Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 24-02-2018
Các
tạp chí lớn tại Pháp tuần này đều dành trang bìa cho các chủ đề mang tính chất
xã hội và gắn với Pháp. Riêng tuần báo Anh The Economist đã khai thác một đề
tài chính trị nóng bỏng : Nước Nga của Putin đang len lỏi vào các nền dân chủ
phương Tây như thế nào. Trên trang bìa là hình vẽ một con bạch tuộc - với cái đầu
mang dáng dấp của tổng thống Nga - đang vung vẩy những chiếc vòi. Bên trên bức
hình là tựa lớn : « Kẻ khuấy động » bên trên hàng tiểu tựa giải
thích : « Cách nước Nga đe dọa các nền dân chủ phương Tây ».
Ảnh chụp màn hình tuần báo The Economist 24/02 - 02/03/2018. Copy écran
Ở bài viết bên trong, The Economist đã nhắc lại sự
kiện, Chính phủ Nga trong tuần đã lại phủ nhận cáo buộc là họ đã xen vào để
lũng đoạn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Lời cải chính được đưa ra sau khi
Robert Mueller, công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra ảnh hưởng của Nga
trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, đã công bố bản cáo trạng nhắm
vào 13 công dân Nga, nêu chi tiết về những gì các bị cáo này đã làm thông qua mạng
xã hội để tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ.
Trong bài xã luận, tuần báo Anh trước hết nhắc lại rằng
: Vào cuối thập niên 1980, khi Mikhail Gorbachev phát động phong trào
perestroika, Nga đã hòa dịu với phương Tây. Người ta đã tưởng rằng hai bên đều
sẽ từ bỏ ý muốn lật đổ đối phương bằng những lời dối trá và những lập luận
hoang tưởng theo kiểu chiến tranh lạnh. Thế nhưng, qua cáo trạng của công tố
viên đặc biệt Robert Mueller nhắm vào 13 người Nga công bố ngày 16 tháng 2, thì
quả là người ta đã lầm.
Ông Mueller cáo buộc rằng vào năm 2014, Nga đã bắt đầu
âm mưu chống lại nền dân chủ Mỹ, và ông tin rằng ông có đủ bằng chứng để bác bỏ
trước tòa án những lời phủ nhận của Nga. Vladimir Putin đã bật đèn xanh cho chiến
dịch đó, có lẽ vì nghĩ rằng cơ quan CIA của Mỹ đang kích động một cuộc nổi dậy ở
Ukraina. Tổ chức mang tên Cơ Quan Nghiên Cứu Internet (Internet Research Agency
– IRA) , được một nhà tài phiệt thân điện Kremlin hậu thuẫn, đã thành lập một
nhóm « chuyên gia xuyên tạc » - mà giới tin học gọi nôm na là internet troll -
một hệ thống thanh toán chi phí và các danh tính giả, mục tiêu là đào sâu hố
chia rẽ tại Mỹ, để rồi sau đó tác động đến cử tri để dồn phiếu từ bà Hillary
Clinton sang cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Châu Âu cũng là đối tượng bị lũng đoạn: Nga bị nghi
là đã tài trợ cho các chính trị gia cực đoan, đã thâm nhập vào các hệ thống máy
tính để đánh cắp thông tin, đã tổ chức những cuộc biểu tình và loan truyền tin
thất thiệt. Và ở châu Âu cũng thế, mục tiêu là kích động, khoét sâu chia rẽ
trong xã hội.
Ba bài
học kinh nghiệm
Đối với The Economist, rất khó mà biết chính xác là
Nga đã thành công đến đâu, nhưng các âm mưu của họ làm dấy lên nỗi quan ngại về
những điểm yếu trong các nền dân chủ phương Tây, với ba bài học cay đắng cần
rút ra.
