Monday, January 29, 2018

VIỆT NAM, BÓNG ĐÁ & THẾ HỆ TRÀ SỮA (Đinh Yên Thảo - Danlambao)




Trận banh giữa đội tuyển thanh niên U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan vừa kết thúc hồi cuối tuần qua. Dù không làm nên "kỳ tích " và "lịch sử" - theo như từ ngữ thậm xưng trong nước, khi chức vô địch đã lọt vào tay một quốc gia Trung Á. Nhưng theo dõi tin tức, người ta thấy được U23 Việt Nam đã kích động được cả nước Việt Nam trong vài tuần qua ra sao. Đặc biệt với giới trẻ - một "thế hệ trà sữa" mới. Họ là ai và tại sao "niềm tự hào dân tộc" của họ lại đơn giản với dăm trận banh như vậy? Cuối năm con Gà và nhân giải banh Châu Á, chúng ta cùng nhìn về một giới trẻ tại Việt Nam hiện nay ra sao.

Túc cầu, hay bóng đá như cách thông thường nhiều người vẫn gọi hiện nay từng du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ cuối thế kỷ 19 theo bước chân của những người Châu Âu. Theo các nhà sử học trong nước thì báo Lục Tỉnh Tân Văn đã từng tường trình một trận đấu của người Việt vào năm 1908, cả hơn trăm năm trước. Kể từ đó, bóng đá vẫn luôn là môn thể thao được yêu chuộng nhất tại Việt Nam, bất kể thời nào. Nhưng hơn mười năm qua, trong khi bóng đá Việt Nam rộn ràng các thương vụ, đem lại hào quang và sự giàu có cho một số cầu thủ "ngôi sao", Việt Nam vẫn còn ở đâu đó rất thấp trên đấu trường quốc tế ngay trong chính môn thể thao "vua" của mình. Không kể những thành tích đạt được của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, kết quả cao nhất của tuyển Việt Nam hiện nay là bất ngờ vô địch cúp Suzuki - giải Khu Vực Đông Năm Á AFF 2008 cách đây 10 năm. Chỉ một lần.

Hiện nay Việt Nam xếp hạng 16 tại Châu Á theo xếp hạng Liên Đoàn Túc Cầu Châu Á AFC và hạng 112 trong bảng xếp hạng của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA. Xem thứ hạng, con đường bóng đá Việt Nam đạt đến ngôi vị cao tại Châu Á xem ra còn rất dài chứ chưa nói đến World Cup.

Có lẽ chính những thành tích còn khiêm tốn nói trên mà thành tích của một thế hệ bóng đá trẻ của Việt Nam như tại giải U23 Châu Á vừa qua đã làm người dân Việt Nam nức lòng, dù nó chẳng mang tầm mức của một đội tuyển quốc gia. Ít nhiều có những may mắn khi vượt qua các đối thủ mạnh qua các trận thắng nhờ các cú sút phạt luân lưu, rồi cuối cùng thúc thủ trước một Uzbekistan thiện nghệ và đầy xứng đáng để giành chức vô địch trong một trận chung kết mà ghế trống cũng không kém lượng tuyết phủ trắng sân Thường Châu, Trung Quốc cuối tuần qua, U23 Việt Nam với những thanh niên trên dưới 20 vừa chứng tỏ một thế hệ bóng đá mới có tài năng và thể lực sung mãn của Việt Nam, thi đấu trọn vẹn không chỉ suốt 90 phút của trận đấu mà cả thêm 30 phút hiệp phụ trong liên tiếp vài trận đấu. Bởi thể lực vẫn là điểm yếu nhất trong làng banh Việt Nam. Công bằng mà nói, đó là những nỗ lực đáng khích lệ và một tín hiệu lạc quan cho nền túc cầu Việt Nam. Và có lý do cho người mộ điệu Việt Nam vui mừng. Nhưng cách họ diễn bày một cách phấn khích đến cuồng loạn, như rằng Việt Nam vừa đạt chức vô địch World Cup, không chỉ với giới trẻ mà cả truyền thông, doanh nghiệp cho đến nhà cầm quyền, đã làm không ít người ngạc nhiên và có dăm suy nghĩ. Rồi tự hỏi, liệu giới trẻ Việt Nam "hồn nhiên" đến vậy? Hay thật sự có điều gì đó đàng sau một chiến dịch tuyên truyền rềnh rang, tinh vi về thành tích của U23 Việt Nam? 

Trong một thước phim phỏng vấn du khách nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam khi người dân hò reo, gõ chiên trống cầm cờ xuống đường đăng trên trang mạng VNExpress, cô Louise Holloway đến từ Anh bảo "... Không thể tin được, trước giờ tôi chưa bao giờ thấy quang cảnh như thế này, ngay cả khi đội tuyển Anh giành vô địch World Cup". Mà chẳng cần đến cô Louise, dân Mỹ mê bóng bầu dục đến cỡ nào, đội banh mình có vô địch Super Bowl cũng chẳng thể nào bằng không khí tại Việt Nam trong vài tuần qua. Báo chí trong nước không tiếc lời dùng những từ ngữ "kêu" nhất. Nào là "thiêng liêng và hào hùng", "kỳ diệu", "tầm cao"..., thậm chí là "chấn động Châu Á", "đặt cả Châu Á dưới chân" hay "thế nước mạnh, vận nước lên"... Trang báo điện tử Nhân Dân của Đảng cuối tuần qua đăng đầy các hình ảnh U23 với những cái tựa như "Việt Nam ơi, ta tự hào đi lên" và rồi, " Cứ vui đi, đừng ngại ngần". Vì theo Nhân Dân, đã có "niềm tự hào dân tộc là cái ngưỡng canh giữ". Vậy thì cứ vui đi, xuống đường hò reo đi, "chạy bão" đi. Ngại ngần gì nữa? 

