Thursday, February 22, 2018

GIỚI ĐẤU TRANH HÀN QUỐC ĐÃ BỊ CHỤP MŨ "CỘNG SẢN" NHƯ THẾ NÀO (Vi Yên - Luật Khoa)





Posted on 22/02/2018

Nếu như ngày nay chính quyền Việt Nam thường chụp mũ những nhà bất đồng chính kiến là “Việt Tân”, thì cách đây 70 năm, chính quyền độc tài Hàn Quốc buổi đầu thành lập cũng dùng đúng chiêu thức này: họ gán mác cho bất cứ ai phản đối chính quyền là “cộng sản”.

·         Xem bài kỳ trước về lịch sử phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc

Làn sóng cánh tả và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Hàn Quốc

Sau một thời gian dài bị kìm nén dưới thời thuộc địa Nhật, giới lao động Hàn Quốc đã ồ ạt mở ra nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ ngay khi nước này được trả tự do vào năm 1945. Đứng sau họ, không ai khác, chính là những người cộng sản.

Từ thời thuộc địa, ý thức hệ cộng sản đã dẫn dắt các nhóm công nhân, nông dân trong nhiều cuộc đấu tranh ngầm nhằm chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Tới tháng 9 năm 1945, Đảng Cộng sản Hàn Quốc chính thức ra đời, hậu thuẫn cho hai tổ chức lớn là Liên minh Công đoàn Quốc gia (Chonp’yong) và Liên đoàn Nông dân Quốc gia (Chonnong) thu hút hơn nửa triệu thành viên chỉ sau vài tháng thành lập. [1]

Để đáp lại làn sóng của những tổ chức khuynh tả này, phe cánh hữu trong xã hội dân sự cũng gấp rút hình thành những tổ chức riêng của họ, như Hiệp hội Phụ nữ Yêu nước Hàn Quốc (Han’guk aeguk puinhoe), Hiệp hội Thanh niên Hàn Quốc (Taehan ch’ongnyondan), và Liên minh Phụ nữ vì Độc lập (Kon’guk punyo tongmaeng).

Kết quả là, Hàn Quốc buổi đầu chứng kiến hai xu hướng tương phản mạnh mẽ: quá trình tích cực mở rộng các tổ chức cánh tả từ dưới lên (bottom-up), và phản ứng nhanh chóng xây dựng các tổ chức cánh hữu từ trên xuống (top-down). Tuy nhiên, theo giáo sư ngành khoa học chính trị Sunhyuk Kim của Đại học Stanford (Mỹ), phe cánh tả vẫn chiếm ưu thế trong những ngày đầu độc lập.

USAMGIK hay lối can thiệp mạnh tay của Mỹ

Song niềm hy vọng về một xã hội dân sự đa dạng đã bị dập tắt khi Chính quyền Quân quản của Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (United States Army Military Government in Korea – USAMGIK) xuất hiện vào tháng 9 năm 1945 để tiếp quản vùng lãnh thổ này.

Đứng trước mối hiểm họa rằng ý thức hệ cộng sản sẽ trỗi dậy từ bên trong các tổ chức xã hội dân sự khuynh tả, chính quyền quân quản đã quyết định ngăn chặn làn sóng này. Hầu như bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào có xu hướng thiên tả cũng bị đàn áp một cách có hệ thống.

Bước đầu, chính quyền quân quản ban hành một số đạo luật (như tài liệu “Về Tổ chức Cảnh sát Quốc gia” được công bố cuối năm 1945) nhằm ngăn cấm các phong trào lao động và nông dân. Suốt những tháng sau đó, hàng loạt cuộc biểu tình và bạo lực đã nổ ra từ các nhóm xã hội dân sự do Liên minh Công đoàn Quốc gia và Liên đoàn Nông dân Quốc gia dẫn đầu để phản ứng lại chính sách áp bức của chính quyền quân quản.

