Posted
on 28/02/2018
Ngăn
cấm một cuốn sách không những vi phạm quyền được viết của tác giả, mà còn vi phạm
quyền được đọc của công chúng.
Bạn
có thể thấy ý tứ câu trên có phần quen thuộc, bởi cảm hứng của nó được lấy từ một
câu nói của nhà cải cách xã hội huyền thoại người Mỹ Frederick Douglass (1818 –
1895): “Đàn áp tự do ngôn luận là hai lần
sai trái. Nó vi phạm quyền tự do của người nói, đồng thời cũng vi phạm quyền tự
do của người nghe”.
Viện
dẫn xa xôi như vậy chẳng qua là muốn bàn về cuốn “Chính trị bình dân” của nhà báo Phạm Đoan Trang.
Như
tôi đã viết cách đây mấy hôm trong bài “Đàn
reo trước bão”, đây là một cuốn sách tiếng Việt và viết cho độc giả Việt
Nam. Nội dung của nó đúng như tựa đề của nó, diễn giải các khái niệm căn bản về
chính trị một cách dễ hiểu cho phần đông công chúng. Tóm lại, nó là một dạng
sách giáo khoa, hoặc cũng có thể là dạng sách khoa học thường thức như mấy cuốn
“10 vạn câu hỏi vì sao”, “Vật lý vui”, v.v.
Vậy
nhưng Hải quan Đà Nẵng lại tịch thu cuốn sách này với lý do “nhạy cảm chính
trị”, còn tác giả của nó thì bị công an bắt cóc ngay tại nhà.
Dĩ
nhiên, không có cửa nào để cuốn sách có thể được xuất bản đường đường chính
chính như bao cuốn sách khoa học thường thức khác. Nếu không muốn nói, tác giả
của nó chưa đi tù là may.
Từ
lâu, xã hội chúng ta đã mặc nhiên chấp nhận chuyện này như một lẽ đương nhiên
mà ít khi chất vấn tính hợp lý của nó. Dần dần nó thành một phản xạ có điều kiện,
ăn sâu vào vỏ não, khiến cho chúng ta tránh xa những đầu sách “nhạy cảm” và những
tác giả “nhạy cảm” như vậy.
Ấy
vậy mà mấy ngày qua, từ khi Đoan Trang bị bắt, tôi lại được chứng kiến cảnh cộng
đồng mạng săn lùng cuốn sách này với một sự tò mò cao độ.
Điều
nhiều người thắc mắc là, cuốn sách đó có cái gì mà mấy ông bà công an phải sốt
sắng ngăn chặn đến như vậy?
Rất
may mắn, nhờ có Internet và mạng xã hội, cuốn sách có thể đến được với công
chúng mà chính quyền không thể can thiệp được.
Câu
chuyện tưởng chừng như chỉ là một cuốn sách bị cấm đoán và một tác giả bị truy
lùng. Nhưng không, câu chuyện này to tát hơn thế nhiều, đó là mấy chục triệu
người Việt Nam bị tước đi cái quyền được đọc một cuốn sách.
Trong một status đăng
ngày 26/2, nhà hoạt động Nguyễn Quang Thạch, người chuyên đi xây dựng các tủ
sách ở nông thôn, cho rằng, “cuốn ‘Chính trị bình dân’ của Đoan Trang, không phải
là sách ấn hành chính thức bởi nhà xuất bản trong nước nên đưa vào các tủ sách ở
các dòng họ, lớp học… sẽ không được chấp nhận bởi cơ quan quản lý”.
Nếu
“Chính trị bình dân” và những cuốn sách tương tự được xuất bản chính thức ở Việt
Nam, bạn đọc có thể đàng hoàng đến hiệu sách mua, hoặc đặt mua trên mạng, và
cũng chẳng cần phải lén lút đọc vì sợ công an.
Lẽ
dĩ nhiên, hầu hết mọi người đều không có nhu cầu đọc cuốn sách này và việc cấm
hay không cấm không ảnh hưởng gì tới họ. Vậy thì tại sao lại phải quan tâm tới
một cuốn sách bị cấm?
