Wednesday, April 18, 2018

BẢN TIN SÁNG 18-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: VN-Indonesia cam kết giải quyết vấn đề đánh bắt trên Biển Đông. Bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia thăm Việt Nam hôm 17/4/2018. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội, hai bên “cam kết thống nhất giải quyết nhanh các vướng mắc nảy sinh ảnh hưởng đến hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc vi phạm đánh bắt trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân và tàu cá”.

Dù gặp người đồng cấp Indonesia, nhưng ông Phạm Bình Minh vẫn chưa lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho ngư dân Việt Nam: Đó là đưa nhóm 5 thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang bị Indonesia bắt hồi tháng 4/2017 về nước. “Hứa hẹn” ngoại giao là việc của quan chức CSVN, còn ngư dân Việt Nam bị các nước láng giềng bắt thì không biết trông cậy vào đâu.


Quan hệ Việt – Trung
VOA đưa tin: Thăm TQ, đại biểu CSVN khẳng định theo đuổi ‘16 vàng 4 tốt’. Theo đó, ngày 17/4/2018, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã tiếp đón ông Nguyễn Văn Bình cùng phái đoàn đại diện đảng CSVN trong chuyến thăm Bắc Kinh. Ông Nguyễn văn Bình khẳng định Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, hai nước “đồng chí” sẵn sàng củng cố và phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước theo “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt”.

Ông Bình từng là một trong những nhân vật quan trọng trong đường dây quyền lực của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là “tay hòm chìa khóa” của “đồng chí X”. Nay, trong lúc vây cánh của “đồng chí X” liên tiếp vào “lò” của Tổng Trọng, ông Nguyễn Văn Bình sang Trung Quốc chỉ đơn thuần vì mục đích ngoại giao, hay còn vì lý do nào khác?


Nhiều “củi khô” Đà Nẵng vào lò
Hàng loạt “củi khô” ở Đà Nẵng bị cho vào lò đêm qua vì có liên quan tới Vũ ‘nhôm’: Củi Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an; Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an; Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, đều là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Trần Văn Toán, cựu Phó Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng.

Mặc dù có nhiều khúc “củi khô” bị cho vào lò vì có liên quan tới Vũ ‘nhôm’, nhưng dường như còn sót vài khúc củi tươi khác. Bên Bộ Công an có ba khúc củi tươi là Thứ trưởng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bùi Văn Thành, Trung tướng Ksor Nham, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an, vẫn chưa thấy xuất hiện bên miệng lò.

Thứ trưởng Trần Việt Tân được cho là người đã ký vào giấy chứng minh “công an nhân dân”, cấp cho Phan Văn Anh Vũ. Ngoài ra, ông Tân còn ký nhiều văn bản, gửi cho Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM, Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, Trần Phương Bình, TGĐ Ngân hàng Đông Á, Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Nguyễn Xuân Anh… tác động lên chuyện “làm ăn” của Vũ ‘nhôm’.

Văn bản được cho là của Thứ trưởng Trần Việt Tân, gửi Bí thư và Chủ tịch TPHCM để giúp Vũ ‘nhôm’. Ảnh: internet

Tương tự như Thứ trưởng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bùi Văn Thành, bị người dân đặt cho biệt danh là “tướng ăn tạp”, cũng đã ký nhiều văn bản gửi lãnh đạo các cấp, trong đó có ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng CP, Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM… nhờ tiếp tay cho Vũ nhôm “làm ăn”. Hình ảnh Thứ trưởng Bùi Văn Thành (thứ hai từ trái) chụp chung với Vũ ‘nhôm’ (phải) đã được đăng trên mạng gần một năm trước: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/04/H2-40.jpg

Ngoài hai thứ trưởng Bộ Công an kể trên, Bộ Công an còn có Trung tướng Ksor Nham, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, là nhân vật tích cực giúp ‘thượng tá’ công an Vũ ‘nhôm’ mượn danh công an để cướp tài sản quốc gia, biến anh ta thành trùm mafia khét tiếng, không sợ quan chức nào ở Đà Nẵng.

