Thursday, February 1, 2018

NẾU TRUMP GIẾT NAFTA, KINH TẾ MỸ SẼ THIỆT HẠI LỚN (Nick Taylor-Vaisey - Maclean’s)



Nick Taylor-Vaisey  -  Maclean’s
DCVOnline dịch
Posted on January 30, 2018 by editor

Canada phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất cảng sang Hoa Kỳ, nhưng người Mỹ có sẽ phải đóng thuế nhập cảng cao hơn trong một thế giới hậu NAFTA.

CORAOPOLIS, PA – 18 tháng Một | Tổng thống Donald Trump nói chuyện với những người ủng hộ ông tại một cuộc tụ họp tại hãng H&K Equipment, một công ty cho thuê và bán những loại xe vận tải vật liệu nặng vào ngày 18 tháng 1 năm 2018 tại Coraopolis, Pennsylvania. Trump đã đến thăm xưởng chế tạo này và nhận định cho đám đông ủng hộ và nhân viên của H&K Equipment sau bộ luật mới của chính phủ về thuế. Nguồn: Jeff Swensen/Getty Images.

Bất kể Donald Trump quyết định làm gì với NAFTA, bản năng xé bỏ hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ này của ông ta có thể sẽ làm tổn thương những doanh nghiệp của Hoa Kỳ hơn là ông ấy tưởng. Tổng thống Mỹ đã qua nhiều lần đe dọa rút lui khỏi NAFTA, nhưng gần đây ông cũng đã hạ giọng, hoà nhã hơn khi nói về tương lai của hiệp định này. Những người ủng hộ NAFTA, đặc biệt là từ cá nhóm vận động đại diện cho giới kinh doanh nông phẩm, được cho là đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của Trump. Họ không khéo khi nói với ông ấy rằng giới xuất cảng của Mỹ có khả năng thua thiệt nhiều hơn Canada và Mexico trong một thế giới không có hiệp định thương mại tự do ở châu Mỹ.

Nhiều người Mỹ có thể cho rằng Canada và Mexico cần NAFTA nhiều hơn Hoa Kỳ cần hiệp định này, nhưng nhìn kỹ hơn vào dữ liệu thương mại người ta thấy sự thật không phải chỉ có trắng với đen. Brett House, một chuyên gia kinh tế của Scotiabank, và đồng nghiệp Juan Manuel Herrera của ông, đã làm làm bài toán về những hàng xuất cảng không phải là nhiên liệu của Canada. Chỉ có khoảng một nửa số hàng xuất cảng đó được hưởng lợi thế miễn thuế của NAFTA. Ông House nói:

“Đây là một trong những sự kiện thú vị mà nhiều người trong quần chúng, trong giới kinh doanh, trong khối người lập chính sách cũng không hiểu được. Chúng ta không cần lập lại quá mức sự quan trọng của Mỹ đối với NAFTA hoặc lo âu và thảm hoạ hoá việc trời sẽ sập vì cả hai điều đó đều không đúng.”

Chắc chắn, giới xuất cảng Canada sẽ cảm thấy thiệt thòi nếu phải đóng thuế nhập cảng mới, cao hơn. Vào đầu tháng Giêng, khi có tin cho rằng rằng giới hữu trách Canada tin rằng nếu Trump thực sự sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi NAFTA, thị trường sẽ giảm sút ngay lập tức – và đồng bạc Canada cũng mất giá như vậy. Một phân tích của Ngân hàn Montreal (BMO) hồi tháng 11 năm ngoái dự đoán nếu NAFTA không còn thì GDP của Canada sẽ sút giảm trị giá thực từ 0,7% đến 1,0% trong khoảng thời gian 5 năm. Các công ty xuất cảng hàng hoá, hoặc vận chuyển các phụ kiện qua lại biên giới trong tiến trình sản xuất, sẽ bị thua thiệt không cân xứng. Một báo cáo của Trung tâm Thay đổi Chính sách của Canada (CCPA) hồi tháng 7 tính được rằng 3 phần trăm công ty xuấ cảng sẽ phải đóng thuế nhập cảng tăng từ 0% lên 10%. Trong khi đó, chỉ số niềm tin thương mại của Tổ chức Phát triển Xuất Cảng Canada cho thấy23% các nhà xuất cảng cảm thấy “bị ảnh hưởng bất lợi” vì sự bấp bênh của NAFTA – và đang tích cực soạn thảo các kế hoạch dự phòng để đa dạng hoá hoặc cơ cấu lại kinh doanh của họ.

