Friday, April 6, 2018

BẢN TIN SÁNG 6-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đặt câu hỏi: Sau ‘Cá Rồng Đỏ’, Trung Quốc nhắm vào ‘Cá Voi Xanh’ của Việt Nam? Xuất hiện ý kiến cảnh báo, Trung Quốc có thể tiếp tục gây áp lực lên mỏ “Cá Voi Xanh” mà Việt Nam đang hợp tác khai thác với một tập đoàn Mỹ, sau khi Bắc Kinh gây áp lực thành công trong việc buộc Hà Nội phải ngưng dự án “Cá Rồng Đỏ” với Repsol, một công ty Tây Ban Nha.

TS Alexander Vuving cho biết: “Trung Quốc ráo riết vận động Việt Nam không tiến hành dự án ‘Cá Voi Xanh’ với ExxonMobil hồi tháng 11 năm ngoái, trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng”.

Trung Quốc triển khai tàu Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Trung Quốc “bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam trên Biển Đông”  từ ngày 5/4 đến 11/4/2018. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng “không quân và đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc có thể cũng tham gia tập trận”.

“Của nợ” tàu vỏ thép
Báo Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Bình Định: Ngư dân ngậm ngùi nhận đền bù với giá “rẻ như bèo”. Nhiều ngư dân kể rằng họ đã “sức cùng lực kiệt” sau “chuỗi ngày cắp hồ sơ xuôi ngược gõ cửa công quyền, doanh nghiệp để đòi lại quyền lợi”, vì con tàu tiền tỉ bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến ra khơi. “Do đã quá mệt mỏi với những chuyến họp hành, bàn tới bàn lui” nên các chủ tàu vỏ thép đành chấp nhận giá đền bù “rẻ mạt” của các doanh nghiệp đóng tàu.

Công ty Đại Nguyên Dương chỉ bồi thường 1/6 giá trị thiệt hại của các tàu vỏ thép, theo báo Pháp Luật TP HCM. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định xác nhận rằng công ty này chỉ chấp nhận bồi thường 881 triệu đồng cho 5 chủ tàu vỏ thép, trong khi các chủ tàu lúc đầu xác định mức thiệt hại đến 9 tỉ đồng, sau nhiều cuộc thương lượng, họ chấp nhận giảm mức đền bù xuống 5,3 tỉ đồng.

Nhân quyền ở Việt Nam
Vụ xử sáu nhà hoạt động trong một phiên tòa chóng vánh chỉ một ngày duy nhất hôm qua, với tổng số các bản án 66 năm tù và 17 năm quản chế. Trong đó, người nhận bản án cao nhất là LS Nguyễn Văn Đài, 15 năm tù và 5 năm quản chế; thấp nhất là kỹ sư Phạm Văn Trội, 7 năm tù và 1 năm quản chế.
Ảnh: FB Hội AEDC



Riêng các báo “lề đảng”, hầu hết đều đăng lại bản tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam: Xét xử Nguyễn Văn Đài và 5 bị cáo tội hoạt động lật đổ chính quyền. Có báo đăng toàn bộ nguyên văn, nhưng cũng có báo chỉ lược đăng vài đoạn.


Kênh truyền hình TTXVN có clip về phiên tòa: https://www.facebook.com/hoianhemdanchu/videos/1455300051264470/

Trong khi Việt Nam còn đang loay hoay với nhân quyền, thì ở Mỹ quyền của những con thú được pháp luật bảo vệ. Người dân có thể bị bắt, bị án tù, nếu hành hạ chúng. Báo Người Việt đưa tin: Một ông gốc Việt bỏ thú nuôi còn sống vào máy ép rác, bị bắt.

Người Trung Quốc ở VN
Báo Người Lao Động đưa tin: Người Trung Quốc tràn ra vùng ven Nha Trang. Công an xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang xác nhận rằng đã có nhiều nhóm người Trung Quốc xuất hiện tại xã này và “đăng ký thuê tại một số nhà nghỉ trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng khách thường xuyên biến động nên chưa xác định cụ thể số người”.