Dù vậy, chính quyền quân quản vẫn tiếp tục giải tán các đảng phái cánh tả, đóng cửa và đình chỉ các tờ báo cánh tả như tờ Inminbo (Thời báo Nhân dân), Chayu sinmun (Báo Tự do), Hyondae Ilbo (Nhật báo Đương thời), và đàn áp các cuộc nổi dậy của người lao động, cũng như cầm tù các nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến. Tiêu biểu, vào tháng 8 năm 1947, chính quyền quân quản cưỡng chế giải tán Liên minh Công đoàn Quốc gia và bắt giữ đến gần 1.000 người cánh tả.

Dần dần, những nhóm này đã tan rã hoàn toàn hoặc buộc phải hoạt động ngầm, số còn lại phải đào thoát sang Bắc Triều Tiên.

Dẫu chỉ tồn tại ở Hàn Quốc trong ba năm, song ý thức hệ cai trị của chính quyền quân quản đã để lại một dấu ấn lâu dài trong nền chính trị nước này về nỗi e dè cộng sản.

Tư tưởng chống cộng ăn sâu vào chính trị

Trong nhiệm kỳ 12 năm của vị tổng thống đầu tiên Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn) từ 1948 đến 1960, chính quyền Hàn Quốc đã sử dụng chiến lược kép để đối phó với tình trạng xung đột ý thức hệ xã hội: nó chủ động tài trợ cho các nhóm bảo thủ, chống cộng, và cánh hữu, trong khi mạnh tay đàn áp các nhóm nào mà Rhee cho là cấp tiến, thân cộng, và cánh tả.

Tổng thống Hàn Quốc Rhee Syngman (phải) cùng tướng Douglas MacArthur – người chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: History.com

Chính Rhee đã từng tuyên bố rằng “Chủ nghĩa cộng sản giống như dịch tả vậy; không thể thỏa hiệp hoặc hợp tác với nó; chỉ có hai lựa chọn duy nhất: hoặc là đầu hàng trước sự kiểm soát của nền độc tài cộng sản, hoặc chống lại nó.” [2]

Ngay từ đầu, Rhee đã sử dụng các nhóm ủng hộ chính quyền như một phương pháp hiệu quả để củng cố và duy trì chế độ độc tài của mình. Chẳng hạn, các nhóm này đã huy động quần chúng bầu cho Rhee trong dịp tái tranh cử năm 1951, lên chiến dịch bôi nhọ những nhà lập pháp nào chống đối Rhee sửa đổi hiến pháp, hoặc gây áp lực để Quốc hội thông qua đề xuất bầu cử trực tiếp nhằm giúp Rhee cai trị lâu dài.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 lại càng khiến các nhóm phản đối chính quyền bị đẩy vào tình thế cô lập. Các nhà bất đồng chính kiến bị coi là “cộng sản”. Các chính trị gia phe đối lập bị chính quyền Rhee bắt giữ với tội “thân cộng” nhân lúc ban hành thiết quân luật thời chiến ở Busan. Bởi cuộc chiến mang màu sắc ý thức hệ ấy mà vị thế chống cộng của Rhee dâng cao hơn bao giờ hết.

Thậm chí, trong cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ ba được tổ chức sau chiến tranh, hầu hết các ứng cử viên đều tập trung khẳng định quan điểm chống chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ nền dân chủ tự do.

Từ đó, khuynh hướng chống cộng dường như trở thành một hệ tư tưởng quốc gia, và việc đàn áp các nhóm cấp tiến phản kháng được coi là một biện pháp hợp lý của nhà cầm quyền trên danh nghĩa an ninh quốc gia và ổn định chính trị.

Hợp pháp hoá các nỗ lực chống cộng

Không chỉ ăn sâu vào trong ý thức hệ, quan điểm chống cộng còn được đưa vào trong luật pháp.

Vũ khí yêu thích của Rhee chính là Luật An ninh Quốc gia (National Security Law – Kukka poanbop), được Quốc hội thông qua năm 1948 sau cuộc nổi dậy ở Yosu và Sunchon mà chính quyền cáo buộc là do những người cộng sản giật dây.

