Saturday, February 24, 2018

TỬ TẾ À, TỬ TẾ ƠI, HÃY QUAY LẠI VỚI NGƯỜI VIỆT! (Trương Trọng Nghĩa)




Trương Trọng Nghĩa 
Thứ sáu, 23/02/2018

Đúng 30 năm trước, bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy (tuy lúc đó không còn bị cấm trong nước), phải “vượt biên” và nhờ một mối quan hệ riêng mới dự được Liên hoan phim quốc tế ở Leipzig, CHDC Đức. Phim được trao giải Bồ câu bạc và được công nhận là một trong những phim tài liệu hay nhất của thế giới. Ba mươi năm sau nhìn lại sự kiện hy hữu ấy, Trần Văn Thủy cho rằng: “Tôi làm phim kêu gọi mọi người sống tử tế chỉ là 50% của vấn đề. 50% còn lại là phải có môi trường tử tế mới có người tử tế chứ. Thời bao cấp nghèo khổ, nhưng thời đó con người yêu thương nhau hơn. Giờ thì một ngày có biết bao chuyện kinh hoàng xảy ra. Chúng ta đã đánh mất những thứ tốt đẹp ta từng có trong thuở hàn vi” (Báo Tuổi Trẻ 2.1.2018). 

Thuần túy ngữ nghĩa, “tử tế” nguyên gốc chỉ là “thận trọng, kỹ lưỡng từ chuyện nhỏ nhặt”. Dần dần, với người Việt, tử tế trở thành “đàng hoàng”, “tốt bụng” với người khác. Nếu tôi không lầm, vài mươi năm trở lại đây, hai chữ tử tế dần dà được người Việt trao cho một nội hàm ngày càng đa nghĩa và sâu rộng hơn: tử tế là “nhân hậu”,“trung thực”, “liêm khiết”; thậm chí là “có trách nhiệm”, “dám làm, dám chịu”, “giữ chữ tín”, “thượng tôn pháp luật”, “biết hối lỗi”.

Hình như, theo cảm nhận của nhiều người Việt đương đại, sự tử tế tượng trưng cho Cái Thiện đối lập với Cái Ác, Cái Tốt đối lập với Cái Xấu. Sự tử tế, với nội hàm như vậy, đã trở thành định hướng và phương châm sống của những người lương thiện, là tiêu chí cho phẩm chất của người lãnh đạo tốt, là chuẩn mực cần thiết để kết bạn, để yêu hay kết hôn, là dấu hiệu tin cậy để chọn đối tác làm ăn. 

Chưa bao giờ ở nước ta, sự tử tế được bàn luận và lý giải nhiều như bây giờ, từ tầng lớp cần lao đến các nhà trí thức, từ giới kinh doanh đến giới truyền thông, trong nghệ thuật và cả trong chính trị.

Nếu thử google cụm từ “sự tử tế”, bạn sẽ có 2.400.000 kết quả trong 0,41 giây. Vì sao như vậy? Điều gì đang xảy ra trong xã hội Việt Nam?

Nhà sử học Lê Văn Lan đã ta thán trong một bài phỏng vấn: “... để có tiền thì dễ dàng đem bán hoặc thậm chí rao bán từ cặp chân dài đến “cái ngàn vàng”, từ tình nghĩa vợ chồng đến đạo đức cha con. Rồi khi có tiền thì lại đem đi mua từ trinh tiết đến quyền lực, nhét tiền cả vào miệng Phật hoặc tay tiên để cầu tài cầu lộc. Chưa bao giờ có nhiều đến mức tràn lan những “giả” và “tặc” như những năm qua.