Một người dân ở khu đô thị Phước Long xác nhận: “Khu phố này trở thành phố Trung Quốc rồi, chỉ còn một vài nhà không cho thuê. Họ ở đây rất kín tiếng, không ai biết làm gì, ở đâu. Khoảng 7 giờ sáng họ đi từng đoàn ra đầu đường có ô tô đến chở, chiều khoảng 17-21 giờ thì về”.


Vụ Mobifone mua AVG
Báo Một Thế Giới đưa tin: Vụ MobiFone mua AVG: Bàn giao hồ sơ cho Bộ Công an, đề nghị khởi tố. Thanh tra Chính phủ đã chính thức chuyển hồ sơ thanh tra thương vụ Mobifone mua AVG và văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang Bộ Công an. TTCP cũng đã thông báo VKSND Tối cao.

Bài viết lưu ý: Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của TTCP về chuyện “giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật”.


Vụ án Ngân hàng Đông Á và Vũ “nhôm”
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Vì sao Vũ ‘nhôm’ chưa bị khởi tố trong đại án DongABank?  Cơ quan điều tra xác định, Vũ “nhôm” đã cùng với Trần Phương Bình gây thiệt hại cho DongABank 200 tỉ đồng, thiệt hại này vẫn chưa được khắc phục. Nhưng Vũ “nhôm” vẫn chưa bị khởi tố do “thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ phối hợp với Viện KSND tối cao để làm rõ và xử lý đối với Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ về hành vi nộp khống 200 tỉ đồng”.

Báo Một Thế Giới đưa tin: Đại án DongABank: Nguyên trung tá công an gây thiệt hại 2.000 lượng vàng. Kết luận của cơ quan điều tra xác nhận: Trong vụ án DongABank có một bị can là cựu đội trưởng một đội nghiệp vụ CSĐT, cựu trung tá công an Nguyễn Hồng Ánh. “Hành vi của bị can Ánh liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank, gây thiệt hại cho DongABank hơn 53 tỉ đồng”.


Vụ Thượng tá “Út trọc”
Báo Công Lý đặt câu hỏi về những góc khuất sau các dự án của doanh nhân “Út trọc”: Ai là người được ông Đinh Ngọc Hệ giao chuyên sâu mảng nạo vét cát? Theo đó, Công ty Thái Sơn của thượng tá “Út trọc” còn liên quan đến nhiều dự án nạo vét cát ở các sông miền Bắc, do cấp dưới của ông Hệ là ông Phạm Văn Dũng phụ trách.

Bài báo nhận định: “Có lẽ mảng khai thác khoáng sản là lĩnh vực gây nhiều tai tiếng nhất đối với công ty này. Bởi hầu hết các dự án nạo vét cát sông mà công ty này tham gia đều bị người dân địa phương phản ứng gay gắt, báo chí công luận nhiều lần phê phán mạnh mẽ nhưng không hiểu sao sau đó mọi việc đều chìm đi trong im lặng khó hiểu”.


Cướp đất của dân
Báo Một Thế Giới đưa tin: Phú Quốc: Công ty ngang nhiên chiếm đất của dân, chính quyền làm ngơ. Công ty CEO Group, đơn vị đang xây dựng công trình ở xã Dương Tơ, Phú Quốc đã cố tình lấn chiếm trái phép đất của gia đình bà Bùi Kim Màu. Bà Màu kể rằng, hồi tháng 4/2017, công ty này đưa xe cơ giới đến phá hàng rào đất của gia đình bà. “Gia đình có phát hiện kịp thời và ngăn chặn, nhưng bị hơn 50 người lạ mặt dùng hung khí uy hiếp”.
Quan chức phòng TN-MT, Ban Bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Phú Quốc và Chủ tịch UBND xã Dương Tơ đều chối bỏ trách nhiệm với phần đất của gia đình bà Màu đang bị Công ty CEO Group lấn chiếm.

