Wednesday, March 21, 2018

TIỀU PHU VỀ RỪNG - KỲ 1 đến KỲ 6 (FB Nguyễn Văn Thọ)




21/03/2018

“Nếu đọc hồ sơ của các tử tù Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải, một vết đen ghê rợn xuyên suốt là hành động tra tấn ép cung để các nghi can phải nhận tội. Chỉ cần một lần không chịu đau nổi, phải nhận tội thì sau đó mọi chứng cứ ngoại phạm, mọi kêu oan, phản cung đều trở nên vô nghĩa. Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận còn cho là Hải phải chết để thế mạng cho con cháu một quan chức cao cấp. Tôi chưa dám khẳng định cáo buộc này. Nhưng nếu đúng vậy, thì đây là chủ nghĩa Hitler thời đại mới: Dùng xác người này để nuôi người khác“.
____

21-3-2018

Kỳ 1: Osin và Tiều phu

Cả Osin và Tiều phu từng là những nghề bị coi rẻ ở VIệt Nam. Gã tiều phu lừng lẫy nhất trong lịch sử là Thạch Sanh đã bị lừa đảo, thua thiệt và tù đày. Ngày nay tiều phu đã trở thành lực lượng tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, ví dụ như gã tiều phu Cologne kêu gọi đốt củi khô để tránh ô nhiễm không khí.
Còn Osin thì từ chỗ bị gọi là con ở, con sen, nay đã trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội. Nhiều vị đại gia, chính khách đều nể các cô. Có cô còn biết nhiều bí mật của xếp hơn là phu nhân. Vai trò của các cô osin trong các gia đình có người già vô cùng quan trọng. Ngày mai nếu toàn bộ lái xe tắc xi Việt Nam đình công, không lo, Grap và Uber sẽ thay thế. Nhưng một cuộc tổng đình công của các bà osin sẽ là một cơn ác mộng cho xã hội Việt Nam.
Vậy mà gã tiều phu thời @ này lại vinh dự kiêm cả nghề osin.
Cô Nương, người giúp việc của má tôi sẽ về Bến Tre ăn Tết từ 28 đến mùng 8 tết. Vì Má sống ở Sài Gòn một mình với cô mấy năm nay, nên tôi phải đảm nhiệm công việc osin trong suốt thời gian này. Tôi về đến nhà hai giờ trước khi cô lên xe đò về quê, kịp tặng cô món quà nhỏ và nhận bàn giao. Cô hẹn sẽ quay lại hai ngày trước khi tôi đi, để anh em còn nói chuyện với nhau. Đây không phải là lần đầu tôi làm osin cho Má. Hơn nữa đối với đàn ông xứ trời tây, việc nhà, việc bếp núc chẳng phải là điều gì đáng kể.
Điều tôi muốn kể là về các cô osin của Má. Từ ngày ba tôi ốm 1995, nhà tôi khi đó còn ở ngoài Hà Nội đã phải nhờ người ở cùng để chăm cho ông. Từ đó đến nay, nhà tôi đã trải qua không biết bao nhiêu người giúp việc ở chung trong nhà. Tôi chỉ quen một vài người trong số họ và đều rất cảm thông với các số phận đó. Tất cả họ đều có cảnh ngộ éo le ở quê. Nhất là các cô từ Bình Định quê tôi vào Sài Gòn ở với má, đều hoặc có ông chồng, hoặc ông bố nát rượu, hay bị đánh, bị hành hạ, phải tìm lối thoát mới cho cuộc đời. Cũng có cô chồng chết, bỏ con thơ ở với ông bà, vào thành phố kiếm tiền gửi về quê.
Họ ra thành thị làm việc với mục tiêu kiếm tiền, nhưng lại mang theo trong đầu lối sống nông thôn, từ cách kho cá, cách rửa bát đến lời ăn tiếng nói, nên không tránh khỏi bất đồng với chủ nhà. Ngược lại, người thuê osin thì luôn muốn tận dụng sức lao động của họ cho đáng đồng tiền mình bỏ ra. Có những cặp vợ chồng son, đi làm thấy bè bạn bàn tán về cô giúp việc, cũng bỏ tiền ra thuê một cô để có thể tham gia câu lạc bộ “chơi Osin“. Cô giúp việc bỗng bị biến thành hàng hóa một cách rất thời thượng.
Khi đã coi con người là hàng hóa thì mọi quan hệ đều đổ bể. Các “ông bà chủ 4.0”, mới thoát khỏi nông thôn vài năm trước, nói với nhau: “Bọn nhà quê ấy kinh lắm, đừng để chó liếm mặt, rồi có ngày nó đè đầu cưỡi cổ mình!”. Trong một xã hội mà không có luật pháp nào bảo vệ những kẻ không hộ khẩu, không có bảo hiểm xã hôi, không ai bênh vực trước các đòn hiểm của chủ, những người bán sức lao động không cam chịu bị coi thường luôn có những cách trả đũa cũng bẩn tương xứng. Cái vòng xoáy bất tín, bất nhân đó cứ thế phun ra đủ các chuyện bi hài về “Nạn Osin”, tô điểm thêm cho bức tranh xã hội đang như nồi canh hẹ ở Việt Nam lúc này.
