Monday, April 30, 2018

BẢN TIN SÁNG 30/4/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Tổng thống Philippines mời Trung Quốc “cùng khai thác” ăn chia theo tỉ lệ 60-40 ở Biển Đông. Trang Rappler dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte nói: “Về vấn đề Biển Đông, hãy để nó ở đó, đấy là địa chính trị. Dù sao Trung Quốc đã cung cấp cơ hội hợp tác thăm dò và khai thác chung. Và tôi nói, có lẽ chúng tôi cung cấp cho các bạn một thỏa thuận tốt hơn, 60-40”.

VOA đưa tin: ASEAN ‘xích lại gần hơn’ với Trung Quốc và Ấn Độ. Tuyên bố chung hôm 28/4, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì hòa bình ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Thủ tướng Singapore nói rằng, các nước Đông Nam Á sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với “các cường quốc mới” như Trung Quốc và Ấn Độ.


43 năm sau cuộc chiến
BBC có bài phỏng vấn một cựu “thiên thần mũ đỏ”: ’30 tháng Tư và cuộc chiến của tôi’. Ông Vũ Hữu Thành, cựu sĩ quan dù của Quân lực VNCH, kể lại lời một số “binh sĩ” Bắc Việt, khi đó chưa đến 20 tuổi, khai lúc bị bắt làm tù binh:

“Chúng cháu mới 16, 17 tuổi. Chúng cháu chưa bắn phát súng nào. Chúng cháu ở ngoài đó rất khổ. Vào quân ngũ là để vào Nam và để được tìm kiếm tự do, chú ạ”. Một trong những tội ác trong chiến tranh là đưa trẻ vị thành niên ra trận, cầm súng bắn giết. Về bản chất, hành động đó không khác gì cách tuyển quân của Nhà nước Hồi Giáo (IS) hay các tổ chức khủng bố.

Nhiều tù binh Bắc Việt xin được ở lại miền Nam thay vì về với “đồng chí” và rừng núi âm u. Ảnh: internte

Trong khi người dân miền Nam xem sự kiện cộng sản chiếm miền Nam năm 1975 là thời khắc mở ra một giai đoạn tăm tối cho dân tộc VN dưới chế độ cộng sản, các báo “lề đảng” vẫn xem đó là ngày “giải phóng” và tiếp tục ăn mừng chiến thắng. Trang VietNamNet bàn về những người “dọn đường” cho phi đội Quyết thắng ném bom Tân Sơn Nhất. Bài viết kể về vụ Phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 3/1975.

Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự, có cả máy bay chở dân thường chứ không chỉ máy bay chiến đấu. Trong các tuần cuối của cuộc chiến, máy bay liên tục chở người dân di tản, nhưng CS Bắc Việt đã ném bom vào nơi có máy bay dân sự, giết người dân vô tội, rồi xem đó là “chiến công”.

Góc nhìn của các phóng viên quốc tế về Chiến tranh Việt Nam, trang VietNamNet có bài: “Liệu còn ai sống sót sau cuộc chiến khốc liệt ấy?”. Tựa bài là câu hỏi của ông Ishigaki Misao, trước những hình ảnh trong một đoạn him dài 14 phút về những người lính trẻ Bắc Việt nhập ngũ năm 1971.

Bài viết lưu ý: “Bộ phim công phu này kết thúc bằng những cảnh quay nghĩa trang. Trong cuộc chiến tranh đó người ta nói có đến hơn một triệu người ngã xuống để đất nước được thống nhất. Các cựu chiến binh vẫn nhớ tới cái giá của chiến thắng”. Theo sau “chiến thắng” đó là hơn 4 thập niên cầm quyền của CSVN, khiến đất nước kiệt quệ, suy tàn.

Bài viết về hòa giải hòa hợp trên báo Một Thế Giới: Để không còn bức tường ngăn cách giữa những người bạn một thời… Tác giả Lê Học Lãnh Vân trăn trở: “Thay cho tiếng kèn thắng trận của một bên, sao không là niềm vui sum họp cả hai miền? Có khó quá chăng hay có gì trật chăng nếu thay Ngày Giải Phóng thành Ngày Hòa Bình, hay Ngày Thống Nhất? Thực sự thì ý nghĩa lớn nhất, sâu đậm tình dân tộc nhất của ngày 30.4.1975 là gì, Hòa Bình, Thống Nhất, hay Giải Phóng?

