26.02.2018
Cách
đây không lâu tôi có dịp đi Việt Nam và ghé ngang Huế vài hôm dưới tư cách một
du khách.
Đã
mấy mươi năm rồi tôi mới trở lại Huế. Huế vẫn còn cái vẻ đẹp êm đềm của sông
Hương núi Ngự như tôi đã từng biết. Dân cư, đường phố, chợ búa, nhà cửa tuy có
đông đúc, nhộn nhịp hơn nhiều nhưng tôi vẫn còn nhận ra cái Huế cũ trong đầu của
tôi.
Và
dĩ nhiên khi đến Huế thì tôi phải đi thăm viếng những cung điện và lăng tẩm. Vì
không quen thuộc đường đi nước bước nên tôi quyết định mướn một chiếc xe riêng
và một nhân viên hướng dẫn tại Trung Tâm Du Lịch Thành Phố để cùng đi với tôi đến
các địa điểm trên.
Người
hướng dẫn cho tôi là một cô gái lanh lợi hoạt bát khoảng 25, 26 tuổi. Cô làm việc
rất tận tình và vui vẻ. Tôi nhận thấy cô có một kiến thức khá vững chắc về lịch
sử triều Nguyễn cũng như nhiều thắng cảnh ở Huế.
Qua
vài câu chuyện trao đổi, tôi cũng được biết thêm là tất cả các nhân viên hướng
dẫn du lịch của thành phố như cô đều phải tốt nghiệp một khóa học về lịch sử và
chính trị rất kỹ lưỡng. Cô giải thích đó là vì nhà nước biết rằng phần đông các
du khách sử dụng hướng dẫn viên là ngoại quốc và “Việt kiều”. Họ cần “bảo đảm
chất lượng” của các hướng dẫn viên để có thể “phục vụ tốt” cho du khách.
Đến
khoảng giữa ngày thứ hai thì tôi đã xem qua hết những cung điện và lăng tẩm mà
tôi muốn thăm viếng. Vì tôi mướn anh tài xế theo “ngày”, chớ không phải theo
“giờ”, và vì còn khá sớm nên tôi có ý nghĩ muốn tận dụng chiếc xe và cô hướng dẫn
viên sẵn có để đi xem vài chỗ khác trong phạm vi Huế mà tôi chưa hề đến bao giờ.
Một
điều mà tôi thường liên tưởng đến mỗi khi nghĩ về Huế là Tết Mậu Thân.
Năm
1968, tôi còn nhỏ và đang sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên cho đến bây giờ tôi vẫn còn
nhớ rất rõ những sự việc đã xảy ra lúc đó chung quanh tôi. Tôi nhớ mồn một những
cụm khói đen bao phủ bầu trời Chợ Lớn từ các đám cháy nhà khủng khiếp trong
thành phố. Tôi nhớ những người tản cư nằm ngủ nheo nhóc trong hành lang của các
nhà thương, nhà thờ và chùa. Tôi nhớ những xác người chết nằm rải rác trên đường
phố sình thối cả tuần lễ không ai đụng đến.
Và
vài tuần sau đó lúc tình hình đã tạm yên ổn trở lại, điều tôi nhớ nhiều nhất là
những tin tức xảy ra trên toàn quốc được chiếu trên đài Truyền Hình Việt Nam
băng tần số 9. Phần thời sự nổi bật, và có lẽ ám ảnh tôi nhất là những tường
thuật về các mồ chôn tập thể ở Huế. Trên khung máy truyền hình 16 inch trắng
đen, hình ảnh hàng trăm xác người thối rữa được moi lên từ những bãi chôn tập
thể trong các vùng quê lân cận thành phố Huế gây ấn tượng mạnh mẽ lên trí óc
non nớt của tôi.