Chuyện ở TP Hải Phòng: Bất thường việc di dời trường học lấy hơn 10.000 m2 ‘đất vàng’ giao cho tư nhân, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Trước đó, Trường PTTH Trần Phú “được giao quản lý sử dụng 10.014 m2 đất vàng” ở trung tâm TP Hải Phòng. Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng đã giao mảnh đất trị giá cả ngàn tỉ đồng này cho doanh nghiệp tư nhân Nhật Hạ dưới hình thức chỉ định thầu, còn phía Nhật Hạ cam kết nộp ngân sách… trên 6 tỉ đồng.

Bài viết đặt câu hỏi: “Tại sao ngân sách lại được chi ra để làm lợi cho DN? Tại sao lãnh đạo UBND TP Hải Phòng lại đưa ra quyết định chỉ thầu cho DN Nhật Hạ mà không tổ chức đấu giá thu lợi cao hơn nhiều cho ngân sách nhà nước?”

Cựu giáo chức Nguyễn Đình Thám bị đột quỵ, phải nhập viện sau khi nhận quyết định cưỡng chế thu hồi đất cho dự án khách sạn 5 sao của Công ty Nhật Hạ. Ảnh: TN&MT


Lấy lại đất cho công viên
Báo Tuổi Trẻ bàn về chuyện lấy lại đất cho công viên: Mong đừng ‘đánh trống bỏ dùi’. Một độc giả bình luận với báo Tuổi Trẻ: “Các nước trên thế giới bây giờ họ trồng cây, trồng rừng, muốn đất đai màu mỡ. Còn nước mình thì lấy đất nông làm nhà, sân golf, restaurants and building… Đã đến lúc phải học hỏi cái tốt của thế giới. Nếu không sẽ rất nguy hiểm”.
Một độc giả khác viết: “Mong chính quyền phải quyết liệt làm. Cứ ‘đánh trống bỏ dùi’, ‘trống đánh xuôi kèn thổi ngược’ biết đến khi nào mới trả lại công viên đúng chức năng của công viên”.

Vấn nạn “cát tặc”
Chuyện cát tặc lộng hành ở Bến Tre: Dân mong có đội chống cát tặc với mô hình tự quản, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Người dân xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách cho biết: Mỗi ngày có đến hàng ngàn khối cát bị “cát tặc” hút trộm. “Người dân liên tục trình báo với chính quyền địa phương và Công an xã Vĩnh Bình, thế nhưng các cơ quan, những người có trách nhiệm nơi đây đều phớt lờ, bỏ qua, không quan tâm”.

Người dân địa phương đang “yêu cầu các ngành chức năng thành lập một đội chống cát tặc với mô hình tự quản, có pháp nhân, có đồng phục, trang bị dụng cụ hỗ trợ để người dân có đủ điều kiện đối phó với nạn cát tặc ngang tàng như hiện nay”.


Vụ cây khủng của tướng công an
Báo Tiền Phong đưa tin: Lộ diện danh tính chủ nhân cây ‘kỳ quái’. Bài viết đưa tin, “chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương (trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã đến cơ quan Kiểm lâm làm việc và xuất trình 3 bộ hồ sơ của 3 cây…” Cho dù có ai đó xuất trình 10 bộ hồ sơ hợp lệ đi nữa, người dân cũng không tin họ là chủ nhân của mấy cây khủng đó, mà họ chỉ tin là của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh.

Xin được nhắc lại, trước khi ông Chương này xuất hiện, đã có một người khác khẳng định là chủ của cây khủng và trình ra một số hồ sơ. Tuy nhiên, hồ sơ của người đó không hợp lệnên ông Chương này phải “xung trận”.