Khi tôi nói chuyện với bạn bè hay đồng nghiệp có chức sắc ở Việt Nam, họ rất e ngại phải nghe tôi nói từ “Nhân quyền“. Họ luôn liên tưởng đến các tuyên bố của Human Right Watch hay Amnesty nọ kia. Đối với tôi nhân quyền bắt đầu từ trong nhà, đơn giản là quyền được nghỉ, được chơi của con trẻ, là quyền của cô giúp việc được được ăn uống cùng mâm, được tâm sự bình đẳng với chủ nhà. Nhân quyền đâu phải là cái gì cao xa, là con ngáo ộp mà hễ cứ nghe thấy là co rúm lại?
Cuối năm 2002, tôi về chịu tang ba tôi, thấy một thằng bé 6 tuổi, ăn mặc kiểu thôn quê, ra mở cửa. Đó là thằng Phúc, con đầu của Xuân, người đã chăm sóc ba tôi mấy tháng rồi. Xuân quê ở Thạch Thất, lên Hà Nội kiếm việc làm sau khi chồng nó qua đời. Anh bộ đội trẻ chết bệnh ung thư để lại cho Xuân 2 đứa con, thằng Phúc sáu tuổi và cái Trang bốn tuổi. May mắn sao, Xuân được tổ dịch vụ giới thiệu về giúp Má. Thương nó lúc nào cũng lo lắng về hai đứa con đang ở với ông bà ngoại, Má bảo nó về đưa Phúc lên ở, để ông bà ngoại chỉ lo cho Trang. Thế là Phúc coi Má như cụ, coi tôi như ông trẻ. Xuân mừng lắm và nó chăm Ba như chăm người thân. Xuân đã có kinh nghiệm nuôi chồng ốm mấy năm liền.
Ngày tang lễ, Xuân ở nhà lo cơm nước cho bà con họ hàng từ Quy Nhơn ra tiễn đưa Ba. Sau tang lễ, tôi về thấy mắt nó đỏ hoe, tôi biết nó cũng thương Ba. Tôi bảo: Cháu thương ông như vậy thì bà và chú cũng coi cháu như người nhà!
Ba đi rồi, Má bảo Xuân về đưa nốt cái Trang lên Hà Nội ở. Thật ra lúc này Xuân chỉ còn phải lo cơm nước cho Má, nhưng Má cưu mang cả gia đình nó. Hai đứa trẻ thì ăn ở không hết bao nhiêu, nhưng vấn đề lớn nhất là chỗ học, lại học trái tuyến. Vợ tôi vốn là giáo viên nên còn vài bè bạn trong ngành. Từ Đức, nàng điện về, liên hệ để thằng Phúc được vào lớp 1, vừa trái tuyến, vừa miễn mọi loại phí. Các cô bạn vợ tôi cũng thương Xuân nên có việc gì ra tiền cũng gọi nó đến làm giúp, góp phần trang trải những thứ phí mà đến công chức cũng còn phải sợ. Có lúc nó không đóng được, cô nọ còn dúi tiền cho Xuân, bảo mang ra ban giám hiệu đóng. Trường hợp Xuân đã giúp vợ chồng tôi tin vào sự tử tế còn lại ở quê nhà.
Năm 2004, Má quyết định bán nửa căn hộ ở Hà Nội để vào Sài Gòn mua nhà và sống ở đó. Là người Nam, bà không chịu được gió mùa xứ Bắc. Xuân vướng bố mẹ già ở Thạch Thất nên không thể đi theo bà. Mọi thứ đồ đạc trong nhà không thể mang đi, bà đều cho Xuân, kể cả cái TV màu, để nó ra ở riêng.
Tôi phải nhờ Hải, bạn tôi, giám đốc khách sạn Thương Mại bên hồ Giảng Võ nhận Xuân vào làm lao công. Cô gái Thạch Thất nhỏ bé đó đã chấp nhận tất cả, vừa làm lao công ở khách sạn, vừa đi làm osin thêm ngoài giờ cho các cô giáo để nuôi hai đứa con giữa một Hà Nội đắt đỏ. Có cô giáo thương nó nên lại nhận nó về làm lao công cho trường Trưng Vương. Giờ Xuân đã là nhân viên chính thức trường Trưng Vương đắt giá nhất Hà Nội. Trình độ trung cấp kế toán đã giúp nó thoát khỏi nghề lao công, trở thành phụ tá cho bà hiệu trưởng.
Những người giúp việc sau này của Má không có được sức bật và may mắn của Xuân. Họ thậm chí còn mang nặng mặc cảm của những người phụ nữ bất hạnh. Vì vậy sự thông cảm với một bà cụ ngoài 90 đôi khi không suông sẻ. Nhưng lòng nhân từ đã giúp Má vượt qua rất nhiều chặng.
Tuy đã 94, Má vẫn minh mẫn, tự quản lý toàn bộ công việc trong nhà, từ việc gọi thợ sửa ống nước bị dò rỉ, đến chỉ đạo cô Nương trồng rau trên gác thượng. Vì Má từng làm ở Việt Nam Thông tấn xã từ 1955 đến ngày về hưu, nên tôi hay trêu chọc bà bằng cái giọng tuyên huấn. Tôi coi cuộc sống của bà với osin là „Con thuyền của các bà góa“.
Tôi bảo: Sự lãnh đạo tài tình của Má đã dẫn dắt con thuyền của các bà góa đi từ bến bờ này đến bến bờ khác!
Hoặc: Nhờ sự lãnh đạo tài tình của má, thằng tiều phu bị vợ chê là vụng về đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ osin, kể cả mâm cỗ giao thừa.
Với tôi, Má còn hơn cả con thuyền, hơn cả sự lãnh đạo vinh quang. Ngày nào đó không còn Má, ai sẽ là chiếc cầu nối tôi với quê hương như hôm nay?
Sài Gòn, rạng sáng 2 Tết Mậu Tuất – Không ngủ được vì trái múi giờ.
_____

