Wednesday, March 28, 2018

BẮC TRIỀU TIÊN & VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ : BÀI HỌC KẺ YẾU CHỐNG KẺ MẠNH (Minh Anh - RFI / ĐIỂM BÁO)




Minh AnhRFI
Đăng ngày 27-03-2018

Donald Trump đã chấp nhận gặp Kim Jong Un một cách nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Cho dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên có diễn ra hay không, nhưng cả Donald Trump và Kim Jong Un đều đã mở ra một chương mới về địa chính trị.

Ảnh minh họa bài viết trên báo Les Echos ngày 27/03/2018.DR

Les Echos (27/03/2018) khẳng định lịch sử sau này sẽ phán xét xem liệu sự kiện này có thể so sánh được hay không với việc Richard Nixon năm 1972 đã bắt tay Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, điều làm cho mọi người sẽ nhớ, đó là lãnh đạo một nước có 25 triệu dân, với thu nhập tính theo đầu người gần như thấp nhất thế giới, lại có thể ngồi ngang hàng, tiến hành đàm phán với tổng thống của siêu cường số một thế giới về kinh tế và quân sự, có 325 triệu dân.

Theo phân tích của Les Echos, khi chấp nhận dự án tổ chức cuộc gặp với Kim Jong Un, tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tạo ra một sự bất ngờ lớn, mà ông còn áp dụng một nguyên tắc bất di bất dịch về răn đe hạt nhân (có thể ông cũng không biết là mình đã áp dụng) : vũ khí nguyên tử vẫn là một công cụ giúp cân bằng sức mạnh giữa những quốc gia sở hữu loại vũ khí này, bất kể đó là nước nhỏ hay lớn. Hay ít ra là trên lý thuyết, việc sở hữu hạt nhân tạo ra khả năng đe dọa tàn phá bất kể quốc gia hay thực thể nào có ý định sử dụng loại vũ khí này trước tiên. 

Sau sáu vụ thử hạt nhân và nhiều lần bắn thử tên lửa trong đó có vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm xa 13 ngàn km (về lý thuyết) hồi tháng 11 năm ngoái, Kim Jong Un đã đạt được mức độ răn đe nguyên tử mà ông nội Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong Il không làm được.

Giới chuyên gia thẩm định Bắc Triều Tiên có từ 10 đến 20 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có tới 4.000, hay Nga là 4.300. Do vậy, đương nhiên, Bắc Triều Tiên không hề có chút cơ may nào giành chiến thắng trong một cuộc xung đột nguyên tử.

Thế nhưng, trước khi bị nghiền nát, thì Bắc Triều Tiên có thể gây ra những thiệt hại đáng kể cho Hàn Quốc hoặc các nước láng giềng. Bởi vì trong lĩnh vực răn đe hạt nhân còn có một nguyên tắc khác nữa : Răn đe của kẻ mạnh không thể có tác dụng đối với kẻ điên.

Hai nguy cơ
Kể từ sau vụ Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, hồi tháng 08/1945, nguyên tử trở thành một loại vũ khí không sử dụng. Tướng de Gaulle từng nói : vũ khí tấn công được chế tạo ra không phải để ta đánh người, mà là không để người tấn công ta.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác so với thời kỳ chiến tranh lạnh. Không nên ảo tưởng về một tiến trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Ngoài 5 cường quốc thành viên Hội Đồng Bảo An có vũ khí nguyên tử (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc), thì còn bốn quốc gia khác : đó là Pakistan, Ấn Độ, Israel (cho dù nước này chưa bao giờ khẳng định hoặc cải chính là có vũ khí nguyên tử) và giờ đây là Bắc Triều Tiên.