Tôi
nhớ tiếng than khóc, nét mặt đau đớn, ánh mắt tuyệt vọng của những người lum
khum đi vạch từng bao đựng xác người xếp hàng dài trên đất để mong nhận diện được
người thân của họ đã bị mất tích. Hàng trăm xác người được tìm thấy dưới nhiều
bãi chôn tập thể, hai tay bị trói thúc ké bằng dây kẽm, xương sọ mang dấu đạn
hay bị đập vỡ bằng báng súng. Hàng chục bãi chôn tập thể dần dần tuần tự được
phác giác trong vài tháng sau khi quân đội đồng minh và Việt Nam Cộng Hòa giành
lại được Huế.
Khi
đài truyền hình phỏng vấn gia đình của các nạn nhân, hầu như mọi người đều kể một
câu chuyện rất tương tự nhau: Trong 4 tuần lễ mà những người tự xưng là Quân Đội
Nhân Dân và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chiếm đóng Huế thì thân nhân của họ bị
những người cầm quyền mới nầy kết án là “ác ôn” hay “có tội với nhân dân” và đã
“được xử lý thích đáng”. Những người bị kết án đều là những giới chức trong
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và gia quyến của họ, những sĩ quan quân đội cũng
như những người lính đang về nghỉ phép ở nhà, những nhân vật Công giáo được nhiều
người biết đến và những người “làm tay sai cho Mỹ”.
“Xử
lý thích đáng” có nghĩa là bị xử tử tại chỗ hay bị bắt dẫn đi và không bao giờ
trở lại.
Sau
nầy khi lớn hơn một chút, tôi có dịp quen biết và nói chuyện tận mặt với một
vài người chính họ đã có thân nhân bị mất tích ở Huế hồi tết Mậu Thân. Những
câu chuyện họ kể lại rất tương đồng với những gì mà tôi nhớ đã thấy trong các
bài tường thuật trên truyền hình và báo chí lúc ấy. Một người bạn của tôi sau nầy
kể lại chuyện ba của anh (một viên chức làm việc cho tòa hành chính Huế) đã
lanh trí, và may mắn, nằm trốn luôn trên trần nhà suốt thời gian đó ngay từ giây
phút biết rằng “Việt Cộng vào”. Và mẹ anh đã phải liên tục đóng tuồng nói dối với
những người đến nhà nhiều lần tìm ông rằng “ông ấy đã bỏ mẹ con tôi đi theo vợ
bé ở Sài Gòn từ trước Tết rồi”. Anh ấy cũng kể lại rằng tất cả những đồng nghiệp
với ba anh ấy ở trong cùng khu nhà gia đình công chức hành chính Huế đều bị bắt
dẫn đi và giết chết.
Nói
chung là trong vòng 4 tuần lễ Huế nằm trong quyền kiểm soát của quân đội Bắc Việt
và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những người dân thuộc các diện kể trên bị truy
lùng rốt ráo và giết chết. Thật ra thì có một số không nhỏ cũng bị giết không
phải vì “ác ôn” hay “có tội với nhân dân” mà chỉ vì tư thù cá nhân. Hoàn cảnh
tranh tối tranh sáng, ai cầm một khẩu AK là cầm quyền sinh sát trong tay. Đây
là dịp để trang trải ân oán cũ với nhau.
Một
số những người bị bắt bị dẫn ra đấu tố rồi xử bắn công khai tại chỗ. Đa số khác
bị dẫn đi thủ tiêu mất tích. Người ta tìm thấy thi thể của những người bị dẫn
đi mất tích nầy trong hơn 20 bãi chôn tập thể lớn nhỏ ở các vùng ngoại ô của Huế.
Mỗi bãi là một hay nhiều hố cạn chứa từ 5, 7 cho đến hơn 400 xác người. Tổng cộng
có đâu khoảng gần 7000 người đã bỏ mạng trong 4 tuần lễ đó.
Một
trong những nơi tôi chưa bao giờ đến xem ở Huế, tuy đã có nhiều lần suy nghĩ về,
là các bãi chôn tập thể nầy. Tôi cũng không rõ tại sao tôi có ý nghĩ muốn đến
những nơi đó. Có lẽ tại vì đây là một trong những diễn biến thê thảm nhất trong
cuộc chiến tranh Việt Nam. Có lẽ tôi chỉ muốn đến đứng trước cái không gian đó
để cố cảm nhận những khoảnh khắc mà sự sống của bao nhiêu con người đã bị tước
đoạt một cách vô nghĩa lý bởi đồng loại của họ. Có lẽ tôi chỉ muốn đối diện với
những cảm giác rùng rợn từ các hình ảnh kinh hãi trên khung kính TV đã ám ảnh
tôi mấy mươi năm trước.