Kỳ 2: Dĩ vãng

Trong 2 tuần ở Sài Gòn, tiều phu chỉ quanh quẩn ở nhà để chăm Má. Tuy bà vẫn nhúc nhắc đi lại được trong nhà, tự lo vệ sinh thân thể được, nhưng tôi luôn lo sợ bà bị trượt ngã như năm 2015, phải nằm liệt mất mấy tháng trên giường. Mỗi khi bà cầm lấy cái phích nước là tôi lại la lên và chạy đến rót nước vì sợ bà bị bỏng. Má hay quên chuyện trước mắt, nhưng chuyện xưa thì nhớ như in.Vì vậy hai mẹ con hay ôn lại các chuyện xưa.
Sau khi tập kết ra Bắc 1955, bốn mẹ con được phân về ở tập thể Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), 26 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Ngôi nhà này nay là một quán ăn to nhất phố, xe ô tô đỗ kín ngoài đường. Cuối 1956, ba đi sửa sai Cải cách ruộng đất trở về, gia đình mới chuyển về ở ngay trong cơ quan VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt.
Tôi còn nhớ đến tòa nhà 3 tầng theo kiến trúc Pháp, tường dày 50cm, vào bên trong mát lạnh. Hai tầng trên là các ban biên tập: Trong nước, Thế giới và VNA. Tầng trệt là khu vực in ấn, phát hành và hành chính, hậu cần, vốn là vương quốc của Ba. Phía sau, thông ra phố Phan Huy Chú là một tòa biệt thự cũ được chia cho 4 gia đình cán bộ chủ chốt, mỗi gia đình 1-2 phòng, bếp thì dùng chung ngoài sân. Các cán bộ được ở ngay trong cơ quan là những yếu nhân có trách nhiệm giải quyết các vấn đề 24/7 của cỗ máy thông tin này. Vì vậy đám trẻ chúng tôi hơi bị khép kín đối với trẻ ngoài phố. Bạn bè đến thăm cũng phải xin phép thường trực và công an vũ trang gác cổng.
Ba anh em tôi chơi thân với các con của bác Hoàng Tuấn, Tổng Biên tập VNTTX. Tôi phục nhất anh Nguyễn Tử Ánh, sau này là một nhà phát minh ra các loại máy thăm dò địa chất, được phong Anh hùng Lao động. Anh Ánh khi học cấp 3 đã lắp thành công máy thu thanh Ga-Len đầu tiên của giới nghiệp dư Việt Nam, anh là thần tượng của tôi. Nhờ mạng xã hội, mới đây tôi đã tìm ra anh Ánh và hôm rồi, hai anh em đã gặp nhau trong niềm vui vô bờ. Hai anh em ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, về những kỹ thuật mà hai anh em đã cùng làm khi tôi còn ở VTV. Qua anh Ánh tôi liên hệ được với Thu, em gái anh và Lan Phương, cô hàng xóm, con gái bác Trần Thanh Xuân.
Đầu năm 1961 chính phủ Pháp trục xuất gia đình bác Xuân, Phân xã trưởng VNTTX tại Paris, trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Bác Xuân cao gầy, tóc cắt cua, có khuôn mặt thông minh, nhân từ. Gia đình bác chuyển từ một biệt thự ở Paris về sống ở khu tâp thể Ban Tuyên huấn. Rồi bác được cử làm phó tổng biên tập VNTTX, đến ở căn phòng bên cạnh gia đình tôi.
Bọn chúng tôi thèm thuồng nhìn những đồ đạc ở Pháp mang về, từ đôi giày da của cu Nguyên, em Lan Phương, đến cái áo ấm bằng mút thơm phức mùi „tây“ của nó. Tôi cứ tiếc rẻ cái nồi bóng loáng mà Lan Phương đem ra nấu trên cái bếp mùn cưa trở nên đen thui.
Ở ngay trong cơ quan, tôi chứng kiến rất nhiều các cuộc họp kiểm điểm, đấu tố nhau triền miên của các cô các chú. Các cuộc họp thường ở hội trường cơ quan, sát nách phòng ở của gia đình tôi nên tôi nghe hết. Nhà tôi cũng là nơi các cô chú vào thì thầm bàn tán về vụ Nhân văn Giai phẩm. Lúc bảy, tám tuổi, tôi luôn sợ những ai bị tố là “hủ hóa”, vì cứ tưởng họ bị hủi.
Cũng nhờ ở ngay trong cơ quan Thông tấn xã nên lúc rỗi rãi, tôi đi chơi tha thẩn trong các phòng làm việc của các cô các chú hoặc vào thư viện nên được đọc nhiều thứ mà người thường không thể có. Tôi hay được các chú ở phòng thế giới cho những con tem rất đẹp từ Anh, Pháp, Mỹ gửi về.
Ba tôi là người đẹp trai, hùng biện và auto didact (tự học). Ông học tại chức tổng hợp văn 5 năm liền để trở thành người viết kich, cải lương, được các huy chương vàng hội diễn. Ông giao du rộng với các văn nghệ sỹ và luôn có các cô văn công xinh đẹp ở xung quanh. Trong nhà tôi hợp với ông nhất nên hay được đi theo đến các hội diễn, các cuộc chiêu đãi. Những bản tin “Mật không phổ biến“, những quyển tạp chí Bách-Khoa từ Sài Gòn chuyển ra, Ba mang về, trong nhà chỉ có tôi ngấu nghiến đọc, dù không hiểu hết. Hồi đó tôi tự hào về Ba và vẫn mơ được đứng dưới hào quang như ông.
Rồi “Vụ án xét lại“(1) lan đến VNTTX và Ba dính đòn. Năm 1966 ông bị chuyển sang Cục đào tạo Bộ lao động(2) để huấn luyện chính trị cho học sinh học nghề trước khi ra nước ngoài. Trong cái rủi có cái may. Nhờ làm ở cục đào tạo nên khi tôi phải đi học sơ tán ở Bình Đà, đói giơ xương, Ba tìm cho tôi một suất đi học nghề ở CHDC Đức, đúng cái nghề hôm nay tôi còn giữ: Kỹ thuật truyền hình. Đang học lớp 8 (hệ 10 năm), nhưng ham chơi, tôi đồng ý bỏ con đường học vấn để đi học làm thợ, đó là mùa hè 1967.
Năm 1971, từ Đức trở về, tôi là một chàng trai trưởng thành, đầy sức sống, như Ba hồi trẻ. Nhưng vụ “kỷ luật xét lại“ đã biến Ba trở thành một con người khác hẳn, co cụm lại. Giữa Ba và tôi không còn sự hài hòa của những năm trước và đôi khi xảy ra xung khắc về những chuyện chẳng đáng gì.
Nhưng Má lại là người đảm bảo sự hài hòa trong gia đình. Là người phụ nữ được nuôi dạy theo khuôn phép phong kiến, Má hết lòng yêu thương chồng con.
Ba kể mỗi khi ông cưỡi ngựa, đeo súng lục, chỉ huy bộ đội về làng là Má lác mắt.
Má cười bảo: “Trời ơi, ba mày cưới ngựa cu đó, chứ đâu dám cưỡi ngựa chiến”.
– Cưỡi ngựa cu để nhỏ như má mày còn leo lên ngồi sau được đó! Ba trả lời.
– Có cưỡi ngựa chiến cao mấy thì tôi cũng leo được.
Má hay để ý đến những người bạn gái của tôi. Sau khi Ba thôi làm ở VNTTX thì năm 1969 nhà tôi cũng chuyển từ trong cơ quan 5 Lý Thường Kiệt ra ngoài, ở 14 Lý Thường Kiệt. Ngôi nhà này kẹp giữa Đại sứ quán Algeria, số nhà 12 và Đại sứ quán Anh số nhà 16. Chính tại đây, năm 1979, tôi đã chứng kiến vụ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (3) trốn vào Đại sứ quán Anh để trao tập thơ của ông. Từ số nhà 14 các trinh sát viên đứng nhìn sang nhà 16 trong suốt thời gian điều đình buộc nước Anh phải giao nộp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.
Trong Đại sứ Quán Anh có bà quản gia người Việt sống với con gái tên H. cùng tuổi tôi. Một ngày gặp H. mang rác ra đổ, chúng tôi làm quen và thấy thích nói chuyện với nhau. Vậy là chiều chiều, nghe tiếng gõ leng keng của xe rác là tôi giành lấy cái thùng rác mang đi đổ, để gặp H. Chỉ thế thôi, rất trong sáng, vì tôi biết H. sẽ cưới chồng.
Một hôm, anh Thấu, người hàng xóm, nói với má con tôi: Chú Thọ dạo này có vẻ kết cô H. nhỉ?
Má phán một câu xanh rờn: Úi trời, cái mối tình đổ rác ấy mà, có gì đâu anh Thấu!
Thì ra Má biết cả và không khoái vụ đó. Sau tôi cũng nói cho Má yên tâm rằng chúng tôi chỉ là bạn.
Kể lại “mối tình đổ rác“, hai mẹ con cười ngặt nghẽo. Nhưng khi nói chuyện về xã hội đang sa đọa hôm nay, Má buồn lắm. Tuy nhiên Má vẫn tin là chỉ số nhỏ nào đó làm bậy, còn “ở trên vẫn đúng, tuy họ mất đoàn kết“. Tôi phân tích cho Má nghe về sự tha hóa của những ông quan mà Má biết, về mối đe dọa ngay trong từng cây rau ăn, trong từng cốc nước uống, ở ngôi chùa má vẫn gửi lòng tin v.v. để Má hiểu rằng vấn đề không phải từ một lũ cán bộ phường quận nữa, mà là hệ thống. Má đủ minh mẫn để hiểu và sốc, dù bà vẫn sợ phải từ bỏ lòng tin.
Nhìn Má thẫn thờ, tôi thấy tội quá và chợt nghĩ mình hơi ác. Vào cuối đời, ở tuổi 94, Má chỉ còn gửi niềm tin vào dĩ vãng của mình, sao tôi nỡ làm vậy?

(1) Vụ án xét lại bắt nguồn từ nghị quyết 9 khóa III của Đảng Lao động VN, chủ trương thanh trừng các phần tử bị nghi là đi theo Liên Xô, chống lại đường lối cứng rắn của đảng
(2) Cục đào tạo là tiền thân của Tổng cục day nghề sau này
(3) Nguyễn Chí Thiện (Wikipedia).
_____

