24/01/2018
Tối
qua, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, một nhóm người hâm mộ bóng đá đứng tụm vào nhau
chơi một khúc nhạc. Bản nhạc chưa dứt, một ai đó cầm loa hát “Như có Bác Hồ
trong ngày vui đại thắng…” Ngay lập tức, nhiều nữ cổ động viên từ một công ty
chạy ùa tới, cùng hát ca khúc đó.
Sẽ
không nhiều người giải thích được vì sao hễ cứ ở trong những dịp như vậy, đám
đông lại hát “Như có Bác Hồ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, hay “Trường
Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, dù nhiều người không sống ở thời đại gắn bó với các
ca khúc ấy. Với những người sinh sau năm 2000, những khái niệm như “xe tăng”, “kháng
chiến đã thành công”, “đường ra trận”, “gánh gạo”… đã trở nên hầu như xa lạ.
Dù
như thế, các ca khúc đó vẫn vang lên, bất kể tuổi tác, thế hệ, và thậm chí tình
cảm của người hát cũng là thật. Nó gợi nhắc về sự gắn bó của chủ nghĩa dân tộc
với thể thao, dù tồn tại dưới hình thức nào, vẫn là một loại keo gắn kết cộng đồng
người lại với nhau từ trong tiềm thức. Màu cờ, sắc áo, cách gọi tên, ca khúc, sự
thể hiện cuồng nhiệt… trở thành mật ngữ ẩn sau đời sống hàng ngày. Nó chỉ chờ
vào khoảnh khắc cuối trận đấu như đêm qua, giữa trung tâm Quận 1 – để biến
thành một hành động nhất quán của nhóm người, gắn kết họ và cấu thành khái niệm
“dân tộc” bên trong từng cá thể.
Thể
thao – chất keo gắn kết quốc gia
Nhà
khoa học chính trị Benedict Anderson cho rằng, cộng đồng quốc gia phải được chủ
động kiến tạo thông qua sự tưởng tượng, và do đó quốc gia còn được gọi là một “cộng đồng tưởng tượng”.
Những thành viên trong cộng đồng đó cần phải nhận ra sự kết nối đặc biệt và duy
nhất giữa họ với nhau.
Nhưng
tưởng tượng hay thấu hiểu không thì không đủ. Để một cộng đồng trở thành một quốc
gia, họ cần phải tương tác với nhau thường xuyên. Những tương tác đó thường là
ngôn ngữ, chế độ tôn giáo, giáo dục, văn hóa… Trong đó, thể thao là một trong
trong những tương tác quan trọng để chủ nghĩa dân tộc được thể hiện và có cơ hội
lan rộng trong cộng đồng.
Nghiên
cứu “Chủ nghĩa dân tộc và thể thao” của Đại học Exeter, Anh quốc,
miêu tả vai trò này: “Về mặt xã hội, thể thao là quan trọng với chủ nghĩa dân tộc
vì nó tạo thành một nghi thức tương tác mà nhờ đó cộng đồng quốc gia trong tưởng
tượng có thể trỗi dậy. Dĩ nhiên, thể thao không phải là nghi thức duy nhất hay
quan trọng nhất khẳng định sự tồn tại của những kết nối bất tận tạo thành một
quốc gia, nhưng nó là một trong những nghi thức nổi bật nhất của xã hội hiện đại.”
Những
hình ảnh trong thể thao mà người hâm mộ có thể bắt gặp như đeo cờ đỏ sao vàng
khi “đi bão”, cầm ảnh ông Hồ Chí Minh khi chiến thắng tại Việt Nam, hoặc hình ảnh
những cầu thủ đội Anh giương cao lá cờ quốc gia, hát quốc ca khản cổ trên sân vận
động, hay các tuyển thủ Trung Quốc mặc sườn xám, rơi lệ gục xuống lá cờ Trung
Quốc… đều là những biểu hiện sẽ truyền đi thông điệp thổi bùng lên ý niệm về chủ
nghĩa dân tộc trong đầu từng người trong cộng đồng. Bạn có thể nhớ lại khi
Olympic London 2012 diễn ra, đoàn thể thao Trung Quốc đã nỗ lực thể hiện hình ảnh
quốc gia của mình song song với những thành tích đạt được ra sao.
“Các
phóng viên sẽ đếm huy chương và coi đó là thể hiện sự chuyển giao quyền lực (nếu
Hoa Kỳ thua về số huy chương), dự đoán về sức mạnh không thể sánh được (nếu
Trung Quốc vượt qua những chiến thắng cuối cùng). Chủ nghĩa dân tộc rất mãnh liệt
ở Trung Quốc, và tôi tin rằng nếu Trung Quốc có đọ sức với Hoa Kỳ ở bất kỳ cuộc
chơi nào, người ta sẽ cực kỳ chú ý đến từng chiến thắng như một chỉ dấu của sự
trỗi dậy của Trung Hoa.” – nhà nghiên cứu Victor Cha từ Đại học Georgetown từng nhận định
về trường hợp của Trung Quốc.