Từ các bộ phận giả ở cơ thể phụ nữ, đến hàng hóa và thực phẩm giả, từ học hành thi cử giả đến lễ vật (đồ vàng mã) giả, hát hỏng (biểu diễn nghệ thuật) cũng giả… Còn “tặc” thì từ “lâm tặc”, “sưa tặc”, “đinh tặc” đến “cẩu tặc”... Những dẫn chứng cụ thể cho những điều như thế này vừa vô vàn vừa khủng khiếp. Ai cũng có thể thấy ở bất cứ đâu.” (Báo Đại Đoàn Kết, 19.12.2017)

Phải chăng, sự tử tế chưa bao giờ thiếu vắng đến thế trên đất Việt, trong người Việt? Như những đàn chim thiên di, sự tử tế cứ lần lượt bay đi, ngày càng nhiều hơn, và không biết bao giờ trở lại. Và càng thiếu vắng thì người ta càng hoảng hốt, càng báo động, càng khao khát.

Nhưng, luận bàn và lý giải về sự tử tế không phải điều tôi muốn trong bài viết này. Vả lại, cứ google đi sẽ có hàng trăm tác giả với hàng chục ngàn trang viết về điều đó. Tôi chỉ muốn kể vài câu chuyện nhỏ với niềm mong mỏi: làm sao để đàn chim ấy quay trở về, làm tổ, sinh sôi, ở lại mãi mãi trên đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta.

Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ

Đó là lời Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi kể về một câu chuyện lúc ông học cấp hai. Thầy giáo phát hiện áo mưa của mình xếp trên bàn đã bị cuộn thành quả bóng dưới chân bạn Huy. Khi thầy truy hỏi, chỉ có bạn Huy nhận lỗi. Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”. Khi đó, Ngô Bảo Châu rất xấu hổ vì làm sai mà không dám nhận. Về sau, ông và vợ mình đều rút ra bài học: muốn thành người tử tế, phải biết xấu hổ. 

Tại sao con người cần biết xấu hổ khi làm điều sai, việc xấu, hay nói cách khác, khi phạm lỗi? Câu hỏi này rất quan trọng, vì cách xử sự của một người đối với sự xấu hổ sẽ biểu hiện nhân cách người đó.

Tôi thường nghĩ về câu đầu của Tam tự kinh “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Hồ Chí Minh cũng viết: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện. Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền. Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Tôi cho rằng đó là chân lý: con người sinh ra đã có sự tử tế, hoặc là có đủ tố chất để trở thành người tử tế. Mặc dù có đọc về những cái gọi là mã gen, là di truyền, tôi vẫn tin, con của một gã mafia tàn độc vẫn có thể trở thành người tử tế nếu được giáo dục đúng cách trong một môi trường tốt. Cái xấu, cái ác, qua tác động của môi trường sống, đã thâm nhập vào tình cảm, tính cách và hành động của người ta, lấn át phần lương thiện, biến người ấy trở thành một người xấu hay ác. 

Trong quá trình đấu tranh giữa thiện - ác, xấu - tốt trong một con người, sự xấu hổ khi làm điều sai quấy có vai trò đặc biệt. Con người không là thần thánh, nên ai cũng từng lầm lỗi, lớn nhỏ, nặng nhẹ. Sự xấu hổ là cái mà xã hội văn minh gọi là “lương tâm cắn rứt”. Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất. 

Một nhân vật trong phim Chuyện tử tế, đã nói: “Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ”. Muốn con người trở nên tử tế, hãy dạy cho người đó biết xấu hổ khi làm điều xấu, điều ác. Nhờ biết xấu hổ, người ta sẽ ngần ngại khi phạm lỗi. 

Nhưng ngay đối với những người đang làm điều sai quấy, cho dù chưa thể chấm dứt ngay hành vi sai trái, sự xấu hổ, cái lương tâm cắn rứt ấy sẽ là lực cản để người ta không dấn sâu hơn vào tội lỗi, và giúp người ta trở lại làm người tử tế vào một lúc nào đó, khi có một cơ hội nào đó.

Trong một vụ án ở Sóc Trăng năm 2013, bảy thanh niên bị bắt giam và vì nhục hình đã phải nhận tội giết người, cướp của. Khi sắp bị xử án thì hai cô gái là thủ phạm đã tự ra đầu thú và nhận tội. Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn bị án oan, cái lương tâm cắn rứt cuối cùng đã thúc đẩy những người che giấu hung thủ nghĩ lại, tự đi vận động đầu thú, và chính thủ phạm cũng đồng ý ra thú tội.