Kỳ 3: Bạn mới

Tôi gắn bó với những người bạn lâu niên thời học sinh hoặc cơ quan cũ bởi các kỷ niệm xưa. Không phải ai trong họ cũng chia sẽ những ý nghĩ cuả tôi, nhưng việc gì ra việc nấy. Mạng xã hội còn cho tôi nhiều bạn bè mới, đa số họ cùng nghĩ như tôi. Biết tôi về, nhiều người hẹn hò gặp gỡ. Có người biết tôi bận làm Osin nên ghé thăm nhà, thăm Má luôn.
Khi có đứa cháu làm việc gần nhà ghé qua với bà, tôi cũng tranh thủ đi xe bus hoặc xe grabbike vào thành phố chơi và thăm bè bạn.
Xe bus ở Sài Gòn và Hà Nội là khám phá mới của tôi trong chuyến đi này. So với hai năm trước, mạng lưới xe bus đã mở rộng hơn, nhiều tuyến hơn và xe chạy khá đúng giờ, dù đông hay vắng khách. Trong cái mớ bòng bong giao thông đô thị này thì việc chậm 5-7 phút là điều đáng khen. Điều đáng tiếc là ở SG, nhiều bến đỗ thiếu bảng chỉ dẫn các tuyến đi tiếp. Khách đi xe chỉ còn biết dựa vào internet để tìm bus chuyển tiếp, đi về đâu. Người không có smartphone thì chịu (Ở Hà Nội, việc này khá hơn). Với 2 x 5000 VNĐ, tôi đi từ quận 7 sang quận 10 để thăm cô em bị bệnh và trở về.
Xe bus Việt chạy chậm nhưng có máy lạnh và tôi rất khoái khách đi xe ở miền Nam. Chỉ sau câu chào hỏi: Anh thứ mấy? Tôi thứ Tư, còn anh? Tôi thứ Dư! Thì anh Dư và anh Tư nói chuyện với nhau như đã quen nhau lâu rồi. Người Bắc ít cởi mở hơn.
Tôi đến khách sạn Caravelle găp Hoàng (Hoang Truong), một bác sỹ ở Thụy Sỹ đưa con gái về thăm quê dịp Tết. Hoàng và tôi quen nhau trên FB và cũng thích còm các bài viết của nhau. Trên FB, tôi chỉ biết đến một nữ bác sỹ dịu dàng, yêu thiên nhiên, nay không ngờ đứng trước mặt tôi lại là một nữ doanh nhân đầy tự tin. Hoàng là một thuyền nhân vượt biển trong những năm 80, trôi dạt đến Thụy Sỹ, học lên đến bác sỹ nội khoa, cùng chồng có phòng mạch riêng và nay đang phụ trách một trung tâm Đông Y ở Solothurn.
Hoàng giới thiệu tôi là “cậu Thọ“ với cháu Hoang-Thi Morselli. Thi đẹp như một bài thơ, hồn nhiên kiểu một cô gái Âu, dịu dàng kiểu Á châu như mẹ và nói tiếng Việt rất sõi. Là sinh viên y năm thứ hai, cháu đã về thực tập tại nhà thương chợ Rẫy và rất đồng cảm với nỗi thống khổ ở quê mẹ nghèo nàn. Thi kể cho cậu Thọ nghe một cách say mê về đồ ăn, về văn hóa và về nền y tế Việt Nam. Nhận xét tinh tế của Thi cho thấy cháu là kết tinh hoàn hảo của trí tuệ Âu và tình cảm Việt.
Một người phụ nữ Việt ra đi trong hoàn cảnh như Hoàng, sống giữa văn hóa Âu, nuôi dạy con gái như vậy, ắt phải gắn bó rất nhiều với quê nhà.
Như tôi đã viết, không một người Việt nào khi buộc phải đi xa lại không gắn bó với quê hương. Có bạn khi đọc những vương vấn của tôi, còm rằng anh khác tôi, đã đoạn tuyệt với những gì ở Việt Nam. Tôi nói, chỉ riêng việc anh vào FB của tôi để đọc và còm, chứng tỏ Việt Nam vẫn nằm trong đầu, trong tim anh mà anh không biết đó thôi. Những đau thương của lịch sử, những bi kịch cá nhân chỉ tạo thêm chất kết dính. Đó chính là sức sống của dân tộc này trong suốt hơn 4000 năm qua. Một trăm năm không là gì cả.
Tôi khuyên Thi hãy giữ tiếng Việt như một vũ khí lợi hại trên đường tiến thân. Con trai lớn của tôi kiếm được việc làm ngon hơn các bạn Đức chính vì biết tiếng Việt, chứ không phải bởi tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Ra Hà Nội, tôi cố gắng thu xếp để gặp một số bạn mới. Trong đó có cặp anh chị Liên-Lâm. Tuy chỉ là bạn ảo, ngay khi tôi mới ra Hà Nội, chị đã mời tôi sang tá túc nhà anh chị ở bên đường 5 đi Hải Phòng và cho mượn xe máy mới tinh. Tôi xin phép được ở nhà anh trai cho ấm cúng, để hàng ngày gặp gỡ những hàng xóm xưa và dùng xe máy cũ của Trần Văn Thái, người bạn từ năm 1967 ở Đức.
Anh chị Liên-Lâm từng là cán bộ nhà nước, đã về hưu. Đọc FB của họ, tôi biết cả hai đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ biển đảo, là những người đã vượt qua nỗi sợ. Anh là một người rất quen thuộc với thiên nhiên Quảng Bình và anh cứ hy vọng bộ phim ZDF “Việt Nam mảnh đẹp dễ vỡ“ sẽ được một đài nào đó ở VN mua về phổ biến cho dân xem. Anh đã gửi thư cho những người bạn có thẩm quyền ở Quảng Bình. Là người có quan hệ với giới truyền thông Việt Nam, tôi biết việc đó dễ mà rất khó. Mọi lời kêu gọi của tôi đều được đón nhận bằng những lời hứa kêu to…
Tôi cũng thu xếp thời gian gặp gỡ Tâm, một kiểm soát viên cao cấp của một tập đoàn kinh tế nhà nước. Chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi các cú điện thoại từ cơ quan chị. Qua cách trả lời, tôi biết Tâm là một VIP. Là một đảng viên có cương vị cao, chị vẫn đọc các bài viết của tôi và hay trao đổi bằng inbox. Đây là cuộc gặp thú vị nhất trong tất cả các cuộc gặp gỡ của chuyến đi này, tuy chỉ 40 phút. Nó không chứa chan tình cảm như tất cả các cuộc khác, mà chứa đựng nhiều lý trí, không phải thứ lý trí giữa kẻ đi săn và con mồi, mà từ lòng chân thành. Là trí thức, chị thật sự muốn tìm những câu trả lời cho con đường chị đã chọn. Qua kinh nghiệm sống, tôi biết đó là ảo tưởng, nhưng tôi vẫn quý tấm lòng chị. Con người ta có thể chọn chính kiến bởi tác động của môi trường sống, nhưng sự tử tế, lòng nhân ái là một yếu tổ bẩm sinh, được nuôi dưỡng từ thuở sơ sinh.
Hồ Thị Hải Âu cũng mang trong người tấm lòng như vậy. Nó toát ra từ các mẩu chuyện trong cuốn “Gánh xương trâu“ cô ký tặng tôi. Hải Âu quen tôi qua FB, từ bài viết về chàng thổi sáo quẹt Leo Rojas. Hải Âu và tôi cùng thân một người là Trường Phước và đều ghét những kẻ thích bạo lực, giả dối. Thế là chúng tôi kết bạn. Chúng tôi gặp nhau tại quán Cafe Y ở số 2 Lý Thường Kiệt, trước mặt vườn hoa Tao Đàn, nhìn thẳng sang nhà số 5 Lý Thường Kiệt, cơ quan VNTTX. Mấy ngày sau, tôi toàn hẹn gặp bè bạn ở đây để lần nào cũng hồi tưởng lại thời niên thiếu.
Trên chuyển bay từ Hà Nội về Frankfurt, tôi đã tranh thủ đọc gần hết tập truyện ngắn “Gánh xương trâu“ và cảm nhận những nỗi đau, nỗi buồn mà Hải Âu gửi vào các nhân vật nữ như Miên, Thùy, Hạnh, “Lê với Lựu“…. Té ra ở Việt Nam những ngày lễ 8.3 hay 20.10, những bức tượng hay bằng khen “Mẹ anh hùng“ chỉ để che đậy sự thật về vô số những người mẹ, người vợ bất hạnh, những người mà thậm chí đến quyền dùng băng vệ sinh, quyền được nhìn con qua chấn song cũng bị tước.
Dù là Tâm, kiểm soát viên, đảng viên cao cấp, anh chị Lâm-Liên đã về hưu, nhà báo Hải Âu, luật sư Luân Lê đang hành nghề, hay luật sư Lê Thị Công Nhân bị cấm hành nghề v.v và vv, những người mà tôi đã gặp, ai cũng đều lo lắng về tương lai đất nước trước hai kẻ thù: Trung Quốc hung hãn đang ngoạm dần lãnh thổ và tài nguyên từ bên ngoài cũng như nạn nội xâm đang phá hủy mọi giá trị đạo đức và văn hóa của dân tộc từ bên trong.
Người thì hy vọng vào một sự thay đổi từ bên trong chế độ, người thì lạc quan rằng nền kinh tế tư nhân đang phát triển bởi làn sóng di cư doanh nghiệp từ Trung Quốc đổ về Việt Nam sẽ tạo ra tầng lớp trung lưu mới, người thì thất vọng bởi dân trí thấp, kẻ cầu mong một ngọn cờ.
Tôi không trông chờ ở bất cứ phép mầu nào, trách nhiệm đối với mảnh đất này không phải của riêng ai. Một ngọn cờ chỉ được kết tinh bởi ý nguyện và hành động của một đám đông, chứ đừng mong từ dấu chân thụ thai ra Thánh Gióng. Dân trí cao đâu phải do nhiều bằng cấp và trường đại học, mà từ lòng tự trọng của mỗi công dân. Ngồi chê dân trí thấp để chờ người khác nói hộ mình là dân trí lùn.
Nếu đất nước có mệnh hệ gì, chúng ta sẽ không ai vô can!
_____