Ông
Victor Cha cũng nói: “Điều hài hước là dù các quan chức Trung Quốc luôn nói thể
thao không phải chính trị, thì điều không thể chối cãi là bộ máy thể thao do
nhà nước điều hành của họ được thiết kế để thể hiện sự ưu việt của vận động
viên nước họ, và từ đó thể hiện sức mạnh của mô hình ‘nhà nước-xã hội’ của họ,
khi so sánh với phương Tây”.
Một toà nhà ở TP. Hồ
Chí Minh chuyển sang màu cờ sau trận U23 Việt Nam thắng U23 Qatar ngày
23/1/2017. Ảnh: Khải Đơn.
Sự
đồng nhất giữa quốc gia và đội tuyển quốc gia
Mỗi
lần đội tuyển Việt Nam thắng trận, các báo sẽ giật tít: “Đêm không ngủ với khát
vọng Việt Nam”, “Cơn địa chấn mang tên Việt Nam”, “Báo Trung Quốc: Tiền không
mua được thành công như Việt Nam”, v.v.
Ở
đây, ta thấy hình ảnh đội bóng được đồng nhất với hình ảnh quốc gia, được các
trang thông tin hào phóng sử dụng để nâng cấp lòng tự hào thể thao thành lòng tự
hào dân tộc.
Chiến
thắng không dừng ở bóng đá nữa mà là chiến thắng của dân tộc. Cú sút không phải
là một đường bóng nữa là là “cuộc tấn công”. Chiến thắng không còn là trạng
thái nữa, mà phải là “địa chấn”. Những cuộc “đi bão” cũng được “nới tay” cho
người dân thể hiện tình cảm nồng nhiệt, thả cửa chạy xe không kiểm soát tốc độ,
không cần đội nón bảo hiểm, tụ tập đám đông không bị ai cản. Và ở đâu đó, các yếu
tố khác như quốc kỳ, quốc ca, ca khúc kháng chiến… được tận dụng để nâng cao cảm
giác tự hào này.
Rõ
ràng là hiếm khi nào có dịp để hàng ngàn người cùng tập trung vào chủ đề là quốc
gia, dân tộc trong 90 phút liên tiếp, để rồi sau đó, họ có thể hát quốc ca đến
khản cổ trên sân vận động, cầm cờ tổ quốc chạy khắp thành phố, trèo lên nóc xe
công nông vẫy cờ, đứng lên xe máy tung cờ cũng không ai than phiền. Cho dù trận
đấu có là thắng hay thua, sự chia sẻ, đồng cảm, cùng suy nghĩ và giải thích một
sự kiện mà màu cờ sắc áo là tín hiệu duy nhất, thì nó cũng góp phần định danh cộng
đồng người đó – ở đây là lòng tự hào dân tộc, quốc gia.
Lá
cờ là hình ảnh biểu tượng điển hình trong cách thể hiện lòng tự hào dân tộc với
thể thao. Nhà xã hội học Michael Billig, khi quan sát cách người Anh giương cờ ở
khắp nơi trước một trận chung kết thể thao nào đó, giải thích: “Lá
cờ tung bay tuyệt đẹp. Chúng ta không chỉ tự ca ngợi mình một cách phô trương,
đầy thể hiện, giương cao rồi hạ thấp lá cờ biểu tượng. Sự ăn mừng thể hiện: sự
kiện này là đáng nhớ, như thể đáng nhớ là một tính chất khách quan. Ký ức tập
thể điển hình – ‘ký ức của chúng ta’ đã bị hòa vào một ký ức phổ quát chung. Mọi
người, hay tất cả những người có nhận thức, đều sẽ nhớ sự bất khả chiến bại của
nước Anh.”
“Sự
tương đồng giữa thể thao và chiến tranh khá rõ ràng, nhưng rất khó để xác định
chính xác tính chất của kết nối này. Ban đầu, có vẻ như thể thao là sự tái hiện
nhẹ nhàng của chiến tranh. Quá dễ dàng để nhìn các đội thể thao quốc tế như một
biểu trưng của thời chiến. Ở những quốc gia từng thực sự có chiến tranh, giờ
đây họ để nguồn năng lượng hung hãn của mình thăng hoa thành những cuộc đấu đầy
uy lực trên sân thể thao,” Michael Billig nhận định.