Tuy nhiên có nhiều nhà xuất cảng không cần phải có thỏa thuận thương mại tự do ở Bắc Mỹ để kinh doanh, phần lớng nhờ vào mức thuế nhập cảng dành cho các nước được xem là Tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những mức thuế này, áp dụng cho tất cả 164 thành viên của WTO, đã giảm đáng kể ở Bắc Mỹ kể từ khi WTO thành lập. Giới xuất cảng Canada đã phụ thuộc vào tỷ lệ miễn thuế của NAFTA ít hơn nhờ những ưu đãi gần như đồng bộ với mức giảm thuế cho MFN của WTO.

Biều đồ 1: Mức thuế nhập cảng áp dụng cho tất cả 164 thành viên của WTO đã giảm đáng kể ở Bắc Mỹ kể từ khi WTO thành lập. Nguồn Scotiabank

Báo cáo của CCPA cũng cho thấy 41% hàng xuất cảng của Canada được hưởng mức thuế nhập cảng là zero của một MFN. Và những ai phải nộp mức thuế của WTO sẽ không phải qua nhiều thủ tục giấy tờ để được bán sản phẩm qua biên giới hơn là nếu họ xuất cảng theo hiệp định NAFTA. Hiệp định thương mại này đòi hỏi phải có giấy chứng nhận xuất xứ buộc các công ty phải tính toán phức tạp về số lượng sản phẩm của họ có nguồn gốc ở Bắc Mỹ và liệu họ có đáp ứng các quy tắc xuất xứ áp dụng cho cách phân loại thuế của sản phẩm hay không. Công trình tính toán và thuế khoá đặc biệt khó khăn cho các công ty nhỏ có sản phẩm qua lại biên giới nhiều lần trong các giai đoạn sản xuất khác nhau. Mathew Wilson, phó chủ tịch của các nhà sản xuất và xuất cảng Canada, đã giúp tư vấn cho đoàn đàm phán Canada về NAFTA cho hay quy trình nhẹ về hành chánh của WTO thực sự đem lại lợi ích và hiệu quả giảm chi trong quan hệ thương mại quốc tế.

“Một công ty xuất cảng sẽ phải tốn kém không ít để sản phẩm của họ hội đủ điều kiện về giấy tờ đúng với yêu cầu của NAFTA trong khi đó chỉ phải trả một hoặc hai phần trăm thuế nhập cảng của WTO. Vì vậy, trả thuế nhập cảng của WTO vẫn là chọn lựa dễ hơn.”

Wilson gần đây đã thăm dò với một công ty Canada đang chuẩn bị cho một chương trình triển lãm thương mại bên kia biên giới. Muốn đủ điều kiện để hưởng mức thuế của NAFTA, họ phải điền vào các giấy tờ cho biết tất cả những gì họ vận chuyển sang khu triển lãm trước ngày triển lãm – kể cả bút chì đang sử dụng. Wilson nói: “Có đến khoảng ba trang email để tìm ra điều lệ về xuất xứ của một cây bút chì. Thật lố bịch về độ rờm rà hành chính mà chúng ta đã đặt ra khiến các công ty không muốn tham gia vào nữa.”

Vì có quá nhiều công ty chọn cách tránh thủ tục hành chánh nặng nề khi tham gia NAFTA, nhiều người ở phía Canada có khuynh hướng ít hốt hoảng hơn nếu NAFTA cháy. Wilson nói,
“Rất nhiều nhà xuất cảng sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm hôm nay. Họ sẽ xuất cảng, họ sẽ phải trả mức thuế tối thiểu, và coi đó là một chi phí để kinh doanh ở Mỹ.”