Nhân quyền ở Việt Nam
VOA dẫn lời Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế — USCIRF: Việt Nam cần được đưa trở lại vào danh sách CPC. USCIRF lưu ý, Việt Nam năm nay tiếp tục bị xếp vào nhóm các nước, mà ở đó chính phủ thực hiện hoặc dung chứa những vụ vi phạm tự do tôn giáo “đặc biệt nghiêm trọng”, những vi phạm có tính hệ thống và vẫn đang tiếp diễn. Tổ chức này cho rằng, Việt Nam cần được định danh là Nước Cần Được Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.

Danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo này gồm: Ả-rập Saudi, Eritrea, Iran, Myanmar, Sudan, Tajikistan, Bắc Hàn, Trung Quốc, Turkmenistan và Uzbekistan. Báo cáo của USCIRF còn nhận định: “Việt Nam đã tăng cường sách nhiễu, bắt bớ, bỏ tù, và tra tấn những nhà hoạt động ôn hòa, những người bất đồng chính kiến, và các blogger, bao gồm những người có tín ngưỡng”.


Công cuộc “đốt lò”
Vụ một số sĩ quan cao cấp trong quân đội vào “lò” vì liên quan đến Thượng tá Út “trọc”, trang VietNamNet có bài: Điều ít biết về Đại tá Phùng Danh Thắm dính dây ‘Út Trọc’ bị khởi tố. Theo đó, ông Thắm là Tổng GĐ Công ty Thái Sơn, tiền thân là Công ty TROPICO thuộc Bộ Quốc phòng. Dưới sự “dẫn dắt” của ông Thắm, Công ty Thái Sơn đã nhiều lần được khen thưởng, thời “đồng chí X” nắm quyền.

Có vẻ như khúc “củi mục” Phùng Quang Thanh đang mấp mé trước miệng lò, khi mấy vụ bắt bớ gần đây đang nhắm tới ông “tướng tâm tư” này. Út “trọc” là người thừa hành “đắc lực” trong đường dây lợi ích nhóm của Đại tá Phùng Danh Thắm. Trước đó, mạng xã hội đưa tin về mối quan hệ gia đình và lợi ích giữa ông Thanh và người cháu là Phùng Danh Thắm.

BBC có bài: TBT Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng ‘có đà’ để làm tốt hơn. Bài viết lưu ý, cụm từ “không có vùng cấm” xuất hiện rất nhiều trong báo chí “lề đảng” mấy ngày qua, sau vụ bác Tổng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ trọng án. Chưa đầy một ngày sau khi bác Tổng “hối thúc”, Đại tá Phùng Danh Thắm và Đại tá Bùi Văn Tiệp đã bị cho “vào lò”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bản chất của chiến dịch “đốt lò” vẫn là thanh trừng nội bộ và lấy lại tiền tham nhũng, để kéo dài chế độ. Bài viết dẫn lời nhà báo Phạm Đoan Trang, bình luận: “Đốt lò chống tham nhũng rồi tiền tham nhũng ấy có về tay nhân dân không? Không. Dân vẫn tự lo như cũ, không có phúc lợi nào cho dân cả, chỉ có thêm sắc thuế mới đang được đề xuất”.


“Củi” ở Đà Nẵng
Báo Dân Trí đưa tin: Đà Nẵng rà soát nhà, đất công sản. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng dự định sẽ thành lập tổ kiểm tra trụ sở làm việc của các hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố trong tháng 5/2015, đặc biệt là “tình trạng sử dụng thực tế của 25 nhà, đất công sản có tổng diện tích 32.000 m2 mà các hội, đoàn thể đang sử dụng”.

Các hội, đoàn thể bị “điểm mặt” kiểm tra, rà soát, bao gồm: “Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật TP, Hội Khuyến học TP, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Nhà báo TP, Hội Người mù… cấp thành phố và cấp cơ sở ở các quận, huyện”.


“Củi” ở Đắk Lắk
Trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Vụ phá đường dây gỗ lậu ‘khủng’ ở Đắk Nông: Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra. Vụ lâm tặc vận chuyển gỗ lậu từ Vườn quốc gia Yok Đôn, sát Đồn Biên phòng 747 rồi theo quốc lộ 14C về huyện Cư Jút, Đắk Nông, “người của Bộ Quốc phòng đã chính thức có mặt tại Đắk Lắk vào tối 28/4, sau đó tức tốc lên hiện trường”. Cả Bộ Công an lẫn Bộ Quốc phòng cùng tham gia vào vụ bắt đường dây gỗ lậu này bởi từ lâu, nó được chính quyền và biên phòng địa phương bảo kê.