Hãy bắt đầu từ đứa bé một tuổi

Tất nhiên, thói quen biết xấu hổ khi làm điều sai phải được dạy dỗ và rèn luyện từ bé. Hãy dạy cho những cháu bé biết xấu hổ khi vứt rác ra đường, khi ăn cắp đồ chơi của bạn, và cả khi cha mẹ lái xe vượt đèn đỏ hay chửi tục. Tôi có hai chuyện thú vị, nhân nói về sự xấu hổ của trẻ con. 

Chuyện thứ nhất: một cô bạn có cháu nội đích tôn đầu tiên, đặt tên là Kevin. Cháu mới hơn một tuổi, đang tập nói. Bạn dạy và Kevin học rất nhanh, áp dụng rất vui, rất tự nguyện việc khoanh tay chào khi gặp người lớn, cám ơn khi được cho quà, và luôn được khen ngợi, tán thưởng khi làm vậy. Tôi gợi ý, hãy thử dạy Kevin xin lỗi khi làm điều sai trái.

Mấy hôm sau gặp lại, bạn hỏi: tuy rất bé, nhưng Kevin rất miễn cưỡng khi xin lỗi, người lớn phải có thái độ kiên quyết thì mới chịu làm, vì sao? Tôi nghĩ mãi, vẫn nợ bạn câu trả lời. Phải chăng, mỗi lần cháu làm sai và xin lỗi, người lớn dễ thấy đó là tất nhiên, là công bằng, nên không khen ngợi, thậm chí còn đe nẹt: “Lần sau không được như vậy nữa nhé, sẽ bị phạt đấy, sẽ không được thương nữa đâu”. Nếu thay vào câu đe nẹt là một câu đại loại “Ô, con biết xin lỗi khi làm sai là rất ngoan”, thì có thể sự phản ứng sau đó của đứa trẻ đã theo hướng tích cực hơn. 

Chuyện thứ hai: Niklas, một cháu bé 14 tuổi, Việt kiều Hà Lan, theo cha mẹ về thăm quê. Khi dự một bữa tiệc có món thịt cá sấu, cháu kiên quyết không ăn và giải thích: “Khi trở lại Hà Lan, nếu các bạn cùng lớp biết thì cháu sẽ xấu hổ không chịu được”. Lý do: cháu được giáo dục theo pháp luật và văn hóa Hà Lan là mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ động vật hoang dã. Có người khuyên: miễn cháu đừng kể cho các bạn là được. Trả lời: nếu các bạn hỏi thì cháu không thể nói dối! 

Hai câu chuyện trên nói lên điều gì: phải chăng, nhờ được giáo dục từ bé để biết xấu hổ khi làm điều xấu, Niklas đã không làm điều mà cháu cho là xấu, là ăn thịt động vật hoang dã. Và, cũng là điều đáng hổ thẹn, nếu đã làm một việc xấu mà lại nói dối để khỏi bị chê trách.
Chính nỗi xấu hổ khi làm điều xấu, và càng xấu hổ khi phải nói dối để che giấu lỗi lầm đã khiến Niklas kiên quyết không làm điều mà cậu được dạy là xấu đó. Bé Kevin, nếu được dạy để biết xin lỗi khi lỡ làm một điều không nên làm, sẽ trở thành người tử tế như cậu bé Niklas 14 năm sau. 

Hai câu chuyện trên cũng cho tôi nhận thức này: nếu biết xấu hổ khi phạm lỗi hoặc che giấu lỗi lầm là đức tính cần thiết để trở thành người tử tế, như bài học nhớ đời của vợ chồng giáo sư Ngô Bảo Châu, thì điều đó phải được giáo dục từ bé, thậm chí từ rất bé. Để giáo dục trẻ con biết xấu hổ, cám ơn và xin lỗi đều cần được tán thưởng và khen ngợi như nhau, bởi vì cám ơn và xin lỗi là hai đức tính cần thiết như nhau của một người tử tế.

