Saturday, March 24, 2018

NHẬT BẢN CÓ THỰC SỰ MUỐN SỞ HỮU VŨ KHÍ HẠT NHÂN? (Richard A. Bitzinger - RSIS Commentary)




Richard A. Bitzinger   -   RSIS Commentary  
Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng ThưHiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 22/03/2018 by The Observer

Đã từng có một loạt những bài viết suy đoán rằng nếu Nhật Bản trở thành một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân thì đó có thể là một điều tốt cho an ninh khu vực. Học giả nổi tiếng Walter Russell Mead đã có một bài viết trên tờ Wall Street Journal nêu quan điểm rằng một “nước Mĩ rút khỏi Thái Bình Dương” – xuất phát từ sự dao động của chính quyền Trump với những cam kết suy yếu ở châu Á – có thể dẫn đến việc Nhật Bản kết luận rằng “sở hữu vũ khí hạt nhân” có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho nước này. Gần đây hơn, trên tờ Washington Post Bilahari Kausikan viết rằng cả Nhật Bản và Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân, và điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không phải là có xảy ra hay không.

Thực vậy, cả Mead lẫn Bilahari đều tin rằng chính quyền Trump nên hoan nghênh ý tưởng về một châu Á hạt nhân hóa. Theo Bilahri, điều đó sẽ tạo ra một “sự đối trọng 6 hướng của tình trạng hủy diệt lẫn nhau chắc chắn”. Và quả thật, nếu Hoa Kỳ không còn đảm bảo an ninh cho Nhật Bản nữa, tức bảo vệ nước này bằng ô hạt nhân Hoa Kỳ, thì có lẽ Tokyo cần nghiêm túc cân nhắc trở thành quốc gia hạt nhân. Hơn nữa, nhìn chung phải thừa nhận rằng Nhật Bản có năng lực công nghệ để chế tạo bom nguyên tử trong một khoảng thời gian tương đối ngắn – có lẽ là vài tháng, nhiều nhất là vài năm. Tuy nhiên, câu hỏi thiết thực lại là: Nhật Bản có thực sự muốn trở thành quốc gia hạt nhân không?

Thách thức

Trước hết, Nhật Bản có thể sẽ nhận thấy trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là một việc khó khăn hơn rất nhiều so với những gì nước này hay nhiều người nghĩ. Nó không đơn giản là chế tạo một quả bom nguyên tử. Phải, nếu Nhật Bản chế tạo và thử nghiệm bom hạt nhân, điều đó sẽ tạo ra tác động khắp châu Á và cả thế giới. Nhưng sẽ cần rất, rất nhiều thứ để Tokyo có thể tạo ra được một sự răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Trước hết, Nhật Bản sẽ cần thử nghiệm và kiểm tra lại năng lực hạt nhân của chính nước này. Phải, những siêu máy tính có thể mô phỏng vài đặc tính của một vụ nổ hạt nhân, nhưng cuối cùng rõ ràng Nhật Bản sẽ phải thực hiện nhiều thử nghiệm hạt nhân trong nhiều năm để tạo ra một lực lượng hạt nhân đáng tin cậy.

Nhưng nước này sẽ triển khai vũ khí này như thế nào đây? Trên máy bay ư? Nhật Bản không có một máy bay nào đủ khả năng chuyên chở bom hạt nhân, cũng không có máy bay ném bom hay máy bay cường kích chuyên dụng. Đúng là Lực lượng Phòng vệ Trên không của nước này sử dụng nhiều máy bay chiến đấu phản lực của Hoa Kỳ, đặc biệt là F-15, và quả thật loại máy bay này có thể được cải tiến để chuyên chở vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó cần có sự cho phép của Hoa Kỳ để mở “hộp đen” của F-15 – nơi chứa các cấu phần điện tử và mã nguồn – nhằm hạt nhân hóa những máy bay này. Và điều này khó mà được Hoa Kỳ cho phép.

Nhật Bản cũng có thể lắp đặt vũ khí hạt nhân trên tên lửa. Và như thế thì cần phải thu nhỏ vũ khí hạt nhân lại sao cho vừa với tên lửa và rồi cần phải cải tiến tên lửa. Nhật Bản có một nền công nghiệp phóng tàu vũ trụ phát triển, nhưng những tên lửa này lại không thể dùng cho lực lượng hạt nhân. Gần như sẽ phải chế tạo một loại tên lửa dùng nhiên liệu rắn chuyên dụng từ con số không.

Ở đâu?

Kể cả khi đáp ứng được các tiêu chí đó, thì Nhật Bản sẽ đặt những tên lửa này ở đâu, trong hầm chứa tên lửa (vốn sẽ dễ bị nguy hiểm trong các trận động đất) hay trên giàn phóng di động? Nhật Bản là một quốc gia nhỏ và đông dân, và vùng nào của Nhật sẽ muốn chấp nhận cho đặt những vũ khí này, nhất là khi nếu bị kẻ thù tấn công chúng sẽ biến địa điểm này thành đích ngắm đầu tiên? Có khả năng nhiều cộng đồng địa phương sẽ bắt chước Okinawa phản đối kịch liệt việc quân sự hóa địa phương của họ.

