Friday, February 16, 2018

PHÓNG VIÊN MỸ BAY VÀO SÀI GÒN CỨU NHÀ VỢ (James Jeffrey - BBC)




James Jeffrey
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Texas, Hoa Kỳ
16-2-2018

Khi nhiếp ảnh gia người Mỹ Dick Swanson lần đầu tiên bắt gặp ánh nhìn của cô nữ phóng viên địa phương xinh đẹp Germaine Lộc vào năm 1966 tại Sài Gòn, anh nghĩ cô trông có vẻ hờ hững là hay nhất và quá bận rộn để làm quen anh.
Còn cô thì nghĩ anh trông giống như một tay hippie luộm thuộm.

Dick Swanson với Germaine Lộc và gia đình cô tại Sài Gòn. DICK SWANSON

Mặc cho ấn tượng ban đầu không mấy hứa hẹn, họ đã hiểu nhau hơn khi nổ ra trận tấn công Tết Mậu Thân 1968, khi lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng bất ngờ đánh vào các đô thị của VNCH.

Ông Swanson kể lại nói:
"Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trên những con phố bị bom đạn phá huỷ ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.
"Chúng tôi làm việc rất ăn ý, bình đẳng và chắc là vì thấy tôi trong lúc làm tin, chụp ảnh, cô ấy dường như tôn trọng tôi hơn. Điều gì đã có thể gây ấn tượng với một người phụ nữ như thế này, với người mà ra chỗ chiến sự cũng bình thường như việc đi đến văn phòng?"

Căn cứ Mỹ ở Khe Sanh năm 1968. Dick Swanson đã có mặt tại đây và các hình ông chụp nay nằm trong kho tư liệu Dick Swanson Photographic Archive, UT Austin's Briscoe Center for American History. DICK SWANSON

Dick Swanson cứu giúp một người lính VNCH bị thương. Ảnh từ UT Austin's Briscoe Center for American History.  DICK SWANSO

Vào năm 1969, họ kết hôn ở miền Nam Việt Nam trước khi trở về Mỹ năm 1971, để Swanson có thể tiếp tục sự nghiệp ở tạp chí Life ở Washington, D.C.
Tuy nhiên, Germaine vẫn lo lắng cho gia đình cô khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra ra và hỏi chồng liệu anh có thể cứu họ nếu Nam Việt Nam sụp đổ.
"Tôi nói đó là điều tôi chắc chắn sẽ làm," Swanson nhắc lại.

Đến đầu năm 1975, tình thế rõ ràng không còn nhiều thời gian cho Nam Việt Nam và gia đình Germaine nữa. Đến hôm 21/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, và đã có manh nha thông tin về việc sơ tán. Đã đến lúc Swanson bắt đầu sứ mệnh cứu hộ.

Ngày 26 tháng 4, Swanson đáp sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến bay dân dụng cuối cùng đến Sài Gòn sau 26 giờ bay từ Sân bay Quốc tế Dulles ở Washington và dừng đến 4 chặng ở Los Angeles, Honolulu, Guam và Hong Kong, và đã thuyết phục Germaine rằng sẽ an toàn hơn nếu anh đi không có cô.

Ông Swanson (tay cầm camera) cùng các phóng viên ảnh khác từng trải qua Cuộc chiến Việt Nam xem video ghi nhận sự nghiệp của các đồng nghiệp tử nạn trong cuộc chiến như Kent Potter, Larry Burrows, Henri Huet và Keisaburo Shimamoto. Đây là các phóng viên chết khi trực thăng chở họ bị bắn rơi năm 1971. J. SCOTT APPLEWHITE

Anh gặp họ hàng của cô trong nhà của mẹ cô ở Sài Gòn khi vòng đạn của Bắc Việt vẫn đang phát nổ vang vọng đằng xa.
"Tôi không hẳn là có một kế hoạch," Swanson nói, "nhưng tình hình quá hỗn độn nên việc lên kế hoạch chưa chắc đã tốt."

