Thursday, January 18, 2018

VIỆT NAM : LẠI MỘT ĐỢT ĐÀN ÁP CÁC BLOGGER & NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN (Human Rights Watch)




Hoa Kỳ rút khỏi TPP khiến số người bị bắt giữ tăng đột ngột


Human Rights Watch
 - (New York, ngày 18 tháng Giêng năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề cập trong bản Phúc trình Toàn Cầu 2018 của mình, Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017. Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền.

Trong bản Phúc trình Toàn cầu dài 643 trang, xuất bản thường niên lần thứ 28, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá tình hình thực thi nhân quyền ở hơn 90 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth viết rằng thái độ của nhiều nhà lãnh đạo chính trị sẵn lòng đứng ra bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền cho thấy việc hạn chế các âm mưu độc tài mang hình thức dân túy là hoàn toàn khả thi. Khi kết hợp với khối quần chúng đã thức tỉnh và các nhân tố hoạt động đa phương hữu hiệu, các nhà lãnh đạo đó đã thể hiện một thực tế là có thể kiềm chế được sự trỗi dậy của các chính phủ chống nhân quyền.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa ước thương mại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam ra tay khởi động lại chiến dịch đàn áp nhằm vào những người hoạt động nhân quyền, bắt giữ hàng chục blogger và nhà hoạt động, và kết án nhiều người với mức án tù nặng nề. Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo tiếp tục bị đè nén nghiêm trọng ở Việt Nam, với một nhà nước độc đảng. Côn đồ được nhà nước bảo trợ thường tấn công những người bất đồng chính kiến, trong khi tình trạng công an bạo hành, trong đó có cả những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ, vẫn còn là một vấn nạn nghiêm trọng.

“Trong thời kỳ đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu bắt giữ các nhà hoạt động thì sẽ gây hình ảnh tồi tệ,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nhưng họ đã lột bỏ tấm mặt nạ này sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu xét xử và áp các mức án tù nặng nề đối với những người dân lên tiếng kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ cai trị độc đảng một cách ôn hòa.”

Năm 2017, có ít nhất 24 người bị kết án vì viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền. Trong số những người bị kết án nói trên có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh(bút danh Mẹ Nấm), bị kết án mười năm tù; Trần Thị Nga, chín năm tù; Phan Kim Khánh, sáu năm tù; và Nguyễn Văn Hóa, bị kết án bảy năm tù.

Trong 14 tháng qua, công an đã bắt ít nhất 28 người với các tội danh về “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng lỏng lẻo, được sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán và hoạt động ôn hòa, trong đó có các cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc TruyểnTrương Minh ĐứcNguyễn Văn TúcNguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội. Blogger Phạm Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng Mười hai năm 2015 mà chưa đưa ra xét xử. Ban đầu, họ bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Tháng Bảy năm 2017, cáo trạng lại đổi sang tội lật đổ.

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì một nhà nước độc đảng, hạn chế nặng nề các quyền tự do cơ bản và trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Hiện nay, có ít nhất 119 người đang phải thi hành các mức án tù nặng nề vì thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình.

Chính quyền Việt Nam cấm tất cả các đảng chính trị, công đoàn lao động hay các tổ chức nhân quyền độc lập. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền. Công an sử dụng nhiều biện pháp để đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài các tổ chức tôn giáo chính thức, có đăng ký với chính quyền và do chính quyền kiểm soát, như theo dõi thường xuyên, đe dọa, sách nhiễu, ép buộc từ bỏ tín ngưỡng, đưa ra kiểm điểm ở chỗ đông người và đôi khi dùng vũ lực quá mức.

Các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền liên tục phải đối mặt với nguy cơ bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, thẩm vấn đe nẹt cũng như gây sức ép với người sử dụng lao động, cơ quan chủ quản, chủ nhà và gia đình. Công an thường quản chế tại gia trái pháp luật hoặc câu lưu tạm thời để cản trở họ không tham gia được các cuộc biểu tình bảo vệ môi trườnghội luận nhân quyềngặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài hay dự các phiên tòa xử các bạn hoạt động của họ. Chính quyền cũng ngăn cấm các blogger và nhà hoạt động đi ra nước ngoài, đôi khi đưa ra các lý do về an ninh quốc gia rất mơ hồ. Tháng Sáu, chính quyền tước quốc tịch Việt Nam của cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng và trục xuất ông sang Pháp.

Nạn hành hung cơ thể các blogger và các nhà vận động nhân quyền xảy ra thường xuyên. Nhiều nạn nhân cho biết họ bị những người lạ mặt mặc thường phục đánh đập ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp. Các nhà vận động nhân quyền Việt Nam cũng thường bị công an thẩm vấn với tính chất đe nẹt trong thời gian kéo dài, hay bị tạm giam dài ngày mà không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay gia đình thăm gặp.

“Các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam thường xuyên phải chịu rủi ro bị mất tự do cá nhân, sự an toàn của bản thân và thậm chí cả mạng sống để thúc đẩy nhân quyền và các quyền chính trị, dân sự cơ bản,” ông Adams nói. “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần cương quyết đưa yêu cầu cải thiện nhân quyền trở thành một phần hữu cơ của mọi giao dịch và dự án tài trợ đối với Việt Nam.”

Muốn đọc chương riêng về Việt Nam trong Phúc trình Toàn cầu 2018 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, vui lòng truy cập:

Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:

Muốn đọc thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:

Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động), hay email: robertp@hrw.org. Twitter @Reaproy









No comments:

Post a Comment