Công văn này của Trung tướng Ksor Nham, gửi Thứ trưởng Bùi Văn Thành, giúp Vũ ‘nhôm’ thu tóm công sản, mà cư dân mạng đã chuyền cho nhau gần một năm trước: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/04/H2-39.jpg

Hiện tướng Ksor Nham tạm “bình an”, nhưng không thể nói là “vô sự”, bởi vai trò của ông ta giúp Vũ ‘nhôm’, không khác gì vai trò của tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, là người đã bị bắt đêm qua. Hình ảnh Trung tướng Ksor Nham (thứ 6 từ trái qua) đứng cạnh Vũ ‘nhôm’ (áo vest đen, bên phải) và Bùi Cao Nhật Quân (áo vest đen, bên trái), đã được cư dân mạng đưa ra bàn tán hơn một năm qua: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/04/H1-124.jpg

Kính mời quý độc giả xem thêm Hồ Sơ Tham Nhũng, về vụ án Phan Văn Anh Vũ, có liên quan tới các khúc củi to ở Bộ Công an như Thứ trưởng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bùi Văn Thành, Trung tướng Ksor Nham, Trung tướng Phan Hữu Tuấn… và các nhân vật khác đã được những khúc củi kia móc nối.

Hồ sơ này đã được “Nhóm Phóng viên Công lý” gửi tới nhiều nơi gần một năm trước, mặc dù lúc đó không thể kiểm chứng được thông tin của nhóm này đưa ra, nhưng sau một năm, có thể thấy, hầu hết những thông tin của họ đưa ra đều đúng.

Trang Soha có đồ họa về con đường quan lộ của cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và mối liên hệ với Vũ “Nhôm”, cho thấy, thời kỳ ông Minh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông đã giúp Vũ ‘nhôm’ mua hàng loạt nhà đất công không qua đấu giá. Có tổng cộng 19 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước, đã được Vũ ‘nhôm’ thu tóm dưới thời Chủ tịch Trần Văn Minh: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/04/H1-121.jpg





“Củi” nhánh ở thành Hồ
Những nhánh củi con của khúc củi to ở Sài Gòn đang từ từ bị chặt. Khởi đầu là vụ kỷ luật ông Lê Tấn Hùng, TGĐ Tổng Công Ty Nông Nghiệp Sài Gòn, em trai cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, đã ký và chi khống 13.3 tỷ đồng, cho hai công ty du lịch. Kế đến là “hạt giống đỏ” Lê Trương Hải Hiếu, quý tử của ông Lê Thanh Hải.

Chiều qua, ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó bí thư quận ủy, kiêm Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM, bị BTV Quận ủy quận 12 kỷ luật, vì… có con nhưng chậm báo cáo! Thông báo của quận ủy quận 12 cho biết, “ông Hiếu đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức” và bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”.

Được biết, ông Hiếu từng là rể hụt của Huỳnh Ngọc Sỹ, cựu Phó Giám đốc Sở GTVT và Giám đốc BQL Dự án Đại lộ Đông Tây, bị án tù chung thân, sau giảm xuống còn 26 năm vì tội nhận hối lộ và “lợi dụng chức vụ”. Có thông tin về người phụ nữ có con với ông Hiếu là nghệ sĩ cải lương Nguyễn Ngọc Quế Trân, từng là đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII.

Dư luận cho rằng, ông Hiếu chưa vợ, nên ông có con với người phụ nữ chưa chồng thì không có gì sai, nhưng sao ông Hiếu bị kỷ luật, chỉ với lý do vu vơ là “chậm báo cáo với tổ chức”? Còn lý do chính, vì sao “hạt giống đỏ” Lê Trương Hải Hiếu bị kỷ luật? Có lẽ cụ Tổng chuẩn bị cho “khúc củi” Lê Thanh Hải vào lò chăng?

Đồ họa của báo Tuổi Trẻ nói về con đường hoạn lộ và câu nói nổi tiếng của “hạt giống đỏ” Lê Trương Hải Hiếu: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/04/H2-43.jpg


Vụ án OceanBank
Hôm nay, Tòa án cấp cao TP Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm 26 bị cáo trong đại án xảy ra tại Oceanbank, theo VnExpress. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nửa tháng. Ông Hà Văn Thắm kháng cáo án sơ thẩm tuyên tháng 9/2017, vì cho rằng mình không phạm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Vụ án này có liên quan đến cả ông Phạm Công Anh và bà Hứa Thị Phấn, các bị cáo chính trong vụ án thiệt hại ở VNCB và TrustBank. Cả ông Danh và bà Phấn đều “kháng cáo toàn bộ bản án”. Các bị cáo còn lại “xin được giảm tội danh, giảm nhẹ hình phạt cho hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự”.