Kỳ 4: Tình yêu học trò (Tặng các bạn cựu học sinh lớp 8C Bình Đà)

Đúng hôm giáng sinh 25.12.2016, Tuyet Mai Lu, bạn học cũ ở Bình Đà tìm ra tôi, từ ngày đó tôi là thành viên của lớp “10C PT3A2“ trên FB.
Tháng 8-1966, để tránh bom Mỹ, trường cấp III Việt-Đức Hoàn Kiếm di tản về Bình Đà, cách Hà nội 20km. Lớp 8c được phân về thôn Sinh Liên. Năm thằng chúng tôi: Tuấn (Mùi Tuấn), Phấn, (Nguyen Van Phan) Chính, Ngọc và Thọ đến ở nhà ông Tán, ông đi cà nhắc, được gọi là Tán Thọt. Ông có thằng cháu 12 tuổi, suốt ngày la cà với các anh Hà Nội có đàn ghi ta, bút máy, áo ca-rô hay quần kaki, những thứ mà nông dân chỉ dám mơ.
Ông Tán mắng:
– Mày mà là con gái thì chửa hoang với các anh ấy từ lâu rồi.
Hôm hợp tác xã mổ trâu, chúng tôi mua mấy lạng về nấu với rau bí. Ông Tán xin góp tương để cùng liên hoan. Bát tương đầy giòi của ông làm tôi thất đảm, từ đó ra đời thương hiệu “Tương Tán Thọt“.
Tôi chỉ học đến hết tháng 4.1967 thì đi Đức học nghề. Lý do là ham chơi và để tránh đói. Tuổi 15-16 mà mỗi bữa ăn chỉ 2 bát cơm với canh hành và rau xào thì làm sao no nổi. Tôi lại hay phải ngồi đầu nồi xới cơm cho cả bọn. Khi xới cơm, sợ bọn khác ăn nhanh hơn, tôi lấy cái vung nồi ụp lên mâm thức ăn, gồm bát canh, món xào và đĩa muối. Cả bọn phải đợi tôi xới cơm xong, lấy vung đậy vào nồi cơm thì mới được ăn tiếp. Đỡ bị thiệt!
8 tháng ngắn ngủi ở Bình Đà khắc đã khắc sâu trong ký ức tôi. Năm 1990 có một cuộc họp lớp ở 25 Ngô Văn Sở, nhà Cường béo (Cường Lipid). Tôi vác camera của VTV đến làm cả bọn lác mắt. Về sau cuộn băng đó để lại ở Hà Nội, bị ẩm mốc làm hỏng mất.
Vậy mà khi vào FB của lớp 10c tôi vẫn nhận ra gần hết, trừ một số bạn lớp 9 mới vào học. Tôi lại lập công kết nạp thêm Ngọc Anh (Thi Anh Nguyen) “cặp mắt sáng long lanh“ của tôi thời đó và Thanh Tịnh, một bạn vừa là đồng hương, vừa “mang yếu tố Đức“.
Trong lớp có hai gã người Bình Đà là (Đồ) Chiểu (Nguyễn Chiểu) và Nhâm (Hói) là những kẻ trúng xổ số. Nếu trường không sơ tán về đấy thì hai gã phải đi học cấp III ở Thường Tín, cách xa hơn 10km. Nay họ là cái đầu cầu của lớp tôi ở Bình Đà.
Biết tôi về thăm Hà Nội sau Tết, cả lớp đã tổ chức một chuyến “về quê“ vào ngày 3.3. Nghe đâu Chiểu và Nhâm đã cãi nhau để giành chức đăng cai liên hoan mừng hội ngộ.
Sáng 3.3 cả bọn, 14 ông bà U70 gặp nhau tại nhà Diệu Thúy, „cái eo của tôi“ thời Bình Đà. Hồi đó Thúy mặc áo bông xanh bó sát người, làm tôi hay liếc trộm cái eo mỗi khi ăn cơm chung.
Gặp nhau, tôi rất cảm động vì tất cả các bạn đều hỏi thăm sức khỏe Má và ai cũng biết cái nick “Tiều phu“ của tôi.
Điều làm cho cả bọn sốc và buồn là cái chết của Thanh Tịnh hôm 2.3. Một cái chết đến hôm nay cũng chưa được giải đáp.
Vì gia đình Nhâm và Chiểu đã chuẩn bị thình tình cho ngày này nên cả bọn vẫn quyết đi Bình Đà, rồi về sớm để ghé thăm gia đình Tịnh.
Xuống xe ở Sinh Liên, gặp Chiểu tay bắt mặt mừng, tôi bồi hồi ngắm cái giếng thôn mà chúng tôi hay ra gánh nước, ngắm cái điếm canh ngày nào cũng đi học qua.
Gặp lại “Nhâm hói“, hai thằng ôm nhau nhớ đến tháng 3.1975. Ngày đó, tôi cùng đoàn ca múa Phát thanh Truyền hình về đây quay phim. Suốt mấy buổi biểu diễn, tôi luôn đảo mắt tìm Nhâm và Chiểu. Bọn trẻ con nói Chiểu đi bộ đội vào Nam chưa về còn Nhâm thì vẫn ở nhà. Tôi nhờ chúng đi tìm Nhâm. Sáng hôm sau trước khi ra đi, dân làng đang bao quanh đoàn văn công để chia tay thì một ông mặc áo nâu sồng, chống gậy tập tễnh rẽ đám đông bước tói. Trời ơi, Nhâm, sao lại ra nông nỗi này?
Hai thằng bịn rịn tâm sự được vài phút thì lái xe giục tôi lên xe. Thế mà đã 43 năm.
So với đám thành thị thì Nhâm và Chiểu thành công hơn, mỗi bố đều có 5 con. Nhà cao, sân rộng, khí trời, nước mưa, rau sạch thoải mái. Đồ Chiểu vài năm lại sang nhà con gái tận bên Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) để đánh Golf.
Nhâm bị xuất huyết não từ 1971, liệt nửa người. Hai bạn Quý & Lương đón Nhâm ra Hà Nội ở nhà mình chữa bệnh cả mấy tháng trời. Nhâm tạm hồi phục, nhưng đến nay nói năng vẫn còn khó.
Mỗi khi chúng tôi khen cơ nghiệp, Nhâm lại rơm rớm nước mắt nấc lên: “Tôi phải biết ơn vợ tôi!“ Quả vậy, nhìn nét măt khắc khổ của vợ Nhâm, tôi biết những gì cô đã trải qua.
Tôi mê các mối tình học trò, vì khi đến với nhau không ai tính toán địa vị hay kinh tế của người yêu. Tôi ghen với hai cặp Thu Hà & Hùng và Quý & Lương vì chúng vớ được nhau từ ngày “còn để chỏm“ rồi giữ mối tình đó đến lúc thành đất.
Giờ mới kể, hồi đó tôi cũng để ý đến một bạn gái trong lớp, nhưng có lẽ chỉ là những tình cảm vụng về của tuổi 15 nên không được bạn để ý đến. Nay viết lên những dòng này, biết đâu cũng có một gã khác trong lớp đang nghĩ vậy. Rõ là về già còn đổ đốn.
Trong năm thằng: Tuấn, Phấn, Chính, Ngọc, Thọ vác đàn ghi ta về Bình Đà ngày ấy, Tuấn và Chính đã mất. Cả Tuấn và Chính đều gắn bó nhiều với tôi. Trong quân khu phố Huế-Lý Thường Kiệt thì Tuấn có gia cảnh vất vả nhất. Đi bộ đội ở miền Nam ra, sức khỏe kiệt quệ, phần lớn gánh nặng dồn lên vai Mùi. Ngày Tuấn mất, tôi ở Đức, chỉ biết nhờ Phấn chuyển cho Mùi ít tiền phúng.
Chính thì ở sát nhà tập thể VNTTX với tôi từ bé. Đi bộ đội vào chiến trường, về cũng quặt quẹo, không nghề ngỗng gì. Mấy năm trước tôi về thăm nhà thấy Chính ngồi chữa đồ điện ở 23 Lý Thường Kiệt, đối diện Thư viện khoa học. Lần nào tôi cũng ghé nói chuyện và rủ đi uống nước. Vậy mà lần về 2016, nghe tin bạn đã ra đi.
Trong lớp có vài bạn khác cũng đã qua đời sớm. Nhưng cái chết của Thanh Tịnh là điều chúng tôi không hiểu nổi. Tịnh học giỏi, tiến sỹ khoa học ở Đức về, từng làm viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Đức. Bị ốm trước tết vào bệnh viện Hữu nghị điều trị, Tịnh còn nhắn tôi là sẽ cố đi Bình Đà cùng lớp. Vậy mà…
Khi chúng tôi đến nhà chia buồn, Ngọc, vợ Tịnh vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết bất ngờ của chồng. Em trai Ngọc là bác sỹ nên gia đình cảm thấy bệnh viện Hữu nghị quan liêu, không làm hết trách nhiệm để cấp cứu bệnh nhân đúng theo phác đồ. Nhưng giờ là lúc lo tang lễ, chưa phải lúc đi tìm trách nhiệm của ai.
Vì phải về Đức hôm 5.3 mà ngày 7.3 mới truy điệu Tịnh, tối 4.3, đêm cuối cùng ở Hà Nội, tôi còn ghé nhà Ngân Hà để nhờ bạn chuyển phúng điếu của tôi đến gia đình Tịnh và gửi quà mừng Mùi Tuấn mở hàng quán bún chả. Thế là Hà và tôi lại ngồi bên vỉa hè phố Huế tâm sự, cứ như cách đây mấy chục năm.
Trong lớp có bạn không đồng ý với những điều tôi viết. Sau khi đọc FB của tôi, bạn đã “ủn“ tôi. Khi biết bạn từng làm công tác đảng, tôi không giận vì bạn có cuộc sống khác. Ngày Mùi vợ Tuấn mở quán bún chả ở Nguyễn Trường Tộ, thấy bạn vào diễn đàn lớp mời cả bọn đến ăn mở hàng giúp Mùi, tôi biết bạn có trái tim nên cũng nêu ý kiến ủng hộ. Ngày đưa tang Tịnh, bạn làm một bài thơ viếng, một bài thơ đậm tình người.
Đối với tôi đảng phái không quan trọng, mà là sự tử tế.
_____