Cách sinh hoạt như thường lệ cũng thấy ở khu vực năng lượng của Canada, chiếm 16% trị giá hàng xuất cảng sang Mỹ vào năm 2016. Mức thuế nhập cảng MFN trên hầu hết các sản phẩm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đã giảm xuống còn 0,khiến cho giới xuất cảng năng lượng của Canada ở vào một vị trí thuận lợi – nhưng không gây ảnh hưởng xấu cho ngành công nghiệp của Mỹ. Ông Wilson nói,

“Chúng tôi là một nguồn cung cấp ổn định và đáng tin cậy cho các sản phẩm về năng lượng và tài nguyên khổng lồ cho Hoa Kỳ, là động cơ vận chuyển nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi không ngần ngại giữ vị trí đó. Đây là một trong những điểm khiến Canada trở nên đối tác cần thiết cho Hoa Kỳ.”

Không giống như Hoa Kỳ, Canada và Mexico không theo dõi tỷ lệ hàng nhập cảng được hưởng những ưu đãi của NAFTA. Nhưng phân tích của House và Herrera của Scotiabank cho thấy giới xuất càng của Mỹ sẽ phải đóng mức thuế cao hơn so với các nước láng giềng trong một thế giới hậu NAFTA. Đó là vì tính chất của những sản phẩm người Mỹ thực sự xuất cảng. 76% hàng hóa Canada xuất cảng sang Hoa Kỳ, theo giá trị hiện tại, sẽ phải chịu mức thuế MFN dưới 2,5% theo các quy định của WTO. Nhưng chỉ có 56 đến 59 phần trăm hàng xuất cảng của Hoa Kỳ sang Canada và Mexico sẽ được hưởng mức thuế thấp như thế. Như biểu đồ dưới đây minh họa, người Mỹ cũng sẽ có một tỷ lệ hàng hoá lớn hơn phải chịu mức thuế quan trên 5% và 10% so với hai nước láng giềng. (Trump đã đe dọa tấn công vào hệ thống thương mại toàn cầu, nhưng cắt đứt sự tham gia của Mỹ vào WTO chắc chắn sẽ gây ra cuộc chiến lớn trong nước.)

Biểu đồ 2: Mức thuế nhập cảng MNF (của WTO) trên tỉ sốhàng qua lại biên giới 2 nước Mỹ-Canada và Mỹ-Mexico. Nguồn: SCotiabank

Các chuyên gia kinh tế của Scotiabank kết luận,

“Khoảng 60 phần trăm hàng hoá từ Canada và Mexico xuất cảng sang Mỹ sẽ hầu như không thay đổi về mức thuế nhập cảng nếu Hoa Kỳ rút khỏi NAFTA. Ngược lại, hơn một phần tư tất cả hàng hoá Hoa Kỳ xuất cảng sang hai đối tác NAFTA hiện nay của họ sẽ thấy phải đóng thuế nhập cảng cao hơn hiện nay.”

Doanh nhân Mỹ đa dạng hơn nhiều về mặt xuất cảng so với người Canada. Hơn 3/4 hàng xuất cảng của Canada bán sang Hoa Kỳ hoặc Mexico, trong khi đó người Mỹ chia cùng một tỷ lệ xuất cảng cho 15 đối tác hàng đầu của họ. Nhưng khi cuộc đàm phán NAFTA vẫn còn tiếp tục đến mùa xuân, và nếu Trump vẫn đánh du muốn dứt điểm NAFTA thì ông ta nên hiểu rõ những hậu quả sẽ đến với các công ty Mỹ mà ông muốn phát triển. Và khi Mỹ đo lường sức mạnh của họ thì giới đàm phán của Canada cũng làm như thế.

Trị giá hàng hoá giao chuyển qua biên giới 3 nước Canad, Mỹ và Mexico. Nguồn: Cụ Thốg kê Hoa Kỳ

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: 
Nick Taylor-Vaisey | Maclean’s. January 29, 2018.









No comments:

Post a Comment