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về vụ cây “khủng”: Người dân nói không xác nhận vào đơn. Sau khi ông Kiều Văn Chương cung cấp hồ sơ chứng minh mình là chủ của cây “khủng”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk “đã yêu cầu các địa phương xác minh nguồn gốc các cây. Trong đó, hai cây đa khai báo khai thác tại xã Ea Hồ thì có nhiều điều chưa rõ”.
“Theo hồ sơ thì 2/3 cây “khủng” cùng có đường kính 1,4 m, cao 12 m đang bị tạm giữ được bà H’Yô Na Byă bán cho ông Đinh Công Quân”, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tuy nhiên, khi được hỏi thì bà H’Yô Na Byă khẳng định “không hề bán cây đa nào cho ông Quân ở Hà Nội”.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Các cây “quái thú” được vận chuyển ra Hà Nội: Có đi “nhầm” vào tư dinh? Trước đó, ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc công ty Hải Sơn, đơn vị vận chuyển các cây “khủng” bị CSGT Thừa Thiên – Huế bắt giữ, khẳng định, các cây này sẽ được chở đến một ngôi chùa ở Hà Nội.

Tuy nhiên, cây “quái thú” thứ nhất thực tế “đã không được chuyên chở về một chùa nào ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) như lời ông chủ doanh nghiệp kia nói”. Vụ An toàn giao thông, TCĐB Việt Nam xác nhận rằng “địa điểm cuối cùng xe chở cây được nhìn thấy là tại Ecopark”.

Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Nhờ đâu 3 cây đa sộp ‘quái thú’ lọt cửa Đắk Lắk? Lực lượng CSGT tỉnh Đắk Lắk đưa ra lý do: “Nhiều khả năng các xe chở cây vào thời điểm đêm khuya vắng nên lực lượng tuần tra, kiểm soát đã không thể phát hiện”.


Giáo dục … phản giáo dục
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nếu bất lực trong giáo dục học sinh, xin hãy dừng lại! Về chuyện càng ngày càng có nhiều giáo viên phạt học sinh bằng các hình thức khắc nghiệt, thậm chí phi nhân tính, một số bài viết đặt ra các câu hỏi:

“Làm ơn đừng viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, HS ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem HS như kẻ thù thế kia? Ai dí súng vào đầu các thầy cô giáo ấy để bắt họ phải theo nghề? Hay vì họ sợ không có việc để làm, không có tiền để sinh sống, tiếc số tiền đã chạy chọt để vào biên chế nên dù ghét HS, ghét nghề giáo vẫn cố đeo?”

Báo Dân Việt đưa tin: Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng giấu chuyện với gia đình. Ông Đ.V.M,  bố chồng của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, người đã bắt bé Phương Anh uống nước vắt giẻ lau bảng, kể rằng: Chuyện xảy ra được khoảng một tuần nhưng cô Minh Hương “không hề tâm sự với ai trong gia đình. Mãi đến hôm gặp gỡ xin lỗi gia đình cháu Phương Anh, gia đình hai bên mới hay biết”.

Báo Lao Động viết: Đừng để sự trung thực phải gục ngã! Về chuyện phụ huynh học sinh Phạm Song Toàn, người kể chuyện “cô giáo quyền lực không giảng bài” suốt hơn 3 tháng, vừa xin chuyển trường cho con, bài viết nhận định: “Ai đã là phụ huynh thì thấu hiểu và thông cảm cho nỗi lo của phụ huynh em Toàn lúc này: Sợ con mình bị trả thù, trả đũa”.


“Lạm phát” GS, PGS
Báo Người Đưa Tin có bài: Ứng viên không đạt chuẩn PGS chấp nhận bị loại vì… “án tại hồ sơ”. TS Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên trường đại học Nội Vụ Hà Nội, một trong 41 ứng viên bị loại trong đợt xét lại thứ 2, khẳng định: “Tôi không hề gian dối, mình làm nhà giáo làm sao mà gian dối được. Nếu gian dối thì tôi còn có thể dạy ai?”


