Wednesday, January 17, 2018

SAU 40 NĂM NHÌN ;LẠI HẢI CHIẾN HOÀNG SA (Huỳnh Phan / Dương Danh Dy)



Phỏng vấn nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Huỳnh Phan thực hiện
17/01/2018

Trong con mắt dân chúng mấy chục năm nay, ông Nguyễn Cơ Thạch là một người CS có phẩm chất yêu nước. Tuy vậy, những quan điểm của ông thời ấy, không phải tất cả đến nay vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc. Khi ông Thạch hỏi ông Dy “Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?” hàm ý chiếm miền Nam là việc hệ trọng hơn mất biển đảo, thì chẳng cần đôi co làm gì nữa, hãy nhìn sang Hàn quốc và Triều Tiên rồi thử đặt lại câu hỏi: Nếu để cho Hàn quốc rơi vào tay cha con ông cháu họ Kim, vận mệnh dân tộc Hàn sẽ như thế nào. Trường hợp Việt Nam không còn là “nếu” mà đã là hiện thực của cái “nếu” ấy từ 42 năm trước, thưa ông Dương Danh Dy.

Bauxite Việt Nam

--------------------------------------

“Tôi có thể khẳng định rằng các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử…”

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng.

Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?

Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy – người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.

- Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối?
Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Dương Danh Dy : Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt – Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.
Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:
“Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?
Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn”.
Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.
Đến tháng 4.1975, khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã đồng thời giải phóng luôn những hòn đảo ở Trường Sa, tôi mới ngã ngửa người ra rằng Ban lãnh đạo Đảng ta quả thật là tài tình, và quá hiểu Trung Quốc.
Vì sao? Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa.
Tôi có đọc được một tài liệu của Trung Quốc nói rằng họ tiếc tại sao trong đầu năm 1979, khi tấn công Việt Nam, lại không chiếm luôn những hòn đảo mà Việt Nam chiếm giữ thuộc Trường Sa đi.


- Tức là theo ông, nếu chúng ta lên tiếng khi họ đánh quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974, họ sẽ cảnh giác hơn và có khi chiếm luôn Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa?

Dương Danh Dy : Tôi nghĩ vậy. Trong lúc chúng ta tập trung quân trên bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm các đảo.
Hơn nữa, có khi chuyện này còn ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước ấy chứ. Chắc anh còn nhớ vụ Pháp, thông qua Tùy viên Quân sự – Tướng Vanusseme, định can thiệp với Đại tướng Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối Tháng Tư năm 1975, về khả năng đưa quân Trung Quốc vào Việt Nam, chứ?


- Vâng.Nhưng tôi muốn hỏi thêm rằng lúc đó ý niệm về biển đảo của chúng ta có rõ ràng như hiện nay không, hay vẫn mơ hồ?
Dương Danh Dy : Ý thức rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam là bất di bất dịch. Ngay cả thời gian trước khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, trên bản đồ của họ đã vẽ rành rành cái đường lưỡi bò, và chúng tôi bên ngoại giao có phản ứng lại họ, hỏi tại sao trên bản đồ của Trung Quốc lại vẽ đường lưỡi bò. Họ mới giải thích, đấy là của bọn Quốc dân đảng vẽ thôi, chứ Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho chuyện đó là nghiêm túc, nhưng có điều họ dứt khoát không bỏ cái đường lưỡi bò đi.


- Đường lưỡi bò có trên bản đồ của họ từ lúc đó?

Dương Danh Dy : Từ năm 1947, thời Quốc dân đảng, đường lưỡi bò bắt đầu xuất hiện trên bản đồ chính thức của Trung Quốc. Khi chính quyền cộng sản lên nắm quyền vào 1950, đường lưỡi bò vẫn tiếp tục tồn tại trên bản đồ cho đến nay.


- Nhân chuyện Hoàng Sa, tôi muốn hỏi ông về mối nghi ngờ đây đó trong dân chúng rằng, khi đàm phán biên giới trên bộ, Việt Nam đã chịu mất đất. Với tư cách là người nghiên cứu kỹ Trung Quốc và quan hệ Việt – Trung, ông có thể trả lời được không?