Cú selfie "tự sướng" mang kích cỡ quốc gia quả đã thành công. Khi giới trẻ Việt Nam đã làm hơn cả vậy. Thậm chí có cả những cô gái, thanh niên cởi bỏ áo quần một cách phấn khích và tự nhiên trên đường phố để ăn mừng chiến thắng. Và một phó thủ tướng cũng cùng xuống đường "chạy bão"- tức tụ tập, đua xe, chạy rông và hò reo trên đường phố. Họ mang cờ, vẽ mặt, gõ phèng la chiêng trống. Họ khóc cười, dán mắt vào từng đường banh. Niềm vui bóng đá đã và sẽ giúp giới trẻ và người dân thôi cật vấn những vấn đề bức bối của xã hội. Họ sẽ quên bẵng chuyện môi trường, biển đảo, giá xăng hay trạm thu tiền xa lộ. Họ sẽ chẳng để tâm về phiên tòa chính trị vừa đưa ra xét xử hàng chục quan chức cấp cao là một sự "chống tham nhũng" hay là một cuộc thanh trừng quyền lực trong nội bộ đảng, nếu tình cờ đọc được đâu đó trên mạng bảo vậy. Họ sẽ trở thành một "chiến binh" không lương trong Binh Đoàn 47, mang "niềm tự hào dân tộc" để chống lại những "xúc phạm" đến Việt Nam, một khi có ai đó nhìn nhận về thực trạng của Việt Nam hiện nay khác với những gì họ được dạy, được nghe. Không ít người chê trách họ, dù lỗi của họ chỉ là phần nhỏ. Bởi thật ra họ, "thế hệ trà sữa" này chỉ là một sản phẩm tất nhiên được sinh ra từ một thể chế luôn tìm cách tung hứng suy nghĩ của người dân.

Vài năm qua, trà sữa trân châu trở thành một cơn sốt của giới trẻ thành thị Việt Nam. Những quán hay phố trà sữa mọc ra nhan nhản khắp mọi nơi. Báo chí trong nước cho biết những địa điểm "đắt địa", tiền thuê mướn chỗ lên đến vài chục ngàn đô la. Những thanh thiếu niên dưới 24 tuổi tại Việt Nam và thuộc về thế hệ Z (Z Generation) theo như cách gọi của phương Tây, được gọi là "thế hệ trà sữa" bởi đơn giản là họ... mê trà sữa. Không phải cà phê "kho" của thế hệ cha ông nghèo khổ thời hậu chiến. Không phải cà phê phin của lớp đàn anh, cho dù nó cũng đã được nâng lên thành "đẳng cấp" với các quán cà phê sang trọng, có barista pha chế cà phê thiện nghệ. Chúng lạc hậu và già nua. Không trẻ trung, bắt mắt và thơm ngon như trà sữa trân châu - thứ nước uống xuất phát từ Đài Loan rồi bành trướng khắp Châu Á, sang Mỹ và cả thế giới, nơi nào có đông đúc cộng đồng Á Châu sinh sống. Nhưng về tới Việt Nam thì trở thành hiện tượng, phong trào. "Alô! Trà sữa không?", giới trẻ nhắn tin hay hẹn điện thoại như vậy. Từ "mốt" đâm ra ghiền, họ hẹn hò, tụ tập ở các quán trà sữa theo túi tiền và "đẳng cấp" của mình. Vâng! "đẳng cấp". Thế hệ mới này không còn khái niệm "ăn no mặc ấm" và đã đi qua việc "ăn ngon mặc đẹp", để sống chuyện "đẳng cấp" với "sành điệu" đang được quảng bá và khai thác tối đa. Về tận thôn quê. Ai, giới nào và tiền ở đâu là một vấn đề và câu chuyện dài khác. Nhưng ở đây, đó là một trong những đặc tính của "thế hệ trà sữa" thành thị mang đầy tâm lý hưởng thụ. Bởi họ được sinh ra trong thế giới của thời đại màn hình LED, 3 "gờ" (3G) , iPhone, Facebook... Họ ngưỡng mộ "đại gia", "thiếu gia". Họ tôn sùng giới showbiz, "chân dài". Và mê... trà sữa. Tất nhiên cả bóng đá. Còn những thanh niên không thuộc nhóm này đang đi con đường lẻ loi, đơn độc. Thậm chí một số em còn bị trấn áp, tù đầy.

Không cần biết "trà" này được pha chế ra sao, có xài phẩm màu hóa chất hay hạt trân châu chế biến từ bên Tàu có độc hại hay không. Không cần biết liệu nó có ảnh hưởng sức khoẻ hay có đầu độc lâu dài cả một thế hệ, tựa như việc người ta đang bơm đủ loại hoá chất vào thực phẩm, rau cỏ, trái cây như bấy lâu nay. Thôi tạm trấn an nhau rằng, trà sữa vẫn luôn "bổ dưỡng" và là niềm vui mang tính thời trang của giới trẻ, chẳng đầu độc gì đến thể chất lớp trẻ tương lai của Việt Nam. Nhưng rồi cũng khó lòng để lạc quan về một thế hệ trẻ của Việt Nam khi họ tin rằng, với dăm trận banh là chúng ta đã đi vào "hồn thiêng sông núi" và đưa Việt Nam lên "ngang tầm thế giới". 

30/1/2018


*

Hàng Không Vietjet “chiêu đãi” đám trẻ tuổi dưới 23 và ông thầy già ngoài 60, trên máy bay:  https://www.facebook.com/danlambaovn/videos/1715435468511764/








No comments:

Post a Comment