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi: ‘Trùm’ buôn gỗ Phượng ‘râu’ chung chi cho cơ quan chức năng hàng tỷ đồng? Về số gỗ tại các kho của Phượng “râu”, một cán bộ điều tra cho biết: “Chưa từng thấy gỗ nhiều như thế này, hàng chục cán bộ, chiến sĩ cũng phải mất hơn 10 ngày nữa mới kiểm đếm xong”.

Về chuyện sào huyệt của Phượng “râu” chỉ cách đồn Biên phòng 747 hơn 200m, bài viết lưu ý: Tại đia phương, Phượng “râu” được cho là có mối quan hệ “tốt” với nhiều người ở khu vực biên giới mà Phượng đang “làm ăn”. “Dưới Phượng còn có rất nhiều đàn em làm công ăn lương, phục vụ công tác vận chuyển, khai thác gỗ”.

Báo Người Lao Động có bài: “Kiểm lâm kiểm tra thường xuyên” nhưng không thấy gỗ lậu của trùm Phượng “râu”!? Theo đó, lực lượng kiểm lâm địa phương “cho rằng thường xuyên kiểm tra hoạt động xuất nhập gỗ tại xưởng của Phượng ‘râu’ nhưng không phát hiện có gỗ lậu cho đến khi Bộ Công an bắt giữ”.


Dự án chiếm biển của FLC
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Làng biển xôn xao trước dự án hàng ngàn hecta của FLC. Ông Đinh Chí Cường, ngư dân ở đây, nói rằng, “chủ trương của chính quyền thì người dân nghe theo. Nhưng tái định cư người dân đi xa mà không có điều kiện làm biển, không có cảng thì dân nhất quyết không đi”. Ông Cường nói: “Ngày nào cũng nghe nói chuyện về FLC, mình lo lắm”.

Một người dân khác bày tỏ: “Nghe nói họ lấy biển. Không biết khi nào thì làm nhưng nghe vậy cũng lo lắm. Dân ở đây 100% làm biển. Nếu không cho làm nữa thì chết đói, lên bờ biết làm gì nữa”. Còn Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải thì nói rằng chính quyền tỉnh “chưa đưa ra cơ chế đền bù, kiểm kê áp giá”.


Cả họ làm quan
Báo Tuổi Trẻ có bài: Giám đốc Bảo Việt Đà Nẵng bị tố đưa ‘cả họ làm quan’. Bảo Việt Đà Nẵng là một công ty nhà nước, giám đốc công ty này là ông Lê Kim Thái, thừa nhận có 11 người thân trong gia đình làm ở đây, trong đó vợ, em dâu, em bên vợ ông Thái là trưởng các phòng quan trọng trong công ty.

Bài báo cho biết: “Theo đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng, vợ và em dâu ông Thái là các trưởng phòng kinh doanh có doanh thu lớn trong công ty. Em con cô cậu với vợ ông Thái cũng là trưởng phòng giám định (bộ phận chuyên giám định tổn thất và lập dự toán bồi thường). Giám định viên trong phòng này còn một người khác là em rể ông Thái, việc này gây nhiều bức xúc cho các nhân viên công ty“.


Ô nhiễm môi trường
Báo Người Lao Động đưa tin: Cá chết trắng sông Bàu Giang, người dân hoang mang. Một người dân ở thị trấn La Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khoảng 15h chiều ngày 29/4, “khi ra bờ sông, ông phát hiện hàng triệu con cá bắt đầu nổi lờ đờ trên mặt nước, đến 17h chiều thì cá bắt đầu chết và phơi bụng trắng sông Bàu Giang”. Theo người dân địa phương, “năm nào trên sông Bàu Giang cũng xảy ra tình trạng cá chết, tuy nhiên đây là lần có số lượng cá chết nhiều nhất”.

Hàng nghìn hộ dân Hà Nam kêu cứu vì sông Châu Giang ô nhiễm, theo báo Lao Động. Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân tỉnh Hà Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sông Châu Giang ô nhiễm trầm trọng. “Tình trạng ô nhiễm  kéo dài không những ảnh hướng đến điều kiện sản xuất của người dân hai bên lưu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân”.