Vậy là các nhân vật chính trong chuỗi trọng án ngân hàng diễn ra năm 2012 lại tiếp tục “hội ngộ” ở tòa. Ông Hà Văn Thắm đã “rút ruột” OceanBank khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 2000 tỉ đồng, trong đó có số tiền ông Hà Văn Thắm cho ông Phạm Công Danh vay. Đến lượt ông Danh lại để xảy ra sai phạm ở VNCB, sau khi tiếp nhận đống nợ từ bà Hứa Thị Phấn. VNCB và OceanBank lần lượt trở thành trường hợp thứ nhất và thứ hai được NHNN mua lại 0 đồng, đều trong năm 2015 và đều do những thiệt hại tài chính tích lũy từ năm 2012.

Dư luận mạng xã hội cho rằng, “điểm cuối” của tất cả các đại án ngân hàng chính là ông Nguyễn Văn Bình, là “tay hòm chìa khóa” của “đồng chí X”. Chuỗi đại án ngân hàng diễn ra với sự “tiếp tay” ngầm của NHNN đã tạo ra những gánh nặng tài chính vẫn còn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.


Cướp của dân qua chính sách thuế
RFA có bài phân tích Thuế nhà ở: “làm kiệt quệ tài chính của dân là không nên”. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hiếu: “Dư luận họ phản ứng bởi vì rất nhiều người có thu nhập thấp đã khổ công mua được căn nhà, bây giờ mua được căn nhà lại bị đánh thuế với mức nặng hơn nhiều”. Đánh thuế tài sản đối với nhà ở là đánh trực tiếp vào tầng lớp có thu nhập trung bình và những người thu nhập thấp cố gắng vay tiền mua nhà.

Gần đây, ngân sách nhà nước thâm thủng trầm trọng, do nuôi bộ máy vừa cồng kềnh lại tham nhũng, vì thế họ phải nghĩ thêm nhiều loại thuế mới để “tận thu”. Ông Bùi Kiến Thành cho biết: “Nhà nước đứng trước tình trạng không giảm cái chi mà cứ tìm cách tăng cái thu lên, tìm cách tận thu của nhân dân như vậy là một tư duy không phù hợp“.

Một căn nhà “cõng” hàng chục loại thuế, phí, đó là tính toán của báo Dân trí. “Một người dân có mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng thì phải 20 năm mới có thể mua được căn nhà 700 triệu đồng và phải đóng rất nhiều loại thuế, phí khác nhau như: lệ phí trước bạ, lệ phí thẩm định, tiền sử dụng đất, thuế phi nông nghiệp…

Không riêng nhà ở, những mặt hàng thiết yếu khác cũng bị chính quyền CSVN đánh thuế cao ngất ngưỡng, trong đó, ô-tô là một trong những mặt hàng “béo bở”. Trang VietNamNet có bài: Ô tô Lexus Nhật 900 triệu, Việt Nam gần 3 tỷ: Đắt đỏ thuế chồng thuế. Sau khi xe ô tô chịu hàng chục loại thuế phí, người tiêu dùng phải giá cao gấp hơn 3 lần. Bộ Tài chính vừa tiếp tục đề xuất tận thu thuế đối với ô tô có giá trên 1,5 tỉ đồng.

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn viết: “Thế kỷ trước, Phan Bội Châu đã u uất kêu lên: ‘Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền. Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn. Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn. Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn’. Bây giờ, kêu nữa được gì? Nếu dự thảo Luật Tài sản được áp dụng, thì đất nước lại có thêm hàng vạn Chí Phèo và Chị Dậu ngồi chờ cuộc “thổ cải” lần thứ hai mà thôi!


Tiền nhà nước chuyển vào túi tư nhân
Muốn biết tiền nhà nước chuyển vào túi tư nhân bằng cách nào, hãy đọc bài phóng sự điều tra của báo Người Tiêu Dùng: Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại TP.HCM?

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, đã bán 32,4 ha đất có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng, cho một công ty tư nhân là Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ mạt, chỉ hơn 419 tỷ đồng. Chỉ một phi vụ làm ăn, những kẻ chủ mưu đã chuyển gần 2000 tỷ đồng từ túi nhà nước sang túi tư nhân!

Bài viết có đoạn, “với mức giá bán siêu ‘bèo bọt’ không qua đấu thầu, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện đã ‘thổi bay’ tài sản Nhà nước có trị giá trên 2.400 tỷ đồng và thu về hơn 419 tỷ đồng, có dấu hiệu gây thất thoát tiền nhà nước với số tiền ‘khổng lồ’ gần 2.000 tỷ đồng“.