Trông cậy vào 'thần may mắn'

Trở ngại lớn nhất chính là tìm cách đưa gia đình vào căn cứ không quân Hoa Kỳ qua các nhân viên bảo vệ, những người này hành xử hơi khó đoán và không thích tiếp nhận người Việt.
Em gái của Germaine là Gabrielle đã kết hôn với một đại tá trong quân đội miền Nam Việt Nam và đã có ý tưởng gọi căn cứ yêu cầu một chiếc xe tải quân đội để đón họ vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau trong giờ giới nghiêm.
Với vỏ bọc quân sự, chiếc xe sẽ dễ dàng được cho qua, trong khi đó Swanson, để tránh thu hút sự chú ý, quyết định đi riêng và gặp họ ở căn cứ vào ngày hôm sau.

Gia đình vợ Dick Swanson trong khách sạn xem truyền hình về chiến sự những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ. DICK SWANSON

Anh tỉnh dậy vào ngày 27 tháng 4 chứng kiến một thành phố đang trong bờ vực sụp đổ - đường phố Sài Gòn bị bộ đội xâm chiếm, âm thanh của những vụ nổ tên lửa ngày càng lớn dần và nhiều cửa hàng bị cướp bóc và bỏ hoang.

Một khi Swanson tìm thấy gia đình vợ ở căn cứ họ vẫn cần giấy tờ xuất cảnh thích hợp. Anh chạy đến văn phòng tạm thời của Đại sứ quán Hoa Kỳ và giả vờ đến để phỏng vấn người phụ trách văn phòng tạp chí Life.

Sau "cuộc phỏng vấn", Swanson đề cập đến giấy tờ xuất cảnh và làm cách nào để anh có thể đưa gia đình ra khỏi Việt Nam.
Người đàn ông gật đầu nhưng nói ông không thể làm gì, trước khi lấy xấp giấy tờ và con tem ra, rồi nói ông phải đi vệ sinh.

Sau khi đóng dấu giấy tờ, Swanson đưa cả gia đình băng qua đường băng để tới chiếc phi cơ của Không lực Hoa Kỳ số 202 bay đến Guam.

Tuy nhiên, các quan chức quân đội VNCH lại kiểm tra hành khách để tìm những người đàn ông trong độ tuổi đi lính - đúng độ tuổi của anh em trai Germaine.
Vì vậy, mẹ của Germaine giả vờ bị bệnh để đánh lạc hướng họ, trong khi những người đàn ông trẻ cúi thấp đầu và lên máy bay.

Chiến tranh Việt Nam: xe thiết giáp có súng phun lửa trong một trận diệt cây rừng ở Bến Súc năm 1966. Ảnh từ Photographic Archive, UT Austin's Briscoe Center for American History. DICK SWANSON

Qua một trong những cửa sổ máy bay, Swanson trông thấy hàng ngàn người Việt Nam đang đứng bên ngoài hàng rào xung quanh đường băng, chờ đợi những máy bay không bao giờ đến. Gia đình ông đã lên chiếc máy bay quân sự cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

Vừa kịp giờ

Sau khi đến một căn cứ quân sự ở California, gia đình phải đối mặt với việc bị cách ly ba tháng. Nhưng các nhà báo chuyên viết những người tị nạn, và nhiều người trong đó biết Swanson, đã bắn một loạt các câu hỏi, gây áp lực cho một quan chức, người sau đó cũng cho phép cả gia đình rời đi.

Cha tuyên uý của Thủy quân lục chiến Mỹ cùng các quân nhân tại căn cứ Khe Sanh cầu nguyện, năm 1968. Ảnh từ Dick Swanson Photographic Archive, UT Austin's Briscoe Center for American History. DICK SWANSON

Vào ngày 30 tháng 4, trong một căn phòng khách sạn, cả gia đình chứng kiến trên màn hình TV cảnh Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt - cuộc chiến đã kết thúc: hình ảnh tại sân thượng của Đại sứ quán Hoa Kỳ, những người Việt tuyệt vọng cố gắng rướn tới các thanh ngang của chiếc trực thăng cuối cùng.