Tôi
biết rằng cuộc thảm sát Tết Mậu Thân đã xảy ra gần nửa thế kỷ rồi. Đây là một
khoảng thời gian dài đủ để thay đổi rất nhiều thứ. Cảnh vật chắc đã khác hẳn đi
rồi. Có thể không còn mấy ai nhớ đến việc nầy nữa chớ nói chi có ai còn biết địa
điểm của các mồ chôn tập thể đó. Và nhất là các thế hệ trẻ sau ngày miền nam thất
thủ, chẳng hạn như cô hướng dẫn viên nầy của tôi.
Tuy
vậy tôi vẫn còn một chút hy vọng. Tôi biết rằng người Việt Nam, nhất là dân
quê, thường có tục thờ cúng cô hồn, nhất là những cô hồn chết oan ức. Thế thì một
cuộc thảm sát như hồi Tết Mậu Thân chắc sẽ còn đôi chút dấu tích như một vài miếu
thờ sót lại đâu đó. Và từ ấy chắc sẽ có người vẫn chưa quên lịch sử của các miếu
thờ nầy. Có thể cô hướng dẫn viên của tôi đã có lần nào đó nghe người lớn tuổi
trong gia đình kể lại về chuyện nầy chăng? Có thể cô biết chỗ để dẫn tôi đến đó
chăng?
Tôi
hỏi: “Cô có biết chỗ những mồ chôn tập thể hồi Tết Mậu Thân năm 1968 không? Tôi
muốn đi đến đó xem.”
Cô
trả lời: “Dạ cháu có nghe nói. Nhưng ở cách đây xa lắm.” Rồi cô nói đến một địa
danh hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
Tôi
muốn biết chắc là cô hiểu tôi đang nói về điều gì nên hỏi thêm: “Cô biết gì về
những mồ chôn tập thể nầy?”
Cô
giải thích: “Cháu biết chứ. Đó là nơi mà hồi Tết năm 1968 nhiều người đã bị Mỹ
Ngụy giết chết và chôn ở đấy.”
Tôi
sựng lại, quay qua nhìn cô ấy. Câu trả lời trên của cô hoàn toàn nằm ngoài dự
đoán của tôi. Tôi hỏi lại: “Ai bị ai giết?”
Cô
ấy nhướng mắt trả lời một cách thông thạo: “Thì chú biết mà, hồi Tết năm ấy
lính Mỹ và lính Ngụy vào đây giết chết rất nhiều thường dân và cán bộ rồi đem
chôn họ ở mấy chỗ đó.” Nét mặt cô thản nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy cô
đang không trả lời tôi một cách thành thật nhất.
Tôi
hỏi lại một cách dè dặt: “Làm sao cô biết rõ là lính Mỹ Ngụy đã giết thường dân
và cán bộ rồi chôn họ ở đó?”
Cô
mĩm cười, có lẽ vì sự ngớ ngẩn trong câu hỏi của tôi: “Thì cháu đã học rõ ràng
như thế mà. Không những ở trường học hồi nhỏ mà khóa đào tạo hướng dẫn du lịch
của cháu cũng có dạy rất đầy đủ. Lúc đó lính Mỹ Ngụy vào bắn giết rất nhiều dân
và cán bộ rồi đem chôn họ tập thể. Ai cũng biết điều đó cả.”
Tôi lặng người đi vài giây. Tôi không
quên rằng một sở trường nổi tiếng của các chế độ cộng sản là tẩy não toàn bộ từ
già đến trẻ. Tôi cũng không quên mình chỉ là một du khách (và tệ hơn nữa, chỉ
là một “Việt kiều”) đang ở trong một lãnh thổ nằm dưới một chính quyền cộng sản.