Dương Danh Dy : Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử…
Ví dụ, có một thời gian để viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, mỗi đêm Trung Quốc có 500 chiếc ô tô để chở vũ khí, hàng hóa hay lương thực, nhu yếu phẩm cho Việt Nam, và những xe này phải về ngay trong đêm để không ảnh hưởng đến chuyện khác.
Muốn vậy, phải làm đường cho tốt, và chỗ biên giới giáp nhau nếu làm theo đúng biên giới Trung Quốc thì đường phải đi vòng, hoặc qua đèo lội suối, nhưng để làm việc đó chúng ta đã để cho Trung Quốc được thuận tiện làm đường cho ngắn nhất, đơn giản nhất. Đến lúc sau này khi đàm phán với Trung Quốc, họ bảo đường của họ đến đâu thì đất của họ ở đấy (!).
Hay, trong thời gian đó, từ năm 1966, Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa, một số người Trung Quốc trốn tránh đấu tranh áp bức của Hồng vệ binh truy đuổi, chạy sang Việt Nam, và chúng ta đã cho nương nhờ theo nghĩa “đồng chí”, cấp đất cho họ ở. Từ đó đến nay, làng xóm hình thành, mồ mả có, và khi đàm phán Trung Quốc nói dân của họ ở đâu thì đất Trung Quốc đến đấy (!!!)
Vấn đề biên giới Trung – Việt chỉ có chuyện từ khi Trung Quốc tiếp đón Nixon năm 1972, và Việt Nam phản ứng dữ dội lại, từ đó Trung Quốc mới dùng vấn đề biên giới tác động. Chứ trước năm 1972, biên giới Trung – Việt cơ bản là biên giới hữu nghị và hòa bình.

Cám ơn ông.
H.P.


 --------------------------------------------


Hơn 90 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước không ai có thể chối cải rằng sau hơn 72 năm độc quyền cai trị, đảng cộng sản Việt Nam đã tạo ra hai đại họa cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Đó là đại họa tham nhũng và đại họa mất nước.

1- Đại họa tham nhũng

Mới đây nhất, vào ngày 13/3/2017 tạp chí Forbes dựa trên phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục với tỉ lệ hối lộ là 65% chỉ sau Ấn Độ 69%.

Điều đó có nghĩa rằng 65% đảng viên đảng cộng sản có chức quyền từ cấp cao nhất là Tổng Bí Thư, ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Trung Ương đến cấp thấp nhất là các ban bí thư thôn, xóm, xã, phường, bất kể nằm trong hệ thống đảng hay trong hệ thống nhà nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam là những tên tham nhũng.

2- Đại họa mất nước

Do sự kết hợp tinh vi của kẻ xâm lược và quân bán nước, lại được bưng bô, bầy đàn ra sức bao che khỏa lấp, do đó đại đa số quần chúng nhân dân khó nhận ra âm mưu thâm độc và lâu dài nầy của bọn chúng. Cụ thể như tàu bè Tàu cộng xâm nhập vào lãnh hải nước ta đánh cá, bắt ngư dân Việt Nam thì chúng gọi là tàu lạ nước lạ, chống Tàu xâm lược biển đảo là làm sức mẻ tình hữu nghị Việt-Trung, biển bị Tàu đầu độc thi chúng gọi là hiện tượng thủy triều đỏ do tảo nở hoa sinh ra...

Sau đây là những chứng cứ cụ thể bằng văn bản, bằng thực tế, bằng con người mà ai ai cũng có thể nhìn thấy, nắm bắt được về tiến trình bán nước cho Tàu của các cấp lãnh đạo đảng CSVN trong gần một thế kỷ nay:

1- Công hàm năm 1958: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tán thành và tôn trọng bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. 

Hậu quả: Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên nguyên tắc, trên giấy tờ là của Tàu cộng.

2- Thảm sát Gạc-Ma: Vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 hải quân quân Tàu cộng tấn công các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải Quân CSVN không được lệnh chống trả. 

Kết quả: đảo mất, người chết.