Một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nam thừa nhận: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm của sông Châu Giang là do “nguồn nước thải của Hà Nội đổ về. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý từ sông Tô Lịch chảy qua đập Thanh Liệt của Hà Nội đổ về phía hạ lưu, trong đó có sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy của Hà Nam”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Người Đưa Tin có bài: Vụ gần 200 học sinh bị cấm tới trường: Trưởng phòng GD&ĐT lên tiếng. Gần 200 học sinh trường tiểu học Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị phụ huynh cấm đến lớp để phản đối nhà trường lạm thu.

Ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cho biết: “Phòng nhận được đơn của phụ huynh tố cáo trường tiểu học Diễn Đoài thu tiền sai quy định. Hiện, đơn này đã được UBND huyện chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra và hiện đoàn đang làm việc”.

VOV bàn về hệ lụy từ “thi đua” nâng cấp trường trung cấp, cao đẳng lên đại học. Theo đó, “nhiều trường khi được nâng cấp có những ngành nghề không đúng với năng lực đào tạo, các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… không đảm bảo chất lượng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
CNN đưa tin: Ông Trump dọa đóng cửa chính phủ vào tháng 9 vì an ninh biên giới. Phát biểu trước những người ủng hộ ở Michigan hôm thứ Bảy vừa qua, ông Trump dọa đóng cửa chính phủ liên bang vào tháng 9 năm nay, nếu Quốc hội không cấp thêm tiền để xây bức tường trên biên giới với Mexico. Mặc dù khi vận động tranh cử, ông Trump nói Mexico sẽ trả tiền để xây bức tường này.

Sau khi đòi tiền Mexico xây tường không được, ông Trump đã đòi được Quốc hội chi 1,6 tỷ để xây tường, nhưng số tiền đó chưa tới 1/20 số tiền cần có. Ông nói: “Chúng ta cần an ninh. Chúng ta cần tường. Và bức tường đó đã khởi công, chúng ta có 1,6 tỷ đôla. Chúng tôi sẽ nêu lên chuyện này vào ngày 28/9, và nếu chúng tôi không có an ninh trên biên giới, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là đóng cửa đất nước vì chúng tôi cần an ninh trên biên giới”.

Tổng thống Mỹ lại tẩy chay dạ tiệc với báo chí, tin từ RFI. Bữa ăn tối truyền thống với các nhà báo theo thông lệ 40 năm qua, được tổ chức tại Nhà Trắng tối 28/04/2018, năm nay cũng như năm ngoái, ông Trump đã không tham dự buổi tiệc đề cao tự do ngôn luận này, mà bỏ đi dự meeting ở nơi khác.

Thông tín viên RFI bình luận: “Hiển nhiên, Donald Trump tổ chức mít tinh tại nơi ông có được sự ủng hộ của cử tri, ngược lại, bầu không khí tại bữa ăn tối của các phóng viên báo chí dường như không thuận lợi cho ông lắm. Một số thành viên trong chính quyền Trump có mặt tại dạ tiệc, nhưng không hề muốn cười, thậm chí không gượng cười trước các câu nói bông đùa chế diễu của Michelle Wolf…

Bà nói: Chúng ta đang ở năm 2018. Tôi là một phụ nữ và do vậy, các vị không thể bắt tôi im lặng. Trừ phi Michael Cohen chuyển cho tôi 130 ngàn đô la. Hàm ý nói việc luật sư của Donald Trump đã thương lượng với nữ diễn viên phim khiêu dâm một thỏa thuận tôn trọng giữ bí mật. Michelle Wolf nói tất cả, không có gì kiêng kỵ. Thậm chí, bà còn nói trước là bà rất muốn trực diện với vị tổng thống và cho rằng ông đã hèn khi không tới dự dạ tiệc”.


Bán đảo Triều Tiên
VOA có bài: Tổng thống Philippines ‘thần tượng’ lãnh tụ Bắc Hàn. Từng gọi Kim Jong-un là “kẻ ngốc”, hôm qua TT Rodridgo Duterte đã xem lãnh tụ Bắc Hàn là “thần tượng”. Reuters đưa tin, ông Duterte nói rằng, ông ta ngưỡng mộ Kim Jong-un vì ông này biết cách tính toán thời điểm.

Khi được yêu cầu bình luận về cuộc họp giữa ông Kim Jong-un và TT Nam Hàn Moon Jae-in, TT Duterte nói: “Suốt một thời gian dài, ông ấy bị coi là kẻ xấu trong cộng đồng. Với một bước đi thông minh, ông ấy giờ là anh hùng trong lòng mọi người. Ông ấy dường như đáng yêu, một người tốt bụng và rất biết điều“.




***











No comments:

Post a Comment