Tôi quyết định không tra gạn thêm về vấn đề nầy nữa vì chỉ vô ích mà thôi. Cô
gái ấy đã giải thích rất rõ ràng: trường học đã dạy như vậy, khóa đào tạo cũng
đã dạy như vậy, ai cũng biết điều đó. Từ ngày sinh ra (mấy chục năm sau khi diễn
biến đó xảy ra) cô đã được dạy bảo như vậy. Không có lý do gì cô nghi ngờ điều
đó. Không có lý do gì tôi có thể làm thay đổi sự hiểu biết đó của cô.
Hôm
ấy tôi không nhờ cô hướng dẫn viên dẫn đến những chỗ chôn tập thể ấy. Một phần
vì khi hỏi thêm vào chi tiết, tôi nhận thấy cô thật ra không biết rõ chính xác
các địa điểm đó ở đâu. Một phần vì tự nhiên tôi cảm thấy “cụt hứng”. Hay nói
đúng ra là tôi cảm thấy thất vọng một cách bất ngờ và gần như là vô lý do.
Tôi
vẫn biết lịch sử là sản phẩm của kẻ chiến thắng. Tuy vậy khi nghe cô hướng dẫn
viên giải thích về lịch sử của các mồ chôn tập thể thì tôi không khỏi bực bội
trong lòng. Dĩ nhiên là tôi không để lộ điều nầy ra cho cô ấy biết. Việc đó
không cần thiết và không có lợi cho tôi. Tôi chỉ quyết định không đi tiếp nữa
và trở về khách sạn sớm hơn dự định.
Một
câu chuyện dù là phản sự thật và vô lý đến đâu nhưng nếu những người nắm quyền
lập đi lập lại đủ nhiều lần, và nếu không ai được phép phản đối, thì câu chuyện
đó dần dần sẽ được công nhận là “đúng” và “thật”. Tuy đã không liên quan đến vấn
đề nầy trực tiếp, chính tôi đã mắt thấy tai nghe những dữ kiện rõ rệt đủ để kết
luận ai đã gây ra các vụ thảm sát đó ở Huế.
Chỉ
cần nhìn vào 2 điều sau đây:
1/
Việt Cộng chiếm giữ Huế 4 tuần, ngay sau khi quân đội VNCH giành lại Huế thì
người ta tìm ra các mồ chôn tập thể đầy xác chết đã thối rữa nhiều ngày;
2/
Những người bị giết đều là nhân viên quan chức đương thời của VNCH, thân nhân của
họ đã nhận diện ra xác chồng, cha, anh, em của họ.
Chỉ
hai điều trên cũng đã đủ cho thấy quân đội Mỹ và VNCH không thể nào là thủ phạm
của các vụ tàn sát trên.
Câu
chuyện “hồi Tết Mậu Thân quân đội Mỹ Ngụy vào Huế tàn sát nhiều người dân và
cán bộ rồi chôn họ trong những hố tập thể” đã được tạo dựng lên và giảng dạy một
cách có hệ thống cho những người Huế trẻ, nhất là những người cần thiết. Tôi nhớ
lời cô gái hướng dẫn viên du lịch của tôi đã nói: họ phải “học lịch sử và chính
trị kỹ lưỡng” vì họ giao dịch với “du khách ngoại quốc và Việt kiều”.
Câu
chuyện trên đã trở thành một kiến thức của thế hệ trẻ và sẽ được truyền bá cho
mọi người khác mãi mãi về sau. Những nhân chứng của cuộc thảm sát đó đã mấy
mươi năm nay không thể và không dám lên tiếng cải chính. Chỉ cần vài mươi năm nữa
thì những nhân chứng nầy sẽ dần dần chết mất cả. Câu chuyện thật sự xảy ra như
thế nào cũng sẽ chết theo với họ và không còn ai bao giờ biết đến nữa cả.
Chuyến
đi thăm Huế của tôi nói chung là mang đến nhiều kỷ niệm đẹp. Trừ việc kể trên.
No comments:
Post a Comment