Những người bạn từ khắp Washington, nơi mà gia đình Swanson sinh sống, đã tập trung giúp đỡ họ, bao gồm cả nhân viên của Tổng thống Gerald Ford, Donald Rumsfeld, người sẵn lòng mở rộng cửa phòng tầng hầm nhà ông, còn vợ của giám đốc CIA William Colby, cũng nói bà có hai phòng ngủ trống.

Gia đình Germaine trên chuyến bay hành khách rời Sài Gòn tháng 4/1975. DICK SWANSON

Tất cả các thành viên trong gia đình Germaine gần như cùng một lúc làm việc tại nhà hàng nổi tiếng ở Washington mà bà quản lý, giúp họ kiếm thu nhập và hoà nhập vào Mỹ.
Họ hàng xa của Germaine thì cuối cùng đã lan rộng khắp nước Mỹ, xoay sở kiếm được những công việc ổn định tại những công ty như United Airlines, World Bank và Lockheed Martin.

Germaine nói: "Từ 12 thành viên tị nạn của gia đình, chúng tôi có thêm 14 đứa trẻ, và những đứa trẻ này tiếp tục có thêm 15 đứa trẻ khác, và dĩ nhiên sẽ còn nhiều nữa."
"Bao gồm cả chồng và vợ của họ trong 43 năm qua kể từ khi chồng tôi đưa họ ra khỏi Việt Nam - giờ thì không ai có thể biết con số thực sự là bao nhiêu người."

Tiếp tục

Dick Swanson, Germaine và gia đình trong bữa ăn tại nhà riêng ở Mỹ. PHOTO COURTESY DICK SWANSON

"Việt Nam đang bùng nổ," Germaine nói. Bà đã nhiều lần đưa gia đình về thăm Việt Nam.
"Họ đang xây dựng các khu nghỉ dưỡng, biệt thự, khách sạn, trung tâm mua sắm và nhiều thứ khác, nó không bao giờ dừng lại."

Mặc dù có những thay đổi và phát triển kinh tế, không có ai trong 12 người muốn trở về sinh sống ở đó.
"Họ nghĩ mình là người Mỹ rồi," Germaine nói. "Các anh chị em của tôi đã rời Việt Nam khi họ còn trẻ và không hề hối hận. Họ hài lòng với ngôi nhà mới của họ bây giờ và rất thoải mái, nhìn ngắm những đứa con, đứa cháu lớn lên. "

Thời hậu chiến: Dick Swanson (giữa) thăm Hà Nội cùng các phóng viên chiến trường trước đây: Dirck Halstead (trái) người chụp ảnh cho UPI thời chiến tranh VN, và David Hume Kennerly (phải) nhiếp ảnh gia riêng cho Tổng thống President Ford và một ống kính được giải Pulitzer. DICK SWANSON

Bây giờ cả hai đã trên dưới 80 tuổi, Germaine và Swanson có một nhịp sống chậm hơn. Ông Swanson vẫn gìn giữ di sản là những thước phim, tấm ảnh để hồi tưởng lại những năm tháng thăng trầm ở Việt Nam và vai trò của ông trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp ấy.

Ông Swanson nói: "Những gì tôi làm không phải là ích kỷ hay vị tha."
"Tôi đã trở thành phóng viên ảnh theo một cách khá lành mạnh. Tôi cho rằng một phần của sự lành mạnh đó là vì những sự công nhận ban đầu về những gì tôi đã làm và tôi không khơi gợi lại nỗi đau đớn, một quá trình mà Germaine đã giúp tôi vượt qua."

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông James Jeffrey, nhà báo Anh hiện sống và làm việc tại Austin, Texas. Toàn bộ các hình được ông Dick Swanson gửi riêng cho BBC để sử dụng chỉ trong bài báo này.

Quý vị có thể thêm bài về hai phóng viên khác từ chiến Việt Nam sau đây:

--------------------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        












No comments:

Post a Comment