Friday, February 23, 2018

TRƯỚC PHIÊN TÒA HÌNH SỰ SƠ THẨM VỤ ÁN HỘI ANH EM DÂN CHỦ : CHÍNH QUYỀN CÓ DỄ BỊ LẬT ĐỔ? (Trúc Giang & Trần Thành - VNTB)





(VNTB) Hàng loạt các ông bà Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân đều được cho là thành viên Hội Anh em dân chủ, và đều bị khởi tố về hành vi vi phạm vào Điều 79 Bộ luật Hình sự 1999, tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian ngắn sắp tới đây.

Trang web của Hội anh em dân chủ

Câu hỏi đặt ra: chính quyền Việt Nam hiện nay có dễ dàng bị lật đổ?

Điều đáng nói là Bộ luật Hình sự tu chính 2017 bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” mà luật hình sự cũ chưa từng quy định. Cụ thể, tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc Điều 79 Bộ luật Hình sự 1999, nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

Như vậy với các nội dung nói trên cho thấy chính quyền Việt Nam quá mong manh, dễ dàng bị đe dọa lật đổ bởi một nhúm người không được trang bị vũ khí, không có cả nguồn lực tài chánh. Thực tế có phải như thế không? Câu trả lời mà ai cũng quá rõ: nếu như chính quyền dễ dàng lật đổ như vậy, thì chắc chắn các phe phái được gọi là “lợi ích nhóm” đang nắm giữ trong tay cả quân đội, công an đã lật ghế của nhau từ lâu lắm rồi…

Trở lại các vụ án liên quan đến cáo buộc Điều 79 Bộ luật Hình sự, thời gian qua cho thấy dường như chưa có luật sư nào bào chữa thành công. Nếu mang so sánh – mặc dù là khập khiểng – các ông bà có tên như đã nêu ở phần đầu bài viết này, với ông cựu bộ trưởng Đinh La Thăng và cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, thì xem ra cả hai ông Thăng, Thanh được các quyền tố tụng chặt chẽ hơn.

Trước tiên, từ hồ sơ vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, mặc dù là thời gian điều tra, xét xử diễn ra nhanh đến khó tin, song về cơ bản vẫn tuân thủ nguyên lý tố tụng là kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo không còn nghi ngờ hợp lý. Ngược lại, nếu kết luận đó vẫn còn nghi ngờ hợp lý thì quá trình chứng minh chưa đủ để kết tội.

Nghi ngờ hợp lý đó chính là sự chưa đầy đủ về chứng cứ để buộc tội, hoặc chưa rõ ràng về pháp luật. Nếu còn tồn tại các nghi ngờ hợp lý này, quá trình xác định sự thật của vụ án chưa thành công. Mặt khác, nếu đã tìm đủ mọi biện pháp trong giới hạn luật định mà không triệt tiêu được những nghi ngờ hợp lý trên, thì một người luôn vô tội và quá trình xác định sự thật của vụ án cũng kết thúc. Sự thật ở đây là một người không thực hiện tội phạm.

Nghi ngờ hợp lý trong trường hợp ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, về nguyên tắc thì nó cũng phải được áp dụng với các ông bà Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, vì nó thuộc phạm vi của quyền được truy tố theo trình tự pháp luật. Nó liên quan chặt chẽ với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nghi ngờ hợp lý và suy đoán vô tội dịch chuyển gánh nặng xác định sự thật của vụ án bằng chứng chứng minh có tội sang cho bên buộc tội, thay vì người bị nghi ngờ phải tự khai ra. Chính vì vậy, suy đoán vô tội có thể sẽ bị vô hiệu hóa nếu không thấy nhắc tới tiêu chuẩn chứng minh có tội. Một cáo buộc về tội phạm của bên công tố được tòa án chấp nhận khi nó vượt qua được nghi ngờ hợp lý. Ngược lại, chứng minh chưa vượt qua được nghi ngờ hợp lý, hay vẫn còn nghi ngờ hợp lý bị coi là chưa thành công, và bị cáo không phạm tội.

Nếu tôn trọng “nhà nước pháp quyền”, thì dù có hay không cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, dễ dàng thấy rằng một trong những tiêu chuẩn được các tòa án áp dụng là “vượt quá nghi ngờ hợp lý”. Nói cách khác, “vượt quá nghi ngờ hợp lý” có thể được diễn giải là “không còn nghi ngờ gì nữa”, tuy vẫn có thể không đạt 100% nhưng có xác suất hoặc mức độ chắc chắn trên 95%.

Điều 79 Bộ luật Hình sự và Điều 28 Hiến pháp

Trong vụ án hình sự công tố viên phải có gánh nặng chứng minh các sự kiện, và chứng cứ của họ vượt quá nghi ngờ hợp lý để buộc tội bị cáo. Tòa án đòi hỏi tiêu chuẩn này vì việc buộc tội một người rất quan trọng, và đòi hỏi bằng chứng khá chắc chắn để có thể áp dụng trách nhiệm hình sự tước đi những tự do của bị cáo.

Cụ thể với Điều 79 Bộ luật Hình sự, cần làm rõ là liệu có đúng là chính quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ dễ dàng bị lật đổ bởi những hành vi chỉ là các tiếng nói phản biện được Hiến định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (trích Điều 28, Hiến pháp 2013).

Nếu tiếp tục đồng ý chuyện lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam là Bộ Chính trị, thì xem ra phiên tòa liên quan Điều 79 Bộ luật Hình sự đối với các ông bà trong vụ án “Hội Anh em dân chủ”, cần tôn trọng Nghị quyết số 49/NQ-TW Về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm của tòa án ở phiên tòa sắp tới đây sẽ không còn nữa, mà trách nhiệm này thuộc chức năng của cơ quan điều tra và viện kiểm sát.

Điều 79, Điều 88 luôn được áp dụng cho các nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam khi cần thiết. 

Mặt khác – vẫn theo Nghị quyết số 49/NQ-TW – thì việc phải chứng minh tội phạm sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan của tòa án khi ra bản án và phán quyết của mình, đồng thời thiên chức “trọng tài anh minh”, “người cầm cân nảy mực” của tòa án dễ bị hiểu sai lệch.

Vì vậy, nếu thực sự ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ giỏi “gom củi đốt lửa”, mà còn biết “trồng rừng một cách tử tế”, thì ông nên sớm có chỉ thị theo hướng toà án không có trách nhiệm chứng minh tội phạm như lâu nay nữa. Có như vậy mới hy vọng sự công minh trong phán xét, rằng liệu có phải khi công dân thực hiện theo Hiến pháp tại Điều 28.1 và cả Điều 25 về quyền tự do lập hội, tự do biểu tình, là dấu hiệu đe dọa sự tồn vong của chính quyền?







No comments:

Post a Comment