Nó
khá giống với cách Trung Quốc làm ở Olympics 2012 khi các vận động viên thể hiện
hình ảnh tự hào, mặc trang phục truyền thống khi chiến thắng, hoặc cách người
Anh, người Scotland, người Ireland hát quốc ca, mang theo trang phục biểu tượng,
nhạc cụ dân tộc và sử dụng các cách biểu đạt tiếng lóng riêng trên truyền thông
trong các giải thể thao lớn mà họ tham dự. Và nếu như đội nhà giành chiến thắng,
cảm xúc gắn bó, tích cực đồng nhất với hình ảnh chung của dân tộc cũng được
nhân lên nhiều lần, mà không cần dụng công nhiều lắm từ chính trị gia hay nhà
nước.
Bóng đá – một sự tái
hiện nhẹ nhàng của chiến tranh? Ảnh: geopolichinelle.com
Lòng
tự hào dân tộc có liên quan tới sự giàu có hay học vị?
Để
“đo” xem lòng tự hào dân tộc có tương tác ra sao với một quốc gia, ta hãy xem
xét một nghiên cứu của Ørnulf Seippel, giáo sư Trường Thể thao học Nauy, mang
tên “Sports and Nationalism in a Globalized World” (Thể thao và
chủ nghĩa dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa) đăng trên Tạp chí Quốc tế về
Xã Hội Học năm 2017.
Nghiên
cứu này dựa trên dữ liệu thu thập được trong thời kỳ 2006 – 2008 ở 25 quốc gia,
từ nước nghèo tới nước giàu, từ phương Đông tới phương Tây để hiểu vai trò của
thể thao trên bảng “nhiệt kế” chủ nghĩa dân tộc ở nhiều quốc gia.
Câu
hỏi được đặt ra cho người tham gia khảo sát là: “Bạn tự hào ra sao khi [quốc
gia bạn] có thành tích tốt tại giải thể thao quốc tế hoặc các cuộc tranh tài thể
thao?”
Câu
trả lời được chia thành: “rất tự hào, “khá tự hào”, “không tự hào gì lắm”,
“không tự hào gì cả”, và “không thể chọn được”.
Kết
quả thu được cho thấy lòng tự hào dân tộc trong thể thao là một hiện tượng phổ
biến, và rất nhiều người cảm thấy tự hào khi các vận động viên nước họ chiến thắng.
Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ tự hào khác nhau khá xa giữa các quốc gia, đi
kèm với một số yếu tố khác trong đời sống xã hội.
Trình
độ giáo dục và văn hóa có tỷ lệ nghịch với chủ nghĩa dân tộc trong thể thao. Những
quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản, lòng tự hào dân tộc do thể thao tạo ra thường
không cao, và sự tự hào này còn giảm xuống ở nhóm người người có học vị cao
hơn. Tuy nhiên, với những quốc gia như Philippines, tỷ lệ tự hào dân tộc lại rất
cao vì học vị thấp hơn.
Tương
tự như giáo dục, mức thu nhập nhìn chung tỷ lệ nghịch với lòng tự hào dân tộc
trong thể thao. Những nước có thu nhập cao hơn ít có xu hướng tự hào dân tộc
hơn so với những nước có thu nhập thấp hơn. Trong cùng một quốc gia, những người
có thu nhập cao hơn cũng thường ít có xu hướng tự hào dân tộc hơn những người
có thu nhập thấp hơn.
Tuy
nhiên, tác động của thu nhập tới niềm tự hào thể thao ở những nước giàu hơn thì
thấp hơn ở những nước nghèo hơn. Hiểu nôm na là, lòng tự hào thể thao giữa một
người giàu và một người nghèo ở một nước giàu (như Nauy, Pháp) thường không
khác nhau là bao, nhưng ở các nước nghèo hơn (như Philippines) thì sự khác biệt
này là lớn hơn.
Khảo
sát cuối cùng rút ra kết luận cho thấy những quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) càng thấp, mức độ dân chủ và toàn cầu hóa về văn hóa càng thấp thì lòng tự
hào dân tộc dựa trên thể thao càng cao.
Qua
tổng thể nghiên cứu, quốc gia/khu vực có lòng tự hào dân tộc trong thể thao thấp
hơn là các quốc gia Tây Âu (trong nghiên cứu gồm có Thụy Sĩ, Phần Lan, Na Uy,
Flanders và Pháp), trong khi những quốc gia Đông Âu (Ba Lan, Croatia, Nga,
Latvia, và Slovenia) có lòng tự hào dân tộc gắn với thể thao cao hơn. Nhóm quốc
gia nghèo nhất trong khảo sát gồm có Cộng hòa Dominica, Nam Phi và Philippines
là những quốc gia tự hào hàng đầu về thể thao. Ở Châu Á, Hàn Quốc là một quốc
gia khá sùng bái tinh thần dân tộc trong thể thao, trong khi ở Nhật Bản và
Israel, tinh thần này chỉ ở mức dưới trung bình.