Kỳ 5: Cố nhân

Facebook luôn tặng tôi những điều kỳ diệu. Chỉ trong một thời gian ngắn tôi tìm ra những người thầy và đồng nghiệp từ mấy chục năm trước. Một ngày nọ lướt qua hình đại điện của Nga Nguyen, một bạn FB, tôi chợt nhận ra khuôn mặt quen thuộc của thầy Nguyễn Đức Phong, thầy giáo tôi ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thì ra Nga là con gái thầy Phong. Qua các đồng nghiệp điện tử, truyền thông khác, tôi cũng tìm thấy Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, một người thầy, nhưng rất gần gũi với ba má tôi.
Phải nói rõ là vào đầu những năm 70, đa số giáo viên Bách Khoa như : Nguyễn Văn Ngọ, Bùi Minh Tiêu, Phương Xuân Nhàn, Kiều Vĩnh Khánh, Nguyễn Đức Phong… đều là những người từng học trường tây, ít nhiều bị khoác cái áo Tạch-Tạch-Sè (Tiểu tư sản). Để tồn tại, các thầy đều phải xây các vỏ cứng và điều quan trọng tôi cảm nhận được: Các thầy đều đùm bọc và tương trợ nhau cho đến hôm nay.
Tôi dự định đợt này sẽ phải đi gặp thật nhiều cố nhân. Cũng may là các ban tôi đã lập được vài “nhóm lợi ích“ để tôi có dịp gặp luôn nhiều người một lúc. Tôi chỉ xin lược lại vài ấn tượng của các hội ngộ này.
Năm 1981, khi tôi tốt nghiệp khóa tại chức Đại học Bách khoa Hà Nội thì thầy Phong chuyển vào Đại học Bách khoa TP HCM. Vài năm sau, thầy viết thư khuyên tôi nên vào Nam làm việc, không khí thoải mái và tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn. Quãng 1987-1988, nhân có vụ vào Sài Gòn lắp Tivi Màu JVC để kiếm tiền cho đài, tôi đã đến gặp thầy, tính chuyện vào đây để tránh nạn kèn cựa đấu đá ngoài Hà Nội. Nhưng rồi về suy đi tính lại, kiểu gì cũng dưới một bầu trời nên tôi bỏ đi Đức.
Lúc đầu Nga đưa bố đọc bài viết về con đường lập nghiêp của tôi. Sau rồi bài nào thầy cũng đọc, ngờ ngợ, nhưng chưa nhận ra. Khi Nga bảo anh Thọ là trò cũ của bố, thầy rất vui.
Khi tôi đến thăm thầy hôm 8 tết, thầy mừng lắm. Vì Nga đã báo trước là 4 giờ chiều anh Thọ đến thăm bố, thầy khen tôi đúng giờ như người Đức. Tôi bảo đấy là công của anh Grabbiker và nhận được cái cười hóm hỉnh của thầy 40 năm trước.
Là một nhà giáo, người sáng lập một trong các trường đại học tư đầu tiên của thành phố, thầy Phong kể tôi nghe những bằng chứng về một nền giáo dục đang phá sản. Thì ra, một người tưởng như suốt đời chỉ biết đến các chuỗi công thức lý thuyết mạch cũng đau đáu lo cho một xã hội đang xuống dốc không phanh.
Nỗi lo này cũng được giáo sư Nguyễn Văn Ngọ trăn trở khi tôi đến thăm thầy ở Hà Nội. Thầy Ngọ là một trong những giáo sư đại học đầu tiên của miền Bắc. Năm 1956, thầy đã giảng dạy cho sinh viên Đại học Bách Khoa khóa 1, trong đó có thầy Phong. Vợ thầy Ngọ có họ hàng với bên nhà vợ tôi nên tôi kêu thầy bằng chú.
Ở vào tuổi gần 90, thầy vẫn ngồi bên máy tính làm việc nhiều giờ trong ngày. Những bài viết của thầy Ngọ trên FB, từ các đề tài sinh ngữ, lịch sử đến kỹ thuật truyền hình số đều chính xác đến từng từ, từng con số, đều có các chỉ dẫn nguồn, y như trên một tạp chí khoa học.
Hai chú cháu chia sẻ với nhau rất nhiều về những gì chúng tôi viết và nghĩ. Cuối cùng thầy Ngọ đăm chiêu hỏi tôi một câu: Cháu có nghĩ là chúng ta sẽ mất nước về tay Tàu?
– Cháu nghĩ là về trước mắt thì rất có thể – tôi trả lời. Mỗi khi chế độ bị mục ruỗng, quyền lực bị tha hóa, người trung bị hãm hại, dân tình ly tán là lúc chúng ta bị mất nước. Nhưng đó cũng là lúc sức sống của dân tộc lại trỗi dậy, cũng là lúc chính đào thải tà. Hàng nghìn năm qua vẫn như vậy, thưa chú.
Nói vậy nhưng tôi không nghĩ là có thể làm yên lòng vị giáo sư già. Đã từng bôn ba qua mấy nước Việt, Lào, Thái trong kháng chiến chống Pháp, thầy biết nỗi gian nan, một khi phải lấy lại giang sơn đã mất.
Các đồng nghiệp ở VTV thì lần nào tôi về cũng tổ chức gặp mặt, lần sau cảm động hơn lần trước. Mạng xã hội đã làm cho quan hệ của chúng tôi ngày càng gắn bó theo dòng thời gian. Để có thể gặp được nhiều người, tôi phải nhờ các bạn lập ra các “nhóm lợi ích“.
Các bạn cùng học ở trường Bưu điện Đức 1967 họp nhau tại nhà chị Hương bên Thạch Bàn, người chị lớn tuổi nhất trong số 25 đứa chúng tôi hồi đó. Rồi chúng tôi kéo nhau sang Ecopark thăm “Chợ đồng quê“. Trong một cửa hàng tranh nghệ thuật ở đó, tôi thấy ông họa sỹ có vẻ quen, liền hỏi tên.
– Tên mình là Doãn Châu- Ông nói
– Đúng rồi, ngày xưa anh đóng trong vở kịch “Âm mưu và Hậu quả“ mà ba em viết cùng bác Bửu Tiến, em đã ngờ ngợ.
– Ông Mai à, trời ơi. Tớ rất thân ông cụ cậu. Giờ tớ vẫn thích vở kịch ấy.
Thế là anh Doãn Châu (tôi xin gọi băng chú mà anh bảo thôi), rót rượu vang mời cả bọn và ôn lại những kỷ niệm với Ba và các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang, nghệ sỹ Hà Văn Trọng v.v. Nhà hát Kịch nói Trung ương có khu tập thể ngay phía sau Nhà hát lớn. Ngày đó hễ ai có TV hay ampli hỏng là Thọ xử lý.