Mục đích của đạo luật này là nhằm ngăn ngừa các hành động chống nhà nước đe dọa tới an ninh quốc gia. Nó định rõ “các nhóm chống đối nhà nước” (anti-state groups) là “các tổ chức hoặc các nhóm trong nước hoặc nước ngoài có ý định tiến hành hoặc tham gia cài gián điệp vào trong chính quyền hoặc gây rối loạn quốc gia”. [3]

Mặc dù chính quyền Rhee liên tục nhấn mạnh rằng mục tiêu của Luật An ninh Quốc gia là nhằm bảo vệ đất nước trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, nhưng rõ ràng nó đã bảo vệ chính quyền Rhee trước những thách thức từ các đối thủ chính trị và xã hội dân sự. Theo đó, những ai chống đối chế độ đều dễ dàng bị chính quyền Rhee đánh đồng thành chống đối nhà nước để khép tội và trừng phạt một cách hợp pháp.

Phong trào bùng nổ

Tuy nhiên, cho tới đầu những năm 1960, khi chiến tranh dần lùi xa, những lời hô hào chống cộng của chế độ Rhee không còn hiệu quả như trước nữa.

Việc chính quyền lạm dụng Luật An ninh Quốc gia khiến nhiều người Hàn Quốc nổi giận. Đặc biệt, tầng lớp trí thức ở Seoul bắt đầu mất kiên nhẫn với hệ thống chính trị hiện hành.

Rõ ràng, chính quyền Hàn Quốc buổi đầu là chế độ thân Mỹ nên nó luôn chịu áp lực rằng phải mô phỏng dáng dấp mô hình dân chủ tự do của Mỹ. Dù có bản chất độc tài đi chăng nữa, Rhee cũng buộc phải duy trì một chính quyền mang hình thức dân chủ tự do, với hệ thống chính trị đa đảng và nới lỏng truyền thông.

Song cũng theo giáo sư Sunhyuk Kim, đối với giới sinh viên (tập trung ở khu vực thành phố với số lượng khoảng 100.000 người), thì thực tế chính trị Hàn Quốc quá khác so với lý tưởng về một nền dân chủ. Những gì chính quyền Rhee gây ra trong suốt những năm 1950 – như là thường xuyên sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của Rhee, hoặc thông qua và lạm dụng Luật An ninh Quốc gia để đàn áp các đối thủ chính trị – đã quá xa vời so với những hình dung về nền chính trị tự do mà giới sinh viên được dạy ở trường, như chủ nghĩa hợp hiến, tinh thần khoan dung đối với đa dạng ý thức hệ, và nền chính trị cạnh tranh công bằng.

Không chỉ vậy, trong khi số lượng các trường đại học liên tục tăng lên (tăng gấp đôi từ 1948 tới 1960), thì nền kinh tế chưa kịp khôi phục sau chiến tranh đã không đáp ứng được nhu cầu việc làm của giới sinh viên ra trường, khiến họ càng thêm thất vọng.

Bất mãn trước chế độ độc tài không chỉ kém cỏi mà còn liên tục vi phạm các nguyên tắc dân chủ tự do, từ những năm 1960, giới sinh viên bắt đầu tự nhận mình là những người tiên phong của phong trào dân chủ. Họ tổ chức và dẫn dắt các nhóm phản kháng nhằm tìm cách gầy dựng nền dân chủ tự do đúng nghĩa ở Hàn Quốc.

Cuộc nổi dậy ngày 19 tháng 4 năm 1960 của giới sinh viên Hàn Quốc. Ảnh: tes.com

Chính những người sinh viên ấy đã khởi xướng phong trào chống chính quyền Rhee bằng cách tụ họp hơn 10.000 người xuống đường ở thành phố Masan nhằm kêu gọi một cuộc bầu cử công bằng vào tháng 3 năm 1960.