3- Mật nghị Thành Đô năm 1990: Sau 28 năm (1990-2018) nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Phải chăng cái bí mật của hội nghị Thành Đô là lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đã thỏa thuận: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020...” để đổi lấy sự bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung cộng như 2 tờ báo Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo đã loan tin vào năm 2014: "Trong các cuộc gặp gở tại hội nghị Thành Đô, để đổi lấy sự bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc các nhà lãnh đạo Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận để Việt Nam làm một khu tự trị của Trung Quốc"? 

Hậu quả: - Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt-Tàu năm 1999. Việt Nam mất ải Nam Quan, 1/2 thác Bản Giốc, núi Lão Sơn, cả ngàn cây số vuông đất đai dọc theo biên giới Việt-Tàu (So với công ước Pháp-Thanh 1887).

- Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000: Việt Nam mất 10 ngàn cây số vuông biển.

- Giao đất, giao rừng, giao tài nguyên, giao vị trí chiến lược quân sự của tổ quốc cho Tàu cộng quản lý dưới hình thức hợp tác phát triển kinh tế: Bauxít Tây Nguyên, 342.000 ha rừng đầu nguồn ở các tỉnh xung yếu biên giới hoặc các vị trí chiến lược trên cả nước (Tuổi Trẻ online 24/10/2010), Formosa Hà Tĩnh, các biệt khu Tàu cộng cọng tại các tỉnh và thành phố Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẳng, Phú Quốc...

- Thả lỏng biên giới để người Tàu xâm nhập vào Việt Nam dưới mọi hình thức như du lịch, công nhân, tạm cư, định cư với mục đích pha giống và gây dựng cơ sở hạ tầng cho tương lai như kết hôn, mua nhà, mua đất...

- Lập viện Khổng Tử cùng với việc bắt học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 học tiếng Tàu để người dân Việt Nam quen dần với tư tưởng đại Hán, chữ Hán mà quên đi tư tưởng, bản sắc Việt của cha ông để lại.

- Sửa chữ, sửa ngôn ngữ Việt với mục đích xóa đi nền văn hóa, lịch sử Việt để thay bằng văn hóa và lịch sử Tàu...

Trên thực tế, sau hơn 72 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản, nước Việt nam chúng ta hôm nay hầu như đã hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu cộng trên mọi mặt, kể cả chính trị, quân sự và kinh tế. Nước Việt Nam chúng ta hôm nay chỉ còn cái tên và con người ngoài ra tất cả là Tàu!!!

Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng Bí thư đảng CSVN, 50 tuổi đảng, từng có 6 năm làm Bí Thư thành uỷ Hà Nội, 5 năm làm Chủ Tịch Quốc Hội và 7 năm làm Tổng Bí thư, là người lãnh đạo cao nhất và quyền lực nhất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Với những chức vụ và quyền hạn đó Nguyễn Phú Trọng không thể không thấy, không biết đất nước đang mang hai đại họa do bọn tham quan và quân bán nước gây ra.

Sau khi được đồng đảng cử vào chức vụ Tổng Bí thư trong đại hội đảng lần thứ 12 vào tháng 1 năm 2016, trước vì thân, sau vì Tàu và phe phái trong đảng bắt buộc Nguyễn Phú Trọng phải bộc lộ một nữa cái "thấy và biết" của mình. Từ đó có cao trào chống tham nhũng do y chủ xướng trong suốt 2 năm nay mà mục đích cũng như thực chất và kết quả của cao trào này như thế nào ngày hôm nay chúng ta đã thấy. 

Cứ tạm cho động thái trên của Nguyễn Phú Trọng là chống tham nhũng, thì câu hỏi còn lại của hơn 90 triệu dân Việt Nam là:

Tại sao Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng mà không chống bán nước, chống tham quan mà không chống Việt gian?

Riêng cá nhân tôi xin được trả lời: 

Bởi vì Nguyễn Phú Trọng, chính hắn là một trong những tên Việt gian cọng sản âm mưu bán nước cho Tàu đúng theo châm ngôn của đảng CSVN từ thời Hồ Chí Minh đến nay "Thà mất nước còn hơn mất đảng".

17.01.2018










No comments:

Post a Comment