Bạn Thảo (Phuongthao Tanxa Nguyen) và em Hương Lưu thì tổ chức gặp mặt hội kỹ thuật VTV tại một quán Dim-Sum. Tôi luôn cảm ơn em Hương hay „xét nét“ các bài của „Tiều phu“ rồi chỉ cho tôi những lỗi chính tả và lỗi bộ nhớ. Tôi nhờ Thảo mời thêm Tú Tu Nguyen, một nhân viên cũ rất chung thủy xưa nay. Năm 2016, đang đi bộ buổi sáng thì Tú bị xe máy đâm phải trên cầu rồi bỏ chạy. Tú bị chấn thương sọ não nằm trên cầu hàng giờ đồng hồ cho đến khi có người gọi xe cấp cứu. Nhờ có bạn bè giúp đỡ, đặc biệt là sự chăm sóc của Bình, người vợ hiền, Tú đã vượt qua cái chết và đang trên đường hồi phục.
Tú mặc com-lê đen, đeo cravat đỏ, nhờ Bình dắt đến gặp anh Thọ, làm tôi nghẹn ngào. Biết Tú phát âm còn khó nên tôi ngồi gần em để hai anh em dễ trao đổi, đôi khi chỉ bằng mắt.
Hồi làm kỹ thuật ở VTV, tôi chỉ thân vài người bên khối biên tập. Nhưng mạng xã hội đã kết nối thêm nhiều nhà báo với tôi. Bạn Thanh Lien Le mời tôi giao lưu với với một số phóng viên, biên tập tại một nhà hàng Nhật. Anh Trần Tấn Cường bảo đây là nhóm „Anti-Nikolai-Xun-Xoe“ ở đài. Anh mang cho tôi tập Album của gia đình anh có ảnh bà nhạc tôi trong đó. Mẹ anh là cô giáo của mẹ vợ tôi ở trường Trưng Vương thời thuộc Pháp.
Chúng tôi hoan hỷ như ngày nào, cười như vỡ chợ. Có bạn bị tôi trêu là hồi đó gặp tôi ở đâu cũng thủ thỉ, mà đầu thì nghĩ đến anh Phước. Bạn đấm tôi thùm thụp. Hồng Trang và tôi ôn lại kỷ niệm khi cùng tôi đóng kịch hội diễn nghiệp dư 1974. Chị Kim Tiến Tien Vu Kim, phát thanh viên được ưa chuộng nhất của VTV năm xưa, khi về hưu đã khám phá ra niềm tin của đời chị ở đạo Tin-Lành và coi đó là lối thoát ra khỏi sự bế tắc về lẽ sống hiện tại.
Có bạn bảo từ ngày về hưu, bạn không hề muốn dính dáng gì đến VTV nữa.
Tôi thì luôn nghĩ đến nó, đến đồng nghiệp với tất cả những vấn vương. 20 năm làm việc ở đó, xây nó lên từ một bãi bùn lầy ở Giảng Võ là một phần của đời tôi. Tôi đã cảm động khi xem vài phim truyện của VTV về nông thôn Việt Nam, “Ma Làng” chẳng hạn, hay về số phận của những người vợ bộ đội trong thời kỳ chiến tranh. Tôi tiếc cho các đồng nghiệp tôi ở đó. Nếu có một nền văn học, văn nghệ tự do, dân tộc này với bao nhiêu bi kịch thăng trầm chắc chắn sẽ có những film truyền hình tầm cỡ thế giới.
Từ lâu tôi không xem các chương trình thời sự chính trị của VTV, vì chúng không dính dáng chút nào tới hiện thực cuộc sống đang xảy ra. Một nửa là tin các lãnh đạo đi thăm, tiếp đón, phát biểu trước một đám đông gật gù. Nửa còn lại thì khi nghe phải biết cách hiểu ngược. Nghe nhạc từ đĩa hát quay ngược để đoán ra bản nhạc là một cực hình.
Vì vậy tôi không thấy tự hào về quá khứ ở VTV.
Tôi đã từng là một cái đinh vít không rỉ trong cỗ máy đó, một cỗ máy đã góp phần đáng kể tạo ra nền dân trí Việt Nam hôm nay.
_____

Kỳ 6: Những bông hoa tử tù

Những bông hoa và các bức thư của các tử tù gửi ra bên ngoài. Ảnh: Thọ Nguyễn

Chiều 26.2 từ Sài Gòn tôi ra đến Nội Bài được bạn Trần Văn Thái đón như mọi lần. Thái và tôi cùng học ở trường Bưu điện CHDC Đức từ 1967. Năm 2006 hai anh em đã về tận trường cũ, tán cô tiếp tân cho mỗi thằng ngủ đúng phòng ngày xưa một đêm để “hoài cổ“.
Sau khi ghé qua nhà Thái ở Ciputra để thăm Hòa và các cháu, hai anh em lại lên xe đi Quảng Bá, đến phòng thu Phù-Sa Lab dự ra mắt CD “Album Dissent của Mai Khôi Chém Gió“. Từ trước tết, ca sỹ Mai Khôi đã mời tôi đến thăm Phù-Sa Lab bằng được nên tôi phải tranh thủ ghé đó một lát, trên đường vào nội thành. Kế hoạch chính của tôi là sẽ dành buổi tối đầu tiên ở Hà Nội gặp bố vợ tôi ở Hàng Bạc, cuộc gặp gỡ mà tôi mong đợi.
Gặp lại tôi, Mai Khôi reo lên mừng rỡ. Dù đang rất bận chuẩn bị cho ra mắt CD, Khôi vẫn dẫn tôi đi giới thiệu mọi nơi, với mọi người. Tôi thấy khá nhiều khách nước ngoài đang chờ buổi biểu diễn, có cả mấy nhà báo Úc hoặc Anh. Camera, microphone boom chạy qua chạy lại vui mắt. Ben, chồng Khôi vui mừng nhắc đến chuyến thăm Köln hè 2017.
Định đến dự biểu diễn âm nhạc, nhưng tâm trí tôi bỗng bị hút vào những bông hoa và con giống trưng bày ngay giữa tiền sảnh. Mấy chục bông hoa dệt bằng chỉ và những con giống làm bằng sợi ny-lon là sản phẩm của những người tử tù oan đang làm chấn động dư luận Việt Nam. Những cái tên: Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải chắc chắn không lạ với những ai quan tâm đến công lý ở Việt Nam. Cả ba đang đợi ngày hành quyết và họ đang tìm cơ hội mong manh cuối cùng để thoát chết. Họ gom túi ny-lon màu, xé ra, se lại thành các sợi để làm các con giống. Họ nhờ các bạn tù kiếm chỉ màu từ bên ngoài để làm những bông hoa. Nhìn những bông hoa rất sống và con giống có hồn, tôi nghĩ rằng chỉ có những người lương thiện mới có đủ kiên nhẫn và tình yêu cuộc sống để làm như vậy.

