lớp không nói câu nào với học sinh trong nhiều tháng, cô bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, thầy giáo đấm vào mặt học sinh lớp 1 đến nhập viện, hay kinh khủng hơn là hiệu trưởng ép giáo viên phá thai để giữ thành tích…

Bộ trưởng giáo dục thì làm ngơ trước tình trạng trên. Thỉnh thoảng ông Phùng Xuân Nhạ ra vài công văn ngớ ngẫn, đến nỗi ai cũng phải thốt lên “Toàn những chủ trương, quy định không mới và có lẽ ít ai tin hiệu quả của nó”.


Y đức biến mất
Gia đình tố bệnh viện bỏ mặc bệnh nhi vì thiếu viện phí, VietNamNet đưa tin. Sự việc diễn ra tại huyện Hóc Môn, một bé gái bị té, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Do chưa kịp mang theo tiền, bác sĩ bắt nằm đó, không cứu chữa. Khi gia đình mang tiền lên, đề nghị bệnh viện chụp hình kiểm tra chấn thương thì nhận được câu trả lời… máy hư, phải chờ 2 – 3 ngày, và yêu cầu nhập viện nằm chờ.

Người nhà bệnh nhi yêu cầu chuyển viện nhưng không được chấp nhận. Sự việc được người dân ghi hình lại. Y tá bệnh viện và bảo vệ ngăn cản, yêu cầu không ghi hình mới làm giấy chuyển viện. Lãnh đạo bệnh viện nói “đang xác minh” và sẽ cung cấp thông tin sau.

Vụ thuốc ung thư từ than tre được vinh danh Thương hiệu mạnh: Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu lên tiếng vụ vinh danh Vinaca, báo Lao Động đưa tin. Hiệp hội VATAP đá “quả bóng trách nhiệm” sang cho Sở Y tế “việc kiểm tra chất lượng sản phẩm là thuộc quản lý thị trường và Sở Y tế địa phương”.

Đại diện hiệp hội này cho biết, hiệp hội chỉ tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ, nhưng không quản lý chất lượng thuốc! Mặc dù không biết chất lượng sản phẩm xét duyệt ra sao, nhưng vẫn chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng cao, nằm trong Top 10 thương hiệu của VATAP, tiếp tay cho doanh nghiệp này lừa dối người tiêu dùng, giết bệnh nhân.

Biếm họa trên mạng về thuốc giả, giết người.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Cuộc phỏng vấn đầu tiên của đài ABC tối Chủ Nhật vừa qua, với cựu Giám đốc FBI James Comey, kể từ khi ông Comey bất ngờ bị ông Trump sa thải ngày 9/5/2017, đã được nhiều người dân Mỹ theo dõi. Trang Guardian có bài viết về năm điều biết được qua cuộc phỏng vấn Comey, đó là:

1- Trump gặp phải một đối thủ nặng ký. 2- Comey không sợ nói về vấn đề riêng tư, có thể rất riêng tư. 3- Ông sẽ nói về những cô gái làng chơi và băng ghi hình được cho là tiểu tiện [của những cô gái đó vào mặt Trump]. 4- Khi nói về chuyện điều tra email của bà Hillary Clinton, Comey tin rằng ông đã làm điều đúng. 5- Cuộc sống của Comey trong gia đình sau bầu cử rất là khó xử, bởi vợ và bốn đứa con gái ông đều muốn bà Clinton thắng cử và họ đã tham gia vào cuộc tuần hành ở Washington DC với những người phụ nữ, phản đối Trump sau khi ông ta nhậm chức.

Báo Cali Today có bài tổng hợp về ông Biden: Joe Biden có thể ra tranh cử, sẽ quyết định vào cuối năm nay! Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, là người nổi tiếng thanh bạch và liêm khiết, cho biết, cuối năm nay ông sẽ quyết định có ra tranh cử tổng thống năm 2020 hay không. “Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden luôn dẫn đầu danh sách các ứng cử viên sáng giá nhất cho kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020. Nhưng ông Biden thì cho rằng nó không có ý nghĩa gì nếu ông ‘không bước vào vòng chiến’.

Báo New York Times đưa tin, David Buckel, luật sư nổi tiếng ở New York, tự thiêu đã chết. Ông Buckel, 60 tuổi, là luật sư nổi tiếng bảo vệ quyền của những người đồng tính, chuyển giới – LGBT, đã tự thiêu ở công viên Prospect, Brooklyn, TP New York hôm thứ Bảy và đã chết. Trước đó, ông gửi tin nhắn tới báo chí, nói rằng ông tự thiêu để phản đối việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch trên thế giới, mà cái giá phải trả là tàn phá môi trường.

Ông Buckel viết email gửi cho báo NYT, có đoạn: “Ô nhiễm hủy hoại hành tinh chúng ta, cướp đi mạng sống con người qua không khí, đất, nước và thời tiết. Hầu hết con người trên hành tinh bây giờ hít thở không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, và kết quả là nhiều người tử vong sớm – cái chết sớm của tôi do nhiên liệu hóa thạch phản ánh những gì chúng ta đang gây ra với chính chúng ta“.






***








No comments:

Post a Comment