Súng đã nổ, hàng chục sinh viên bị giết chết, còn chính quyền Rhee gọi đây là “cuộc nổi dậy cánh tả” do phe cộng sản xúi giục. Bất chấp chính quyền chụp mũ và đàn áp dựa trên Luật An ninh Quốc gia, cuộc phản kháng đã lan rộng sang giới sinh viên và cả học sinh cấp ba ở khắp các thành phố lớn như Taejon, Chungju, Osan, và Pohang, với sự ủng hộ của cánh phóng viên, luật sư, và giới hàn lâm.

Phong trào lên tới đỉnh điểm vào ngày 19 tháng Tư cùng năm, khi khoảng 30.000 sinh viên và học sinh xuống đường biểu tình chống chính phủ. Trong cuộc đàn áp bạo động, thống kê cho thấy khoảng 130 sinh viên bị giết và hơn 1000 người khác bị thương. Dù tuyên bố thiết quân luật, song cuộc biểu tình đã lan đi quá rộng và bùng nổ khắp cả nước, không riêng gì ở khu vực thành thị. Thậm chí vài ngày sau, khoảng 300 giáo sư đại học đã biểu tình trước cửa tòa nhà Quốc hội đòi Rhee từ chức.

Các cuộc biểu tình của giới trí thức đã giành chiến thắng: lực lượng quân đội do Song Yo Chan chỉ huy đã từ chối bắn vào những người biểu tình. Đồng thời, Mỹ cũng gây áp lực buộc Rhee từ chức, kêu gọi tổ chức bầu cử lại theo nguyên tắc dân chủ tự do, và kêu gọi Hàn Quốc dân chủ hóa.

Rhee Syngman giờ đây không còn chỗ để dựa lưng: không có quân đội, cũng không có Mỹ đứng sau, cuối cùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức vào ngày 26/4/1960.
Dẫu Luật An ninh Quốc gia vẫn còn tồn tại (cho tới tận ngày nay – 2018), song tư tưởng chống cộng ngày càng phai nhạt trong nền chính trị Hàn Quốc bởi giới trí thức – những người dẫn dắt phong trào – đã được tiếp cận với tư tưởng dân chủ tự do của nền chính trị Tây phương. Không chỉ vượt qua cái mác “cộng sản” mà chính quyền luôn tìm cách gán ghép, những người trí thức ấy còn gầy dựng được một nền văn hóa chính trị cởi mở với đa dạng ý thức hệ.

------------------------

Tài liệu tham khảo:
·         Sunhyuk Kim; 2000; The Politics Of Democratization In Korea; University of Pittsburgh.
·         Charles K. Armstrong; 2006; Korean Society: Civil Society, Democracy and the State; Asia’s Transformations.
·         Bruce Cumings; 1981; The Origins of the Korean War; Vol 1: Liberation and the Emergence of Separate Regimes, 1945-1947; Princeton University Press.
·         Doh Chull Shin, Hyong-Kuen Thee; How Does Democratic Regime Change Affect Mass Political Ideology? A Case Study of South Korea in Comparative Perspective; International Political Science Review 26:4; 2005; pp. 381-396.
·         Yooil Bae, Sunhyuk Kim; Civil Society and Local Activism in South Korea’s Local Democratization; Democratization 20:2; 2013.
·         Diane B. Kraft; South Korea’s National Security Law: A Tool of Oppression in an Insecure World; Wisconsin International Law Journal 24:2; 2006.
·         Xem Luật An ninh Quốc gia Hàn Quốc tại http://www.hartford-hwp.com/archives/55a/205.html

Trích dẫn:
1.    Andrew C. Nahm, James E. Hoare; 2004; Historical Dictionary of the Republic of Korea; Scarecrow Press; trang 344.
2.    Choong Nam Kim; 2007; The Korean Presidents: Leadership for Nationbuilding; EastBridge; trang 33.
3.    Diane B. Kraft; 2006; South Korea’s National Security Law: A Tool of Oppression in an Insecure World; Wisconsin International Law Journal 24:2; trang 628.







No comments:

Post a Comment