Những con giống làm bằng sợi ny-lon, được xe bằng cái túi ny-lon xé nhỏ.

Có thể Chưởng và Mạnh trong thời gian qua đã làm cho cán bộ quản giáo cảm thông với sự oan ức nên cả hai tuy vẫn bị cùm, bị biệt giam vẫn được phép tự làm con giống, làm hoa. Mạnh đã tuồn được ra ngoài một lá thư có kèm hình vẽ cách bị cùm như thế nào. Đúng là chế độ nhà tù thời trung cổ!
Riêng Hồ Duy Hải thì bị cấm hết mọi việc. Ngay cả lúc mẹ đến thăm thì cũng không được nói về bản án, chỉ được hỏi thăm sức khỏe. Một nhà hoạt động xã hội đỡ đầu Hải cho biết, anh quen Hải nên tin rằng con giống từ trại của Hải gửi ra là của các bạn tù muốn giúp Hải, chứ Hải không đươc phép làm, không được viết thư. Hải muốn gửi quà cảm ơn luật sư và những người đang kêu oan cho cậu. Biết vậy, các bạn tù đã làm giúp.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải đang kêu oan cho con. Ảnh: internet

Nếu Hải làm, con giống sẽ đẹp lắm – anh nói: Hải khéo tay và rất tình cảm.
Tôi mua một bông hồng giá 100 USD, để tỏ tình đoàn kết với những người tử tù đang kêu oan. Tiền thu được sẽ dùng giúp các nạn nhân vận động pháp lý. Việc Mai Khôi và bè bạn dùng sự kiện âm nhạc đưa lời kêu cứu tuyệt vọng của họ đến công luận làm tôi xúc động và tôi phải tìm hiểu kỹ.
Nguyễn Văn Chưởng bị bắt vì nghi chủ mưu một vụ án mạng tháng 7.2007 ở Hải Phòng và đã bị tuyên án tử hình ngày 12.06.2008. Bất chấp mọi bằng chứng ngoại phạm, tòa án chỉ dựa vào lời thú tội của Chưởng được lấy bởi ép cung nhục hình để tuyên án. Trong thực tế. không chỉ nghi can Chưởng bị nhục hình mà các nhân chứng Trần Quang Tuất và Trịnh Xuân Trường cũng bị tra tấn để tạo ra chứng cứ hợp với kết luận của điều tra viên. Trong các phiên phúc thẩm và giám đốc thẩm sau đó, bất chấp các tố cáo ép cung của nghi can và các nhân chứng, tòa vẫn y án.(1)

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chuưởng kêu oan trước của Tòa án Nhân dân tối cao. Ảnh: internet

Nếu đọc hồ sơ của các tử tù Lê Văn Mạnh(2), Hồ Duy Hải(3), một vết đen ghê rợn xuyên suốt là hành động tra tấn ép cung để các nghi can phải nhận tội. Chỉ cần một lần không chịu đau nổi, phải nhận tội thì sau đó mọi chứng cứ ngoại phạm, mọi kêu oan, phản cung đều trở nên vô nghĩa. Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận còn cho là Hải phải chết để thế mạng cho con cháu một quan chức cao cấp. Tôi chưa dám khẳng định cáo buộc này. Nhưng nếu đúng vậy, thì đây là chủ nghĩa Hitler thời đại mới: Dùng xác người này để nuôi người khác.
Vụ án Hồ Duy Hải đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Tổ chức Ân xá quốc tế mới đây đã phát động chiến dịch toàn cầu đòi hủy án tử hình của Hồ Duy Hải (4)
Nhờ thủ phạm ra đầu thú mà ông Nguyễn Thanh Chấn (5) được giải oan cuối năm 2013, sau 10 năm tù. Tiếp đó, sau mỗi vụ án sai bị hủy như Hàn Đức Long (6), Huỳnh Văn Nén (7), báo chí lại lên tít giật gân „ Vụ oan sai chưa từng có trong lich sử tố tụng…“. Vụ nào cũng chưa từng có, trong khi chúng xảy ra thường xuyên ở đất nước này !
Các tử tù nói trên sống được đến hôm nay, một phần nhờ mạng xã hội mà sức mạnh của nó hầu như đã minh oan cho Chưởng tại quê nhà. Nghe nói con Chưởng hiện đi học không mất tiền. Thêm vào đó là sự đoàn kết của những người đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Gia đình các nạn nhân tử tù nay đã hiểu rằng đòi công lý cho con em mình cũng gắn liền với các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Ông Nguyễn Trường Chinh, bố Chưởng thường đi đầu trong các cuộc tranh đấu chống cướp đất, chống hủy hoại môi trường cũng như chống Trung Quốc xâm lược. Ông biết rằng, tất cả các vấn nạn đều liên quan đến nhau. Điều cuối cùng, không kém phần quan trọng, là sự xuất hiện những luật sư có nhân cách.
Mấy năm trước đây, khi chưa có các yếu tố nêu trên, đã có biết bao nhiêu người bị giết oan?
Ở các nước châu Âu, án tử hình đã được bỏ từ lâu, dù có nền tư pháp độc lập, có điều luật cấm nhục hình và ép cung. Lý do thật đơn giản: Nhà nước không giết người! Nước CHDC Đức khét tiếng với bộ máy STASI cũng bỏ án tử hình từ năm 1987.
Việt Nam không chấp nhận tam quyền phân lập nên trong tư pháp cũng không có sự độc lập giữa tòa án, công an và viện kiểm sát. Hiện nay 3 cơ quan đó được chỉ đạo thống nhất như một. Sự thống nhất đó được củng cố bằng tra tấn, ép cung. Ép cả nghi can và nhân chứng để đạt năm thành một. Nếu đe dọa, dằn mặt hoặc mua được luật sư sẽ có sáu thành một. Đầu ra của cỗ máy đó sẽ có vô số bản án bất minh. Trong trường hợp tuyên án tử hình thì đó là cỗ máy giết người hoàn hảo.
“Tư pháp” được dịch là justice, mà justice còn có nghĩa là công lý. Chỉ có sự cọ sát, giám sát giữa tất cả các bên, từ công tố, viện kiểm sát, công an, tòa án đến nhân chứng, luật sư hai bên và nghi can trong một vụ án mới mong tìm ra sự thật, tạo ra công lý. Nếu dồn tất lại dưới một sự lãnh đạo toàn diện thì chỉ sinh ra thứ “công lý bất công“.
Hiện nay các án tử hình trên chưa thi hành vì cái ác và cái thiện đang ở thế giằng co mong manh. Chỉ một sợi tóc, nhà nước vì dân sẽ giết dân vô tội!
Hãy đừng để cha mẹ các nạn nhân cô đơn trong cuộc đấu tranh đòi mạng sống cho con cái họ. Sự bất công có thể đến với bạn, với con cái bạn bất cứ lúc nào. Khi đó bạn sẽ trách ai?
Cảm ơn Mai Khôi, Ben, em Thinh Nguyen, anh Nguyễn Nhất Lý đã giúp tôi đối diện với một thực tế cay nghiệt trong chuyến đi này.
____

(6) Án oan Hàn Đức Long (Wikipedia).








No comments:

Post a Comment