Công an “nhân dân”
Một nhóm công an và dân quân xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Tây Ninh, giữa đêm, dùng roi điện “mời” công dân lên trụ sở, theo báo Người Lao Động. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Đông, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán ban đầu là dập não, tụ máu trong não. Vợ ông Đông kể: “Chính mắt tôi thấy chồng tôi chạy ra thì 4-5 người của xã bu lại chích điện chồng tôi. Tôi chạy theo thì thấy họ lấy cái gì đó đập vô đầu chồng tôi, anh ấy nằm bất tỉnh, máu ra rất nhiều”.

Trong khi phía người nhà ông Đông kể rằng, nạn nhân đã bị hành hung đến mức bị thương nặng ở đầu, thì công an và dân quân xã khẳng định, họ “không ra tay đánh anh Đông. Nạn nhân bị thương ở đầu là do tự té, đập đầu vào gốc cây cao su”. Một độc giả bình luận với báo Người Lao Động: “Tại anh này tự đập đầu vào gậy của cán bộ thôi!”

“Cát tặc” hoành hành
VTC đưa tin: Còn hút cát trái phép, Chủ tịch UBND xã ở Thanh Hóa hứa từ chức. Bị người dân xã Thiệu Đô nghi ngờ có dấu hiệu cán bộ xã làm luật, “tiếp tay” cho cát tặc, ông Lê Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô, hứa “thời gian tới nếu còn để xảy ra tình trạng hút cát trái phép thì sẽ xin từ chức”.

Lúc người dân bắt đầu nói thẳng sự nghi ngờ của họ về chuyện chính quyền địa phương tiếp tay cho “cát tặc”, ông Ký mới bắt đầu hứa, liệu lời hứa của ông có giống như lời hứa của rất nhiều quan chức CSVN trước đó, trở thành “lời nói gió bay”?


Bê bối ngành y
Báo Người Đưa Tin có bài: Kết luận chính thức vụ BV bị tố bỏ mặc bệnh nhi vì không đóng viện phíBệnh viện chối tội, khi nói rằng, tố cáo họ bỏ mặc bệnh nhân vì chưa đóng viện phí là “không hoàn toàn đúng”, bệnh viện đã sơ cứu ban đầu. Ngoài ra trong kết luận, bệnh viện Hóc Môn còn mắc các lỗi: máy chụp X-quang không sử dụng được, không làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân mà yêu cầu bệnh nhân tự đi.

Mẹ của ‘bệnh nhi bị bỏ mặc ở viện’: Livestream vì lo cho con chứ không ‘dìm’ bệnh việntheo báo Phụ Nữ VNVì không còn cách nào khác để yêu cầu bệnh viện làm đúng, mẹ của bé gái bị từ chối cấp cứu vì thiếu tiền đã livestream để tạo áp lực đối với bệnh viện. Bệnh viện cho rằng việc đó là bôi nhọ, cố ý làm xấu hình ảnh.

Dù nhận mình sai nhưng bệnh viên Hóc Môn và Sở Y tế chưa có buổi xin lỗi gia đình bệnh nhân hay công khai xin lỗi trên báo chí. Thay vào đó là khủng bố bằng cách dùng nhiều số điện thoại lạ gọi, chửi bới gia đình bệnh nhân.

Sau hàng loạt bê bối, bộ trường Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn câm như hến. Thay vì bảo vệ bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu, người đứng đầu ngành y đã ra lệnh: Bộ trưởng Y tế đề nghị công an cắm chốt ở bệnh viện. Bà Tiến nói, sau nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra, “chúng tôi mong muốn lực lượng công an địa bàn cùng vào cuộc thực sự, cắm chốt tại các bệnh viện và phối hợp lắp đặt hệ thống camera để giám sát”.


Thực phẩm bẩn giết người
Tiếp tục thông tin về vụ cà phê bẩn, báo Dân Việt đưa tin: Uống phải cà phê nhuộm bằng lõi pin: Có thể gây vô sinh, ung thư. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, “pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất kỳ một loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người”. Ngoài ra, các chất như: chì, Magie, Mangan sẽ gây ngộ độc khi sử dụng, lâu dài tích tụ, gây ung thư.

VTV đưa tin: Các tỉnh miền Trung phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Chủ đề năm nay là “tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Tháng an toàn thực phẩm được tổ chức hàng năm, tuy nhiên đây là những hoạt động mang tính hình thức, tốn kém tiền thuế của dân, không đem lại lợi ích gì cả, bởi thực phẩm chẳng an toàn hơn.