Công trình trái phép trong di sản văn hóa
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Sao ‘Vạn lý trường thành’ xây sai phạm lọt qua hết cơ quan quản lý? Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: “Từ khi phát hiện cho tới khi báo chí vào cuộc, chúng tôi đã gửi 5 văn bản cho UBND huyện Hoa Lư và một số văn bản gửi cho Sở NN&PTNT”. Các văn bản này đều không thể ngăn được Công ty Tràng An hoàn thành công trình trái phép xâm hại danh thắng Tràng An.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Di sản thiên nhiên thế giới bị xâm hại nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm? Bài viết lưu ý: Chính quyền huyện Hoa Lư không những không thực hiện yêu cầu “xử lý hành động vi phạm rừng đặc dụng trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An” từ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, mà còn để yên cho Công ty Tràng An hoàn thành công trình trái phép.


Nông nghiệp Việt Nam
Báo Người Đưa Tin có bài: Đầu mùa khô, nông dân Ninh Thuận thấp thỏm khi cừu chết hàng loạt. Một người nuôi cừu cho biết: “Chỉ hơn 1 tháng mà đã chết nửa bầy rồi. Bây giờ trong chuồng chỉ còn hơn 100 con nhưng ốm yếu lắm… Nếu sắp tới trời không mưa, thiếu cỏ tươi, chắc bầy cừu tiêu hết”.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc sở NN-PTNT Ninh Thuận, thừa nhận rằng nhiều hồ chứa nước ở tỉnh đã cạn kiệt, “ngành đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp tập trung nguồn nước cho chăn nuôi để tránh tình trạng gia súc chết do thiếu nước”.


Giới tài phiệt ở Việt Nam


***


Tin thế giới

Chuyện nước Mỹ
Trang Cali Today có bài: Thành phố San Francisco kiện Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Luật sư Dennis Herrera, đại diện cho thành phố San Francisco, nộp đơn kiện ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp, nhắm vào các bản hướng dẫn luật lệ mà ông Sessions cho thu hồi. Đơn kiện cũng tố cáo chính phủ Trump “tìm cách phá hoại các phương tiện bảo vệ người nghèo, người da màu và người khuyết tật nhân danh ‘cải cách các điều lệ’.”

Đơn kiện cũng cho rằng, “Bộ Tư Pháp đã sai lầm khi không chịu lấy ý kiến của quần chúng trước khi ra quyết định cho thu hồi các bản hướng dẫn pháp luật, hay đã không cung cấp được một căn bản hợp lý nào dựa trên đó để tiến hành thu hồi“.

Báo Người Việt đưa tin: ACLU kiện cảnh sát và biện lý Orange County sử dụng mật báo viên. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) ở Nam California đã nộp đơn kiện cảnh sát trưởng và chánh biện lý quận Cam, sử dụng mật báo viên trong tù một cách sai trái để kết tội nghi can, theo đài phát thanh KPCC.

Cảnh sát trưởng và chánh biện lý quận Cam bị ACLU kiện là do họ sử dụng bằng chứng được thu thập không đúng, khi dùng một tù nhân làm mật báo viên trong tù, để “gài” nghi can lấy bằng chứng. Bởi theo luật, muốn lấy lời khai của nghi can, thì phải có sự hiện diện của luật sư đại diện mới được xem là hợp lệ.



Cuộc chiến thương mại
Về cuộc chiến thương mại, khởi đầu giữa hai nước Mỹ – Trung, RFI có bài điểm báo: Mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ. Theo báo Les Echos ở Bắc Kinh, hai mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới trong cuộc chiến này là: Giảm thâm thủng cán cân mậu dịch với Trung Quốc và ngăn cản Trung Quốc cất cánh, trở thành nền công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Báo Les Echos nhận định, mặc dù Mỹ tuyên bố đánh thuế 60 tỷ Mỹ kim vào các mặt hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả 50 tỷ vào các mặt hàng Mỹ, nhưng cả Washington lẫn Bắc Kinh mới chỉ đưa vũ khí ra dọa nhau, vẫn chưa tuyên bố khi nào sẽ áp dụng các biện pháp đó. Chính quyền Trump đang dàn sẵn máy bay ném bom B52, nhắm vào 1.300 mặt hàng của Trung Quốc, nhưng “Nhà Trắng chưa ra lệnh cho những chiếc B52 đó cất cánh”.





***











No comments:

Post a Comment