Bởi
vì ngày hôm nay chính quyền cấm “Chính trị bình dân”, ngày mai họ sẽ cấm cuốn
khác, ngày mốt họ sẽ cấm một cuốn khác nữa. Bộ sưu tập sách cấm ở Việt Nam hiện
nay có thể lên đến hàng nghìn, hàng vạn, chẳng ai thực sự biết con số chính xác
là bao nhiêu.
Nói
vậy để thấy rằng nếu chúng ta bằng lòng với việc chính quyền ngăn cấm một cuốn
sách, tức là chúng ta cũng bằng lòng với việc họ ngăn cấm những cuốn sách khác.
Và khi đó, kẻ thiệt thòi lại chính là bản thân mỗi chúng ta: chúng ta bị chính
quyền cách ly với một khối kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Để
tôi lấy một ví dụ khác hấp dẫn không kém, từ một cuốn sách dường như cũng bị cấm khác, “Bên thắng cuộc”,
quyển 1, của nhà báo Huy Đức.
Sau
ngày 30/4/1975, chế độ Sài Gòn sụp đổ, một chính quyền quân quản được lập ra để
tiếp quản thành phố này. Và một trong những việc đầu tiên nó làm là… đốt sách.
Sách
ở đây là những sách bị chính quyền cho là “phản động và đồi truỵ”. Những người
trực tiếp mang sách đi đốt trên các đường phố là Thành đoàn Thanh niên Cộng sản.
Nhà
báo Huy Đức, trích dẫn từ báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 25/5/1975 đoạn sau
đây:
“…đồng bào và các tiệm
sách đã đem nộp cho đội Quận 7 một số lượng sách báo đồi trụy phản động, tất cả
là mười ba xe ba gác. Ngoài ra các hàng sách bày bán trên hai lề đường Lê Lợi,
Công Lý cũng tự nguyện dọn sạch và đem nộp. Trên đường Hai Bà Trưng cũng có ba
nhà sách tự động đem nộp trên hai mươi cuốn. Đặc biệt, cùng ngày này,
22-5-1975, nhà sách Phúc Bài, 186 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn 3 đã tự nguyện
đem nộp cho Hội Bài trừ Văn hoá đồi truỵ phản động bốn ngàn cuốn sách các loại”.
Chưa
hết, đoạn này với tôi thú vị hơn nhiều:
“Ông Võ Văn Kiệt nhìn
nhận, ngay từ ngày 28-5-1975, Quân quản đã cảnh báo thanh niên, sinh viên học
sinh: ‘Chúng ta không bao giờ chủ trương đốt sách’, và nói rõ ‘Chiến dịch chỉ
thu hồi các sách báo mang nội dung đồi trụy, đầu độc tinh thần thanh thiếu
niên, bóp méo xuyên tạc cuộc chiến dành độc lập tự do của dân tộc’. Tuy nhiên,
trong một không khí hết sức cách mạng được lãnh đạo bởi người mới từ trong rừng
ra, sự ‘nhầm lẫn’, sự ‘quá tay’ là không tránh khỏi. Các đội ‘thanh niên xung
kích’ nhiều khi đã không cần phân biệt những sách y học có vẽ cơ thể người với
những tranh ảnh khỏa thân khiêu dâm, không phân biệt sách triết học với sách chống
cộng. Nhiều trí thức đã tìm gặp ông Kiệt để phản ánh tình hình, nhưng, như ông
Kiệt nhìn nhận: ‘Cả tôi và chính quyền đã phải mất khá lâu mới nhận ra những
sai lầm đó’”.
Việc
ngăn cấm một cuốn sách không khác gì cho lắm việc đốt sách. Cái chính quyền muốn
đạt được là người dân không được đọc những cuốn sách đó.
Tôi
có thể lấy nhiều ví dụ đốt sách hơn từ thời Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch
Đông bên Trung Quốc lẫn thời phát-xít Hitler bên Đức, nhưng tôi đoán bạn cũng
đã ít nhiều nghe nói tới.
Nếu
có điều gì đó chúng ta muốn học từ nước Đức, hãy học cách họ đối xử với cuốn
sách huyền thoại của Hitler, “Cuộc
tranh đấu của tôi”.
Dĩ
nhiên, không có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Nhưng đó là một vấn đề khác và
sẽ được bàn vào một dịp khác.
No comments:
Post a Comment