Trước tiên hết, đó là việc các mạng xã hội hiện nay
là một công cụ hiệu quả hơn so với các kỹ thuật dựng chuyện hay mua chuộc nhà
báo hồi những năm 60. Sử dụng Facebook để phát hiện, chiêu mộ ủng hộ viên, và
hoàn thiện các khẩu hiệu ăn khách nhất không tốn kém bao nhiêu. Với một chút
khéo léo, ta có thể lôi kéo cả hệ thống vào việc tán dương, ủng hộ các bài đăng
của mình. Và nếu đánh cắp được dữ liệu máy tính của các định chế lớn như đảng
Dân Chủ Mỹ, như người Nga đã làm, ta có ngay cả một mạng lưới để phát tán thông
tin.
Bài học thứ hai là chiến dịch của Nga đã khai thác
được sự chia rẽ ở Mỹ, kích động vấn đề chủng tộc, xúi giục cử tri da đen xem bà
Clinton như kẻ thù và ở nhà không đi bỏ phiếu, khơi dậy nỗi bực tức của người
da trắng... Sau chiến thắng của ông Trump mà nó đã cố gắng góp phần, nó lại tổ
chức một cuộc biểu tình chống Trump ở Manhattan. Và mới đây, ngay sau vụ thảm
sát bằng súng tại trường Parkland, các robot tin học của Nga bắt đầu lao vào cuộc
tranh cãi về kiểm soát súng đạn. Người châu Âu, ở một mức độ ít hơn, cũng bị
chia rẽ, đặc biệt là ở Anh Quốc với vụ Brexit. Chính các chia rẽ tiềm ẩn trong
các nền dân chủ phương Tây đã khiến họ sẽ bị lũng đoạn.
Bài học quan trọng nhất là phản ứng của phương Tây
trước cuộc tấn công của Nga rất yếu, trái ngược với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh
trước đây. Tại Mỹ, cả hai tổng thống đều thất bại trong cách đối phó.
Barack Obama rất đau đớn trước những bằng chứng về sự
can thiệp của Nga, nhưng lại tự kềm chế trong việc áp đặt lệnh trừng phạt. Có lẽ
vì ông cho rằng ông Trump chắc chắn sẽ thất cử, nên không muốn tạo ra những
nghi ngờ rằng ông cố tình tác động vào kết quả. Đối với The Economist, nhận định
đó của ông Obama là một sai lầm nghiêm trọng.
Còn thất bại của ông Trump thì xuất phát từ cách
nhìn của ông về vụ việc. Lẽ ra ông phải lên tiếng chống lại ông Putin và bảo vệ
Mỹ chống lại thái độ thù địch của Nga. Thế nhưng thay vào đó, dưới tác động của
một số người trong đảng Cộng Hòa, ông lại ra sức hạ uy tín các cơ quan điều tra
âm mưu của Nga, và hàm ý muốn sa thải ông Mueller hoặc những người bảo vệ ông tại
Bộ Tư Pháp Mỹ, tương tự như việc ông cách chức James Comey người đứng đầu
FBI...
Châu Âu
phải năng động đối phó
Theo tuần báo Anh, các bài học kể trên cho thấy là để
phá được âm mưu của Nga, các nền dân chủ phương Tây cần phải năng động hơn.
Giới lãnh đạo phương Tây phải tìm cách khôi phục
lòng tin nơi cử tri. Điều đó đòi hỏi trước tiên hết là sự minh bạch. Châu Âu cần
mở thêm nhiều cuộc điều tra chính thức, với người phụ trách có thẩm quyền như
ông Mueller. Luật về các khoản tài trợ cho các chính đảng cũng cần được siết chặt,
để xác định rõ là ai đã trao tiền cho ai. Và các phương tiện truyền thông xã hội
cần phải được mở ra cho giám sát, để bất cứ ai cũng có thể xác định được ai là
những người đang trả tiền cho các thông tin quảng cáo, và để cho giới chuyên
gia nghiên cứu có thể dễ dàng lột mặt nạ kẻ gian.