Nhật Bản có thể lắp đặt những tên lửa này lên tàu ngầm, và cần phải chế tạo một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm chuyên dụng, được bọc kín phù hợp với việc phóng dưới nước. Nước này cũng sẽ phải phát triển một tàu ngầm mới hoàn toàn (tức loại SSBN) mà rất có thể phải dùng năng lượng nguyên tử. Điều đó cũng có nghĩa là cần phải vượt qua một chướng ngại công nghệ nữa (một lò phản ứng hạt nhân nhỏ và thật an toàn).

Và tất cả những thứ này sẽ không hề rẻ. Anh phải chi 15 tỉ bảng để chế tạo một hạm đội 4 tàu SSBN lớp Vanguard– và London đơn giản là chỉ mua tên lửa Trident II phóng từ tàu ngầm do Hoa Kỳ sản xuất (một việc mà có thể Washington sẽ không làm đối với Tokyo).

Các vấn đề khác

Cùng lúc đó, Nhật Bản sẽ phải xây dựng cả một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho vũ khí hạt nhân. Những nhà kho chuyên dụng cực kì kiên cố sẽ phải được xây ở các căn cứ không quân và hải quân để bảo vệ vũ khí hạt nhân. Các kĩ sư hạt nhân sẽ phải được đào tạo để có đủ khả năng bảo trì và quản lí các quả bom và đầu đạn.

Hơn nữa, Nhật Bản sẽ phải sớm có một hệ thống cảnh báo sớm (vệ tinh và ra đa) để kịp thời phát hiện những đòn tấn công hạt nhân của kẻ thù, cũng như hệ thống chỉ huy và kiểm soát chuyên dụng và an ninh cao cho việc sử dụng lực lượng hạt nhân. Thêm nữa, những thiết bị an ninh, được gọi là thiết bị Kiểm soát cho phép hành động (PAL), sẽ phải được lắp đặt lên từng vũ khí nhằm ngăn chặn việc lắp đặt hay kích nổ thiết bị hạt nhân trái phép, các thiết bị PAL này sẽ phải được mã hóa hết sức an toàn để tránh bị bên ngoài xâm nhập.

Sau đó Tokyo sẽ phải đặt ra các quy trình cho việc phát nổ và sử dụng lực lượng hạt nhân. Hầu như chắc chắn thủ tướng sẽ kiểm soát va li hạt nhân chứa các mã kích hoạt, và vị thủ tướng đó sẽ là người có thẩm quyền cuối cùng trong việc kích hoạt vũ khí hạt nhân trên thực tế. Nhưng còn lực lượng hạt nhân phóng từ tàu ngầm thì sao? Ngay cả với cơ cấu kiểm soát hai người, thì về mặt lý thuyết những người chỉ huy tàu ngầm trên các SSBN cũng có sự tự chủ đáng kể trong việc cho phép phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Những chi tiết này sẽ cần phải được làm rõ.

Tự thân vận động

Quan trọng hơn cả, Nhật Bản sẽ cần phải tự mình giải quyết tất cả các vấn đề về mặt công nghệ và cơ sở hạt tầng. Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không giúp đỡ. Sẽ cần chi hàng nghìn tỉ yên để tạo ra được một lực lượng hạt nhân khả tín và mất nhiều thập niên để hoàn thành nó.

Trong lúc đó, liệu công luận Nhật Bản có ủng hộ một chương trình vũ khí hạt nhân khổng lồ và đắt đỏ không? Các nhà chính trị cực hữu của Nhật Bản sẽ yêu thích ý tưởng này. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã mong chờ cái ngày giành lại di sản đế quốc từ lâu, đó là sở hữu sức mạnh quân sự to lớn, bao gồm vũ khí hạt, nhằm có thể tự mình bảo vệ quốc gia.

Nhưng còn phần lớn người dân Nhật Bản thì sao, những người vẫn không chấp nhận ý tưởng Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân? Người dân Nhật đã khắc sâu niềm tin chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh và chống hạt nhân, những điều đã khắc sâu trong tâm trí  họ suốt 70 năm qua.

Những niềm tin này được ghi rõ trong Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, trong đó ghi rằng Nhật Bản từ bỏ việc dùng chiến tranh làm công cụ giải quyết tranh chấp quốc tế. Vâng, điều khoản này đã liên tục được tái diễn dịch trong nhiều thập niên qua nhằm cho phép Nhật Bản tái vũ trang, đưa quân đội Nhật ra nước ngoài và tham gia an ninh tập thể với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Điều 9 vẫn được hiểu là cấm sở hữu các loại vũ khí tấn công, đặc biệt là lực lượng hạt nhân.

Hơn nữa, khi nói về vũ khí hạt nhân, Nhật Bản là nạn nhân đặc biệt, là quốc gia duy nhất từng bị bom nguyên tử tấn công. Đây là những điều thuộc về tình cảm vô cùng khó khăn cần phải vượt qua để có thể “sở hữu vũ khí hạt nhân”. Một Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là không thể hình dung được. Nhưng đây cũng không phải là chuyện có thể làm mà không tốn quá nhiều chi phí, nhanh chóng, hay không tạo ra một cơn bão chính trị lớn nào.

*
Richard A. Bitzinger là Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Biến đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Nguồn: Richard A. Bitzinger, “Does Japan really want to go nuclear?”, RSIS Commentary, 17/10/2017.

-------------------------------

Bài mới









No comments:

Post a Comment