Khoảng cách chênh lệch
giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng lớn. Ảnh: Viet Times.
Chính
trị gia sử dụng lòng tự hào dân tộc để làm gì?
Thể
thao là một nghi thức hiệu quả để quảng cáo hình ảnh tích cực đến người dân. Nếu
một quốc gia tuy nghèo, gặp nhiều vấn đề, nhưng đội nhà thi đấu thể thao trên
trường quốc tế tốt, những bình luận tích cực, lời khen tặng sẽ khiến hình ảnh của
chính phủ đó tốt đẹp hơn trong mắt người dân. Và người dân có vẻ dễ dàng tha thứ
cho những điểm xấu mà họ cau mày phê phán trước đó.
Thái
Lan là một điển hình của việc chính trị gia sử dụng thể thao để “mua” được cảm
xúc tốt đẹp của công chúng dành cho họ.
“Bố
già” của nền chính trị Thái, một tỷ phú tên là Newin Chidchob, sau khi bị cấm
tham gia vào chính trường Thái vào năm 2008, đã mua lại một câu lạc bộ bóng đá nhỏ ở Bangkok và chuyển
nó về thành phố Buriram, ở miền Đông Bắc Thái Lan.
Bảy
năm sau, Buriram United trở thành một trong những đội bóng hàng đầu Thái Lan. Từ
một chính trị gia thất sủng sau thời cùng cánh với gia đình Thaksin, Newin trở
lại là một trong những tên tuổi được người dân Thái ở tỉnh nghèo miền Đông Bắc
này yêu thích khi đội bóng Buriram giành được rất nhiều chiến thắng và được cả
nước Thái chú ý. Dân địa phương ở Buriram nói rằng tỉnh của họ được biết tới và
nổi danh như vậy là nhờ Newin. Ông đã đẩy được lòng tự hào địa phương lên đỉnh
cao bằng bóng đá.
Người
ta đã quên mất những vết nhơ chính trị của Newin gần chục năm trước, như bỏ tiền
mua phiếu bầu, bị cấm tham gia vào chính trị, scandal về giá gạo ở nông thôn
Thái, v.v… mà chỉ còn nhớ tới một ông chủ đội bóng và tỷ phú có công với tỉnh
Buriram.
Một cách khác để “lấy lòng” và tung hô chủ nghĩa dân tộc dựa
vào thể thao có thể quan sát thấy ở Mỹ. Năm 1971, đội bóng bàn Mỹ bất
ngờ nhận được lời mời đến Trung Quốc và thi đấu với đội Trung Quốc. Khi ấy,
quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng một thời gian dài. Chuyến đi thăm Trung Quốc
có thể là động thái tích cực với cả hai nước. Hành động đó được gọi là “ngoại
giao bóng bàn” và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tận dụng tinh thần hợp tác
đó làm bàn đạp cho chuyến thăm của ông sau đó tới Trung Quốc.
Về
sau, Nixon nhận thấy rằng thể thao thực sự là một nguồn lực chính trị đáng giá.
Ông là tổng thống đầu tiên bắt đầu gọi điện cho các huấn luyện viên và cầu thủ
sau những chiến thắng quan trọng. Cách làm này cũng được Tổng thống Barack
Obama sử dụng nhiều ở các kênh thể thao và giải đấu có Hoa Kỳ tham dự sau này.
(7)
Có
như vậy, người ta mới thấy, dù trận đấu chỉ kéo dài 90 phút, cuộc đi bão chỉ ngắn
ngủi trong vài giờ, thể thao có thể kéo hàng ngàn người lại dưới một ngọn cờ
vui vẻ, tích cực, và dễ chịu. Trong vài giờ, người ta có thể quên đi và tha thứ
cho cơn bực bội của giá xăng tăng, trạm thu phí đắt đỏ hay những cơn giận dữ
thường nhật trước quan chức tham nhũng và hung hãn. Dù chỉ một thoáng chốc
thôi, thì niềm vui đó cũng ở lại rất lâu trong lòng dân chúng, như ông Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam mặc áo đỏ màu cờ xuống đường đi bão đêm qua.
Nó
có vẻ dễ làm và hiệu quả gấp nhiều lần so với việc sử dụng các binh đoàn dư luận
viên.
----
Tài
liệu tham khảo:
·
Imagined Communities
Reflections on the Origin and Spread of Nationalism – Benedict
Anderson.
·
Nationalism and Sport, trang 6, Đại học Exeter (Anh).
·
Sports and Nationalism in a Globalized World, International
Journal of Sociology.
·
Banal Nationalism,
Michael Billig – trang 119 – 123.
·
Politics and nationalism in sport, Sage Publishing.
No comments:
Post a Comment