Bên cạnh đó, phải có hành động đối kháng cụ thể, bắt
đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Thủ tướng Đức Angela Merkel chẳng hạn, đã thành
công khi cảnh cáo ông Putin rằng sẽ có hậu quả nếu ông can thiệp vào các cuộc bầu
cử ở Đức. Tại Pháp, Emmanuel Macron đã làm nản lòng các hacker Nga bằng cách tạo
ra các thư điện tử giả mạo để lẫn trong số những bức thư thực sự, khiến cho những
kẻ đánh cắp bị mất uy tín khi tiết lộ thông tin sai lệch. Báo chí Phần Lan thì
cùng nhau hợp tác để thanh lọc tin tức giả mạo và chỉnh lại những thông tin sai
lạc.
Tuy nhiên, khả năng chống đỡ có phần dễ dàng hơn đối
với Đức, Pháp và Phần Lan, nơi niềm tin của người dân nơi chính quyền trung
ương cao hơn ở Mỹ. Nhưng đó cũng là lý do tại sao mà Hoa Kỳ cần trả đũa và dằn
mặt Nga trong vụ này... Giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ đang đẩy đất
nước vào con đường thất bại : Ít ra họ cũng nên tổ chức các buổi điều trần khẩn
cấp để bảo vệ Mỹ chống lại các mưu toan lũng đoạn trong các cuộc bầu cử giữa
nhiệm kỳ. Cho đến lúc này, tổng thống Trump vẫn khăng khăng đổ lỗi cho FBI và đảng
Dân Chủ, thể như là Mỹ không còn tin rằng nền dân chủ xứng đáng được bảo vệ.
*
Di sản
Johnny Hallyday: Gia đình xào xáo
Như nói ở trên, các tuần báo Pháp đều dành trang nhất
cho đề tài xã hội Pháp. Đáng chú ý hơn cả có lẽ là hồ sơ đặc biệt của L’Express
nói về cuộc tranh giành di sản gay gắt trong gia đình cố ca sĩ Johnny Hallyday,
giữa bà mẹ kế Laeticia với hai người con chồng David Hallyday và Laura Smet.
L’Express đã minh họa hồ sơ chính của mình bằng một
bức ảnh trên trang bìa, cho thấy ba nhân vật chính trong tấn bi kịch đeo kính
đen, mỗi người nhìn về một phía khác nhau. Ở bên trong, tuần báo Pháp ghi nhận: «
“Gia tộc Hallyday” mà người ta cứ tưởng là rất gắn bó với nhau trong nỗi đau bị
mất người thân, mà người ta từng thấy rất hòa thuận trong ngày tang lễ lạnh giá
ở nhà thờ Madeleine, từ 10 ngày qua, các thành viên gia tộc đó đang cấu xé lẫn
nhau », giữa một bên là những đứa con bị truất quyền thừa kế, và bên kia là
một góa phụ với dáng vẻ căng thẳng.
Theo L’Express, đây quả là một bi kịch vì đã
có « Những cuộc sống bị bôi bẩn, phơi bày đến mức buồn nôn, những lời rỉ
tai độc ác sẽ hằn ghi mãi mãi trong ký ức, những đứa con sẽ phải gánh chịu toàn
bộ những mâu thuẫn của người cha, một người phụ nữ có thể là đã thoáng thấy
thiên đường nhưng bất ngờ bị tống xuống địa ngục ».
Đối với tuần báo Pháp, trong gia tộc Hallyday, thời
kỳ để tang chỉ là một điều hão huyền, và việc người cha mất đi đã dẫn ngay đến
chiến tranh.