Do vậy, theo Les Echos, thế giới đang đứng trước hai nguy cơ : Thứ nhất, nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và đạn đạo, thì không chỉ một số nước châu Á mà cả các quốc gia thuộc khu vực khác, đặc biệt là Trung Đông, có thể lao vào cuộc chạy đua vũ trang. Chính vì lo ngại nguy cơ này mà phương Tây đã cố gắng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nguy cơ thứ hai là ý định của Hoa Kỳ trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân có sức tàn phá yếu hơn so với loại « truyền thống ». Như vậy, nguyên tử sẽ không còn là công cụ để răn đe nữa mà trở thành loại vũ khí được dùng trên chiến trường. Việc Mỹ thay đổi quan niệm về khả năng hạt nhân có nguy cơ gây ra nhiều hậu quả khôn lường mà chính các cuộc thảo luận với Bắc Triều Tiên đang tìm cách ngăn chặn.

*
Trung Quốc và Vatican sắp « tay trong tay » ?
Phải chăng Trung Quốc và Vatican sắp đạt được một thỏa thuận ? La Croix nghi ngờ đặt câu hỏi. Từ nhiều tuần này, dường như Vatican và Bắc Kinh đang bí mật đàm phán trong việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc.

Theo những nguồn tin mà La Croix có được, một phái đoàn chính thức của Trung Quốc, không rõ ở cấp độ nào dường như sẽ đến Roma trong tuần này. Tuy nhiên, các lời đồn đoán về thỏa thuận có thể sẽ đạt được đó đang bắt đầu gây chia rẽ trong Giáo Hội Trung Quốc. Những người phản đối cho rằng với thỏa thuận Tòa Thánh đã « bán » Giáo Hội Trung Quốc cho « chính quyền cộng sản ».

Nhưng số khác thì nghĩ rằng những ai « phản đối thỏa thuận là không hiểu lý lẽ ». Đây sẽ là cách duy nhất để hợp nhất Giáo Hội, xây dựng lòng tin và xóa tan những ngờ vực về Cơ Đốc Giáo. Bởi vì, dù đã hiện diện ở Trung Quốc từ hơn ngàn năm qua, nhưng Cơ Đốc Giáo vẫn bị xem là ngoại đạo, bị nghi ngờ có sự thao túng của ngoại bang đe dọa an ninh quốc gia, như giải thích của Shi Jian, giáo sư trường Đại học Tứ Xuyên.

La Croix cũng nhân dịp này cho biết trong tổng số 77 giám mục tại Trung Quốc, có 53 người là được cả Roma và Bắc Kinh công nhận,  17 người được Roma công nhận nhưng lại bị Trung Quốc bác và 7 người do Bắc Kinh bổ nhiệm nhưng không được Roma nhìn nhận.

*
Thổ Nhĩ Kỳ « cưỡng hôn » Liên Hiệp Châu Âu ?
Thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu từ tối ngày 26/03/2018 tại Varna, Bulgari, quốc gia chủ tịch luân phiên của khối Liên Hiệp. Liệu cả hai bên có tìm được một điểm hòa giải nào không sau một thời gian dài căng thẳng ? Quan hệ Bruxelles và Ankara chẳng khác gì một sợi dây đàn bị căng quá mức. Nhưng trớ trêu thay người có thể nới lỏng dây lại chính là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Do vậy, theo quan sát của Le Figaro, « Thổ Nhĩ Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu : một cuộc thượng đỉnh dưới áp lực tại Varna ». Les Echos bi quan cho rằng « Châu Âu nhọc nhằn nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ ».

« Bị áp lực » và « nhọc nhằn » là vì giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không có cùng « nhịp » trong vấn đề nhân quyền. Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích Ankara ngày càng đi theo hướng độc tài, gia tăng trấn áp xã hội dân sự, bóp nghẹt tự do ngôn luận… Đây chính là những rào cản gây trở ngại cho con đường gia nhập mái nhà chung Liên Hiệp Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, Le Monde lưu ý là tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến tham dự trong thế thượng phong, bởi vì trong tay ông vẫn còn một quân cờ quan trọng có thể bắt bí châu Âu : đó là hồ sơ di dân. Trả lời phỏng nhật báo Le Monde tại Ankara, ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu không ngần ngại dọa dẫm châu Âu, khi cho rằng những căng thẳng giữa đôi bên chỉ là « thoảng qua ».