Giáo dục Việt Nam
Báo Khoa Học và Đời Sống có bài phỏng vấn ông Phan Hồng Giang, cựu Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Người lớn không tử tế khó dạy được trẻ con. Về chuyện các giáo viên Việt Nam ngày càng có những hình phạt phi nhân tính đối với học sinh, ông Giang nhận định:

“Nào là cô giáo bắt học sinh liếm ghế, nói những lời khiến trẻ con phải tự tử…nên cũng không quá ngạc nhiên. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thấy vẫn kinh khủng. Tuy chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng lại cho thấy những yếu kém của giáo dục. Tại sao những người như thế vẫn đứng trong hàng ngũ người làm giáo dục”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Về chuyện Tổng thống Donald Trump đe dọa bỏ tù ông Comey, cựu Giám đốc FBI, ông Comey phản công: Đây không phải là chế độ độc tài. Ông Comey nói trong cuộc phỏng vấn kế tiếp của đài NPR, rằng tuyên bố của ông Trump đặt ra mối nguy hiểm lớn. Ông Comey nói: “Đây không phải là chế độ độc tài kém cỏi, nơi mà lãnh đạo đất nước nói rằng, ‘những người tôi không thích phải bị bỏ tù’.

Ông Comey nói thêm: “Tổng thống Mỹ nói rằng, một công dân phải bị tống giam. Và tôi nghĩ rằng phản ứng của hầu hết chúng ta là, ‘đó là một trong những điều đó’. Điều này không bình thường. Điều này không ổn. Có một sự nguy hiểm mà chúng ta sẽ trở nên tê liệt, và chúng ta sẽ không nhận thấy những đe dọa đối với các chuẩn mực của chúng ta. Các mối đe dọa đối với pháp quyền và các mối đe dọa nhất là đối với sự thật“.

Về chuyện ông Michael Cohen, luật sư cá nhân của TT Trump ra tòa hôm qua, vì muốn lấy lại những hồ sơ đã bị FBI đột kích và tịch thu hôm 7/4, với lý do ‘đặc quyền giữa luật sư và thân chủ’, nhưng đã bị thẩm phán Kimba Wood bác bỏ yêu cầu của ông Trump và Cohen, sau khi yêu cầu ông Cohen cung cấp tên của tất cả thân chủ của ông ta.

Báo Người Việt có bài: Tòa bác đòi hỏi của TT Trump đòi ‘lọc’ hồ sơ FBI tịch thu. Lấy lý do “đặc quyền giữa luật sư và thân chủ”, phía ông Cohen đề nghị một luật sư độc lập xem xét các hồ sơ đã bị tịch thu. Còn ông Trump thì muốn đích thân ông ta, cùng các luật sư của ông ta xem xét và quyết định, hồ sơ nào được đưa cho các nhà điều tra.

Bà Joanna Hendon, luật sư của ông Trump nói với thẩm phán Wood, rằng: Ông Trump phản đối bất cứ ai ngoài ông, xem hồ sơ bị tịch thu. Nhưng khổ nỗi ông Trump là tổng thống Mỹ, ông không có quyền hành tuyệt đối, nên thẩm phán Wood đã bác bỏ đòi hỏi này của Tổng thống Trump.



Tình hình Trung Đông
RFI có bài điểm báo: Tấn công Syria: Nhiệm vụ còn dang dở. Bài xã luận trên Le Monde cho rằng, sau chiến dịch không kích Syria ngày 14/04 bằng 105 quả Tomahawk, liên quân Anh, Pháp Mỹ vẫn còn “Một nhiệm vụ cần phải hoàn thành tại Syria”, thay vì tuyên bố như TT Mỹ Donald Trump rằng “nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Bài báo cho rằng, “phương Tây cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để hoàn thành, đó là tái tạo lòng tin vào những tuyên bố của cộng đồng quốc tế”. Nhưng Le Monde cũng cho rằng, cuộc tấn công vừa qua mang lại ba hệ quả tích cực: 1- Cộng đồng quốc tế lên tiếng việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học; 2- Cho thấy, một phần của ‘cộng đồng quốc tế’ vẫn còn tồn tại, bất chấp Nga liên tục phủ quyết về hồ sơ Syria tại HĐBA LHQ; 3- Cần tấn công để răn đe chế độ không nên tái sử dụng vũ khí hóa học.






***








No comments:

Post a Comment