*
Từ nữ
triết gia Simone de Beauvoir đến #Metoo
Tuần báo L’Obs cũng chú ý đến xã hội Pháp, nhưng
trên một khía cạnh đang gây sôi nổi khắp thế giới: nạn sách nhiễu tình dục, với
việc ngày càng có nhiều phụ nữ nạn nhân lên tiếng. Thế nhưng, L’Obs đã đặt sự
kiện này trong bối cảnh phong trào đấu tranh cho nữ quyền với hồ sơ chính mang
tựa đề « Để hiểu rõ cuộc cách mạng nữ quyền », bên dưới một tiểu tựa
: « Từ Beauvoir đến Metoo ».
#MeToo là một phong trào trên mạng Twitter đang rất
phổ biến, kêu gọi phụ nữ vùng lên vạch trần nạn quấy rối tình dục mà chính mình
là nạn nhân. Trong hồ sơ của mình, L’Obs đã tự hỏi về nữ triết gia Pháp nổi tiếng
rằng : « Liệu Simone de Beauvoir, (nếu sống vào thời nay) có sẽ gởi
thông điệp Twitter #Metoo hay không? »
Hỏi như vậy, nhưng câu trả lời của L’Obs rất rõ khi tờ
báo ghi nhận những dấu mốc chính mà nữ sĩ Pháp đã đặt ra trên con đường đấu
tranh cho nữ quyền : « Khi nữ triết gia cho ra mắt quyển Giới tính thứ
hai – Le Deuxième Sexe vào năm 1949, bà đã gây chấn động trên toàn thế giới. Tiếp
theo đó là bản ‘Tuyên Ngôn của nhóm 343 do tuần báo Le Nouvel Observateur (tiền
thân của L’Obs) công bố vào năm 1971, một văn kiện sẽ dẫn đến bộ luật Veil, (hợp
pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ Pháp), và bộ luật năm 1980, xác định hành vi
hãm hiếp là trọng tội. »
Trong hơn một chục trang, tuần báo Pháp đã điểm lại «
Câu chuyện về 70 năm đấu tranh cho nữ quyền ».
*
Hồi ký
của Jean-Marie Le Pen, sáng lập viên đảng cực hữu Pháp FN
Nếu L’Express đã đưa Simone de Beauvoir lên trang nhất,
thì đồng nghiệp Le Point lại dành trang bìa cho bài phỏng vấn Jean-Marie Le
Pen, người sáng lập đảng cực hữu FN, cha của chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc gia hiện
nay là Marine Le Pen, nhân dịp ông phát hành tập đầu tiên trong bộ hồi ký của
ông, bao gồm giai đoạn từ năm 1928 đến năm 1972.
Le Point đã giành nguyên một hồ sơ 13 trang cho sự
kiện này, và trích dẫn nhiều trang trong hồi ký, trên nguyên tắc chỉ ra mắt độc
giả vào ngày 28/02 tới đây mà thôi.
Giải thích về chọn lựa của mình, Le Point cho rằng dẫu
sao thì hồi ký của ông Jean Marie Le Pen là « một tài liệu được đặc biệt
chờ đợi vì là di chúc của một trong những nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất
của Pháp ».
Muller, nhà xuất bản đã đồng ý phát hành hồi ký của
ông Le Pen là một nhà xuất bản được ít người biết đến, có điều, theo như lời thừa
nhận của chính đương sự, ông không còn chọn lựa nào khác, vì « Các nhà
xuất bản lớn, thậm chí trung bình, đều không dám phát hành quyển sách của tôi.
Điều đó đủ cho thấy mức độ tự do tư tưởng ở Pháp ».
Một trong những điểm gây tranh cãi trong hồi ký của
nhân vật cực hữu này là ông nhất mực bênh vực cho các hành vi tra tấn mà quân đội
Pháp từng áp dụng ở Algérie, thậm chí còn nói : « Đó là những phương thức
thu thập thông tin thuộc loại ít thô bạo nhất… chỉ là đánh đập, trấn nước, quay
điện, nhưng không hề xâm phạm sự toàn vẹn thân thể (của tù nhân) ».
No comments:
Post a Comment