Quan điểm của Ankara rất rõ ràng là trong việc xử lý làn sóng di dân và chống quân khủng bố Daech : Thổ Nhĩ Kỳ có một vai trò « không thể thay thế ». Do đó, vẫn theo ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, việc xem nước này không thuộc phạm vi châu Âu là điều không thể chấp nhận. Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là « một phần của châu lục ». Do đó, theo ông, « Liên Hiệp Châu Âu nên quen dần với một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới ».

*
SOS đa dạng sinh thái !
Cuối cùng mục điểm báo xin được khép lại với lời báo động của Le Monde về một thảm họa môi trường do con người gây ra mà hậu quả nhãn tiền là « Tình trạng đất đai suy kiệt đã chạm mức đáng lo ». Và hiện tượng này « đe dọa đến điều kiện sinh sống của hơn 3,2 tỷ người, tức 2/3 dân số trên địa cầu » như lời cảnh báo của La Croix.

Báo cáo của hơn 100 chuyên gia thuộc chương trình liên chính phủ khoa học và chính trị về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ thống sinh thái IPBES, được công bố tại hội nghĩ diễn ra từ ngày 17-24/03/2018 tại Medellin, Colombia, nêu đích danh thủ phạm chính là lối sống tiêu thụ quá mức theo kiểu phương Tây, kết hợp cùng với đà tăng tiêu thụ tại các nước mới trỗi dậy và đang phát triển.

Ví dụ điển hình nhất được Le Monde nêu lên chính là nạn phá rừng ở Nam Mỹ. Phá rừng không phải để có đất canh tác nuôi sống người dân địa phương, mà điều đáng xấu hổ là chặt phá rừng để mở rộng đất canh tác trồng cây đậu nành để « nuôi sống ngành chăn nuôi » của phương Tây.

Le Monde đưa ra một con số cụ thể : Trong số 650 triệu ha đất rừng đã bị thiêu đốt và khai hoang để phục vụ cho nông nghiệp và chăn nuôi, khoảng 120 triệu ha chỉ để trồng đậu nành, tập trung chủ yếu tại Hoa Kỳ, Brazil và Achentina.

Năng suất của lĩnh vực này tăng hơn 5%/năm từ 40 năm qua và chỉ tính riêng trong năm 2017, sản lượng đạt được là 336 triệu tấn. Trước nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới, đất trồng đậu nành không ngừng mở rộng. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu là nhà nhập khẩu đậu nành đứng hàng thứ hai trên thế giới, và ¾ số đậu nành nhập khẩu là dùng cho chăn nuôi gia cầm, heo, bò và cá. Riêng nước Pháp mua của Nam Mỹ mỗi năm đến 3 triệu tấn. Đương nhiên, trong trước mắt, con người kiếm được lợi từ cây đậu nành. Nhưng hậu quả để lại cho môi trường và sức khỏe con người là trong dài hạn, kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ. Tuy diệt được cỏ, ít sâu bọ, sản lượng nông phẩm thu hoạch được cao, nhưng độc chất trong thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu được phun đại trà ngấm sâu trong lòng đất và bay lơ lửng trong không khí làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất đai và sản sinh ra những đứa trẻ « dị tật » do hít phải khí độc.

Le Monde trong bài xã luận cho rằng đã đến lúc phải có một « chính sách, một chương trình hành động khẩn cấp », không được nửa vời. Nhiều chỉ dấu cho thấy đa dạng sinh học đang bị biến mất dần, mà dấu hiệu đáng báo động khác là tại các vùng nông thôn của Pháp, có đến 30% loài chim đã biến mất.

Đây chỉ là một phần có thể thấy được của sự suy giảm chất lượng hệ sinh thái đất đai, mà nguyên nhân là do loài sâu bọ đã bị giảm mất đến gần 80% (tính trên toàn châu Âu chỉ trong vòng có ba thập niên).

------------------------

LIÊN QUAN









No comments:

Post a Comment