Ước vọng một điều thần kỳ

Trong bộ phim đương đại rất hay của Hàn Quốc Thiên thần nổi giận(có thể tìm trên youtube), bà mẹ Chang Mizon đã gây bao tội lỗi và che giấu đến cùng để đem đến cho con trai mình địa vị và tài sản. Bà mẹ luôn khẳng định: mẹ làm tất cả vì con. Moon Hyuk, người con, nói với mẹ trong nước mắt: “Mẹ, con không bao giờ muốn nghe mẹ nói như vậy, sao mẹ có thể làm những điều xấu xa, ác độc đó mà nói là vì con!” và cậu đã quyết chí tìm cho ra sự thật, đau đớn nhìn mẹ phải vào tù và mình thì mất tất cả tình yêu, sự nghiệp.

Tám năm sau, cậu một mình ra đón mẹ mãn hạn tù. Người con đã chọn sự thật và công lý, đứng về phe tử tế, dù mẹ con cậu phải trả giá rất đắt cho chọn lựa này. 

Nhiều lúc, tôi chỉ ước mong sao nước ta sẽ có những nam thanh nữ tú là COCC, hay những “công chúa, thái tử đỏ” như sách báo nước ngoài vẫn gọi, dõng dạc nói với những bậc cha mẹ đang chễm chệ trên những chiếc ghế có được nhờ chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, đang ngồi trên đống tài sản “khủng” có được bằng tham nhũng, lừa lọc, tàn phá môi trường, hủy hoại sức khỏe người khác, rằng: “Con rất cám ơn mọi điều đã làm cho con, nhưng xin hãy dừng lại, hãy thôi vun vén, hãy tìm cách trả lại cho xã hội những thứ phi nghĩa ấy. Bởi vì con sẽ đi trên con đường riêng của con, sẽ ngồi lên chiếc ghế con có được bởi chính và chỉ vì tài năng của con, sẽ ở trong những căn hộ, đi trên những chiếc xe do con thuê hay mua bằng chính thu nhập của mình. Bởi vì, con muốn trở thành NGƯỜI TỬ TẾ”.

Nếu phải bỏ phiếu bằng tay, tôi bỏ bằng cả hai tay để bầu những cậu ấm cô chiêu ấy vào những cương vị lãnh đạo của đất nước, bởi đất nước này giờ đây rất cần những người tử tế lên làm lãnh đạo, và bởi vì đã là người tử tế thì họ sẽ biết “thận trọng, kỹ lưỡng từ những việc nhỏ”, không tham lam, ích kỷ, cho nhiều hơn nhận, đứng về phía Cái Thiện và Cái Tốt, và sẽ phấn đấu không ngơi nghỉ để “độc lập, tự do, hạnh phúc” của đất nước và “dân chủ, công bằng, văn minh” của nhân dân sẽ không chỉ là những khẩu hiệu.

Dẫu biết rằng, trên bình diện quốc gia, nghèo đói và lạc hậu không thể tạo ra cuộc sống hạnh phúc. Nhưng, khi Cái Thiện và Cái Tốt quyết định thang giá trị của xã hội, khi ngày càng có nhiều hơn những người tử tế và muốn trở thành tử tế, khi sự tử tế thấm đẫm trong mọi quan hệ của con người, quan chức với thường dân, chủ với thợ, thầy và trò, giàu với nghèo, người trong gia đình với nhau, khi ấy người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc, tin ở tương lai, và sẽ ở lại đất nước để dốc hết sức mình cho tương lai ấy, cho dù GDP đầu người của họ chỉ đứng thứ 80, 100 hay 120 của thế giới.

Suy cho cùng, con người làm giàu là để có hạnh phúc, nhưng không phải cứ giàu thì sẽ hạnh phúc. Được sống trong một xã hội tử tế, mình tử tế với mọi người và mọi người tử tế với mình, thì dù không giàu, người ta sẽ có hạnh phúc - tôi vững tin như thế. 

Trương Trọng Nghĩa







No comments:

Post a Comment